Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới

17/11/2020 | 09:03 AM

 | 

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức sáng 17/11/2020. Theo đó, 4 nước: Anh, Đức, Thụy Sĩ và Việt Nam có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỉ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%.

 

TS Hoàng Đình Cảnh phát biểu tại họp báo.

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, đến nay cả nước có 153.000 bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV. Tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế và dưới 200 bản sao/ml được duy trì cao qua các năm. Tỷ lệ ức chế tải lượng HIV ở người đang điêu trị thuốc ARV cao, sau 12 tháng điều trị ARV là 95,5% và sau 48 tháng là 96,1%, cao hơn các quốc gia khác…

Tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV được mở rộng. Nếu như 2005, tiêu chuẩn điều trị TCD4 ≤ 200 TB/mm3, năm 2009 TCD4 ≤ 250,  năm 2011 TCD4 ≤ 350, năm 2015 TCD4 ≤ 500 và hiện nay điều trị ARV không phụ thuộc vào tế bào TCD4 và giai đoạn lâm sàng. Thời gian được điều trị thuốc ARV được rút ngắn từ khi có kết quả khẳng định và từ khi đủ tiêu chuẩn điều trị, giảm từ 350 ngày xuống 1 ngày- Điều trị ARV trong ngày. Số bệnh nhân được điều trị ARV tăng 55 lần so với năm 2005.

Ở nước ta, người đầu tiên nhiễm HIV vào năm 1990 là một phụ nữ sống tại thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn đang sống khỏe mạnh và làm việc bình thường nhờ tuân thủ điều trị tốt. Đây là một trong những trường hợp minh chứng cho chất lượng điều trị tại Việt Nam. Với người nhiễm HIV, nếu được tiếp cận điều trị sớm, tuân thủ điều trị tốt thì CD4 sẽ đạt dưới ngưỡng phát hiện, sẽ không làm lây truyền HIV, sống khỏe mạnh và tăng tuổi thọ và tuổi thọ có thể đạt gần như người bình thường. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm (thông qua xét nghiệm), điều trị sớm và tuân thủ điều trị là rất quan trọng. Các chuyên gia khuyến cáo.

Bên cạnh công tác điều trị, trải qua 30 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS, Việt Nam cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu và trở thành điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Điển hình, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và khoảng 200.000 người không bị tử vong do AIDS.

Quang cảnh buổi họp báo.

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS bắt đầu từ ngày 10/11 đến ngày 10/12 hàng năm, nhằm huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để đạt được các mục tiêu 90-90-90 và các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030; Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người; Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.

Năm 2020 cũng là dịp kỷ niệm 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng để Việt Nam cùng đối tác nhìn lại các thành quả mà chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được trong suốt 30 năm qua. Cùng với những bài học kinh nghiệm đã trải qua, và Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là cơ hội chấm dứt dịch bệnh AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến