Những định hướng lớn của công tác dân số trong thời gian tới

07/07/2019 | 14:23 PM

 | 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nhiều vấn đề dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước đã được đặt ra, đòi hỏi sự chuyển hướng chiến lược trong công tác quan trọng này.

 
 

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay, công tác dân số thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng, tuy nhiên, trước tình hình thế giới, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi, để đáp ứng yêu cầu chuyển trọng tâm công tác dân số từ DS-KHHGĐ sang Dân số và phát triển, cần giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số, không đơn thuần là KHHGĐ.

Thách thức dân số ảnh hưởng đến phát triển bền vững

Theo đó, Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế trên 12 năm. Nghĩa là mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ có trung bình 2 - 2,1 con. Hơn 2/3 số cặp vợ chồng ở nước ta chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai.

"Mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con đã trở thành chuẩn mực, thấm sâu trong toàn xã hội" - ông Nguyễn Doãn Tú nói.

Đến hết năm 2018, dân số Việt Nam là khoảng 95 triệu người. Ước tính quy mô dân số giảm được khoảng 20 triệu người nhờ các chính sách DS-KHHGĐ phù hợp.

Bên cạnh đó, các dịch vụ dân số được mở rộng, chất lượng ngày càng cao và gần dân hơn.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Dân số nước ta cũng chỉ rõ nhiều vấn đề dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Những định hướng lớn của công tác dân số trong thời gian tới - Ảnh 1.

Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là một trong những định hướng lớn của công tác Dân số thời gian tới

"Việt Nam có quy mô dân số lớn, đứng thứ 14 trên thế giới, mật độ dân số cao. Chúng ta cũng là một trong 7 nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới. Thời gian còn lại của thời kỳ dân số vàng không nhiều..." - ông Nguyễn Doãn Tú nói

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, mức sinh ở Việt Nam có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Khu vực kinh tế xã hội có nhiều khó khăn thì mức sinh cao, có nơi rất cao (như Lai Châu 3,11 con năm 2014). Nhưng ở vùng đô thị, vùng phát triển thì con số này xuống thấp, có nơi thấp xa hơn mức sinh thay thế.

Đặc biệt, Tổng cục trưởng nhấn mạnh đến mất cân bằng giới tính khi sinh khi chỉ số này tăng nhanh, được đánh giá là nghiêm trọng và ngày càng lan rộng.

Bên cạnh đó là những thách thức trong chất lượng dân số, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, phân bố dân số, quản lý dân cư... còn những bất cập, hạn chế, nhất là vấn đề về tổ chức bộ máy, nguồn lực đầu tư từ Trung ương tới cơ sở.

Những định hướng lớn

Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết, Nghị quyết 21 nhấn mạnh tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển.

"Tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ rằng, chuyển trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển không có nghĩa là xem nhẹ công tác KHHGĐ mà đây vẫn là nội dung hết sức quan trọng. Bởi quy mô phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của nước ta vẫn còn rất cao, nhu cầu về cung cấp các dịch vụ về KHHGĐ vẫn rất lớn mà hiện nay chúng ta vẫn chưa đáp ứng được" - Tổng cục trưởng cho hay.

Do đó, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú, trong thời gian tới, bên cạnh việc phát triển toàn diện, ngành Dân số vẫn song song tập trung đẩy mạnh tư vấn và cung ứng dịch vụ DS/SKSS/KHHGĐ, đặc biệt là cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Nhiệm vụ giảm sinh đã đạt được mục tiêu nhưng vẫn phải liên tục duy trì. Giai đoạn tiếp theo công tác dân số phải triển khai đồng loạt các vấn đề khác. Trước những vấn đề mới, thách thức mới, công tác truyền thông vận động xã hội có một vai trò rất lớn. Công tác dân số từ trước đến nay và sau này vẫn là cuộc vận động xã hội rộng lớn, nếu không có sự tham gia của cả hệ thống chính trị thì không thể thành công.

Thời gian tới, ngành Dân số sẽ tập trung truyền thông vào 6 vấn đề chính: (1) Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; (2) Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi của dân số ở mức hợp lý; (3) Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững; (4) Thích ứng với già hóa dân số đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; (5) Phân bố dân số hợp lý, đảm bảo hài hòa các quyền và nghĩa vụ của người di cư, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh; (6) Nâng cao chất lượng dân số cả về thế chất, trí tuệ và tinh thần, tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Để triển khai thành công các định hướng, mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết 21-NQ/TW đã nhấn mạnh: Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số. Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Nghị quyết đó là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ; bảo đảm nguồn lực; kiện toàn tổ chức bộ máy... Từ đó, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số./.

Nguồn: Báo Gia đình xã hội


Thăm dò ý kiến