Hội thảo quốc tế Tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần người cao tuổi trong ASEAN

17/11/2020 | 09:02 AM

 | 

Hội thảo nhằm đưa ra bức tranh tổng thể về già hóa dân số trong cộng đồng ASEAN, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số cũng như đưa ra các khuyến nghị chính sách về tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan nhằm thúc đẩy già hóa năng động, khỏe mạnh…

 

Già hóa dân số là một hiện tượng mang tính toàn cầu. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang có sự gia tăng cả về quy mô và tỷ lệ người cao tuổi trong dân số. Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, năm 2020, thế giới có khoảng 727 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,3% tổng dân số thế giới.

Con số này sẽ tăng lên hơn gấp đôi vào năm 2050, đạt hơn 1,5 tỷ người cao tuổi, chiếm 16% dân số thế giới. Đến giữa thế kỷ này, cứ 6 người sẽ có một người trên 65 tuổi.

Hiện nay, Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang có hơn 45 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 7% tổng dân số ASEAN (năm 2019). Con số này sẽ tăng lên là 132 triệu người, chiếm 16,7% tổng dân số ASEAN vào năm 2050.

Description: Hội thảo quốc tế Tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần người cao tuổi trong ASEAN - Ảnh 2.

Già hóa dân số mang lại cả cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia

Thời điểm hiện tại, có 4 quốc gia thành viên ASEAN gồm Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia đang trong giai đoạn già hóa dân số. Tuy nhiên, đến năm 2050, tất cả các quốc gia này sẽ trở thành quốc gia siêu già, trong khi các quốc gia thành viên khác như Indonesia, Campuchia, Philippines, Brunei... sẽ đang ở thời kỳ già hóa dân số hay dân số già.

Riêng tại Việt Nam, nước ta bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Hiện con số này là 7,4 triệu người cao tuổi, chiếm 7,7% tổng dân số. Tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 22,3 triệu người cao tuổi, chiếm 20,4% vào năm 2050.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Nếu các nước phát triển phải mất một thế kỷ hoặc vài thập kỷ để chuyển đổi từ 7% lên 14% dân số ở độ tuổi 65+ như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Úc (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm), Anh (45 năm) ...Việt Nam sẽ chỉ mất 18 năm.

Già hóa dân số mang lại cả cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Về cơ hội, già hóa dân số có thể tạo ra các thị trường mới như trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, du lịch với những nhóm khách đặc thù. Già hóa dân số cũng thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quản lý bối cảnh thiếu hụt lực lượng lao động tại một số quốc gia.

Mặt khác, già hóa dân số cũng mang đến những thách thức lớn cho sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng... đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh không lây nhiễm, cần điều trị suốt đời như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, rối loạn chức năng... cũng như các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Description: Hội thảo quốc tế Tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần người cao tuổi trong ASEAN - Ảnh 3.

Chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò của người cao tuổi để thích ứng với quá trình già hóa dân số.

Trong bối cảnh hiện nay, Đại dịch COVID-19 đang càn quét khắp thế giới, nguy cơ tử vong do căn bệnh này ở người cao tuổi cao hơn các nhóm dân số khác, dù có sự khác nhau tại mỗi nước.

Nằm trong khuôn khổ năm ASEAN, Việt Nam phối hợp cùng các đối tác tổ chức Hội thảo quốc tế "Tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần người cao tuổi trong ASEAN".

Mục tiêu của Hội thảo nhằm đưa ra bức tranh tổng thể về già hóa dân số trong cộng đồng ASEAN (bao gồm thực trạng, xu hướng, tình trạng sức khỏe, sức khỏe tâm thần, nhu cầu chăm sóc và tình hình chăm sóc người cao tuổi của các quốc gia thành viên ASEAN và nhất là trong bối cảnh COVID-19); chia sẻ kinh nghiệm nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số trong cộng đồng ASEAN; phối hợp giữa các bên liên quan để thúc đẩy quá trình già hóa tích cực lành mạnh trong cộng đồng ASEAN.

Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị chính sách cho ASEAN về tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan nhằm thúc đẩy già hóa năng động, khỏe mạnh và sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi trong cộng đồng ASEAN; khuyến nghị chính sách cho ASEAN về tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan trong việc thúc đẩy quá trình già hóa năng động và khỏe mạnh trong cộng đồng ASEAN.

Hội thảo cũng là thời điểm thích hợp để tái khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi và tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan trong khu vực.

Hội thảo với sự tham dự của Ban Thư ký ASEAN, các quốc gia thành viên ASEAN, các cơ quan Liên Hợp Quốc, tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ, các học giả và các bên liên quan khác ở Việt Nam và khu vực tham dự Hội thảo này.

Nguồn: Báo Gia đình và Xã hội


Thăm dò ý kiến