Về cơ chế tự chủ đối với Bệnh viện công lập: Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với Bệnh viện công lập đã tác động tích cực đến chất lượng hoạt động, như:

28/05/2020 | 08:07 AM

 | 

Về cơ chế tự chủ đối với Bệnh viện công lập: Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với Bệnh viện công lập đã tác động tích cực đến chất lượng hoạt động, như: Đổi mới cơ chế quản lý; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ; chủ động huy động các nguồn lực ngoài ngân sách; chủ động trong chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ y tế, đội ngũ chuyên gia, y, bác sĩ có tay nghề cao,… qua đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và cung ứng dịch vụ y tế. Tuy nhiên, hiện nay, Bệnh viện công lập đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, cụ thể: Theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, tại Khoản 2 Điều 24 (Điều khoản thi hành) nêu: "Trong khi chưa ban hành hoặc sửa đổi Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực cụ thể theo quy định tại Khoản 1 Điều này, các đơn vị sự nghiệp công theo từng lĩnh vực được tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10//2012 Về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập". Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn đối với ngành y tế để thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP hoặc sửa đổi tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Do đó, bệnh viện được tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP nhưng trong khi phải thực hiện yêu cầu xây dựng phương án tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Điều này làm cho bệnh viện rất lúng túng trong việc xây dựng phương án tự chủ, xây dựng dự toán cũng như thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong giai đoạn giao thời về thực hiện giá dịch vụ y tế, các văn bản còn chồng chéo, chưa thống nhất. Đề nghị Bộ Y tế khẩn trương rà soát, hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ của ngành để các địa phương, bệnh viện công lập thống nhất thực hiện (Quảng Ngãi).

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, trong thời gian vừa qua (từ năm 2016 đến nay) Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ. Bộ Y tế đã xin ý kiến các Thành viên Chính phủ và trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP vào ngày 21/5/2019.

Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất cơ chế tự chủ tài chính giữa các lĩnh vực, Chính phủ đã có Nghị quyết không ban hành Nghị định tự chủ riêng cho từng lĩnh vực nên Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP sẽ không được ban hành. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong khi chưa ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, việc phân loại tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp nói chung và sự nghiệp y tế hiện nay thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Thông tư số 71/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, các đơn vị sẽ xác định tổng thu sự nghiệp và tổng chi thường xuyên để tính toán mức độ tự chủ của từng đơn vị.


Thăm dò ý kiến