Điểm tin y tế ngày 03/11/2018

04/11/2018 | 00:48 AM

 | 

I. THÔNG TIN Y TẾ TRONG NƯỚC

 

1. Đà Nẵng lên kế hoạch giảm tải bệnh viện

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch giảm quá tải bệnh viện đến năm 2025.

Mục tiêu cụ thể đề ra là giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện, nhất là các bệnh viện hạng 1 (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi, Bệnh viện Ung bướu); phấn đấu đến năm 2020 công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện đạt 99%, và đến năm 2025 đạt tỷ lệ 95%.

Đi đôi với đó là nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại tất cả các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế thành phố trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Đồng thời, giảm số lượng bệnh nhân khám cho mỗi bác sĩ, cán bộ y tế, cụ thể là phấn đấu đến năm 2025 mỗi bác sĩ chỉ khám từ 25-30 người bệnh/một ngày làm việc.

Không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường, đảm bảo không xảy ra quá tải cả ở khu vực phòng khám và khu vực điều trị nội trú, phấn đấu đến năm 2020 đạt 89,21 giường bệnh/vạn dân và đến năm 2025 đạt 101,48 giường bệnh/vạn dân.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ y tế, phù hợp với đặc điểm cung cấp dịch vụ của từng đơn vị và theo phân tuyến kỹ thuật. Từng bước thực hiện để đến năm 2025 có thể liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố Đà Nẵng với các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc và tăng số lượng kỹ thuật y tế chuyên sâu được thực hiện thành công tại các bệnh viện của toàn ngành. Từng bước triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại 11 xã thuộc huyện Hòa Vang và đến năm 2025 sẽ triển khai trên toàn địa bàn thành phố.

Kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch nêu trên được lấy từ nguồn ngân sách thành phố, nguồn tự chủ của các bệnh viện, xã hội hóa, liên doanh liên kết, viện trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác. (373)

 

2. TPHCM: Số ca mắc sởi vẫn tiếp tục tăng

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong tuần 43 thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, tăng 5 ca so với tuần trước đó.

Trong khi năm 2017, thành phố không ghi nhận ca mắc sởi nào thì trong năm nay, số ca tích lũy  bệnh tính tới thời điểm này là 326 ca. Trong đó, 24/24 quận huyện đều có ca bệnh sởi, các quận huyện có nhiều nhất là Thủ Đức, quận 7, Bình Thạnh, Bình Tân.

Còn đối với bệnh tay chân miệng trong tuần qua số ca mắc bắt đầu giảm hơn 40% tuy nhiên tính số ca tích lũy từ đầu năm đến nay 5.350 ca cao hơn cùng kỳ năm 2017 là 15%. Bệnh sốt xuất huyết cũng bắt đầu tăng, trong tuần ghi nhận 898 ca tăng 6% so với những tuần trước đó và tổng số ca tích lũy từ đầu năm đến nay 16.711 ca.

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở y tế TPHCM, dịch bệnh hiện đang được kiểm soát tốt nhưng đây là thời điểm nắng nóng vào mùa nên dịch bệnh bắt đầu bùng phát, tăng số ca mắc tay chân miệng thông qua đường ăn uống, tiêu hóa. Tình hình dịch sởi cũng tăng so với năm trước. “Nguyên nhân do vấn đề tiêm chủng của trẻ chưa đáp ứng đủ các tiêu chí của chương trình tiêm chủng mở rộng. Tại thành phố, tập trung lớn vào những trẻ nhập cư, khi rời khỏi địa phương thì địa phương không còn quản lý nhưng khi nhập cư vào thành phố thì thành phố lại chưa có danh sách tiêm chủng nên không thể nắm hết danh sách.”, ông Bỉnh cho biết.

Để đảm bảo chương trình tiêm chủng mở rộng, theo giám đốc Sở Y tế TPHCM, thành phố sẽ thực hiện việc tiêm phòng sởi cho trẻ và quyết tâm dứt điểm trong tháng 11 để tránh sự phát triển, lây lan trong những tháng cuối năm. Thậm chí ngành y tế sẽ tổ chức tiêm sởi tại trường học nếu những trường nào đông số trẻ chưa tiêm đủ các mũi. (368)

 

3. TP Hồ Chí Minh sẽ tiêm vắc xin phòng sởi ngay tại trường học

Trước tình trạng số ca mắc sởi tiếp tục tăng, ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tiêm sởi tại các trường học có đông trẻ chưa tiêm đủ các mũi.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong tuần 43, thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, tăng 30 ca so với tuần trước đó. Hiện đã có 24/24 quận, huyện có ca bệnh sởi; trong đó quận Thủ Đức, quận 7, Bình Thạnh, Bình Tân có nhiều ca nhất.

Đối với bệnh tay chân miệng, trong tuần qua, số ca mắc bắt đầu giảm hơn 40%, tuy nhiên tính số ca tích lũy từ đầu năm đến nay là 5.350 ca, vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2017 là 15%. Bệnh sốt xuất huyết cũng bắt đầu tăng, trong tuần ghi nhận 898 ca, tăng 6% so với những tuần trước đó và tổng số ca tích lũy từ đầu năm đến nay 16.711 ca.

Tại buổi họp về tình kinh hình tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh tháng 10 do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, dịch bệnh hiện đang được kiểm soát tốt, nhưng đây là thời điểm nắng nóng vào mùa nên dịch bệnh bắt đầu bùng phát, tăng số ca mắc tay chân miệng thông qua đường ăn uống, tiêu hóa. Tình hình dịch sởi cũng tăng so với năm trước, nguyên nhân do vấn đề tiêm chủng của trẻ chưa đáp ứng đủ các tiêu chí của chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, tại TP Hồ Chí Minh tập trung số lượng lớn trẻ nhập cư, khi rời khỏi địa phương thì địa phương không còn quản lý nhưng khi nhập cư vào thành phố thì thành phố lại chưa có danh sách tiêm chủng nên không thể nắm hết danh sách.

"Để đảm bảo chương trình tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện việc tiêm phòng sởi cho trẻ và quyết tâm dứt điểm trong tháng 11 để tránh sự phát triển, lây lan trong những tháng cuối năm. Thậm chí, ngành y tế sẽ tổ chức tiêm sởi tại trường học nếu những trường nào đông số trẻ chưa tiêm đủ các mũi", ông Bỉnh cho biết thêm.

Nhằm đẩy lùi dịch bệnh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu từ nay đến cuối năm, ngành y tế thành phố phải tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn thành phố; đồng thời tiếp tục triển khai và kiểm tra giám sát các hoạt động phòng chống các bệnh số xuất huyết, sởi, vi rút Zika, thủy đậu... tại các quận, huyện.

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, để làm tốt công tác phòng bệnh, cần có sự tham gia của nhiều bên trong việc thực hiện tiêm phòng sởi cho trẻ. Đối với các quận huyện, cần rà soát trẻ sinh sống trên địa bàn, bao gồm trẻ định cư, tạm trú và chưa có giấy tạm trú. Hơn nữa, phần lớn sởi xảy ra ở trẻ mầm non, do đó ngành giáo dục cũng phải vào cuộc; giáo viên cần kiểm tra bảng chích ngừa của trẻ, cung cấp số liệu cho ngành y tế để đảm bảo chương trình tiêm chủng mở rộng. (605)

 

4. Cơ quan thú y nói gì về ổ dịch cúm trên đàn gia cầm gần 3.000 con tại Phú Yên?

Liên quan đến ổ dịch cúm gia cầm vừa xuất hiện tại tỉnh Phú Yên, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho rằng đây là ổ dịch có chủng virus độc lực cao.

Theo ông Nguyễn Văn Long-Trưởng phòng Dịch tễ Thú y-Cục Thú y (Bộ NNPTNT), ổ cúm gia cầm vừa bị phát hiện tại Phú Yên là ổ dịch có chủng virus độc lực cao A/H5N6, giống như chủng virus A/H5N1. Chủng virus này đã được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014, hiện thỉnh thoảng vẫn xuất hiện tại một số ổ dịch nhỏ lẻ và đều được xử lý triệt để.

Về ổ dịch tại Phú Yên, “ngay sau khi phát hiện lực lượng thú y địa phương đã tiến hành lấy mẫu và gửi xét nghiệm, kết quả có dương tính với virus H5N6.Cục Thú y đã cử cán bộ Thú y vùng IV (Đà Nẵng) phối hợp với tỉnh Phú Yên, lực lượng chuyên môn của tỉnh để xử lý ổ dịch” - ông Nguyễn Văn Long cho biết.

Hiện tại, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tiêu huỷ toàn bộ đàn gà 2.900 con của 2 hộ gia đình tại ổ dịch; đồng thời, vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực ổ dịch. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên cũng đã cấp 5.000 lít hoá chất sát trùng để phun toàn bộ khu vực lân cận ổ dịch; cấp 300.000 liều vắc xin để tiêm phòng bao vây ổ dịch tại toàn bộ khu vực đang có ổ dịch...

Theo nhận định của Cục Thú y, nguy cơ dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng virus cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. 

Do đó, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời; chủ động triển khai giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có dịch bệnh hoặc có mẫu giám sát cho kết quả dương tính với các chủng virus cúm gia cầm có nguy cơ gây bệnh ở gia cầm và gây bệnh ở người.

Theo khuyến cáo của Cục Thú y, khi phát hiện gia cầm có triệu chứng mắc bệnh, ốm, chết phải báo ngay cho cơ quan thú y cơ sở, lấy mẫu xét nghiệm. Nếu dương tính với virus chủng H5N1 hoặc H5N6, phải phối hợp với cơ quan chuyên môn của Trung ương, chính quyền địa phương tiến hành tiêu huỷ đàn gia cầm mắc bệnh, tiêu diệt mầm bệnh không để lây lan ra ngoài.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan thú y tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng cho đàn gia cầm.Hiện nay, Việt Nam đã có đủ chủng loại vắcxin để tiêm phòng bệnh cho đàn gia cầm có hiệu quả.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, từ ngày 27.10–1.11.2018, đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại 2 hộ chăn nuôi thuộc thôn Đông Bình, xã Hòa An, huyện Phú Hòa. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm 2.900 con (2.800 con gà và 100 con vịt) của 2 hộ chăn nuôi và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. (673)

 

5. Phú Yên: Dịch cúm A H5N6 có thể lây lan sang người cần khẩn cấp ngăn chặn

Ổ dịch cúm A H5N6 trên đàn gia cầm với số lượng hàng nghìn con tại thôn Đông Bình, xã Hoà An, huyện Phú Hoà, Phú Yên được phát hiện.

Thông tin trên do ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và thú y Phú Yên cho biết. “Điều đáng lo ngại chủng vi-rút cúm A H5N6 có độc lực rất mạnh, có khả năng lây sang người” – ông Lâm nói.

Chiều 1/11, gần 2.000 gia cầm (chủ yếu là gà) tại ổ dịch cúm gia cầm cúm A H5N6 của ông Nguyễn Thanh Cảnh đã được khẩn cấp tiêu hủy. Ổ dịch này bùng phát vào ngày 27/10.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Chi cục Chăn nuôi và thú y Phú Yên đã tham mưu UBND tỉnh cấp 5.000 lít thuốc tiêu độc, sát trùng, khử trùng và 300 nghìn liều vắc xin cúm gia cầm tiêm phòng bao vây khẩn cấp cho vùng nguy cơ cao là xã Hòa An.

Trước diễn biến nguy hại về dịch cúm H5N6 người dân cần giữ vệ sinh sạch sẽ nơi sinh hoạt của gia đình và chuồng trại chăn nuôi để đảm bảo không phát tán lây lan ổ dịch trên diện rộng. (212)

 

6. Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Không chủ quan, lơ là

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khá phức tạp, ngành nông nghiệp Hà Nội đang ráo riết triển khai các biện pháp phòng chống.

Nguy cơ lây nhiễm cao

Theo Tổ chức Thú y thế giới, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy trên 500.000 con. Riêng từ đầu tháng 8/2018 đến nay, tại Trung Quốc đã phát hiện 14 ổ dịch với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại mắc bệnh buộc phải tiêu hủy. Thời điểm này, Việt Nam chưa xuất hiện dịch, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất cao, nhất là thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc qua biên giới. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của người dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín cũng có thể đưa virus dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.Tại Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn là rất cao, do TP có tổng đàn lợn đứng tốp đầu cả nước với khoảng 2,04 triệu con. Hơn nữa, Hà Nội tiếp giáp với nhiều tỉnh, TP, có nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào nên công tác quản lý dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Toàn TP có 259 cơ sở, điểm giết mổ lợn, riêng cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hàng ngày giết mổ từ 1.700 – 2.000 con lợn, những ngày giáp Tết Nguyên đán lên tới 2.800 - 3.000 con/ngày. Trong số đó, 70% nhập từ các tỉnh, TP khác về. Đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. 

Cả cộng đồng cùng vào cuộc

Thực tế ở các địa phương hiện nay, công tác phòng chống dịch vẫn còn nhiều bất cập. Do chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán nên việc kiểm soát dịch rất khó khăn. Ngoài ra, ý thức của nhiều hộ chăn nuôi chưa cao, còn lơ là, chủ quan đối với công tác phòng chống dịch bệnh.Ông Đồng Văn Đệ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức hiện chăn nuôi hơn 30 con lợn. Tuy thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh và được cơ quan thú y hướng dẫn cách phòng dịch nhưng ông Đệ vẫn khá chủ quan cho rằng: "Dịch bệnh còn ở rất xa Việt Nam nên không đáng lo lắm". Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, do bệnh có diễn biến khá phức tạp, nếu để xảy ra dịch thì hậu quả rất nghiêm trọng, trong khi hiện nay chưa có vaccine đặc trị bệnh. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm lúc này cần tập trung triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn, chú trọng đến việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của cả cộng đồng đối với phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn lợn, chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở hàng ngày theo dõi đàn lợn nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. "Cần huy động cả cộng đồng cùng chung tay để phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất" - ông Tường chia sẻ. (659)

 

7. Đồng Nai: 7 lần đổi địa điểm mổ heo lậu để “né” kiểm tra

Cứ sau mỗi lần địa điểm mổ heo lậu bị cơ quan chức năng phát hiện, Hoàng lại thuê 1 nơi khác để tiếp tục hoạt động, mổ heo không rõ nguồn gốc cung cấp cho các chợ. Đến nay, ông chủ lò mổ heo lậu này đã bị cơ quan chức năng xử phạt 7 lần.

Khoảng 1h ngày 2/11, Đội kiểm vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), bất ngờ kiểm tra và phát hiện 1 cơ sở giết mổ heo lậu quy mô lớn tại ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất. Cơ sở này do ông Trần Thanh Hoàng làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện có 5 nhân công đang thực hiện giết mổ 11 con heo, mỗi con có trọng lượng khoảng 100 kg. Tại khu vực giết mổ, thịt heo để vương vãi trên nền đất dơ bẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Hoàng không cung cấp được các giấy tờ có liên quan đến kinh doanh, giết mổ. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tịch thu toàn bộ số heo trên, sau đó tiến hành luộc chín và xử lý theo quy định.

Theo 1 lãnh đạo Đội kiểm vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật huyện Thống Nhất, từ giữa năm 2017 đến nay, ông Hoàng liên tục thay đổi địa điểm giết mổ và đã 7 lần bị các cơ quan chức năng của huyện Thống Nhất kiểm tra phát hiện việc giết mổ heo lậu. (278)

8.  Khẩn trương dập dịch khảm lá trên cây sắn

Ðến hết tháng 10, bệnh khảm lá trên cây sắn đã xuất hiện, gây hại tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước, tổng diện tích nhiễm bệnh là 41.981 ha trong tổng số 224.539 ha. Ðáng lo ngại là bệnh chưa có thuốc trị, trong khi tốc độ lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, nguy cơ tiếp tục gây hại nghiêm trọng đến nhiều vùng trồng sắn của nước ta.

Bệnh lây lan nhanh

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) so với năm 2017, tỷ lệ cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá đã tăng 36.132 ha. Trong đó tỷ lệ gây hại dưới 30% là hơn 19 nghìn ha; từ 30 đến 70% là gần 13 nghìn ha; gây hại hơn 70% khoảng 10 nghìn ha.

Tỉnh Tây Ninh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tính đến ngày 26-10, diện tích sắn bị bệnh khảm lá ở Tây Ninh đã lên tới 35 nghìn ha, chiếm 95,3% tổng diện tích trồng sắn trong tỉnh.

Tiếp đến là Bình Dương với tổng diện tích nhiễm bệnh hơn 1.600 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 256,8 ha, tập trung tại các huyện: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Bến Cát, Tân Uyên.

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết cho biết, từ đầu năm đến nay, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn trong tỉnh đã lên tới 2.000 ha, trong đó khoảng 1.000 ha nhiễm nặng, tập trung ở huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Ðồng Phú. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân mua hom sắn đã nhiễm bệnh về trồng, sau đó bọ phấn trắng làm trung gian truyền bệnh khiến bệnh phát tán rất nhanh.

Tại TP Hồ Chí Minh, diện tích sắn nhiễm bệnh hiện nay là 624 ha, trong đó 265 ha nhiễm nặng tập trung ở huyện Củ Chi. Phát hiện bệnh khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh đầu tháng 8, đến nay diện tích nhiễm bệnh của tỉnh Long An là 112,8 ha. Còn tại Ðồng Nai, bệnh khảm lá sắn xuất hiện vào cuối tháng 6 với diện tích 361,3 ha, diện tích nhiễm nặng 191,9 ha, diện tích đã tiêu hủy là 33,1 ha, tập trung ở huyện Vĩnh Cửu, Ðịnh Quán, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc.

Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Tây Ninh Võ Ðức Trong cho rằng, bệnh gây hại trên diện rộng chủ yếu là do nguồn bệnh còn tồn tại trên đồng, nông dân chưa xử lý triệt để đã tiếp tục xuống giống vụ mới. Ngoài ra, việc người dân mua bán, trao đổi hom sắn nhiễm bệnh đã làm bệnh lây lan, bùng phát mạnh ở các địa phương. Cây sắn có sinh khối lớn và nhất là ở giai đoạn sau ba tháng tuổi, trong khi phần lớn hộ sản xuất có diện tích từ 1 đến 5 ha, cá biệt hơn 100 ha, cho nên tốn kém rất nhiều công lao động để rà soát cây bệnh, nhổ, gom ra bên ngoài và đốt. Giá sắn đang ở mức cao, mặc dù cây bị bệnh nhưng người dân vẫn có lãi, do vậy người dân không mặn mà trong việc phòng, trị bệnh. Ngoài ra, việc nhổ, gom, đốt cây bị bệnh trên diện tích có tỷ lệ nhiễm dưới 70% không khả thi, không triệt để cây bệnh trên đồng. Sắn có thời gian sinh trưởng dài từ 7 đến 12 tháng, sau khi nhổ đốt cây bệnh, bệnh tiếp tục xuất hiện trên số cây còn lại do tại thời điểm thực hiện, cây đang ở giai đoạn ủ bệnh, chưa có biểu hiện triệu chứng để nhận diện, cho nên cần thực hiện liên tục, nhiều lần trong suốt vụ trồng sắn.

Theo Cục BVTV, người dân có tập quán tự để giống sắn. Những vườn sắn bị bệnh nhẹ, có thể chưa biểu hiện triệu chứng nên nông dân vẫn để giống; khi hom sắn mọc mầm mới biểu hiện bệnh nhưng người trồng sắn lại không tiêu hủy khiến bệnh lây lan nhanh và nghiêm trọng hơn. Các vùng trồng sắn lớn chủ yếu là vùng sâu, vùng xa cho nên công tác hướng dẫn, chỉ đạo gặp nhiều khó khăn.

Quyết liệt dập dịch

Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết, trước những diễn biến phức tạp của bệnh khảm lá sắn, để dập dịch, các địa phương phải vận động người dân tiêu hủy hom sắn bị bệnh, không được trồng mới trên những diện tích đã bị nhiễm, cho đất “nghỉ” ít nhất một vụ. Hiện nay, nhiều diện tích trồng sắn ở Bình Phước vẫn đang sạch bệnh. Tuy nhiên, do thiếu nguồn giống, người dân một số tỉnh nhất là Tây Ninh đang đổ dồn về đây mua hom giống, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh giữa các vùng, khó có thể trị dứt điểm. Sở đã yêu cầu ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn ở các huyện kiên quyết ngăn chặn việc mua bán, trao đổi hom sắn. Ðồng thời, hướng dẫn người dân cách tiêu hủy, có phương án hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí. Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường rà soát, nếu phát hiện diện tích trồng mới nhiễm bệnh, sẽ vận động người dân nhổ bỏ. Cái khó hiện nay của Bình Phước là đa số diện tích sắn được trồng tận dụng trong thời kỳ các loại cây công nghiệp kiến thiết, tận dụng đất trong thời kỳ quy hoạch. Nhiều chủ vườn từ nơi khác đến thuê đất trồng sắn nên không liên hệ được để vận động, yêu cầu tiêu hủy, hoặc chủ vườn không muốn tiêu hủy.

Tỉnh Tây Ninh đang gặp nhiều khó khăn trong việc vận động người dân tiêu hủy sắn bị nhiễm khảm lá hơn 70%, vì mức hỗ trợ tiêu hủy 1 ha hiện nay quá thấp, chỉ hai triệu đồng. Trong khi số vốn người dân bỏ ra cho mỗi héc-ta là hơn 30 triệu đồng. Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh kiến nghị, các đơn vị chức năng cân nhắc, đưa sắn vào danh mục cây công nghiệp để mức hỗ trợ được cao hơn, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả công tác vận động người dân tiêu hủy sắn bị nhiễm bệnh.

Bộ NN và PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá sắn do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm Trưởng ban, và thành lập Tổ Chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá sắn tại các địa phương. Trước mắt, Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá sắn yêu cầu các địa phương nghiêm túc dập dịch, tuyệt đối không sử dụng lại các loại giống có mầm bệnh để tái sản xuất. Tổ chức rà soát, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống trong thời gian sắp tới. Phải vận động người dân tiêu hủy diện tích cây nhiễm bệnh nặng để xử lý nguồn bệnh, tránh lây lan diện rộng; đồng thời, tạm thời chuyển đổi cây trồng phù hợp trên các diện tích đất nhiễm bệnh, xử lý triệt để nguồn dịch bệnh còn lưu trên đất.

Ðối với các địa phương có diện tích sắn bị nhiễm bệnh, cần nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá trên cây sắn các cấp để chỉ đạo, giám sát quyết liệt cùng các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương vào cuộc; hướng dẫn nông dân, người sản xuất khẩn trương khoanh vùng, phun thuốc dập dịch và tiêu hủy nguồn bệnh triệt để. Các địa phương chưa phát hiện bệnh, phải thường xuyên kiểm tra, rà soát để phát hiện sớm, xử lý kiên quyết, triệt để ngay những diện tích sắn mới nhiễm bệnh.

 

9. Bộ Y tế thu hồi thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe Hepcure – SST

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ban hành quyết định về việc thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố và Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố của sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hepcure - SST.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm thu hồi hiệu lực giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 21405/2017/ATTP-XNCB cấp ngày 04/07/2017 đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hepcure - SST.

Sản phẩm này do Công ty TNHH Dược phẩm Lạc Việt (địa chỉ: 236-238 đường Rạch Bà Lớn, ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) công bố; Nhà sản xuất: Nutralab Canada Ltd., (địa chỉ : 980 Tapscott Road., Toronto, ON M1X 1C3, Canada).

Căn cứ theo công văn số 66/CV-LV/18 ngày 24/10/2018 của Công ty TNHH Dược phẩm Lạc Việt về việc nộp lại Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Công ty TNHH Dược phẩm Lạc Việt có trách nhiệm dừng lưu thông và thu hồi sản phẩm.

Theo quảng cáo, thực phẩm chức năng bảo vệ sức khoẻ Hepcure - SST giúp bảo vệ tế bào gan, tăng cường chức năng gan, cải thiện sức khỏe.(214)

 

10. BỘ Y TẾ: KIỂM TRA SẢN PHẨM GIẢM CÂN GO LEAN DETOX CÓ CHỨA CHẤT CẤM

 

Có 5 báo cáo về các bất lợi của người dùng sản phẩm giảm cân Go lean Detox với các hiện tượng thường gặp là ảo giác, khó thở và tim đập nhanh.

Ngày 1/11, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đang tiến hành kiểm tra, rà soát các thông tin có liên quan đến sản phẩm giảm cân Go lean Detox có chứa chất cấm substance sibutramine, đang bị Cơ quan Khoa học sức khỏe (HAS) Singapore thu giữ đầu tháng 10 vừa qua.

Theo thông tin từ HAS Singapore cho biết, trong 7 ngày (9-16/10) HAS Singapore đã phát hiện, xử lý 4.520 sản phẩm sức khỏe được bán trực tuyến tại Singapore. Các sản phẩm bị thu giữ bao gồm: 24 Hrs Burn, Go Lean Detox, B Green Slimming Capsule, Mzac Bodyshape Jamu Tradisional. Trong đó, 90% các sản phẩm này được quảng bá có tác dụng giảm cân và có sản phẩm bán tại Việt Nam.

Theo HSA, các khách hàng cần hết sức cảnh giác với những sản phẩm trên. Bởi khi kiểm nghiệm các sản phẩm này, HSA đã phát hiện chúng chứa rất nhiều chất cấm substance sibutramine nên đã tiến hành thu giữ.

Hiện đã có 5 báo cáo về các bất lợi của người dùng sản phẩm giảm cân Go lean Detox với các hiện tượng thường gặp là ảo giác, khó thở và tim đập nhanh.

Được biết, sản phẩm Go lean Detox có bán trực tuyến tại Singapore, được sản xuất tại Công ty Matxi S.g Co.Ltd (trụ sở: 129 đường Võ Thị Sáu, quận Thống Nhất, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; nhà máy sản xuất: 148/9 đường Tân Tiến, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Theo đó, Cục an toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra, rà soát và sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến việc này trong thời gian tới. (322)

 

11. Làm giả bệnh án tâm thần: Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Công an để xử lý

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an phải có biện pháp xử lý nghiêm tất cả những trường hợp án hình sự chạy được bệnh án tâm thần.Tiếp tục phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề cập đến tình trạng làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để một số đối tượng trốn tránh trách nhiệm hình sự sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã xảy ra từ nhiều năm trước và được kiến nghị.

Tuy nhiên, đến nay chưa có giải pháp khắc phục triệt để mà đang có dấu hiệu trầm trọng hơn. Vừa qua tiếp tục phát hiện làm giả 78 hồ sơ bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và còn nhiều vụ nữa chưa bị phát hiện. Vấn đề này ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống tội phạm.

Thực tế cử tri đã bất bình khi có đối tượng nhiều lần bị bắt về tội trộm cắp tài sản. Lần nào trộm cắp cũng có tính toán chuẩn bị đường đi nước bước rất tinh vi. Nhưng cũng mỗi lần bị bắt thì có kết luận tâm thần nên không chịu trách nhiệm hình sự.Đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc thì 2 đến 3 tháng sau hết bệnh được bảo lãnh ra ngoài.Có thắc mắc hỏi thì được trả lời "bị tâm thần mà lúc bệnh, lúc không là chuyện bình thường".

Đại biểu đề nghị hai Bộ trưởng Công an và Y tế xử lý và có biện pháp để giải quyết nghiêm, triệt để vấn đề nêu trên.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, vừa qua, trên báo chí và thực tế, lực lượng công an đã phát hiện ra có hai nhân viên của Bệnh viện Tâm thần Trung ương phối hợp với đối tượng để làm bệnh án giả tâm thần. Hiện nay, vụ án đang được công an điều tra và chưa kết luận.

Về thực trạng này, Bộ Y tế đã triệu tập tất cả hệ thống các bệnh viện tâm thần và giám định pháp y tâm thần để chấn chỉnh. Thực chất, tất cả các quy trình chẩn đoán, phát hiện làm bệnh án ra viện, vào viện và chuẩn đoán chuyên môn đã được ban hành và rà soát hằng năm rất chặt chẽ trong hệ thống. Tuy nhiên, vấn đề làm giả này, hệ thống tâm thần có hai loại khác nhau.

Một loại là bệnh viện tâm thần như Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, 2 và các bệnh viện thành phố là khám bệnh và chữa cho mọi người dân khi có nghi ngờ dấu hiệu tâm thần.Chẳng hạn như mất ngủ kéo dài và có những rối loạn thì đấy là chuẩn đoán bệnh tâm thần bình thường.

Loại thứ hai là hệ thống giám định pháp y tâm thần, có nghĩa rằng những tội phạm đã có án bên cơ quan điều tra hoặc cơ quan Tòa án, những đối tượng đó muốn được xác định là tâm thần để tránh án là phải qua Viện giám định pháp y tâm thần chứ không phải là tâm thần và thường ở đó có công an.

Đối tượng này họ muốn chứng nhận là bệnh tâm thần, làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần, nếu có làm giả đi chăng nữa thì chúng tôi biết rằng cơ quan công an cũng không đủ căn cứ pháp lý để xác định đây là bệnh nhân tâm thần mà phải qua bệnh viện gần bên đó ở Thường Tín là Viện Pháp y tâm thần Trung ương và thẩm định rất kỹ thì mới có thể xác định đấy là tâm thần.

Bộ Y tế theo quyết định của Chính phủ đã thành lập một hệ thống các trung tâm giám định pháp y tâm thần vùng. Khi trung tâm giám định pháp y tâm thần đó xác định tâm thần thì lúc bấy giờ công an mới xác định đấy là những bệnh nhân tâm thần thực sự.

“Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Công an để xử lý nghiêm những cá nhân, cán bộ y tế có hành vi phối hợp với đối tượng để làm giả bệnh án tâm thần”, Bộ trưởng Y tế nói.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an phải có biện pháp xử lý nghiêm tất cả những trường hợp án hình sự chạy được bệnh án tâm thần.

“Bây giờ đã phát hiện ra rồi phải xử lý nghiêm và phối hợp với Bộ Y tế để ngăn chặn, không để tình trạng này tái diễn bởi vì đây là sự phối hợp của 2 ngành, nhưng thực ra ngành y tế bác sĩ mới xác định là tâm thần hay không, chị Kim Tiến cũng phải chú ý việc này, không để trong ngành của mình có những cá nhân vi phạm pháp luật. Đã vi phạm rồi thì phải xử lý nghiêm, người dân, dư luận rất bức xúc việc trốn trách nhiệm hình sự bằng một bệnh án tâm thần giả”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.(902)

 

12. Còn nhiều dư địa cho đấu thầu tập trung thuốc và vật tư y tế

Mặc dù có giảm so với những năm trước, nhưng thuốc và vật tư y tế hiện vẫn là hai khoản chi rất lớn của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm tới 42,6%. Các đơn vị mua sắm tập trung (MSTT) trong lĩnh vực y tế cũng đang rốt ráo thực hiện, tuy nhiên dư địa để đấu thầu MSTT lĩnh vực này vẫn còn nhiều, cần sớm nhân rộng để giảm sức ép cho Quỹ.

Còn nhiều dư địa đấu thầu thuốc tập trung

Các đơn vị MSTT trong lĩnh vực y tế đã bước sang năm thứ hai triển khai đấu thầu tập trung (ĐTTT) thuốc cấp quốc gia theo quy định của Luật Đấu thầu. Tính từ năm 2017 đến nay, Trung tâm MSTT thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế và Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 - 2019 đối với 13 gói thầu. Cả hai đơn vị này đang tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho năm 2019 - 2020.

Trong đó, Trung tâm MSTT thuốc quốc gia vừa tiến hành mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật của 3 gói thầu.Tổng giá gói thầu là gần 4.800 tỷ đồng.Số lượng nhà thầu tham dự khá đông đảo, trong đó có nhiều nhà thầu tham dự cùng lúc nhiều gói thầu với khoảng 150 lượt nhà thầu. Dự kiến, giữa tháng này, đơn vị MSTT thuốc này sẽ tổ chức đóng, mở thầu đối với 7 gói thầu nữa, trong đó có 1 gói thầu gia hạn lần thứ hai. Danh mục thuốc ĐTTT cấp quốc gia năm 2018 do Trung tâm thực hiện gồm có 25 mặt hàng, chia thành nhóm là thuốc tim mạch và thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch.

Còn đối với Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, đơn vị này vừa mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật đối với 7 gói thầu.Đã có 70 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, trong đó có nhiều nhà thầu tham gia cùng lúc nhiều gói thầu.Tổng giá gói thầu là hơn 11.600 tỷ đồng.

Theo Bộ Y tế, kết quả lựa chọn nhà thầu của cả 2 đơn vị nêu trên sẽ lần lượt được công bố vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019.

Năm 2017, hai đơn vị trên đã tổ chức lựa chọn nhà thầu khá thành công với tỷ lệ tiết kiệm đáng kể. Tại Trung tâm MSTT thuốc quốc gia, tổng giá trúng thầu của 22 mặt hàng thuốc là 2.269 tỷ đồng, giảm 477 tỷ đồng (17,4%) so với giá kế hoạch gói thầu (giá kế hoạch xây dựng theo giá trúng thầu thấp nhất trong vòng 12 tháng trước). Còn tại Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, tổng giá trúng thầu của 20 mặt hàng là 935,99 tỷ đồng, giảm 251,13 tỷ đồng (21,12%) so với giá thuốc trúng thầu bình quân trên cả nước năm 2017.

Nếu tính tổng giá thuốc trúng thầu của cả hai đơn vị nói trên thì chưa đến 10% tổng số tiền chi khám chữa bệnh BHYT năm 2017 (khoảng 37.000 tỷ đồng). Điều này cho thấy vẫn còn nhiều dư địa cho việc tổ chức đấu thầu thuốc tập trung với trên 1.600 mặt hàng thuộc Danh mục thuốc đấu thầu.

Đây cũng là giải pháp được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp này nhằm giảm chi phí tiền thuốc, từ đó giảm áp lực chi cho Quỹ BHYT.Theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian tới sẽ tập trung vào 2 nhóm giải pháp lớn. Thứ nhất là tăng tỷ lệ sử dụng thuốc generic, giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc, quản lý chặt chẽ giá thuốc biệt dược đã hết bản quyền theo hướng thực hiện đàm phán giá hoặc đưa vào các nhóm thuốc phù hợp để đấu thầu. Thứ hai là thực hiện nghiêm việc đấu thầu, thẩm định và kiểm soát chặt chẽ giá kế hoạch của các gói thầu, mở rộng số lượng danh mục thuốc ĐTTT cấp quốc gia, cấp địa phương, đàm phán giá cấp quốc gia để giảm chi. 

Nhân rộng đấu thầu tập trung hóa chất, vật tư y tế tiêu hao

Với hiệu quả rõ rệt từ việc ĐTTT thuốc, nhiều ý kiến đề xuất cần mở rộng ĐTTT sang các mặt hàng hóa chất, vật tư y tế tiêu hao nhằm thống nhất giá về cùng một mặt bằng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ chi của Quỹ BHYT cho các mặt hàng vật tư y tế là khoảng 6,5%.

Một trong những giải pháp để giảm áp lực chi cho Quỹ BHYT được Lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo trước Quốc hội ngay đầu kỳ họp này cũng là thí điểm tiến tới nhân rộng ĐTTT hoặc đàm phán giá đối với hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, nhất là các loại hóa chất, vật tư tiêu hao thông dụng, sử dụng nhiều; thực hiện ĐTTT vật tư y tế, trước mắt tập trung vào các vật tư y tế thay thế sử dụng trong điều trị có số lượng sử dụng lớn, nhiều chủng loại, nhiều mức giá.

Đây cũng là nội dung đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất cụ thể ngay từ đầu năm. Tiếp đó, vào giữa năm 2018, Phó Thủ tướng tiếp tục đưa ra thời hạn trình đề xuất này là tháng 11/2018.

Tính đến nay, Bộ Y tế mới phê duyệt Đề án Thí điểm MSTT một số vật tư y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2019 - 2020 và giao cho Trung tâm MSTT thuốc quốc gia thực hiện. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của Báo Đấu thầu, mọi việc vẫn đang trong quá trình chuẩn bị. (1055)

 

13. Bộc lộ nhiều bất cập khi phân tuyến, phân hạng bệnh viện

Việc phân cấp, phân tuyến, phân hạng bệnh viện hiện đang bộc lộ những bất cập rõ rệt như chưa đánh giá sát năng lực của các bệnh viện, thiếu sự kết nối hoặc kết nối lỏng lẻo giữa các tuyến kỹ thuật (do tự chủ tài chính) trong hệ thống chuyển tuyến khám, chữa bệnh.

Sáng 2/11, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo Góp ý xây dựng Thông tư phân tuyến chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám, chữa bệnh.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Khoa, Cục phó Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, các cơ sở khám chữa bệnh hiện đang được phân cấp, phân hạng, phân tuyến theo đơn vị quản lý hành chính gồm tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, xã; phân cấp theo năng lực chuyên môn (phân tuyến kỹ thuật) và phân cấp theo khả năng cung ứng dịch vụ y tế (phân hạng bệnh viện) gồm hạng đặc biệt, hạng 1, hạng 2, hạng 3, 4 và không phân hạng.

Thống kê cả nước hiện có 1.451 cơ sở y tế được phân tuyến, phân hạng cũng như chưa được phân tuyến và phân hạng.Tuyến trung ương có 4 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I có 32 bệnh viện, còn lại là các tuyến tỉnh - huyện - xã.

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, bên cạnh phát triển vượt bậc những kỹ thuật y học, cũng có những bất cập, nhất là trong phân cấp, phân tuyến, phân hạng bệnh viện. Cụ thể năng lực lực của bệnh viện chưa được đánh giá đúng mức hoặc không sát với thực tế của bệnh viện; thiếu sự kết nối hoặc kết nối lỏng lẻo giữa các tuyến kỹ thuật vì lý do tự chủ tài chính trong hệ thống chuyển tuyến khám, chữa bệnh; quy định cho phép thông tuyến khám chữa bệnh ở tuyến huyện làm giảm số lượng người bệnh đến khám và điều trị tại trạm y tế xã…

Điển hình như bệnh viện tuyến huyện có năng lực kỹ thuật cao, thực hiện nhiều kỹ thuật vượt tuyến nhưng không được xếp mức cao hơn (một số BV tuyến quận, huyện của TP Hồ Chí Minh). Hay như bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa năng lực kỹ thuật có khi thấp hơn bệnh viện tuyến huyện nhưng vẫn là nơi bệnh viện tuyến huyện phải chuyển người bệnh lên...

Ông Khuê cũng phân tích tiếp, về phân cấp theo khả năng cung ứng dịch vụ y tế, tồn tại hiện nay là phân hạng Bệnh viện chưa có hướng dẫn cho trung tâm y tế hai chức năng gồm chức năng khám, chữa bệnh. Đã vậy, phân hạng bệnh viện lại theo một tiêu chí đánh giá và xếp mức chung cho tất cả các tuyến kỹ thuật bệnh viện. Điều này không phù hợp vì mỗi tuyến bệnh viện có chức năng và phân tuyến kỹ thuật khác nhau.

Hay lấy phân hạng bệnh viện là căn cứ để xác định mức giá khám bệnh, ngày giường điều trị là không công bằng với bệnh viện tuyến cao hơn, thực hiện kỹ thuật cao hơn nhưng ở hạng thấp hơn.

"Từ những bất cập đó đã dẫn đến xu hướng chuyển dịch giảm khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế và tăng khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện. Cùng với đó là sự mất cân đối trong sử dụng quỹ bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh", ông Khuê nói.

Để giải quyết những bất cập trên cũng như tiến tới xu hướng quản lý cơ sở khám chữa bệnh tinh gọn, hiệu quả, chất lượng… Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề xuất các phương án đổi mới hệ thống khám, chữa bệnh theo hình thức: phân tuyến khám chữa bệnh là cơ sở để giao kỹ thuật chuyên môn; xác định quy định về chuyển tuyến theo thứ tự từ tuyến 1 đến tuyến 3. Trong mỗi tuyến: dựa vào năng lực kỹ thuật và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh để sắp xếp các bệnh viện trong mỗi tuyến thành 2-3 mức khác nhau. Chất lượng sẽ là căn cứ để tính giá viện phí của bệnh viện.

Trong đó, phương án cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được chia làm ba tuyến đã được các đại biểu tập trung góp ý xây dựng. Trong đó tuyến một: khám chữa bệnh ban đầu, điều trị ngoại trú. Tuyến hai: điều trị đa khoa, được chia làm hai mức: đa khoa cơ bản và đa khoa nâng cao (các mức được xác định dựa trên số lượng chuyên khoa của bệnh viện). Tuyến ba: tuyến điều trị chuyên khoa, chuyên sâu được chia làm ba mức: chuyên khoa, chuyên khoa kỹ thuật cao (gọi tắt là chuyên cao) và  chuyên khoa kỹ thuật sâu (gọi tắt là chuyên sâu).

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, dự thảo Thông tư quy định phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật và chăm sóc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban hành sẽ làm căn cứ cho việc chuyển tuyến người bệnh, thanh toán khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và các hoạt động khác có liên quan đến việc phân tuyến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...

Đa số các chuyên gia y tế nhất trí với phương án 3 tuyến khám, điều trị như dự thảo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; một số đại biểu đề xuất tuyến 3 chỉ nên phân thành hai mức và cần làm rõ các tiêu chí trong các tuyến. (978)

 

14. Sẽ bỏ phân tuyến bệnh viện theo đơn vị hành chính

Đây là thông tin từ Hội thảo góp ý xây dựng thông tư phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật cơ sở, khám, chữa bệnh do Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Khoa - Cục phó Cục Quản lý Khám chữa bệnh thông tin, lâu nay quy định phân tuyến được phân chia theo đơn vị quản lý hành chính gồm: tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã. Cả nước hiện có 1.451 cơ sở y tế được phân tuyến, phân hạng cũng như chưa được phân tuyến và phân hạng, tuyến trung ương có 4 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I có 32 bệnh viện, còn lại là các tuyến tỉnh - huyện - xã.

Ngoài ra còn có 72 bệnh viện ngành. Trong đó, có 8 bệnh viện hạng 1, 19 bệnh viện hạng 2 và 30 bệnh viện hạng 3. Riêng bệnh viện ngoài công lập có 219 bệnh viện nhưng chưa được phân hạng.

Tuy nhiên, cách phân tuyến như hiện nay dù bệnh viện tuyến huyện có năng lực kỹ thuật cao, thực hiện nhiều kỹ thuật vượt tuyến vẫn không được xếp mức cao hơn và ngược lại. Mặt khác, dù phân hạng bệnh viện là căn cứ để xác định mức giá khám, chữa bệnh nhưng cách phân hạng như hiện nay cũng không công bằng với bệnh viện thực hiện kỹ thuật cao hơn nhưng ở hạng thấp hơn...

Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho rằng, cách phân hạng bệnh viện cũng chưa đánh giá sát với năng lực của bệnh viện. Bên cạnh đó, ông còn chỉ ra những tồn tại trong cách phân hạng bệnh viện hiện nay là phân hạng theo một nội dung tiêu chí đánh giá và xếp mức chung cho tất cả các tuyến kỹ thuật bệnh viện. Điều này là không phù hợp, vì mỗi tuyến bệnh viện có chức năng và phân tuyến kỹ thuật khác nhau.

Vì vậy, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã đề xuất phương án đổi mới hệ thống khám, chữa bệnh, trong đó có quan điểm về phân tuyến.

Theo dự thảo, các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ được sắp xếp lại thành 3 tuyến chuyên môn, kỹ thuật. Tuyến 1 là các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, điều trị ngoại trú. Tuyến 2 sẽ là các bệnh viện điều trị nội trú với các kỹ thuật chuyên khoa cơ bản và nâng cao.Tuyến 3 là các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa thực hiện được các kỹ thuật chuyên sâu.

Trong đó, mỗi tuyến viện sẽ được chia làm nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào năng lực kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn của các bệnh viện và cơ sở. Tại hầu hết các nước có hệ thống y tế phát triển, các bệnh viện được xếp ở nhóm cao nhất là những bệnh viện thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu, là cơ sở giảng dạy và thực hành lâm sàng và nghiên cứu khoa học.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, dự thảo thông tư quy định phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật và chăm sóc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chức năng nhiệm vụ của các tuyến, danh mục kỹ thuật thực hiện ở các tuyến. Việc ban hành thông tư sẽ làm căn cứ cho việc chuyển tuyến người bệnh, thanh toán khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và các hoạt động khác có liên quan đến việc phân tuyến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. (628)

 

15. Trên 5.400 kỹ thuật đã được chuyển giao cho bệnh viện tuyến dưới

Từ năm 2008 đến tháng 9/2018, đã có trên 10.000 lượt cán bộ được cử đi luân phiên, đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tỉnh.

Đây là thông tin được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo tập huấn công tác chỉ đạo tuyến và Đề án bệnh viện vệ tinh năm 2018 chiều 1/11, tại Hà Nội.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, các lĩnh vực chuyên môn đã triển khai thực hiện chuyển giao kỹ thuật ở 26 chuyên ngành, gồm: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Y học Cổ truyền, Tâm thần, Truyền nhiễm, Lao, Da liễu, Bỏng, Ung bướu, Nội tiết, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Mắt, Huyết học - Truyền máu, Miễn dịch, Di truyền, Hóa sinh, Giải phẫu bệnh và Tế bào, Chẩn đoán hình ảnh, Nội soi, Thăm dò chức năng, Bỏng…

Ngoài các chuyên ngành trên, một số bệnh viện còn cử cán bộ xuống hỗ trợ đào tạo về quản lý bệnh viện, sửa chữa trang thiết bị y tế, xét nghiệm... Theo báo cáo của các bệnh viện trung ương và các bệnh viện tuyến cuối, có trên 5.400 kỹ thuật được chuyển giao, hầu hết các kỹ thuật bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ được và thực hiện tốt sau khi nhận chuyển giao.

Cán bộ đi luân phiên của các bệnh viện trung ương và bệnh viện tuyến cuối đã khám và điều trị cho gần 2.697.000 lượt người bệnh, trực tiếp thực hiện gần 61.800 ca phẫu thuật, cứu sống nhiều trường hợp người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện tuyến dưới.

Tại các tỉnh, thành phố, huyện đã có 7.600 lượt cán bộ luân phiên, chuyển giao trên 4.591 kỹ thuật. Trong đó, các bệnh viện tỉnh đã cử gần 3.800 lượt cán bộ luân phiên, chuyển giao trên 3.500 kỹ thuật; các bệnh viện huyện cử trên 3.800 lượt cán bộ xuống hỗ trợ tại 938 trạm y tế xã; đào tạo chuyển giao 1.091 kỹ thuật./. (374)

 

16. Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT luôn là mục tiêu tối thượng

Thời gian qua, dư luận quan tâm nhiều đến việc Quỹ Bảo hiểm y tế đang kết dư gần 39.000 tỷ đồng và lo ngại liệu quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế có bị thắt chặt lại để dư quỹ? Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. 

Xin ông cho biết thực chất của thông tin Quỹ BHYT đang kết dư gần 39.000 tỷ đồng? 

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam: Trước hết, phải nói rằng, trong mọi trường hợp, quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) luôn được đảm bảo đúng và đầy đủ theo đúng quy định của Luật BHYT cho dù Quỹ KCB bội chi hay kết dư.

Thứ hai, tại Điều 35 Luật BHYT quy định: “dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho Quỹ Dự phòng”. Vì vậy, nói chính xác thì số dư trên là Quỹ Dự phòng KCB BHYT được tồn tích qua nhiều năm triển khai Luật BHYT và còn tồn dư đến cuối năm 2017.

Thứ ba, trong thiết kế chính sách BHYT ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam, Quỹ Dự phòng KCB BHYT là cần thiết để đảm bảo khả năng chi trả trước những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh có thể phát sinh. Đối với điều kiện cụ thể ở Việt Nam, Quỹ Dự phòng KCB là rất quan trọng, vì bên cạnh rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, chúng ta cần nguồn lực thanh toán khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo lộ trình tính đúng, tính đủ và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới trong KCB, điều trị dài ngày cho người bệnh tham gia BHYT.

Thứ tư, những năm gần đây, chúng ta đã bị bội chi Quỹ KCB BHYT, phải sử dụng Quỹ Dự phòng để bù đắp. Nếu chi phí KCB không được kiểm soát tốt và Quỹ Dự phòng BHYT không còn đủ thì sẽ phải điều chỉnh tăng mức đóng BHYT. Điều này sẽ tác động đến thu nhập của người dân, khả năng của doanh nghiệp, cân đối của ngân sách nhà nước và năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, cần xem xét Quỹ Dự phòng phải tính đến xu hướng gia tăng chi phí KCB hàng năm, số chi KCB hiện tại (khoảng 90 nghìn tỷ đồng) và mức bội chi Quỹ KCB; nếu không sử dụng tiết kiệm, hiệu quả thì Quỹ Dự phòng hiện tại sẽ không còn.

Một số ý kiến lo ngại về việc để tồn tích Quỹ BHYT - nguồn quỹ ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT, thưa ông?

Tôi xin khẳng định không có chuyện đó, vì theo quy định của pháp luật và quan điểm chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và BHXH Việt Nam là: Quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT phải gắn liền với việc đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trong mọi trường hợp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHYT luôn được xác định là mục tiêu tối thượng của Quỹ BHYT.

Trên thực tế, quyền lợi của người tham gia BHYT đang được đảm bảo đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật; nếu ở đâu không thực hiện đúng thì sẽ bị xử lý nghiêm. Những năm qua, số người KCB được Quỹ BHYT chi trả và chi phí KCB BHYT năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng trong năm 2017, cơ quan BHXH đã thanh toán cho gần 170 triệu lượt người KCB BHYT với số tiền lên tới trên 88 nghìn tỷ đồng; trong đó, hàng nghìn trường hợp KCB với chi phí hàng trăm triệu đồng, có những trường hợp được chi trả chi phí KCB hàng tỷ đồng.

Với tốc độ gia tăng chi phí KCB BHYT lớn như hiện nay (trong 2 năm, chi phí KCB BHYT tăng gấp khoảng 1,8 lần), nếu không có biện pháp kiểm soát chi phí KCB, thì Quỹ Dự phòng không còn, phải điều chỉnh mức đóng; như vậy có tác động không nhỏ đến người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Chính sách BHYT của Việt Nam đang hướng tới một nền y tế giá rẻ với danh mục thuốc nghèo nàn, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Tôi cho rằng, chúng ta phải hướng tới một nền y tế tiên tiến, hiện đại, công bằng trên cơ sở phát triển BHYT xã hội cơ bản (để đảm bảo nhu cầu KCB cơ bản, thiết yếu cho mọi người dân và “gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả” như quy định của Luật BHYT) và phát triển BHYT bổ sung (cho những người có nhu cầu muốn hưởng cao hơn, chữa bệnh theo nhu cầu, tự chọn thầy thuốc...).

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có chính sách BHYT tốt nhất thế giới. Mệnh giá thẻ BHYT của Việt Nam hiện nay mới chỉ ở mức bình quân 30 - 40 USD/người trong khi Danh mục thuốc BHYT của Việt Nam có khoảng hơn 1.000 loại, rộng hơn rất nhiều nước (các nước trung bình có khoảng 700 loại). Cùng với đó là hàng nghìn dịch vụ kỹ thuật, trong đó rất nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn cũng được Quỹ BHYT thanh toán.

Như vậy, nếu ai đó nói chúng ta đang hướng tới nền y tế giá rẻ với danh mục thuốc, dịch vụ nghèo nàn là không đúng thực tế, thiếu khách quan và chưa hiểu đúng về chính sách.

Xin trân trọng cảm ơn ông! (1014)

 

17. 'Chính sách BHYT Việt Nam thuộc nhóm nước tốt nhất thế giới'

Quỹ BHYT kết dư gần 39.000 tỉ đồng, liệu quyền lợi của người tham gia BHYT có bị thắt chặt lại hay không?

Thời gian qua, dư luận quan tâm nhiều đến việc quỹ BHYT kết dư gần 39.000 tỉ đồng và lo lắng liệu quyền lợi của người tham gia BHYT có bị thắt chặt lại để dư quỹ.Hoặc chính sách BHYT đang hướng tới một nền y tế giá rẻ với danh mục thuốc nghèo nàn?

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 2-11, trả lời báo chí, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, khẳng định phải nói rằng trong mọi trường hợp, quyền lợi khám chữa bệnh BHYT luôn được đảm bảo đúng và đầy đủ theo quy định của luật BHYT cho dù quỹ khám chữa bệnh bội chi hay kết dư.

BHXH Việt Nam khẳng định người dân sẽ được đảm bảo mọi quyền lợi khi tham gia BHYT.

Theo quy định tại Điều 35 Luật BHYT, phải “dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng”.Vì vậy, nói chính xác thì số dư trên là quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT được tồn tích qua nhiều năm triển khai thực hiện Luật BHYT và còn đến cuối năm 2017.

Bên cạnh đó, trong thiết kế chính sách BHYT ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam, quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT là cần thiết để đảm bảo tính bền vững của chính sách BHYT, đảm bảo khả năng chi trả trước những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh có thể phát sinh…

Về lý lo ngại việc dư quỹ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT, ông Đào Việt Ánh khẳng định theo quy định của pháp luật và quan điểm chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và BHXH Việt Nam là quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT phải gắn liền với việc đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Trong mọi trường hợp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia BHYT luôn được xác định là mục tiêu tối thượng của quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT cũng là mục đích duy nhất của quỹ dự phòng BHYT.

Vị phó giám đốc nhấn mạnh trên thực tế, quyền lợi của người tham gia BHYT đang được đảm bảo đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. Nếu ở đâu không thực hiện đúng thì sẽ bị xử lý nghiêm.Những năm qua, số người khám chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả và chi phí khám chữa bệnh BHYT năm sau cao hơn năm trước. Chỉ riêng trong năm 2017, cơ quan BHXH đã thanh toán cho gần 170 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với số tiền lên tới trên 88.000 tỉ đồng…

“Tôi xin nhắc lại rằng với tốc độ gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT lớn như hiện nay, nếu không có biện pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh thì quỹ dự phòng không còn, phải điều chỉnh mức đóng. Như vậy có tác động không nhỏ đến người dân, doanh nghiệp và xã hội…” - ông Ánh giải thích thêm.

Đối với lo lắng, chính sách BHYT của chúng ta đang hướng tới một nền y tế giá rẻ với danh mục thuốc nghèo nàn, ông Đào Việt Ánh cho rằng ngành phải hướng tới một nền y tế tiên tiến, hiện đại, công bằng trên cơ sở phát triển BHYT xã hội cơ bản (để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản, thiết yếu cho mọi người dân và “gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả” như quy định của Luật BHYT) và phát triển BHYT bổ sung (cho những người có nhu cầu muốn hưởng cao hơn, chữa bệnh theo nhu cầu, tự chọn thầy thuốc...).

"Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có chính sách BHYT tốt nhất thế giới. Mệnh giá thẻ BHYT của Việt Nam hiện nay mới chỉ ở mức bình quân 30-40 USD/người trong khi danh mục thuốc BHYT của Việt Nam hơn 1.000 loại, rộng hơn rất nhiều nước (các nước trung bình có khoảng 700 loại), cùng với đó là hàng ngàn dịch vụ kỹ thuật, trong đó rất nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn cũng được quỹ BHYT thanh toán.

Như vậy, nếu ai đó nói chúng ta hướng đến nền y tế giá rẻ với danh mục thuốc, dịch vụ nghèo nàn là không đúng thực tế, thiếu khách quan và chưa hiểu đúng về chính sách…” - ông Ánh nhấn mạnh. (806)

 

18. Đảm bảo 100% bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế

 Để thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có chỉ thị yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới kết thúc đại dịch vào năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh/thành phố đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, đặc biệt là phân phát bơm kim tiêm và bao cao su cho các nhóm nguy cơ cao. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và tích cực mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; đẩy mạnh truyền thông, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tăng cường phối hợp liên ngành và huy động xã hội tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục việc đẩy mạnh giám sát và phát hiện HIV chủ động. Đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV như xét nghiệm tại cơ sở y tế, tại cộng đồng, tại gia đình và tự xét nghiệm HIV; triển khai xét nghiệm HIV chủ động tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, đặc biệt là ở các cụm dân cư có nhiều người đã được phát hiện nhiễm HIV; mở các phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV dương tính tại tuyến huyện ở khu vực vùng sâu, vùng xa để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn.

Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các đơn vị khẩn trương mở rộng điều trị thuốc kháng HIV (ARV) cho tất cả những người nhiễm HIV ngay khi được phát hiện. Mở rộng cấp phát thuốc tại tuyến xã và cấp phát thuốc nhiều tháng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, kiện toàn các cơ sở điều trị và các điều kiện cần thiết khác để bắt đầu thanh toán thuốc ARV cho điều trị HIV/AIDS qua Quỹ Bảo hiểm y tế từ năm 2019.

Tăng cường đầu tư từ ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống HIV/AIDS theo đề án đảm bảo tài chính đã được phê duyệt; báo cáo cấp có thẩm quyền để bố trí đủ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, đảm bảo 100% bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện hỗ trợ đồng chi trả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và các hỗ trợ khác theo Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ; quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí viện trợ quốc tế và các nguồn kinh phí hợp pháp khác cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, duy trì và tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS trong quá trình thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố, đặc biệt là cán bộ chuyên môn về tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Đảng và Nhà nước và sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai toàn diện, rộng khắp và có hiệu quả cao. Nhờ đó, số người nhiễm HIV mới phát hiện, số bệnh nhân AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm. Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn chưa ổn định, có nhiều nguy cơ trở lại, trong khi đó nhiều địa phương chưa quan tâm cao đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. (718)

 

19. Nhận thức về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng ngày càng gia tăng

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhận thức đúng về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng đã tăng từ 38,3 (năm 2006) lên 83,8% (năm 2014) và hướng đến tỷ lệ 90% vào năm 2020.

Người dân tẩy chay, thực phẩm bẩn không còn “đất sống”

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, thời gian qua, bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác thanh kiểm tra, phát hiện, xử phạt thực phẩm bẩn, thì nhận thức của người dân tăng lên về vấn đề an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa các mối nguy về mất an toàn thực phẩm.

“Trước đây khoảng 5 – 6 năm, giò chả có hàn the, hạt dưa nhuộm phẩm màu bày bán tràn ngập do tiêu thụ tốt.Thì nay, hạt dưa đỏ (có màu đỏ rực rỡ, bóng) gần như biến mất hoàn toàn khỏi thị trường, bởi qua tuyên truyền người dân ý thức được hạt dưa nhuộm phẩm màu công nghiệp độc hại nên không sử dụng.Giò chả cũng vậy, qua công tác thanh kiểm tra, tỉ lệ giò chả phát hiện hàn the còn rất ít”, ông Phong nói.

Chị Hải Tú (Giảng Võ, Hà Nội) chia sẻ, trước đây chị khá xuề xòa những lúc mua đồ ăn chín ở ngoài, người bán hàng dùng tay không lấy thực phẩm chín chị cũng tặc lưỡi. Nhưng một lần chị đã chịu hậu quả từ sự xuề xòa đó, ăn bánh mì bate về 30 phút thì đau bụng, phải đi nhập viện truyền nước. Từ đó chị “chai mặt”, luôn yêu cầu chủ hàng sử dụng găng tay ni lon sạch khi lấy thực phẩm cho mình.

“Tôi luôn nhìn chăm chăm suốt quá trình hoàn thành thực phẩm, và nhắc “dùng găng tay giúp em nhé”, chủ hàng đều vui vẻ thực hiện. Trong khi có những người không yêu cầu, đôi khi họ lười dùng, hoặc quên mất. Tôi nghĩ việc tự bảo vệ mình là trước tiên, mình có quyền được yêu cầu đảm bảo vệ sinh nhất khi sử dụng thực phẩm”,chị Hải Tú chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đánh giá, việc người tiêu dùng có ý thức, yêu cầu cao về vệ sinh thực phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tác động tới người cung cấp thực phẩm.

Song song với việc triển khai các biện pháp quản lý, giám sát ATTP, việc tuyên truyền để người dân nhận thức, nói không với thực phẩm bẩn cũng vô cùng quan trọng. Người dân cần kiên quyết tẩy chay, không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không vì ham rẻ mua hàng, yêu cầu người bán hàng đảm bảo an toàn thực phẩm..dần thực phẩm bẩn sẽ không còn "đất sống".

Lựa chọn hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm như thế nào?

Ông Phong cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp uy tín lựa chọn phát triển nền văn hóa an toàn thực phẩm đặt người tiêu dùng ở vị trí trung tâm, đặc biệt là việc hình thành các vùng nguyên liệu sạch, chế biến thực phẩm an toàn đã được các cơ quan thẩm định chứng nhận thực hành tốt. Tuy nhiên vẫn còn không ít doanh nghiệp làm ăn chộp giật, cung cấp, bán các mặt hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm vì lợi nhuận.

Trong khi đó, Luật An toàn thực phẩm cũng như các văn bản hướng dẫn luật đã cho biết rất rõ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về tính an toàn và bảo đảm chất lượng sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường. Quyền của người dân là được tiếp cận và được sử dụng thực phẩm an toàn.

Vì thế, bên cạnh các giải pháp của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần trang bị cho mình kiến thức cần thiết để tránh mua phải những sản phẩm kém chất lượng. Cơ quan chức năng cũng khuyến khích người tiêu dùng chủ động tố cáo khi phát hiện các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, giúp cơ quan chức năng quan sát, bao quát, phát hiện sớm các sai phạm để kịp thời ngăn chặn.

Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng dứt khoát không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đó vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của người tiêu dùng.Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải có trách nhiệm quan trọng, đó là sử dụng sản phẩm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Các sản phẩm nông nghiệp đã được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, như cơ sở được chứng nhận sản xuất rau an toàn là những cơ sở đáng tin cậy. Các sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn, được bày bán ở nơi đảm bảo vệ sinh như thực phẩm bao gói sẵn cũng đáng tin cậy; thịt gia cầm, gia súc có nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch là đáng tin cậy.

Tuy nhiên những rủi ro do sử dụng sản phẩm thực phẩm là khó tránh. Như ngay tại các nước phát triển, các sản phẩm đã được cơ quan quản lý nhà nước cho phép lưu hành nhưng trong quá trình sản xuất, lưu thông, bảo quản, thậm chí kể cả quá trình lưu trữ ở gia đình trước khi sử dụng không bảo quản tốt có nguy cơ không an toàn cho người sử dụng.

Vì thế, để đạt được mong muốn giảm đến mức thấp nhất nguy cơ rủi ro sử dụng sản phẩm không an toàn cần phải có sự cộng đồng của cả cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng. (997)

 

20. Khai trương 'Mô hình tuyến phố kinh doanh dịch vụ ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm'

Sáng 1-11, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa đã phối hợp với UBND TP Sầm Sơn, UBND phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn tổ chức Lễ khai trương “Mô hình tuyến phố kinh doanh dịch vụ ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2018”.  

Tham gia lễ khai trương có lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa, lãnh đạo UBND TP Sầm Sơn, Văn phòng điều phối VSATTP TP, Chi cục ATVSTP tỉnh và cán bộ nhân viên Chi cục; Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe; đại diện các cơ sở thực phẩm tham gia xây dựng mô hình tuyến phố kinh doanh dịch vụ ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc phường Trường Sơn,…

Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Bá Cẩn – PGĐ Sở Y tế Thanh Hóa nhấn mạnh công tác an toàn thực phẩm không chỉ có tầm quan trọng đặc biệt đối với sức khỏe mỗi con người mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tương lai giống nòi của các quốc gia, các dân tộc.

Nếu địa phương làm tốt công tác ATTP tức là đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Trong đó, việc đảm bảo mô hình thức ăn đường phố là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch của các địa phương.

Bởi vậy, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND TP Sầm Sơn đã quyết định chọn địa điểm tuyến phố Lê Lợi trên địa bàn phường Trường Sơn để xây dựng mô hình “Tuyến phố kinh doanh dịch vụ ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2018”, đồng thời thực hiện điều tra các cơ sở, tập huấn kiến thức, giám sát thường xuyên, ký cam kết với UBND các phường và hỗ trợ các dụng cụ cho các cơ sở thực phẩm tham gia mô hình. (333)

 

21. Nhà sáng lập thương hiệu TH true MILK gửi thư chia sẻ về sữa học đường

Mỗi người mẹ khi tận tay ký lên đơn tham gia Chương trình Sữa học đường cũng phải hiểu đầy đủ, phải đấu tranh để đó là ly sữa học đường theo đúng quy chuẩn, công khai minh bạch nguồn sữa nguyên liệu.

Đó là chia sẻ của bà Thái Hương - Nhà sáng lập thương hiệu TH true MILK - người khởi xướng và đồng hành với chương trình Sữa học đường quốc gia trong lá thư công bố ngày 1.11 với mong muốn mọi người cùng đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.

Dẫn chứng về cơ sở khoa học để xây dung Chương trình Sữa học đường, bà Thái Hương cho rằng, nền tảng nâng cao sức bật về thể chất, mà chủ yếu là chiều cao, tương đương 86% được phát triển trong lứa tuổi vàng mẫu giáo và tiểu học, từ 2 đến 12 tuổi.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng Chương trình Sữa học đường cho lứa tuổi vàng này, gần Việt Nam nhất là Thái Lan. Còn ở Nhật Bản, ngay sau khi kết thúc chiến tranh, đứng trước muôn vàn khó khăn nhưng với tầm nhìn xa về nguồn lực cho đất nước, Nhật Bản đã ban hành ngay luật Sữa học đường. Sau mấy chục năm, người Nhật Bản không còn thấp bé mà hay gọi là “Nhật lùn” khi chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật Bản hiện nay đã lên đến mức 171,5 cm.

Còn ở Việt Nam, chiều cao trung bình của người dân từ năm 1993 đến nay chỉ tăng được 3 cm. Chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7 cm, thấp hơn 13,1 cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Còn chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153 cm, thấp hơn 10,7 cm so với chuẩn của WHO.

Sức khỏe cộng đồng và nhất là con trẻ của chúng ta cũng đã được Đảng và Chính phủ luôn quan tâm, thể hiện là năm 2011 ban hành “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030” (Đề án 641) và đến 2016 thì chính thức bằng Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng về Chương trình Sữa học đường quốc gia và Quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế quy định những tiêu chuẩn cơ bản cho ly sữa học đường. Nhưng khi các tỉnh và thành phố vừa có quyết định dành vốn ngân sách đưa vào hỗ trợ Chương trình Sữa học đường thì dư luận xôn xao, hoài nghi và xen lẫn lo lắng.

Theo bà Hương, hiện có hai luồng suy nghĩ lo lắng: một là về chất lượng sữa học đường và sự thấu hiểu chưa đầy đủ về ý nghĩa của Chương trình Sữa học đường đối với thể chất, tầm vóc của con trẻ. Còn luồng suy nghĩ thứ hai là sự minh bạch. Cụ thể là minh bạch về tiêu chí mô tả về chất lượng sản phẩm ly sữa học đường và minh bạch nhà cung cấp có đủ năng lực làm ly sữa học đường đúng quy chuẩn hay làm sân sau cho tổ nhóm trục lợi mà lại ngụy biện là lợi ích cho con trẻ từ đồng vốn ngân sách.

Nhà sáng lập TH true MILK cho rằng, ở những nước đang làm Chương trình Sữa học đường, nguyên liệu nền tảng là toàn bộ làm từ sữa tươi. Có nước thì sử dụng sữa tươi bổ sung thêm vi chất, có nước thì không bổ sung thêm bất kỳ chất gì mà hoàn toàn chỉ từ sữa tươi. Chương trình này chỉ thành công khi ly sữa học đường được làm bằng cả trái tim và tấm lòng của người mẹ.

Bà Thái Hương nhấn mạnh, cần phải rạch ròi giữa nguồn nguyên liệu sữa tươi nguyên chất, chứ không phải là sữa bột pha lại. Một ly sữa tươi theo khoa học đã chứng minh có 18 a xít amin, trong đó đầy đủ 9 a xít amin thiết yếu cùng nhiều dưỡng chất quan trọng, bao gồm nhóm chất đạm, chất béo, chất bột đường, các vitamin và khoáng chất.

Một ly sữa bột cũng là từ sữa tươi nhưng đã được sử dụng công nghệ sấy phun làm bay hơi nước giữ lại các chất khô trong sữa. Công nghệ dùng nhiệt bay hơi nước nên đương nhiên các vi chất không chịu được nhiệt như các vitamin, a xít amin cũng bị biến chất hoặc phá hủy.

Loại sữa dạng lỏng pha lại từ sữa bột chỉ là để đánh vào lòng tin của người tiêu dùng rằng đó cũng là một dạng sữa tươi vì sữa tươi tốt hơn sữa bột. Chính vì thế, đã có sự nhập nhèm khái niệm mấy chục năm qua dưới tên gọi là “sữa tiệt trùng” trong khi tiệt trùng chỉ là biện pháp công nghệ.

Trong lá thư, bà Thái Hương cho rằng, nguồn lực sữa tươi là mấu chốt quyết định sự thành công của chương trình. Theo công bố của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), Việt Nam đã sản xuất được trên 960 triệu lít sữa tươi/năm, tính cả trang trại và nông dân. Chương trình Sữa học đường nếu được triển khai trên toàn quốc với hơn 12 triệu trẻ em tham gia (100%), mỗi ngày 1 ly sữa 180 ml, 5 ngày trong tuần thì 9 tháng học (theo Đề án Sữa học đường) cũng chỉ cần trên dưới 400 triệu lít.

Như vậy, nguồn lực về sữa tươi là không thiếu, nhưng để tham gia vào chương trình này, nông dân chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ cần phải được hướng dẫn về vấn đề an toàn thực phẩm như thức ăn, quy trình vắt sữa, quy trình thú y.

Ly sữa của các hộ nông dân sẽ trở thành một mắt xích (như một nhà thầu phụ), đó là cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp (nhà cung cấp sữa học đường), doanh nghiệp có năng lực về trang trại, năng lực về tổ chức, phân phối.Những nhà cung cấp này phải hướng dẫn cụ thể quy trình tiêu chuẩn chất lượng cho người nông dân để tránh thảm họa người nông dân phải đổ sữa cách đây vài năm.

Bà Hương trải lòng, quyết định viết bức thư này là để nói lên sự trăn trở của một người mẹ đã thấu hiểu về một ly sữa như thế nào là tốt cho con.

Khi Bộ Y tế từng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, phân biệt 4 nhóm sữa dạng lỏng, người tiêu dùng cần phải được thông tin kịp thời về tất cả những dạng sữa lỏng, đây là điều người tiêu dùng có quyền được biết. Không được ngụy biện là dùng sữa dạng lỏng (sữa bột pha lại) và bổ sung thêm một số vi chất để tăng chiều cao vì những chất đó bản thân trong sữa tươi đã đủ. Chỉ khi doanh nghiệp dùng sữa bột pha lại thì mới phải bổ sung thêm.

“Khi tôi dẫn dắt Tập đoàn TH đi dưới thương hiệu TH true MILK, thương hiệu sữa tươi sạch và các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, luôn công khai đấu tranh minh bạch rõ ràng cho các quy chuẩn tiêu chuẩn cho các ly sữa và bằng một tâm thế: Chúng tôi chấp nhận đấu tranh không phải để đứng lên bục vinh quang mà là để mang lại giá trị sống đích thực cho bản thân, gia đình và xã hội, mà ở đó sức khỏe đang bị hủy hoại hằng ngày hằng giờ do lòng tham và sự vô cảm”, bà Thái Hương bày tỏ trong thư. (1331)

 

22. Tinh gọn bộ máy nhằm triển khai tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thực hiện Nghị quyết số 18, 19 - NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), ngành Y tế là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, phát triển, hiệu quả nhằm triển khai tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

*Đến tháng 10/2018, các nội dung thuộc ngành y tế theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh tại Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 05/02/2018 về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã cơ bản được triển khai, thực hiện và hoàn thành theo tiến độ…

Báo cáo của Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, Trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị hệ dự phòng tuyến tỉnh, gồm: Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/6/2018.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật từ các đơn vị hợp nhất được điều chuyển về các đơn vị khác (BV Sản Nhi, BV Đa khoa tỉnh, Trung tâm y tê thị xã Quảng Yên...) để tránh chồng chéo, phát triển chuyên sâu và chỉ đạo, hỗ trợ tuyến theo chuyên ngành...

Thông qua đó, giảm 4 đầu mối đơn vị so với trước khi sáp nhập; giảm được sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị; giảm về số lượng cán bộ lãnh đạo, giảm số người làm việc song vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao; tập trung nguồn lực, tăng khả năng phối hợp, hỗ trợ, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực kiểm soát, phòng chống bệnh tật trên địa bàn tỉnh. 

Trước đó, từ tháng 6/2016, ngành y tế Quảng Ninh đã hoàn thành việc thực hiện hợp nhất các đơn vị y tế trên địa bàn cấp huyện thành Trung tâm Y tế 2 chức năng (Thực hiện Đề án 25 của Tỉnh). Sau khi hợp nhất, năng lực phòng chống dịch bệnh và khám chữa bệnh của các đơn vị được duy trì và tăng cường cả về nguồn lực, chất lượng chuyên môn...; các Trung tâm Y tế 2 chức năng tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chú trọng về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế để phát triển các dịch vụ kỹ thuật y tế và hỗ trợ thiết thực cho trạm y tế...

* Xác định được tầm quan trọng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đảm bảo cơ cấu hợp lý, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Hà Giang đã tích cực tham mưu cho tỉnh, chủ động xây dựng đề án, kế hoạch kiện toàn về tổ chức bộ máy, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.

Tính đến ngày 15/8/2018, đối với tuyến tỉnh, ngành Y tế Hà Giang đã hoàn tất việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị trực thuộc là Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS. Qua đó đã tinh gọn đầu mối tuyến tỉnh từ 5 đơn vị xuống còn 1 đơn vị với 10 phòng, 23 khoa giảm xuống còn 3 phòng, 12 khoa. 

Về nhân sự lãnh đạo, tinh giản từ 5 Giám đốc xuống còn 1; 6 Phó Giám đốc xuống còn 3; 10 Trưởng phòng xuống còn 3; 23 Trưởng khoa xuống còn 12; 10 Phó trưởng phòng còn 3; 23 Phó trưởng khoa xuống còn 12; 8 kế toán xuống còn 6 và giảm được 2 lái xe. Tinh gọn bộ máy thuộc Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm từ 4 phòng xuống còn 3 (giảm được 1 phòng, 1 lãnh đạo phòng).

Đối với tuyến huyện, thành phố, đã hoàn thiện Đề án Sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ vào Trung  tâm Y tế huyện (dự kiến đến quý II năm 2019 sẽ thực hiện xong việc sáp nhập). Theo kế hoạch, sau khi sáp nhập sẽ tinh gọn được 11 đầu mối tuyến huyện, thành phố, tương đương với việc giảm được 11 vị trí Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ; tinh gọn được từ 5 phòng, ban giảm còn 2; 15 khoa xuống còn 7. Riêng đối với tuyến xã, phường, thị trấn dự kiến sẽ tổ chức lại 19 Phòng khám Đa khoa khu vực hiện có. Trong đó, 10 Phòng khám Đa khoa khu vực nâng cấp thành Cơ sở 2 thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện quản lý (ưu tiên những địa phương nằm trong quy hoạch khu vực phòng thủ của tỉnh); 9 Phòng khám Đa khoa khu vực còn lại chuyển thành Trạm y tế xã trực thuộc Trung tâm Y tế huyện quản lý…

*Thời gian qua, Sở Y tế Kon Tum được đánh giá là đơn vị đi đầu của tỉnh trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Qua sắp xếp, các đơn vị bước đầu hoạt động hiệu quả. Sở Y tế  Kon Tum đã triển khai xây dựng các đề án, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của ngành theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo các nghị quyết Trung ương.

Đối với tuyến tỉnh, đã bố trí, sắp xếp lại các phòng thuộc Sở (giải thể Phòng Pháp chế, Ban Quản lý các dự án xây dựng; thành lập mới Phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân; kiện toàn đội ngũ quản lý các tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở); thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở hợp nhất 7 đơn vị hệ y tế dự phòng tuyến tỉnh; thành lập Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh trên cơ sở hợp nhất Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh; kiện toàn các phòng chuyên môn thuộc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, giảm từ 4 phòng xuống còn 3 phòng: Tổ chức - Hành chính, Nghiệp vụ, Công tác thanh tra.

Đối với tuyến y tế cơ sở,  tổ chức lại Trung tâm Y tế các huyện - thành phố trên cơ sở sáp nhập Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vào Trung tâm Y tế huyện - thành phố, thực hiện mô hình trung tâm y tế đa chức năng, bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác; giải thể, sắp xếp lại các Phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Sa Thầy và Kon Rẫy; giải thể một số trạm y tế nơi có cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế trên cùng địa bàn.

Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Sở Y tế Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy và thực hiện tinh giản biên chế; giám sát chặt chẽ biên chế tại các đơn vị sự nghiệp y tế; tổ chức, phân loại công chức, viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65%; rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và nghiêm túc thực hiện việc tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI; thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp đối với những công chức, viên chức, người lao động thuộc diện phải sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế.../. (1470)

 

23. Nhiều phụ nữ Việt bị sa tạng sau sinh

Cơ sàn chậu suy yếu dần theo tuổi, số lần mang thai và sinh đẻ nhiều khiến phụ nữ trên 40 tuổi dễ bị sa tạng. 

Thống kê mới nhất của Hội Sàn chậu học TP HCM, cứ 3 phụ nữ từng mang thai và sinh đẻ thì có một người bị són tiểu. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan vùng chậu như tử cung, bàng quang, trực tràng. 

Tiến sĩ Nguyễn Trung Vinh, Chủ tịch Hội Sàn chậu học TP HCM cho biết những năm gần đây sàn chậu học được công nhận là một chuyên ngành riêng trong y khoa, có nhiều phát triển trong chẩn đoán, điều trị bệnh.

Việc điều trị sa tạng chậu có nhiều thay đổi, mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân.

Tại hội thảo về điều trị sa tạng chậu chiều 2/11, bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết trước đây trường hợp sa tạng chậu, còn gọi là sa sinh dục, một trong những giải pháp đầu tiên là cắt tử cung. Thực tế phương án xử trí này không phù hợp về mặt giải phẫu, chức năng. 

"Hiện nay những quan điểm mới trong ngành sàn chậu học giúp thay đổi cách điều trị từ nội khoa đến xâm lấn tối thiểu, can thiệp phẫu thuật", bác sĩ Thanh phân tích. 

Cơ sàn chậu của phụ nữ suy yếu dần theo tuổi, số lần mang thai và sinh đẻ. Tình trạng thiếu nội tiết ở phụ nữ tuổi mãn kinh cũng là một nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu. Ngoài ra các yếu tố nguy cơ cao là người béo phì, ho mãn tính, táo bón, nâng vật nặng lặp đi lặp lại.

Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ có biểu hiện rối loạn chức năng sàn chậu và sa các tạng vùng chậu cần được tư vấn và điều trị hợp lý tùy mức độ bệnh. Nên đi khám giai đoạn sớm để có thể điều trị bảo tồn, tránh khối sa diễn tiến nặng phải phẫu thuật. Phòng bệnh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn nhiều thức ăn có nhiều chất xơ, rau quả, uống 1,5 lít nước mỗi ngày, kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh tình trạng béo phì. (401)

24. Nhiều thiếu niên có vấn đề sức khỏe tâm thần

3 triệu thanh thiếu niên VN có vấn đề sức khỏe tâm thần là con số được nêu theo báo cáo vừa được công bố của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) mới đây. Đây có phải con số bất thường?

Thời điểm đầu một năm học gần đây, có học sinh vừa học xong lớp 5 ở TP.HCM nhảy lầu tự tử sau khi vào năm học mới 2 ngày. Lý do là ba mẹ cháu muốn cháu vào học lớp 6 ở một trường học chất lượng cao của thành phố, còn cháu thì muốn học trường gần nhà cùng các bạn. Trước khi tự tử, cháu viết trong cuốn vở học sinh: "Con đã thưa với bố mẹ nhiều lần là con muốn học chung với các bạn con".

Thanh thiếu niên có vấn đề sức khỏe tăng

"Rất đơn giản, tôi thấy cha mẹ quan tâm đến con nhưng quan tâm theo kiểu học cho cha mẹ, phải học trường điểm, không phải học cho đứa bé"- cán bộ của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM tham gia cuộc khảo sát do UNICEF tổ chức cho biết. Báo cáo vừa được công bố tháng 10 vừa qua.

Điều đáng lo ngại, theo báo cáo này, ước tính có đến 3 triệu thanh thiếu niên VN có vấn đề sức khỏe tâm thần. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Chiến - phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, mặc dù chưa có khảo sát nào trên diện rộng, nhưng qua thăm khám hằng ngày cho thấy số lượng thanh thiếu niên có vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng, trong đó có các trường hợp rối loạn hành vi (như trộm cắp, nghiện hút, trầm cảm lo âu, đi lang thang), nghiện chất kích thích, đặc biệt ma túy đá, rối loạn sức khỏe tâm thần học đường do sức ép học tập…

Nhiều kiểu rối loạn

Nam học sinh lớp 10 ở Thanh Hóa vào điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng rất khó đánh giá bệnh lý. Cậu học sinh nói năng lưu loát, mặt luôn vui vẻ.Điều bất thường chỉ là khi bày tỏ ước mơ, nam sinh này nói sau này sẽ trở thành ca sĩ nổi tiếng và cho biết em rất thích hát. Tuy nhiên theo bác sĩ, nam sinh này hát không hay nhưng mang chứng hoang tưởng khiến em nghĩ mình hát hay và luôn có những hành vi bất thường xung quanh giọng hát của mình. Gia đình đành đưa em vào Viện sức khỏe tâm thần.

Đây chỉ là một trong những bạn trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần.Thực tế đang có rất nhiều trường hợp như vậy nhưng gia đình có thể không nhận ra và không kịp thời điều trị tâm lý cho con. Các biểu hiện bất thường có thể là thoáng qua và không dễ nhận biết như hay cáu kỉnh, khó hòa nhập, trò chuyện khi tham gia vào môi trường nhiều người lạ, tính cách yếu đuối, có khi làm tự thương bản thân… Rất nhiều bậc cha mẹ có con có những hành vi bất thường trong thời gian dài nhưng không nhận ra, hoặc cho rằng đó là do con mình có… "cá tính".

Theo khảo sát vừa được UNICEF công bố, ước tính số thanh thiếu niên cần dịch vụ chăm sóc và điều trị về sức khỏe tâm thần lên tới 12%, tương đương khoảng 3 triệu em. Theo các tác giả, khảo sát này được thực hiện trên mẫu đại diện quốc gia của 10/63 tỉnh thành. Các dấu hiệu bệnh lý phổ biến nhất là lo âu, thấy buồn về cuộc sống, thiếu tự tin, trầm cảm, có ý định tự tử và tự tử… Các khảo sát kéo dài từ năm 2003 đến nay cho thấy tỉ lệ thanh thiếu niên được hỏi và cho biết từng có ý định tự tử lên tới 3,4 - 6,1%.

Bao bọc quá, trẻ có thể bị rối loạn

Nhóm nghiên cứu cho rằng ngược đãi trẻ em là một trong những căn nguyên dẫn đến vấn đề sức khỏe tâm thần. Khảo sát cho thấy xấp xỉ 80% trẻ 2-14 tuổi từng bị bạo hành, trong khi bạo hành có mối liên quan với tình trạng lo âu, trầm cảm, buồn bã ở thanh thiếu niên. 

Nghiên cứu cũng cho rằng các trừng phạt hà khắc hay xảy ra ở nông thôn, gia đình học vấn thấp hoặc ở vùng dân tộc, nhưng cũng đã có những trường hợp cha/mẹ đẻ có học vấn cao, việc làm tốt cũng bạo hành trẻ hà khắc (năm 2017 có người cha đẻ từng dạy lái xe trên truyền hình đánh con trai bị sẹo ở đầu và toàn thân, tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe).

Qua khảo sát các lý do dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ em, nhóm nghiên cứu đánh giá có năm nhóm nguyên nhân cơ bản như: vấn đề liên quan đến trường học, vấn đề gia đình, thất bại trong chuyện tình cảm, do áp lực vì được/bị kỳ vọng và không muốn chia sẻ cảm xúc. Cha mẹ không hiểu trẻ và không chia sẻ với trẻ cũng là những lý do làm trẻ không được chia sẻ.

Một bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nói với nhóm khảo sát trước đây các thành viên thường gặp gỡ, chia sẻ ở bữa cơm gia đình. Giờ đây cha mẹ bận nên giao con cho người giúp việc, hoặc cho trẻ dùng các thiết bị điện tử từ sớm, hoặc bao bọc trẻ quá, khi trẻ có vấn đề gì thì cha mẹ đứng ra giải quyết, dẫn đến trẻ không có kỹ năng đối phó với các tình huống xảy ra trong cuộc sống và bị rối loạn sức khỏe tâm thần khi gặp bất kỳ trở ngại nào.

Tư vấn tâm lý cho trẻ ở nhà và trường học

Nhóm thực hiện khảo sát cho biết hiện đã có một số trường học ở Hà Nội có phòng tư vấn tâm lý. Ở đó, các cán bộ tư vấn sẽ chia sẻ ngay khi phát hiện trong lớp/trường có trường hợp có vấn đề. Ở gia đình, rất cần cha mẹ lắng nghe và chia sẻ với con.

Theo bà Phan Lan Hương - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, cần làm bạn với con từ rất sớm, khi trẻ học mẫu giáo; nếu để muộn hơn thì trẻ có thể hình thành tâm lý phản kháng, ít chia sẻ với cha mẹ, không tin cậy cha mẹ và khi trẻ gặp rắc rối, rất có thể cha mẹ sẽ không nắm được để xử lý sớm vấn đề.

Áp lực từ nhiều phía

Trong cuộc trao đổi gần đây với phụ huynh, bà Phan Lan Hương, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, chia sẻ nhiều bạn trẻ đã gọi đến tổng đài trẻ em quốc gia để bày tỏ sự bất bình rằng các em phải học quá nhiều.

"Có cháu nói bố mẹ có giờ nghỉ, nghỉ có thể giải trí, nhưng khi cháu hết giờ học chính là phải ăn vội chiếc bánh mì rồi vào lớp học thêm. Áp lực từ gia đình và nhà trường khiến trẻ có đến 3 gương mặt: gương mặt với cha mẹ, với bạn bè và với thầy cô. Có những cháu gương mặt ở nhà khác hẳn gương mặt ở trường"- bà Hương cho biết. (1289)

 

25. Người chuyển giới gặp nhiều rào cản

Bị bắt nạt, kỳ thị và phân biệt đối xử; cơ hội tiếp cận học tập, việc làm và y tế bị giới hạn... Đó là những vấn đề mà người chuyển giới đang gặp phải

Ngày 2-11, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) đã tổ chức hội thảo Luật Chuyển đổi giới tính vì người chuyển giới tại TP HCM.

Nỗi đau thể xác, tinh thần

Trải lòng tại buổi hội thảo về những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần từng trải qua, T.L.Y.M (21 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng, tình nguyện viên của SCDI) chia sẻ: "Ngay từ lúc mẫu giáo, khi chơi cùng các bạn nữ, tôi đã cảm nhận được sự khác biệt giữa họ và tôi. Chúng tôi giống nhau về mặt hình thể nhưng bản thân tôi lại thấy hoàn toàn khác với các bạn. Tôi mạnh mẽ như con trai... Do vậy, tôi cứ loay hoay mãi, trong đầu luôn có những câu hỏi như: Tôi là ai, tại sao tôi lại không được bình thường như bao bạn nữ khác…? Tôi từng sống trong đau khổ, bức bối mà không tìm ra được lối thoát khi bên cạnh không một ai thấu hiểu, chia sẻ…".

Năm 19 tuổi, M. quyết định thay đổi ngoại hình, danh xưng để trở về với con người thật.Trong quá trình đó, M. luôn gặp nhiều trở ngại từ công việc, học tập, thậm chí đi khám bệnh cũng bị sự ghẻ lạnh từ các cơ sở y tế.

Đ.T.H (25 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cho rằng cuộc sống trước hay sau chuyển giới đều gặp nhiều khó khăn bởi sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội. H. cho biết chấp nhận đau đớn thể xác khi phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để được là chính mình không khó khăn bằng khi chứng kiến nỗi đau khổ, thất vọng của cha mẹ."Ba mẹ mong muốn tôi như bao người đàn ông khác, có vợ sinh con nên khi phát hiện sự thật, có lúc mẹ đã không muốn gặp mặt tôi.Nhưng cuối cùng, tình yêu thương con lớn hơn, mẹ đành chấp nhận và luôn bên cạnh động viên, chia sẻ mỗi khi tôi gặp chuyện buồn hay thất bại" - H. tâm sự. Hiện tại, H. đang làm người mẫu tự do và rất mong muốn Luật Chuyển đổi giới tính được thông qua để được xã hội công nhận và trở về là chính mình.

Còn nhiều băn khoăn về dự thảo

Theo thống kê, tại Việt Nam ước tính có khoảng 300.000- 500.000 người chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt họ trở thành nhóm dễ bị tổn thương.

Tại hội thảo, đại diện SCDI cho biết một nghiên cứu về chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP HCM mới đây cho thấy 45% người chuyển giới bị từ chối việc làm; 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm; 23% cho biết đã bị buộc phải quan hệ tình dục và 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra, 83% người được hỏi chia sẻ từng bị chế giễu vì là người chuyển giới. Tuy nhiên, con số kể trên chưa phản ánh đầy đủ bức tranh cộng đồng chuyển giới ở Việt Nam do chưa đề cập đến cộng đồng người chuyển giới nam, những người chuyển giới chưa lộ diện và chưa đến độ tuổi thành niên.

Cũng theo đại diện SCDI, các dịch vụ y tế, pháp lý và xã hội… cho người chuyển giới hầu như không có. Người chuyển giới tự điều trị nội tiết tố (hormone) mua ở "chợ đen".Một số rất ít có điều kiện ra nước ngoài hoặc tìm đến cơ sở không hợp pháp ở Việt Nam để thực hiện chuyển đổi giới tính. Trong đó, không ít người đã tử vong hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị nội tiết tố hay tự tiêm silicone.

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã mở ra cơ hội cho những người chuyển giới.Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017) cũng đã công nhận việc chuyển đổi giới tính. Hiện dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được soạn thảo để đưa vào ban hành trong năm 2019 hoặc 2020.

Tuy nhiên, thạc sĩ Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính có một số điểm quan trọng chưa nhận được sự đồng thuận của người chuyển giới. Cụ thể, tại điểm 5 điều 2 dự thảo quy định: "Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc trong toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh dục đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh hoặc hoàn thiện". Như vậy, các cá nhân muốn được thừa nhận là người chuyển giới bắt buộc phải điều trị nội tiết tố sinh dục, phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục. Điều này khiến một bộ phận người chuyển giới ở Việt Nam có nguy cơ không được hưởng lợi từ dự thảo vì không phải ai cũng có đủ điều kiện để chi trả hoặc một số người không đáp ứng với hormone... Nên chăng có thể thay đổi điểm này, không bắt buộc can thiệp y học sẽ tiến bộ và nhân văn hơn.

Hoặc quy định đối tượng chuyển giới phải là người độc thân vì liên quan đến quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình (chỉ cho phép kết hôn giữa nam với nữ, không thừa nhận kết hôn đồng giới).Vì vậy, một cặp vợ chồng đang trong thời gian hôn nhân hạnh phúc mà 1 trong 2 người muốn chuyển giới thì buộc phải ly hôn.

"Khi có hành lang pháp lý, những người chuyển giới mới có cơ hội sống bình đẳng, có quyền kết hôn, quyền được hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận. Vì thế, việc sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính là rất cần thiết" - bà Thủy nói.  (1067)

 

26. 2020 bắt đầu cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử

Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Đào Việt Ánh vừa cho hay từ năm 2020, Bảo hiểm xã hội VN sẽ cấp thẻ bảo hiểm y tế có gắn chíp điện tử, thay cho hình thức thẻ giấy như hiện nay.

Thay vì phải cấp thẻ bảo hiểm y tế mỗi năm một lần, bằng chất liệu giấy dễ mất, dễ rách, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Đào Việt Ánh cho biết cơ quan này sẽ cấp thẻ cứng có gắn chíp, tương tự thẻ ATM của ngân hàng. 

Sử dụng thẻ này đồng nghĩa với việc người bệnh đã có mã định danh liên thông tại các cơ sở y tế và cơ sở bảo hiểm có liên quan, khi đến cơ sở khám chữa bệnh không cần mang theo giấy tờ tùy thân có ảnh như hiện nay.

Ông Ánh cũng cho biết loại thẻ này sẽ được cấp cho người tham gia từ 2020, khi đó các thông tin của người tham gia như tiền sử khám chữa bệnh, bệnh lý kèm theo, các biện pháp chữa trị đã sử dụng... cũng dần sẽ được liên thông giữa các cơ sở y tế. 

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội VN, hiện đã có trên 82 triệu người/tổng số 95 triệu người VN tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên do người tham gia được cấp thẻ giấy, thông tin chưa liên thông dẫn đến nhiều trường hợp bị sai sót thông tin về quyền lợi người tham gia. (261)

 

27. Khai trương trung tâm tiêm chủng quy mô nhất khu vực Nam Bộ

Đó là Trung tâm tiêm chủng văc xin dành cho trẻ em và người lớn (VNVC) Công viên Thanh Lễ, Bình Dương, mới được khai trương ngày 31-10.

Trung tâm có tổng diện tích khuôn viên lên đến 4.500m2 với 50 phòng khám và tiêm.Trung bình mỗi ngày trung tâm có thể phục vụ đến 3.000 lượt khách. Trung tâm có khu vui chơi và chờ sau tiêm, khu phòng chức năng dành cho mẹ và bé sơ sinh (phòng pha sữa, phòng cho bé bú, phòng thay tã, toilet riêng biệt cho bé…) hiện đại và tiện lợi.

 Đi cả trăm km để được chích ngừa

Ngồi trong phòng cho bé bú của trung tâm này, chị T.T.T, 30 tuổi, ngụ ở Lộc Ninh, Bình Phước cho biết, chị sinh con tại một bệnh viện tư ở TP.HCM. Trước đó, những lần đến ngày chích ngừa văc xin 6 trong 1, chị đều đưa con từ Bình Phước lên tận TP.HCM để chích ngừa. Đưa con đi hàng trăm cây số chị thấy rất cực, vất vả nhưng chị lại không yên tâm khi để con chích ngừa ở gần nhà. Đến gần ngày chích mũi thứ 3 văc xin  6 trong 1 của con, chị mới biết tại Bình Dương có một Trung tâm tiêm chủng sắp khai chương. 

Đúng ngày trung tâm khai trương, chị đưa con đến chích ngừa và thấy rất hài lòng khi cơ sở vật chất sạch đẹp, rộng rãi, đội ngũ nhân viên y tế hướng dẫn, tư vấn, chăm sóc tận tình, giá văc xin còn thấp hơn ở bệnh viện tư con chị chích ngừa trước đó. Và khoảng cách đưa con đi chích ngừa cũng gần hơn được 50km.  

Ngồi gần đó, chị L.T.H, 25 tuổi, ngụ ở Bến Cát, Bình Dương đang đút cháo cho con gái chị mới được 9 tháng tuổi, mới vừa được chích ngừa cúm tại trung tâm. Chị H. tỏ vẻ ngạc nhiên khi có một trung tâm văc xin phục vụ khách hàng nhiệt tình như " thế giới di động". 

Sáng sớm, chị địu con và chạy xe máy hơn 30 km từ nhà đến đây để chích ngừa. Vừa bế con vào trung tâm, chị đã thấy có nhân viên bảo vệ lấy dù che nắng cho hai mẹ con chị. Nhân viên hướng dẫn, tư vấn hai mẹ con chị rất nhiệt tình. Trước lúc tiêm văc xin cho con chị, nhân viên thực hiện chích ngừa còn đưa văc xin cho chị xem, đọc tên văc xin, nước nào sản xuất.

Phòng ngừa bệnh tốt hơn

Tại buổi lễ khai trương, ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch Hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty cổ phần văc xin Việt nam, cho biết tại Việt nam còn nhiều trẻ em và người lớn chưa được tiếp cận với tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, chưa được tiếp cận với hệ thống tiêm chủng văc xin cao cấp. Tiếp nối thành công của 5 trung tâm tiêm chủng tại Hà nội, TP.HCM, Đồng Nai, ngày 31-10 hệ thống tiêm chủng VNVC khai trương thêm hai trung tâm tiêm chủng là trung tâm này và VNVC Lê Đại Hành, Q.11, TP.HCM,  nâng tổng số trung tâm của hệ thống VNVC lên 7 trung tâm. Mỗi ngày hệ thống VNVC có khả năng đáp ứng cho 10.000-15.000 khách hàng.Trong tương lai gần, VNVC tiếp tục mở rộng hệ thống trung tâm trên nhiều tỉnh, thành của toàn quốc với mục tiêu không để người dân phải đi xa tiêm chủng.

Phát biểu tại buổi lễ,  PGS.TS Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng văc xin đã cứu sống được rất nhiều người, đã thanh toán, loại trừ một số bệnh truyền nhiễm. Để giảm số mắc, chết các bệnh truyền nhiễm gây dịch, Bộ Y tế mong muốn người dân được tiêm chủng nhiều loại văc xin. 

Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 30 loại văc xin. Tuy nhiên, với nguồn lực nhất định, chương trình tiêm chủng quốc gia, thực hiện tiêm chủng miễn phí cho người dân hiện mới chỉ thực hiện được 10 loại văc xin cơ bản nhất, nguy hiểm nhất. Ông Phu cũng cho biết thêm nếu muốn đưa một loại văc xin vào chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho người dân phải tốn khoảng 400 tỷ đồng/ năm. Tỉnh Bình Dương là tỉnh có đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp, nhiều bà mẹ phải đi làm ca kíp nên trung tâm này đi vào hoạt động không chỉ phục vụ cho người dân tỉnh Bình Dương mà còn phục vụ cho cả miền Đông Nam Bộ.

TS Nguyễn Hoàng Tùng, phó viện trưởng viện kiểm định quốc gia văc xin và sinh phẩm y tế nhận xét đây trung tâm tiêm chủng dịch vụ đầu tiên được trang bị 100% hệ thống các kho lạnh đạt chuẩn GSP tại tất cả các trung tâm tiêm chủng.

Theo ông Ngô Tùng Châu, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Dương có nhiều nhà trọ, công nhân nên dễ xảy ra dịch bệnh. Có một trung tâm tiêm chủng như vậy tại Bình Dương sẽ giúp cho người dân được tiếp cận dễ hơn với các loại văc xin, phòng ngừa các bệnh tốt hơn. (909)

 

28. Lần đầu cứu bệnh nhân đứt mạch máu thận không phải mổ

BV Trưng Vương (TP.HCM) vừa cứu sống bệnh nhân NVQ bị đứt mạch máu thận do bị đâm vào vùng hông trái mà không phải phẫu thuật.

Theo Sở Y tế TP.HCM, BV Trưng Vương đã cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch ít xâm lấn. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên can thiệp thành công trên bệnh nhân bị vết thương đứt mạch máu thận.

Trước đó, ông NVQ (57 tuổi) được một BV địa phương chuyển tới BV Trưng Vương trong tình trạng đau nhiều vùng hông trái, tiểu ra máu.

Kết quả chụp CT scanner cho thấy ông Q. có một vết thương xuyên từ vùng lưng làm rách 1/3 giữa thận trái xuyên vào bể thận.

Thông thường, vết thương thận có tổn thương mạch máu cần được phẫu thuật thám sát và khâu cầm máu. Cạnh đó, cần phải kiểm soát cuống thận, khâu đài bể thận hay cắt thận tùy mức độ tổn thương… do vết thương đã làm rách bao thận và làm mất cơ chế cầm máu tự nhiên.

Tuy nhiên, trong trường hợp ông Q., do khoang sau phúc mạc có nhiều tổ chức mô lỏng lẻo, khi chảy máu khoang này bị tẩm nhuận chứa đầy máu. Do vậy, việc phẫu thuật cầm máu rất khó khăn và có nguy cơ đe dọa tính mạng.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định can thiệp nội mạch thay vì phẫu thuật thám sát tìm mạch máu thận bị đứt để khâu cầm máu. Sau can thiệp nội mạch, hiện ông Q. đã ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. (283)

 

29. Cứu sống ngoạn mục bệnh nhân bị u thần kinh khổng lồ

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức vừa phẫu thuật cấp cứu một bệnh nhân có khối u thần kinh khổng lồ.

Bệnh nhân L.T.L (38 tuổi, Bắc Giang) bị khối u lớn (kích thước 4.8x9.6 cm) gây chèn ép, tràn dịch não thấp.

Thời điểm nhập viện, các bác sĩ nhận định nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể bị hôn mê và tử vong bất cứ lúc nào.

Qua thăm khám, khối u của bệnh nhân nằm ở vị trí trong não thất (Trung tâm của não).Khối u lớn, liên quan đến nhiều cấu trúc thần kinh mạch máu quan trọng.

Để tiếp cận khối u rất khó khăn và có thể gây ra nhiều di chứng nặng nề cho bệnh nhân.

Ê kíp phẫu thuật cho bệnh nhân L.T.L gồm 10 bác sĩ là chuyên gia Gây mê hồi sức, bs phẫu thuật phối hợp rất tốt với nhau.

Nhiều thiết bị hiện đại cũng được sử dụng như kính vi phẫu, dao mổ siêu âm, máy định vị thần kinh, các vật liệu cầm máu.

Sau hơn 06 tiếng phẫu thuật, các bác sỹ đã cắt được toàn bộ khối u. Được biết, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, trí nhớ tốt, sức khỏe bình thường và có thể đi làm trở lại sau 1 tháng phẫu thuật. (228)

 

30. Phẫu thuật thành công u xương hộp sọ ở bệnh viện miền núi

Một ca phẫu thuật u xương hộp sọ vừa được thực hiện tại bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cho bệnh nhân bị u xương hộp sọ lớn.

Bệnh nhân nam, 32 tuổi, sống ở xã Tả Lại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nhập viện đa khoa Mộc Châu trong tình trạng đau đầu, yếu nửa người, chụp CT sọ não cho thấy bệnh nhân có khối u ở xương sọ rất to, khối u đè vào não và chèn ép gây yếu nửa người. Bệnh nhân có chỉ định được phẫu thuật lấy u hộp sọ.

Tuy nhiên do những khó khăn của bệnh viện tuyến huyện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nếu thực hiện ca phẫu thuật này tại bệnh viện thì sẽ rất khó khăn vì có nhiều tình huống không lường trước được, bệnh nhân có thể sẽ tử vong, các bác sĩ đã giải thích nguy cơ và thông báo cho gia đình việc sẽ viết giấy chuyển viện cho bệnh nhân về Hà Nội phẫu thuật.

Sau khi nghe thông tin phải xuống Hà Nội, gia đình bệnh nhân đã xin phẫu thuật tại bệnh viện và cho biết là không có tiền (gia đình bệnh nhân là hộ nghèo của xã), đồng thời cho biết nếu không phẫu thuật được tại huyện thì sẽ đưa bệnh nhân về.

Bác sĩ Vũ Giang An, phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Mộc Châu, cho hay nếu để bệnh nhân về nhà thì một thời gian ngắn sau bệnh nhân sẽ bị liệt. Để cứu bệnh nhân, các bác sĩ đã hội chẩn, chuẩn bị kỹ càng về máu và xét nghiệm, đồng thời quyết định phẫu thuật. 

Sau hơn 2 giờ đồng hồ, khối u của bệnh nhân đã được lấy ra hoàn toàn, bệnh nhân được ghép sọ nhân tạo, 2 ngày sau bệnh nhân thoát mê và tỉnh táo trở lại. Hiện bệnh nhân có thể tự ngồi dậy và tự đi sang phòng thay băng.

Bác sĩ An cho biết tại địa phương có nhiều gia đình khó khăn, khi mắc bệnh nặng các bác sĩ giải thích và chuyển tuyến nhưng nhiều gia đình xin cho bệnh nhân về nhà, vì vậy bác sĩ đã cố gắng cứu bệnh nhân bằng mọi cách, trong đó có trường hợp đặc biệt này. (398)

 

31. Mổ tủy sống cổ cứu người đàn ông khỏi liệt tứ chi

Nam bệnh nhân tại TP HCM được bác sĩ phẫu thuật giải áp tủy cổ và can thiệp mạch vành kịp thời, thoát nguy kịch.

Bệnh nhân 72 tuổi nhập viện trong tình trạng tứ chi nhanh chóng suy yếu, không thể tự đi lại, vụng về cử động đôi tay.

Hình ảnh chụp MRI cột sống cổ cho thấy tình trạng chèn ép tủy do hẹp ống sống cổ. Người nhà cho biết bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm 6 năm nay, vì mắc nhiều bệnh nên sợ phẫu thuật sẽ nguy hiểm tính mạng. 

Tiến sĩ Huỳnh Hồng Châu, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Quốc tế City, xác định bệnh nhân cần sớm được giải áp tủy sống cổ tránh diễn tiến liệt tứ chi và ngưng thở.

Bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, bệnh lý mạch vành điều trị không liên tục.

Phương án điều trị ban đầu là chụp mạch vành và can thiệp trước khi phẫu thuật bệnh lý tủy cổ. Tuy nhiên bác sĩ xác định với tình trạng bệnh lý mạch vành nặng cần can thiệp đặt stent thì bệnh nhân phải trì hoãn phẫu thuật bệnh lý cột sống cổ ít nhất 2 tuần.

Trước nguy cơ liệt tứ chi và đột tử vì suy hô hấp cấp do chèn ép tủy cổ, gia đình chọn phương án phẫu thuật cột sống cổ trước. Ca mổ tiến hành ngày 15/10, sau đó bệnh nhân tự thở tốt, sức cơ tứ chi hồi phục, cải thiện các triệu chứng tê và cử động tay.

Nhờ tiên lượng kỹ các yếu tố nguy cơ, bệnh nhân được theo dõi phát hiện kịp thời tình trạng nhồi máu cơ tim cấp đe dọa tính mạng khoảng một ngày sau mổ.

Các bác sĩ nhanh chóng chụp động mạch vành can thiệp, phát hiện một nhánh động mạch vành bị tắc gần hoàn toàn và đặt một stent để tái thông mạch máu. 

Bệnh nhân cải thiện dần các triệu chứng, huyết động và nhịp tim ổn định, chỉ số men tim, chức năng gan thận, đường huyết về giới hạn bình thường, vận động tứ chi cải thiện nhiều, ăn uống khá hơn và vừa xuất viện. (387)

 

32. 25 bệnh nhân điều trị thẩm mỹ, hơn 1.000 người dân được khám miễn phí

Từ ngày 28/10 đến ngày 3/11 diễn ra chương trình Tình nguyện Y tế lần 3 tại tỉnh Thái Nguyên.25 bệnh nhân được hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật thẩm mỹ và điều trị thẩm mỹ; hơn 1.000 người dân được khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí.

Chương trình Tình nguyện Y tế là hoạt động tiếp nối Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) giữa UBND tỉnh Thái Nguyên, Bệnh viên Samsung Seoul và Bệnh viên A Thái Nguyên được ký kết từ năm 2016 về việc chăm sóc sức khoẻ và y tế cho người dân của tỉnh.

Đến nay, chương trình đã khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 3.000 người; mang lại nụ cười cho gần 80 bệnh nhân mắc dị tật hở hàm ếch; cũng như phẫu thuật các bệnh nhân bị bỏng, ngón tay ngón chân dính nhau, nhiều hơn 5 ngón chân, ngón tay, chứng tai nhỏ, điều trị sẹo. (165)

 

 

II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI

 

33. Trào lưu anti vắc-xin khiến dịch sởi quay lại tấn công châu Âu

Tại châu Âu, dịch sởi đang bùng phát ở những nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp, với hơn 41.000 trường hợp mắc bệnh mà nguyên nhân chủ yếu là do trào lưu anti vắc-xin.

Ít nhất 37 trường hợp đã tử vong do bệnh sởi chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, cao hơn 70% so với cả năm 2017. Trong đó, Ukraine và Serbia là 2 quốc gia có dịch sởi hoành hành mạnh nhất.

Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân số ca nhiễm sởi tăng đột biến là do tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi giảm mạnh.

Trên thực tế, một bộ phận người dân châu Âu đã mất niềm tin và từ chối cho con em tiêm chủng.

Theo bác sĩ Nguyễn Phương Thanh, Trường Đại học Y Hà Nội, quan điểm "Chống vắc-xin (anti vaccine)" hay nói cách khác là không tiêm vắc-xin, sẽ xảy ra những nguy cơ sau:

- Con bạn bị bệnh đó, ví dụ bệnh sởi, rồi tự khỏi, lần sau chẳng bao giờ bị nữa. Như vậy chúng ta được gọi là “thuận theo tự nhiên”. Chúc mừng bạn vì con bạn đã may mắn lần này, không rơi vào trường hợp bé bị biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Tử vong vì sởi chủ yếu xảy ra ở trẻ không được tiêm vắc-xin.

- Con bạn không bao giờ bị bệnh đó. Đó là sự ăn may nữa và bạn nên cám ơn những người xung quanh bạn đã tiêm vắc-xin, mặc dù hiếm khi sự không bị bệnh là do cháu có sức đề kháng tốt.

Chính những người tiêm vắc-xin làm giảm tỉ lệ bệnh xuống mức rất thấp, thấp đến mức cả cuộc đời con bạn cũng không có cơ hội tiếp xúc với một người khác bị bệnh đó xung quanh.

Nếu ai cũng không tiêm vắc-xin thì điều này không bao giờ xảy ra và chúng ta sẽ có những bi kịch thực sự.

Anti vắc-xin thực sự quá lạc hậu và có thể coi là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức trong thời đại này, khi mà các vắc-xin dựa trên các công nghệ sinh học và quy định khắt khe về an toàn và hiệu quả khi cấp phép. (381)

 

34. Nigeria báo động loại thuốc Trung Quốc làm từ "thịt người"

Tổ chức Tiêu chuẩn Nigeria (SON) vừa xác nhận một loại thuốc Trung Quốc trên thị trường Nigeria có chứa thành phần từ người, tờ Guardian Nigeria đưa tin.

SON nói họ đã nhận được một lá thư của Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIA) Nigeria về loại thuốc có xuất xứ Trung Quốc này.

NIA cảnh báo một số cơ quan liên quan bao gồm SON, cơ quan quản lý thực phẩm và hải quan Nigeria về loại thuốc Trung Quốc đang lưu hành.

Hiện các nhà chức trách chưa công bố tên của loại thuốc này.

Theo cuộc điều tra của NIA, các viên thuốc chứa đầy “bột thịt” lấy từ những đứa trẻ đã chết.NIA cho rằng các thi thể này đã bị cắt thành từng miếng nhỏ và sấy khô trên bếp trước khi được chế biến thành bột ở đông bắc Trung Quốc.

"Dịch vụ Hải quan Hàn Quốc ngày 30.9.2018 tiết lộ họ đã tịch thu 2.751 thuốc Trung Quốc chứa thịt người và thịt thai nhi, trẻ sơ sinh, được nhập khẩu vào Hàn Quốc bởi một số công dân Trung Quốc", NIA viết trong tuyên bố.

"Các nhà sản xuất thuốc viết rằng thuốc có thể tăng sức đề kháng, chữa bệnh ung thư, tiểu đường và một số bệnh nan y khác. Các viên thuốc được buôn lậu trong va li qua đường vận chuyển thư quốc tế”.

Cũng theo NIA, Bộ Thực phẩm và An toàn Thuốc Hàn Quốc nói rằng 18,7 tỷ virus, bao gồm virus viêm gan B, được tìm thấy trong các viên thuốc.

NIA cũng nhấn mạnh việc chế tạo thuốc làm từ thịt người và tiêu thụ chúng là tội ác bất nhân, có thể dẫn đến những mối nguy nghiêm trọng về sức khỏe.

Đây không phải là lần đầu tiên các loại thuốc từ bào thai và thịt người được bán ra thị trường. Năm 2011, các quan chức Trung Quốc đã tiến hành điều tra việc sản xuất các loại thuốc làm từ bào thai chết. Hàng ngàn loại thuốc tương tự xuất xứ từ Trung Quốc từng bị tịch thu tại Hàn Quốc vào năm 2012. Các thuốc loại này thường là thuốc đông y, do các cơ sở nhỏ lẻ bào chế. (383)

 

35. WHO: 600.000 trẻ em thiệt mạng vì không khí độc hại

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo việc tiếp xúc với không khí độc hại cả trong nhà và ngoài môi trường là nguyên nhân dẫn tới cái chết của khoảng 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi mỗi năm.

Dữ liệu từ WHO cho thấy, 93% trẻ dưới 15 tuổi; 1,8 tỷ thanh thiếu niên, trong đó có 630 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, đang hít thở không khí độc hại mỗi ngày – nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm trùng hô hấp cấp tính có thể đe dọa tới tính mạng.

"Không khí ô nhiễm đang đầu độc hàng triệu trẻ em và làm hỏng cuộc sống của các em.Đây là điều không thể tha thứ.Mỗi đứa trẻ đều có quyền hít thở không khí trong lành, để có thể lớn lên và phát huy toàn bộ tiềm năng", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.

Nghiên cứu của WHO đã chứng minh ô nhiễm không khí đặc biệt nguy hiểm với trẻ em, ước tính khoảng 7 triệu trường hợp chết yểu mỗi năm vì hít thở không khí độc hại. Báo cáo cũng cho thấy, các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình đối diện nguy cơ cao hơn với 98% trẻ em dưới 5 tuổi phải hít thở không khí bị ô nhiễm. Tỷ lệ này ở các nước phát triển là 52%. 

Phụ nữ có thai khi thường xuyên tiếp túc với không khí ô nhiễm có nguy cơ đẻ non và đứa trẻ ra đời cũng không đạt tiêu chuẩn về cân nặng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ em là đối tượng dễ chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí do có nhịp thở nhanh hơn người trưởng thành, từ đó tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và khả năng nhận thức.

“Không khí ô nhiễm đang khiến não trẻ chậm phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe các em theo nhiều cách hơn so với những gì chúng ta đã dự đoán”, Maria Neira, người đứng đầu bộ phận môi trường và y tế công cộng của WHO cho biết. (364)

 

36. Bác sĩ cắt bỏ quả thận của bệnh nhân vì tưởng là... khối u ung thư

Một bác sĩ ở Mỹ đã cắt bỏ quả thận khỏe mạnh của nữ bệnh nhân vì nhầm là khối u ung thư. Vụ việc bắt đầu từ khiếm khuyết bẩm sinh ít gặp của bệnh nhân và sự bất cẩn của một bác sĩ giàu kinh nghiệm.

Cách đây nhiều năm, bà Maureen Pacheco (53 tuổi, sống ở bang Florida, Mỹ) bị tai nạn xe hơi. Kể từ sau tại nạn, bà Pacheco thường xuyên bị đau lưng, Daily Mail đưa tin.

Vào tháng 4.2016, người phụ nữ tìm đến Trung tâm y khoa vùng Wellington để trị bệnh.Người điều trị cho bà là bác sĩ Ramon Vazquez, một bác sĩ được đánh giá là có trình độ với nhiều năm kinh nghiệm.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ Vazquez phát hiện có sự phát triển bất thường của xương trong vùng chậu bà Pacheco.

Do đó, ông đề nghị phẫu thuật. Ông sẽ mổ vùng lưng của bà Vazquez. Sau đó, phần phẫu thuật chỉnh hình lại xương sẽ do người khác làm.

Tuy nhiên, vào thời điểm mà bác sĩ Vazquez định giao lại công việc chỉnh hình xương cho đồng nghiệp thì ông phát hiện một khối gì đó trong vùng xương chậu bệnh nhân.

Ông xác định đây là trường hợp khẩn cấp vì nghĩ đó là khối u ung thư. Vì vậy, ông đã cắt bỏ khối u mà không thực hiện sinh thiết ung thư.

Khối u tưởng nhầm đó trên thực tế lại là... một quả thận, theo Palm Beach Post.

Các hình ảnh từ máy quét cộng hưởng từ cho thấy một trong hai quả thận của bà Pacheco lại nằm ở vùng chậu.Đây là một khiếm khuyết bẩm sinh vô hại.

Tuy nhiên, bác sĩ Vazquez lại không xem ảnh chụp cộng hưởng từ trước khi mổ, dẫn đến nhầm thận là khối u, theo Daily Mail.

Đến khi tỉnh dậy, bà Pacheco được thông báo là đã được cắt một quả thận.Vụ việc đã dẫn đến vụ kiện kéo dài hai năm và vừa được tòa ra phán quyết vào tháng 9.2018.

Bà Pacheco được bồi thường 500.000 USD (tương đương hơn 11,65 tỉ đồng) nhưng giờ sống chỉ với một quả thận. Bà cũng đối mặt nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính và suy thận, theo Daily Mail. (391)

 

37. Những cách chữa bệnh "kỳ lạ" nhất từng xuất hiện trong lịch sử

Ngày nay, mặc dù y học hiện đại đã phát triển, giúp con người có thể chữa các bệnh nhanh chóng và dễ dàng hơn. Thế nhưng, nếu biết được cách chữa bệnh “kỳ lạ” của y học xưa: dùng mỡ dê để chữa đau rang, nọc độc rắn chữa nhiễm trùng, tập thể dục chữa tiểu đường… chắc hẳn nhiều người sẽ không tin. Nhưng đó lại là những bài thuốc chữa bệnh đã từng xuất hiện trong lịch sử.

Chữa đau răng bằng mỡ dê

Từ thời cổ đại, con người đã dành một sự quan tâm không nhỏ đến sức khỏe răng miệng. Không có những máy móc hay loại thuốc hiện đại như ở thế kỷ 21, những “nha sĩ” sống cách đây hàng ngàn năm đã tự chế ra các liệu pháp chữa bệnh hết sức độc đáo nhưng cũng vô cùng hiệu quả. Trong số đó, có thể kể đến cách chữa đau răng bằng… mỡ dê.

Theo các văn tự cổ, một hỗn hợp gồm mỡ dê, cây kỳ nham, hành tây sẽ được hun lên để tạo khói. Luồng khói này sau đó sẽ được dẫn thẳng vào vị trí răng đau của bệnh nhân như một loại thuốc.

Phương pháp gây tê đặc biệt chiêt xuất từ thảo dược

Để giúp bệnh nhân giảm cơn đau trong ca cấp cứu phải dùng đến dao kéo, những bác sĩ thời xa xưa cũng đã biết cách sử dụng thuốc gây tê và gây mê. Chỉ có điều, thành phần của các loại thuốc này khác xa so với “hậu thế” của chúng ở thế kỷ 21.

Người Ai Cập cổ lấy chiết xuất từ quả của cây mandrake để làm giảm các cơn đau. Còn đối với các quốc gia Á Đông như vùng Lưỡng Hà, Trung Quốc, Ấn Độ thì cây phụ tử, cần sa, cây bách xù và rượu là những phương thuốc phổ biến hơn cả. Hiệu quả của những phương pháp này có hay không vẫn chưa có tài liệu y học nào đề cập tới.

Chữa tiểu đường bằng cách tập thể dục

Do trình độ khoa học chưa phát triển, nhiều căn bệnh mãn tính được người xưa đổ lỗi cho các thế lực siêu nhiên. Vào thời Hy Lạp cổ đại, bệnh động kinh được cho là xuất phát từ ý muốn của chúa trời.Trong khi đó, bệnh tiểu đường lại được các bác sĩ thời trước “kê đơn” bằng các động tác thể dục hoặc thảo dược.Thậm chí, còn có một giai đoạn trong lịch sử mà bệnh vẩy nến được xếp vào loại “nan y” không thể chữa trị. Do đó, những bệnh nhân mắc căn bệnh này đã buộc phải đeo một cái chuông ở cổ để cảnh báo mọi người tránh xa mình.

Trích máu thường là phương pháp chữa trị phổ biến cho hầu hết các loại bệnh

Thời xa xưa, người ta thường quan niệm rằng, các căn bệnh sẽ làm nhiễm độc máu. Để bệnh nhân nhanh hồi phục, lượng máu độc này cần phải loại ra ngoài cơ thể. Do đó, “trích máu” từng có thời kỳ là phương pháp chữa bệnh cực kỳ phổ biển ở các nền văn minh lớn như Ấn Độ, Ả rập, Hy Lạp, Ai Cập.

Thậm chí, sau khi bẵng đi một thời gian, phương pháp này lại rộ lên ở thế kỷ 19, lúc mà khoa học đã đạt đến độ phát triển nhất định. Được biết, ngay cả tổng thống Mỹ George Washington cũng từng chữa căn bệnh viêm amidan của mình bằng cách trích máu.

Nọc độc rắn được coi như một loại thuốc kháng sinh

Trước khi thuốc kháng sinh được phát minh ra, những bác sĩ thời xa xưa đã chống chọi với căn bệnh nhiễm trùng bằng nhiều loại thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên. Phổ biến nhất chính là nọc độc rắn và các loại thực vật có độc.

Theo đó, người Ai Cập cổ thường sử dụng cây thuốc phiện, cây kỳ nham để chữa nhiễm trùng.Trong khi đó, các bác sĩ châu Âu thời trung cổ lại dùng nọc độc rắn và bọ cạp sấy khô như một loại thuốc kháng sinh.

Khoan sọ

Phương pháp trị bệnh khiến người ta "nổi da gà" này được gọi là Trephination.Đây được xem như phương pháp phẫu thuật lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại, xuất hiện từ thời kỳ đồ đá. Con người áp dụng cách trị bệnh này để chữa đau đầu, động kinh và một số chứng rối loạn tâm lý.

Trephination như một nghi lễ cổ xưa để giúp con người thoát khỏi các linh hồn ma quỷ - thứ được tin là nguyên nhân gây bệnh tật.

Ở thời kỳ Phục hưng, phương pháp khoan sọ này vô cùng phổ biến. Thậm chí tới ngày nay, Trephination vẫn được áp dụng trong y học hiện đại. Các bác sĩ sẽ can thiệp vào não của con người, sử dụng kỹ thuật và công cụ để khoan thẳng vào sọ bệnh nhân nhằm giải quyết các vết máu tụ do xuất huyết nội, chấn thương đầu hoặc đột quỵ. Trephination được biết tới là một phương pháp phẫu thuật đầu tiên trong lịch sử y học.

 Đẻ đứng

Phương pháp này được áp dụng trong xã hội của người Ấn Độ cổ xưa.Một số bộ lạc ở châu Phi thậm chí còn sử dụng những dụng cụ sơ khai để mổ lấy đứa trẻ.

Với phương pháp này, tỉ lệ tử vong của các bà mẹ và trẻ sơ sinh cao do hiểu biết về sinh đẻ của người dân kém. Tới thời kỳ trung cổ, do ảnh hưởng của nhà thờ và tôn giáo cũng đã làm thay đổi nhiều kiến thức về sinh sản của con người.

Giảm căng thẳng nhờ lạnh cóng

Phơi mình ở nhiệt độ âm 110 độ C có thể khiến bạn chết cóng, nhưng đó là lại phương pháp chữa giảm đau cơ, giảm căng thẳng và giúp ích cho làn da.

Để trải nghiệm phương pháp điều trị bệnh lạ đời này, bệnh nhân mặc trang phục áo tắm, mang găng tay và vớ chân để bảo vệ cơ thể khỏi tê cóng. Sau đó, bệnh nhân đi qua một căn phòng lạnh bằng ni-tơ lỏng. Mỗi lần điều trị sẽ mất khoảng 8 phút, nhưng nếu lâu hơn nữa thì không thể được vì da sẽ bị nứt nẻ.

Tắm âm thanh để thư giãn

Đây là một liệu pháp tắm âm thanh được tạo ra từ những tinh thể thạch anh.Nói là tắm, nhưng thật ra là bạn nghe âm thanh. Những âm thanh này sẽ liên kết với “các trung tâm năng lượng” của cơ thể giúp người nghe được thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Tắm rơm dưới nắng để chữa bệnh khớp

Nhiều bác sĩ ở vùng núi Tyrol ở Áo phát hiện những nông dân vùng này hiếm khi bị thấp khớp hay viêm khớp, nhờ ngủ trong rơm. Kể từ đó, phương pháp chữa bệnh độc đáo này được các bác sĩ sử dụng trong điều trị kháng viêm. Tuy vậy, cách chữa bệnh có một chút “biến tấu” là trộn lẫn nước ấm với rơm từ cây kim sa và rễ nữ lang, sau đó đắp hỗn hợp này lên người bệnh. (1243)

 

38. Đi chơi công viên về, cậu bé bị cắt tay chân vì vi khuẩn 'lạ'

Một gia đình đau buồn chứng kiến con trai bé nhỏ (chỉ mới ở độ tuổi biết đi) bị cắt cụt hết một nửa phía dưới của bốn chi chỉ vì một căn bệnh bí ẩn đến nỗi các bác sĩ không biết đó là bệnh gì.

Ashley Cox (ở Indiana, Mỹ) cho biết cô đưa các con đến một công viên chơi vào cuối tháng 9.

Ngày hôm sau, con trai Jeremiah bắt đầu sốt. Sau đó, cơn sốt không hạ và sức khỏe của cậu bé ngày càng suy sụp. Vì vậy họ đã đưa bé Jeremiah đến Bệnh viện Nhi Riley (Mỹ), theo Fox News ngày 30.10.

Chỉ vài phút sau nhập viện, những vết bầm tím bắt đầu xuất hiện khắp cơ thể cậu bé.

Nicholas Thompson, ba của cậu bé, nói các bác sĩ mô tả triệu chứng như ban xuất huyết nhưng họ không thể biết loại vi khuẩn nào gây ra điều này.

Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, ban xuất huyết xuất hiện khi có sự chảy máu dưới da.

Bác sĩ Alyson Baker, người điều trị cho cậu bé, cho biết: “Chúng tôi phải hành động rất nhanh vì cậu bé đã bị sốc nhiễm trùng. Cậu bé nhanh chóng được cho uống kháng sinh để giúp giảm nhiễm trùng trước khi chúng tôi có thể chẩn đoán được thật sự cậu bé bị gì”.

Tuy nhiên, hai tay và hai chân của cậu bé không thể cứu được. Họ buộc phải cắt cụt một nửa từ đầu gối và khuỷu tay trở xuống.

“Một ngày nào đó, con trai tôi có thể sử dụng tay chân giả để giúp cậu bé làm được nhiều thứ trong suốt cuộc đời còn lại. Chúng sẽ cố gắng có thể giúp cho tương lai của con trai tươi sáng hơn chút”, ba cậu bé hy vọng nó​

Thăm dò ý kiến