Phụ nữ trên 40 tuổi cần đi tầm soát bệnh ung thư vú

02/01/2020 | 09:04 AM

 | 

Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Phạm Cẩm Phương khẳng định, bệnh ung thư vú là căn bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Thế giới đã cập nhật xét nghiệm sinh học phân tử, xét nghiệm gen, BRCA1, BRCA2 - 2 gen có liên quan đến ung thư vú và buồng trứng ở nữ giới. Nếu phát hiện người mang gen có nguy cơ gây bệnh sẽ giúp tầm soát sớm bệnh ung thư và điều trị hiệu quả.

 

Ngày 31/12, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai  đã tổ chức tọa đàm Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú.  Buổi tọa đàm đã thu hút rất đông bệnh nhân ung thư vú tham gia. Tại đây các y bác sĩ đã cung cấp những kiến thức dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, cập nhật cách phát hiện sớm bệnh ung thư vú, đồng thời trả lời trực tiếp các thắc mắc của bệnh nhân trong quá trình điều trị căn bệnh của mình.

Theo Tổ chức ghi nhận ung thư Thế giới GLOBOCAN 2018, trên thế giới có 2.088.849 trường hợp ung thư vú mới mắc (chiếm 24,2% trong tổng số tất cả các loại ung thư ở nữ) và 626.679 trường hợp tử vong do ung thư vú. Tại Việt Nam, có 15229 ca mắc mới chiếm 20,6%, có 6103 ca tử vong chiếm 13.9% các bệnh ung thư ở nữ giới.

Mái nhà chung của những bệnh nhân ung thư vú

PGS.TS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ khi thành lập Câu lạc bộ (CLB) bệnh nhân ung thư vú, từ cuối năm 2018 đến nay, số thành viên ban đầu chỉ khoảng 80 bệnh nhân, đến nay CLB đã thu hút được hơn 100 bệnh nhân tham gia. Cứ 2-3 tháng một lần, các bệnh nhân ung thư vú lại cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ tình hình bệnh tật, kinh nghiệm điều trị hay đơn giản chỉ là những gì mà họ trải qua trong cuộc sống. Tại "mái nhà chung" này, các y bác sĩ của Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai cũng đã và đang cung cấp những thông tin, giải đáp mọi câu hỏi, phổ biến những kiến thức cần thiết, nhằm giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Bệnh nhân Vũ Thị Tâm, 66 tuổi ở  Hoàng Hoa Thám, Hà Nội cho biết, mình phát hiện mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 2 từ tháng 3/2019. Bà cho rằng sức khỏe mình rất tốt và không có một dấu hiệu mắc bệnh nào, thậm chí không đi khám sức khỏe định kỳ. Tình cờ, bà phát hiện ra 1 cục cứng rất nhỏ ở vú to bằng hạt ngô, nhưng không đi khám ngay. Chỉ đến khi cảm thấy ấn vào cục cứng đó thấy đau mới đi khám bệnh. Rất may là bệnh mới chỉ ở giai đoạn 2 và khối u có kích thước 3x3. Bà Tâm cho biết, mình đã được chỉ định xạ trị 3 lần, hiện sau kiểm tra, bệnh tiến triển tốt. Bác cho biết, nhờ vào sự tư vấn và nói chuyện, chia sẻ với các bác sĩ mà tinh thần của bà tốt lên từng ngày, việc điều trị rất có hiệu quả. "Bác sĩ ở đây động viên tôi rất nhiều, họ giải đáp mọi thắc mắc từ lúc trước và sau mổ. Họ bảo tôi rằng, để chiến thắng được bệnh này, 50% là tinh thần. Sau khi mổ, tôi sụt 8kg, nhưng nay cân nặng đã trở về gần bằng với lúc trước khi mổ", bà Tâm nói.

Bệnh nhân Tâm còn cho biết rất thích tham gia CLB, bởi ở đây không chỉ được chia sẻ với các chị em cùng cảnh ngộ, còn được bác sĩ tư vấn từ chuyện ăn uống sinh hoạt đến vận động, tập luyện đều được hướng dẫn đầy đủ, nên "Tôi cảm thấy rất hài lòng", bà Tâm hồ hởi chia sẻ.

Tại cuộc gặp gỡ đúng dịp cuối năm ở CLB bệnh nhân ung thư vú có một bệnh nhân rất đặc biệt, người từng công tác lâu năm tại Bệnh viện Bạch Mai nay đã về hưu, đó là nữ điều dưỡng Trần Thị Minh. Bà Minh vui vẻ cho biết, trước đây mình phục vụ người bệnh, nay mình lại là bệnh nhân được chính các y bác sĩ của BV Bạch Mai tận tình chăm sóc, nên thấy rất vui. Bà Minh cho hay, hiện tại bệnh ung thư vú của mình đã ổn định, vẫn phải theo dõi và dùng thuốc định kỳ. "Tham gia CLB này tôi thấy rất bổ ích. Đến đây tôi thấy những bệnh nhân ung thư sẽ  được trao đổi, chia sẻ với nhau. Trong 7 năm qua, tôi thấy quan trọng nhất trong điều trị bệnh ung thư là được  trò chuyện, giải tỏa tư tưởng." , bà Minh chia sẻ.

PGS.TS Phạm Cẩm Phương cho biết, CLB ung thư vú sẽ mang lại cho bệnh nhân ung thư vú những hiểu biết thiết thực về căn bệnh này, từ đó, người bệnh sẽ tự ý thức tuân thủ hơn trong quá trình điều trị, theo dõi bệnh nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Các y bác sĩ mong muốn mỗi một người bệnh sẽ trở thành 1 người tuyên truyền viên để có thể giúp đỡ những người xung quanh nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú, có ý thức tự khám và khám sàng lọc vú nhằm đẩy lùi tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư vú gây ra.

Có thể phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú

PGS.TS Phạm Cẩm Phương cho biết, ung thư vú là bệnh lý ác tính thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới cũng như Việt Nam. Ung thư vú thường gặp ở phụ nữ sau 40 tuổi. Các đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư vú bao gồm những người sinh con muộn, không cho con bú, những người trong gia đình có mẹ hoặc bà, anh chị em mắc bệnh ung thư vú, phụ nữ có kinh nguyệt sớm hay mãn kinh muộn cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh. Ngoài ra, những người có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến vú như xơ nang tuyến vú người béo phì, lười vận động, ăn thức ăn nghèo vitamin, hút thuốc lá, uống rượu, môi trường độc hại, ô nhiễm cũng có nguy cơ cao bị ung thư vú.

Mặc dù ung thư vú có tỷ lệ mắc mới cũng như tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị, ung thư vú là bệnh lý có thể phát hiện ở giai đoạn sớm và điều tri khỏi hoàn toàn, PGS Phương khẳng định. Cho đến thời điểm hiện tại thế giới đã cập nhật xét nghiệm sinh học phân tử, xét nghiệm gen, để biết được một người có nguy cơ mang gen mắc bệnh hay không. Xét nghiệm gen BRCA1, BRCA2 là 2 gen có liên quan đến ung thư vú và buồng trứng ở nữ giới, ung thư tuyến tụy và ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Nếu phát hiện một người mang gen có nguy cơ gây bệnh, từ đó giúp tầm soát sớm ở giai đoạn sớm.

"Tại bệnh viện Bạch Mai, Cho đến nay, chúng tôi đã khám sàng lọc cho hàng nghìn phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú, chẩn đoán và điều trị thành công cho hàng trăm bệnh nhân ung thư vú, cũng như tổ chức được CLB dành cho bệnh nhân", Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai PGS.TS Phạm Cẩm Phương cho hay.

Để phòng  bệnh ung thư vú, người dân nên có thói quen khám bệnh định kỳ mỗi 6 tháng , phụ nữ trên 40 tuổi nên đi tầm soát bệnh ung thư vú, PGS Phương khuyên. Phụ nữ có thể tự khám vú sau khi sạch kinh, nếu thấy bất cứ bất thường nào ở vú cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời. Người dân muốn có một sức khỏe tốt, phòng tránh bệnh tật, cần có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan yêu đời.

CLB bệnh nhân ung thư vú tại BV Bạch Mai được tổ chức lần đầu vào ngày 25/12/2018 và sinh hoạt định kỳ mỗi 2- 3 tháng. CLB đã thu hút được rất đông bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Đây là nơi mà các bác sĩ chuyên khoa ung thư có thể chia sẻ những kiến thức về bệnh ung thư vú đến gần hơn với người bệnh, và cũng là nơi người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân có thể chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm trong quá trình điều trị và theo dõi bệnh.

Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai


Thăm dò ý kiến