Tiếp tục phát huy vai trò của người cao tuổi trong tình hình mới

24/11/2020 | 09:19 AM

 | 

Thông tin mới nhất từ Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có trên 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số.

 

Người cao tuổi có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng

Hội Người cao tuổi Việt Nam tập hợp trên 9,5 triệu hội viên tham gia sinh hoạt. Hiện nay, cả nước có trên 1,24 triệu người cao tuổi đảm nhận các chức vụ lãnh đạo chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, cán bộ Mặt trận ở khu dân cư… Người cao tuổi đã nêu cao gương sáng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần vào sự nghiệp ổn định chính trị - xã hội.

Ngoài ra, hàng triệu người cao tuổi vẫn tham gia làm kinh tế giúp đỡ con, cháu. 60/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng được 2.985 câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút trên 160.000 thành viên tham gia. Mỗi năm, có khoảng 1,1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ; trên 3,6 triệu người cao tuổi (chiếm 40,86%) được khám, tư vấn các bệnh về mắt…

Phát biểu tại Hội nghị Biểu dương cán bộ hội người cao tuổi tiêu biểu toàn quốc trong phong trào thi đua yêu nước "Tuổi cao - gương sáng" giai đoạn 2015-2020 vừa được Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức ngày 26/10, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Người cao tuổi có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng; là nền tảng của gia đình, là lớp người có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Ảnh: TL

Theo Phó Chủ tịch nước, công tác vận động, tập hợp phát huy vai trò của người cao tuổi tham gia xây dựng đảng, chính quyền, phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh Tổ quốc thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều người cao tuổi là cán bộ khoa học, nhà giáo, thầy thuốc sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh cho nhân dân. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín cũng đã tích cực phát huy vai trò là nòng cốt tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và là trung tâm đoàn kết đồng bào các dân tộc, các tôn giáo…

Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người cao tuổi

Nhấn mạnh thời gian tới, già hóa dân số ở nước ta có xu hướng gia tăng; đặc biệt trước tác động của đại dịch COVID-19, cũng như thiên tai, bão lũ, người cao tuổi là đối tượng sẽ dễ bị tác động đến sức khỏe cũng như sự an toàn nhất,

Phó Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, gia đình, xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Luật Người cao tuổi cũng như chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chăm lo người cao tuổi.

Phó Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trong tình hình mới; chăm sóc toàn diện về tinh thần và vật chất; khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế-xã hội; tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng; giáo dục con cháu cùng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng thời, Phó Chủ tịch nước yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng phát triển hệ thống chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế; có chính sách khuyến khích phát triển cơ sở an dưỡng, chăm sóc, cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, sinh hoạt của người cao tuổi; bảo đảm người cao tuổi có cơ hội được bình đẳng tham gia và hưởng thụ thành quả phát triển.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch nước đề nghị Hội Người cao tuổi Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi; quan tâm đến người cao tuổi neo đơn, có cuộc sống khó khăn ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; người cao tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguồn: Báo Gia đình và Xã hội


Thăm dò ý kiến