Giải quyết toàn diện các vấn đề về công tác dân số trong tình hình mới

28/11/2020 | 09:57 AM

 | 

Đây là nội dung chính được đưa ra tại Hội thảo cung cấp thông tin định hướng mới của Chương trình dân số Việt Nam do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức sáng nay (11/11) tại Hà Nội.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành TW khóa VII và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được nhiều kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: N.Mai

Cụ thể, tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực; dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng.

Bên cạnh đó, chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng cao. Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện…

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: N.Mai

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú, công tác DS-KHHGĐ ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế như: Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, ở mức nghiêm trọng; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế cả thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.

Trong khi đó, người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con cái còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp; tuổi thọ bình quân tăng trưởng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp hơn so với nhiều nước. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn phổ biến ở một số đồng bào dân tộc ít người. Phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập.

Ông Đinh Thái Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cung cấp bức tranh tổng quan về công tác dân số ở Việt Nam hiện nay. Ảnh: N.Mai

Mặt khác, công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao, vai trò nhà trường còn hạn chế. Nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu tập trung vào KHHGĐ; tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số tại các cấp cơ sở còn thấp. Nguồn lực đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu…

Trên cơ sở đó, để giải quyết toàn diện các vấn đề phát sinh trong công tác dân số trong thời kỳ mới, Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành TW Đảng khóa XII đã đề ra Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong thời kỳ mới với mục tiêu chung: Giải quyết toàn diện các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Ông Mai Trung Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số (Tổng cục Dân số) trình bày định hướng về điều chỉnh mức sinh và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình trong thời gian tới. Ảnh: N.Mai

Để làm được điều này, theo ông Đinh Thái Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) thời gian tới, ngành Dân số cần tập trung vào các giải pháp cụ thể như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đổi mới nội dung tuyền truyền, vận động về công tác dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số.

Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới nâng cao chất lượng dịch vụ dân số; đảm bảo nguồn lực cho công tác dân số. Đặc biệt, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số và nâng cao năng lực cho cán bộ dân số đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế.

Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số Nguyễn Xuân Trường cung cấp thông tin về chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 tại Hội thảo. Ảnh: N.Mai

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều vấn đề của công tác dân số để cùng nhau bàn thảo như: Tổ chức bộ máy làm công tác dân số; vấn đề điều chỉnh mức sinh và nâng cao chất lượng dịch vụ, kế hoạch hóa gia đình trong thời gian tới; giải pháp nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với quá trình già hóa dân số; các chương trình tầm soát, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Cùng với đó, lãnh đạo Tổng cục Dân số, đại diện các vụ, đơn vị chuyên môn của Tổng cục đã có phần giải đáp những thắc mắc, làm rõ những băn khoăn, hiểu chưa đúng về các vấn đề của dân số thời kỳ mới, nhất là vấn đề điều chỉnh mức sinh để các phóng viên, nhà báo hiểu hơn về công tác dân số, góp phần truyền thông về công tác dân số trong tình hình mới một cách hiệu quả nhất.

Để đưa Nghị quyết 21-NQ/TW vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 137/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, trong đó Chính phủ đã giao cho 12 Bộ, ban, ngành xây dựng 42 chương trình, luật, đề án chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 21-NQ/TW.

Thông tin tại Hội thảo cho thấy, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, một số văn bản luật, chiến lược, chương trình, đề án đã được ban hành như: Luật lao động sửa đổi; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030.

Trong thời gian tới, mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số, cơ chế phối hợp liên ngành, mô hình cộng tác viên làm công tác dân số, gia đình trẻ em cũng sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành.

Nguồn: Báo Gia đình và Xã hội


Thăm dò ý kiến