Hội thảo "Định hướng chủ trương chính sách của Đảng trong lĩnh vực y tế"

21/09/2019 | 16:12 PM

 | 

Ngày 20/9/2019, tại Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Định hướng chủ trương chính sách của Đảng trong lĩnh vực y tế".

 Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội thảo. Hội thảo còn có sự tham dự của Lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Ban Tuyên Giáo Trung ương, đại biểu lãnh đạo ban tuyên giáo các tỉnh Ủy, Thành Ủy, cấp ủy chính quyền, Sở Y tế của 20 tỉnh, thành phố khu vực Phía Nam.


GS.TS Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe và thảo luận nhiều vấn đề đang đặt ra hiện nay trong lĩnh vực y tế như việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và tự chủ bệnh viện; góp  ý dự thảo báo cáo Tổng kết Chỉ thị 38-CT/TW về bảo hiểm y tế (BHYT) và chỉ ra nhiều vướng mắc đặt ra trong tình hình mới như bảo đảm công bằng và hiệu quả trong BHYT, thực tiễn và một số khuyến nghị sửa đổi Luật BHYT, các mô hình quản lý BHYT; tình hình dịch HIV/AIDS và công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, tầm quan trọng của ức chế virus HIV đối với người bệnh, cán bộ y tế và cộng đồng; thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp  hành Trung ương về lĩnh vực y học cổ truyền. Nhiều kinh nghiệm, vướng mắc và vấn đề đặt ra trong thực tiễn lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại các địa phương đã được chia sẻ tại Hội thảo...

PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS – KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CÒN KHÁ XA SO VỚI MỤC TIÊU CHẤM DỨT  ĐẠI DỊCH

 

Về công tác phòng, chống HIV/AIDS, theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, trong 10 năm qua đã đạt được nhiều điểm tích cực, với kết quả giảm 2/3 dịch, Việt Nam là điểm sáng trong mô hình phòng, chống HIV/AIDS của thế giới. Tuy nhiên, dù  giảm số người mắc nhưng chưa giảm nhanh và còn khá xa so với mục tiêu 90-90-90, tiến tới chấm dứt đại dịch vào năm 2030. Một điểm cần chú ý là số người nhiễm HIV/AIDS tăng nhanh ở nhóm đồng giới nam, người tiêm chích ma túy và bạn tình của những nhóm này.


 

Ông John Blandford, Giám đốc, văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao việc kiểm soát dịch và giảm kỳ  thị ở Việt Nam. Theo ông, Việt Nam hiện được thế giới ghi nhận về tỷ  lệ ức chế vi rút cao nhất. Những người  sống chung với HIV đang điều trị ARV hiệu quả và mức độ HIV bị ức chế ở mức không thể phát hiện sẽ không lây truyền HIV qua đường tình dục. Có nghĩa, người có HIV, uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ đến mức đạt được và duy trì tài lượng virus không phát hiện (dưới 200 bản sao/ml)  sẽ thực sự không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình HIV âm tính của họ. Ông khuyến cáo, để đạt được mục tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam cần phải tập trung chiến dịch truyền thông K = K (không phát hiện = không lây nhiễm). Cục Phòng, chống HIV/AIDS và UNAIDS đã phổ biến khái niệm không phát hiện = không lây truyền thông qua  những bằng chứng ở những nghiên cứu trên nhóm nguy cơ cao, các nhà cung cấp dịch vụ, cán bộ y tế cũng như bệnh nhân đang điều trị ARV. Đồng thời TS. John cũng đánh giá cao việc Việt Nam sử dụng BHYT trong phòng, chống HIV/AIDS như một giải pháp thay thế dần cho những nguồn tài chính từ bên ngoài, bảo đảm cho mục tiêu chấm dứt đại dịch vào năm 2030.
 
Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định để đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch vào 2030 còn nhiều vấn đề phải làm. Thứ nhất là về nguồn lực còn nhiều khó khăn, chính sách BHYT phải làm sao bao phủ được hết; Thứ hai, nguồn nhân lực để làm công tác tuyên truyền, theo dõi, chăm sóc, phát hiện, điều trị, phòng, ngừa HIV/AIDS còn hạn chế. Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, giảm kỳ thị, vận động hòa nhập cộng đồng…

TỰ CHỦ BỆNH VIỆN, XÃ HỘI HÓA, TRÁNH RƠI VÀO “BẪY LÃNG QUÊN” Y TẾ CƠ SỞ

Thời gian qua, việc tự chủ, xã hội hóa đã mang lại nhiều kết quả tích cực, từng bước nâng cao  chất lượng khám chữa bệnh ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Khảo sát của tổ chức sáng kiến Việt Nam cho thấy tỷ lệ người bệnh hài lòng tăng lên 80,8%.


 

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế  cho biết, tổng hợp từ  55/63 tỉnh thành, thực hiện chủ trương xã hội hóa và tự chủ bệnh viện, ngân sách giảm từ 8.889 tỷ đồng (năm 2018 so với 2015) và nguồn này được chuyển sang hỗ trợ mua  BHYT, các bệnh viện thuộc Bộ Y tế giảm 562 tỷ đồng. Đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 26 bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên, giảm được 30.826 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước với số tiền khoảng 2.900 tỷ đồng/năm. Y tế tư  nhân phát triển nhanh về số lượng và quy mô, đến 2018 đã có 206 bệnh viên, trên 30.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1 % dịch vụ nội trú cho người dân. Số người tham gia BHYT ngày càng tăng, từ 43,76% năm 2009 lên 88,5% năm 2018, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu  tại Nghị quyết số 68/2013/QH13…


Tuy nhiên, tự chủ, xã hội hóa cũng đang đặt ra nhiều vấn đề như nhiều bệnh viện tuyến dưới, vùng khó khăn còn thiếu nhân lực, trang thiết bị nên khó khăn trong thu hút xã hội hóa, thực hiện tự chủ  các hoạt động chuyên môn. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cảnh báo, đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ là chủ trương đúng hướng hiện nay, song cũng cần coi chừng rơi vào bẫy “lãng quên” y tế cơ sở.

Hiện nay vẫn chưa ban hành được các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bệnh viện, chưa có cơ quan kiểm định, đánh giá chất lượng dịch vụ, lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm. Tại một số địa phương, nhiều đơn vị chưa bảo đảm được chi thường xuyên nhưng vẫn giao tự chủ chi  thường xuyên dẫn đến khó khăn trong hoạt động, nhiều định mức  chi chưa được quy định hoặc lạc hậu, không phù hợp với thực tế nên khó khăn cho bệnh viện, trình độ quản lý tài chính của nhiều đơn vị còn hạn chế trong giai đoạn chuyển đổi.

Thảo luận tại Hội thảo, các ý kiến xoay quanh những đề xuất về việc nên chăng giao quyền tự chủ cho từng đơn vị, cơ sở trực thuộc bệnh viện theo các nhóm khác nhau, phân định rõ số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước phải thực hiện tinh giảm, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước  do đơn vị tự chi trả lương từ nguồn thu…


Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh thêm, vấn đề xã hội hóa và tự chủ, là chủ trương của Đảng từ Đại hội XII và thể hiện trong nhiều Nghị quyết. Thời gian qua, đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng bộc lộ một số vấn đề như hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, tăng thu, lạm thu, đẩy vấn đề sang tự chủ quá nhanh, làm khó khăn trong duy trì, phát triển của y tế địa phương… Đồng chí khẳng định, cần hoàn thiện sớm các vấn đề pháp luật, minh bạch hóa quá trình quản lý, mặc dù xã hội hóa, tự chủ nhưng nhà nước vẫn phải đảm bảo tăng đầu tư, cân bằng giữa nhiệm vụ chuyên môn và thu hút tự chủ. Tăng cường chỉ đạo tuyến trên với tuyến dưới, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, để tạo ra sự cân bằng và phát huy tốt hệ thống y tế cơ sở…


BẢO HIỂM Y TẾ - CÓ NƠI “KHÔNG NHỚ” CHỈ THỊ 38


 

Đồng chí Nguyễn Quốc Trung, Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội Ban Tuyên giáo Trung ương đã trình bày một số nội dung cơ bản dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế trong tình hình mới” và lắng nghe các ý kiến góp ý.

 

Nhiều  vấn đề bất cập trong bảo hiểm y tế cũng đã được nêu ra thảo luận. Theo BS Phan Văn Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, nhận thức về vị trí, vai trò của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội chưa cao, có nơi “không nhớ” Chỉ thị 38-CT/TW về BHYT. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn gặp những vướng mắc, tỷ  lệ tham gia BHYT của học sinh, sinh viên và hộ gia đình còn thấp, cần phải tăng tuyên truyền, vận động để người dân tham gia, đồng thời nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng như học sinh, sinh viên và hộ gia đình có mức sống trung bình từ 30-50% mức đóng BHYT. Bác sĩ Phan Văn Toản cũng cho rằng, hiện nhân lực tham mưu quản lý nhà nước của địa phương không tương xứng với vị trí, vai trò của chính sách BHYT, văn bản hướng dẫn còn chồng chéo và khó thực hiện, việc cung ứng dịch vụ KCB BHYT chưa cụ thể về phạm vi quyền lợi, chưa có sự thống nhất trong thanh toán.

Về bảo hiểm y tế, đồng chí Nguyễn Thanh Long đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy tham mưu cho cấp ủy và tăng cường tuyên truyền về BHYT bảo đảm tính bền vững, ổn định. Đồng thời, trong triển khai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế thanh toán theo ca bệnh, bảo đảm tính minh bạch, sự phối hợp và tính nhất quán của các cơ quan trong vấn đề BHYT, giảm bớt gánh nặng với cơ sở y tế, thành lập hệ thống giám định độc lập về BHYT. Đối với vấn đề HIV/AIDS, tiếp tục tuyên truyền, lấy dự phòng là cơ bản và dự phòng đặc hiệu chính là điều  trị.

ỨNG XỬ VỚI Y HỌC CỔ TRUYỀN CÒN NHIỀU BẤT CẬP

 

Việt Nam được Tổ chức y tế thế giới đánh giá là nước có nền y dược cổ truyền phát triển đứng thứ 2 trên thế giới với hệ thống khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh tới tuyến xã và hệ thống đào tạo nhân lực đều có khoa, bộ môn đào tạo về y dược cổ truyền. Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về lĩnh vực y dược cổ truyền. đánh giá, “lợi thế của y, dược cổ truyền, dược liệu dân tộc chưa được phát huy tốt”.


Tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Vũ Khánh, Cục quản lý y dược Cổ truyền, Bộ Y tế nhận định, nguyên nhân là do các cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác phát triển y dược cổ truyền, hành lang pháp lý riêng của y dược cổ truyền chưa hoàn thiện, thiếu đầu tư, không có chính sách và cơ chế đặc thù, khó thu hút nguồn nhân lực, truyền thông về vai trò và tầm quan trọng của y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa tốt. Chính vì vậy, có những vấn đề của y dược cổ truyền trở nên lạc hậu, có vấn đề phát triển mạnh nhưng có nguy cơ bị mất bản sắc mà chưa có chính sách để bảo hộ.


Nhiều đại biểu cho rằng, cơ chế chính sách với y học cổ truyền mặc dù đã được đề cập, quan tâm trong văn bản của Đảng, chính sách của Nhà nước nhưng ứng xử giữa y học cổ truyền và y học hiện đại vẫn còn khoảng cách, bất cập. Thời gian tới, cần có đề xuất thay đổi nhận thức, thể hiện sự quan tâm, mang lại quyền lợi cho người bệnh khi tiếp cận với nền y học cổ truyền, tăng cường đầu tư đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền... Nhiều vấn đề cần giải quyết xoay quanh việc sử dụng thuốc y học cổ truyền tại cơ sở khám chữa bệnh và y tế cơ sở, kiểm soát chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền, nguồn lực cho y dược cổ truyền, nghiên cứu khoa học và thừa kế trong y dược cổ truyền, tổ chức quản lý bất  cập với thực tiễn…

 

Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận các ý kiến, phần trình bày của đại biểu đã đóng góp cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế trong việc đánh giá thực trạng, nêu khó khăn, vướng mắc, những vấn đề đặt ra, đề xuất phương hướng trong thực hiện, xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực y tế. Các ý kiến sẽ được Ban và Bộ ghi nhận, tiếp thu trong việc xây dựng các báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như trong tham mưu xây dựng các quan điểm, chính sách về y tế của Đảng và Nhà nước, phục vụ công tác chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội XIII của Đảng./.


Thăm dò ý kiến