Cấm toàn bộ mọi hình thức quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá

01/01/2019 | 14:50 PM

 | 

Đó là nội dung được phổ biến tại Hội thảo tăng cường hoạt động tuyên truyền thực thi Công ước khung về kiểm soát thuốc lá và Luật Phòng chống tác hại thuốc lá do Bộ TT-TT tổ chức ngày 27/12 tại Hà Nội. Hàng trăm phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí, truyền thông tham dự chương trình.

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện đứng thứ 3 ở khu vực Châu Á và thứ 15 thế giới về số người hút thuốc lá. Gần một nửa nam giới trong độ tuổi trưởng thành hút thuốc lá. Số người thường xuyên tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá rất cao, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Tác hại của thuốc lá với sức khỏe rất lớn, có tới 90% số người mắc bệnh ung thư phổi, 75% số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… là do sử dụng thuốc lá.

Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, dù đã đạt nhiều kết quả, nhưng công tác phòng chống tác hại thuốc lá vẫn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ người hút thuốc lá trong nam giới cao; ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá còn yếu kém; quảng cáo, tiếp thị sản phẩm thuốc lá diễn ra khá phổ biến…

Thời gian qua, tác động truyền thông của các bài báo, các phóng sự phát thanh- truyền hình về đề tài thuốc lá được duy trì đều đặn, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của mọi người về tác hại của khói thuốc lá. Từ đó, góp phần thực thi các cam kết của Việt Nam trong Công ước khung về kiểm soát thuốc lá và bảo vệ, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tháng 2/2013, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 229/QĐ-TTg về thực hiện “Chiến dịch quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”, tiếp tục nhấn mạnh nỗ lực và cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các quy định của Công ước, trong đó có Điều 13 khuyến nghị các nước cấm triệt để quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá.

Cụ thể, các hành vi bị cấm bao gồm: Cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; cấm tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của luật này; cấm sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá chỉ được tài trợ nhân đạo cho chương trình xóa đói, giảm nghèo; phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; phòng chống buôn lậu thuốc lá và không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ đó.

Tại hội thảo, đại diện Bộ TT-TT đã phổ biến các nội dung liên quan đến phòng chống tác hại của thuốc lá và các quy định liên quan đến việc đưa tin bài, truyền thông, quảng cáo. Bộ TT-TT cũng yêu cầu các cơ quan báo chí hiểu đúng các quy định pháp luật, không thực hiện hoạt động quảng cáo về thuốc lá, đề cập hoạt động tài trợ của công ty thuốc lá trên các sản phẩm báo chí.

Đối với việc tăng cường tuyên truyền về Công ước này cũng như thực thi các quy định của Luật Phòng chống tác haị của thuốc lá, Bộ TT-TT yêu cầu các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí về nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá.

Tuy nhiên, Bộ cũng nhận định, việc thực hiện các quy định về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại như: Một số cơ quan báo chí hiện đang vi phạm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá trong việc đăng tải hoạt động tài trợ của DN thuốc lá và vi phạm Công ước khung về kiểm soát thuốc lá trong việc phối hợp với DN thuốc lá thực hiện hoạt động tài trợ. Các cơ sở mua bán vẫn còn hiện tượng trưng bày quá 1 bao/túi thuốc của cùng một nhãn hiệu thuốc lá; dùng mô hình sản phẩm quảng bá hàng hóa thuốc lá; trưng bày giấu đi hình ảnh cảnh báo sức khỏe; dùng đội ngũ tiếp thị bán thuốc lá… Vì vậy, rất cần đội ngũ truyền thông, báo chí tự nâng cao nhận thức, đổi mới phương thức tuyên truyền, góp phần giúp chiến dịch đẩy lùi tác hại của thuốc lá đạt hiệu quả cao./.


Thăm dò ý kiến