Điểm tin y tế ngày 08/7/2019

09/07/2019 | 09:26 AM

 | 

1. Dịch sởi chưa hạ nhiệt

Mặc dù thời tiết đã sang mùa hè, nhưng bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Ghi nhận tại một số bệnh viện, số bệnh nhân mắc sởi chiếm tỉ lệ cao hơn so với các bệnh truyền nhiễm khác.

Theo thống kê của ngành Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay tại Hà Nội ghi nhận 1.274 trường hợp mắc sởi ở 20 quận, huyện. Các quận, huyện có số ca mắc cộng dồn cao như: quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Trì.

 

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân mắc sởi.So với 3, 4 tháng đầu năm 2018, số ca mắc sởi năm 2019 tăng gấp ba lần.Đáng lưu ý, rất nhiều trường hợp khi vào viện có những biến chứng rất nặng.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương trung bình mỗi ngày cũng tiếp nhận từ 20 đến 30 bệnh nhi nhập viện do mắc sởi. Số bệnh nhân mắc sởi chiếm phần lớn số giường bệnh ở đây.

Trong khi đó, số bệnh nhi phải viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cũng tăng cao. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận 5-10 bệnh sởi. Điều trị nội trú hiện tại có khoảng 15 bệnh nhi mắc sởi, hầu hết đều chưa tiêm phòng.

“Tình hình dịch sởi năm nay so với mọi năm phức tạp hơn, dù thời tiết đã nắng nóng, nhiệt độ tăng lên. Bệnh sởi tăng và xuất hiện nhiều ở mùa này là do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và cũng do các bậc phụ huynh chưa ý thức đưa con đi tiêm chủng chưa đồng đều”, đại diện Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn nêu.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi lây qua đường hô hấp và tốc độ lây rất nhanh và nếu như các bậc cha mẹ không để ý và không cách ly cho trẻ mắc bệnh thì mức độ lây lan ra cộng đồng rất lớn.

Do vậy chuyên gia khuyến cáo các gia đình nên chú ý đưa con đi tiêm phòng đúng lịch để phòng bệnh sởi cho con.

Bên cạnh đó, tuy sởi là bệnh thông thường song biến chứng (nếu có) rất nguy hiểm vì vậy, khi có dấu hiệu của bệnh người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sỹ thăm khám và điều trị, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Được biết, hiện ngoài dịch sởi, thì trên địa bàn Hà Nội, dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng đang diễn biến khó lường. Đặc biệt là sự xuất hiện của ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm.

 

2. Nắng nóng, bệnh nhân nhập viện tăng

Trong đợt nắng nóng gay gắt vừa qua, số bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai tăng nhẹ.  

Khoa Cấp cứu A9 của bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục ca bệnh lý liên quan trực tiếp đến nắng nóng với các biểu hiện như: Đau đầu, mệt mỏi, chuột rút, rối loạn điện giải... Một số ca bệnh nặng đã được chuyển đến Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) để tiếp tục theo dõi. Số còn lại đã ổn định và được xuất viện.

TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cấp cứu tổng hợp, Khoa Cấp cứu A9 cho biết, đợt nắng nóng cao điểm lần thứ 2 trong năm nay tại miền Bắc, số lượng bệnh nhân vào khoa tăng nhẹ. 

Đáng chú ý là đối với những bệnh nhân có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc bệnh phổi mãn tính, suy thận…, nắng nóng sẽ là yếu tố thuận lợi gia tăng tình trạng đột quỵ, nhồi máu não, nếu bệnh nhân không có kiến thức để tự chăm sóc và kiểm soát tốt các bệnh lý sẵn có này.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9 lưu ý người dân khi thời tiết nắng nóng bất thường cần chú ý đến điều kiện làm việc và tập luyện, nên tránh thời điểm nắng nóng nhất (12h-16h). Bởi trong môi trường nắng nóng, nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ cơ thể tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể, ra mồ hôi nhiều, rối loạn nước và điện giải do bù nước không đúng sẽ có nguy cơ gây đột quỵ hoặc sốc nhiệt.

Nếu phải làm việc ngoài trời trong những ngày này, người dân dùng các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, che chắn hiệu quả. Đặc biệt, mọi người cần uống đủ nước, uống ít một, tốt nhất là uống oresol pha sẵn để phòng mất nước và điện giải.

Những người có các biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, chuột rút, thân nhiệt tăng cao bất thường... cần được đưa vào nơi râm mát nghỉ ngơi và đến kiểm tra tại cơ sở y tế gần nhất.

 

3. Bình Định lo ngay ngáy chống "đại dịch tả" lợn châu Phi, Hậu Giang phát hiện thêm ổ dịch mới

 Đánh giá tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, điểm dịch đang tiến gần địa bàn tỉnh Bình Định, lãnh đạo tỉnh này đã chỉ đạo các sở ngành liên quan phải quyết liệt, không được thờ ơ với dịch tả lợn châu Phi trong tình hình mới. Trong khi đó Hậu Giang tiếp tục phát hiện thêm ổ dịch mới buộc phải tiêu hủy hơn 1.200 con lợn. 

Ngày 21/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chủ trì cuộc họp “nóng” cùng các sở ngành liên quan để triển khai khẩn cấp công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh này.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, đến nay, dịch tả lợn châu Phi diễn ra tại 34 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 1.4 triệu con. Đặc biệt, ngày 19/5 vừa qua, phát hiện thêm 2 ổ dịch bệnh tại tỉnh Quảng Nam, khiến nguy cơ dịch xâm nhập địa bàn tỉnh Bình Định đang ở mức báo động cao.Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Bình Định chưa phát hiện lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Trong khi đó, Bộ NN&PTNT nhận định, trong thời gian tới nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch; tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh lại tái phát. Đặc biệt, nguy hiểm hơn bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp, không được thờ ơ, chủ quan trước dịch bệnh.

“Khi chưa biết dịch bệnh này lan truyền bằng hình thức nào, có khi qua vận chuyển, chuyên chở, giao dịch… Do vậy, chúng ta phải ứng dụng bằng biện pháp đa phương để ngăn chặn dịch bệnh. Phải dùng biện pháp tiêu độc, khử trùng khi chưa có vắc xin. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền cho người chăn nuôi có ý thức để tự bảo vệ mình, bảo vệ tài sản của họ…”, ông Châu nói.

Ông Châu cũng cho rằng đây là một “đại dịch”, nếu chính quyền các cấp thờ ơ, chủ quan thì không riêng gì đàn lợn bị ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng đến đàn gia cầm, đàn súc vật và có khi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến con người.

Theo ông Châu, việc phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là trách nhiệm của tất cả các sở, ngành, các đơn vị liên quan chứ không phải của riêng ai.

“Nếu huyện nào để xảy ra dịch bệnh thì trung tâm dịch vụ ở đó phải chịu trách nhiệm chính, đến Phòng Kinh tế, rồi mới đến Chủ tịch UBND huyện đó. Còn ở tỉnh thì chịu trách nhiệm đầu tiên là Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh, rồi đến Giám đốc Sở Nông nghiệp và cuối cùng mới đến tôi”, ông Châu khẳng định.

Tại cuộc họp ông Châu cũng phê bình Sở Công thương “bình chân như vại” trước tình hình diễn biến phức tạp.Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chưa hướng dẫn cho người dân trong việc tiêu hủy như thế nào để đảm bảo môi trường.

“Tôi khẳng định là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm đến hôm nay.Nhân cuộc họp này, tôi đề nghị Sở Công thương điều tiết thị trường không để lái buôn khống chế giá cả, điều này người dân của mình sẽ bị thiệt”, ông Châu nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc họp, ông Châu yêu cầu ngay sau cuộc họp này, đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh ra quân kiểm tra ngay các chốt chính kiểm soát động vật; đồng thời yêu cầu Sở Nông nghiệp thành lập tổ phòng chống dịch khẩn cấp thường xuyên kiểm tra trên các tuyến đường. Tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ cho người dân, các trang trại và đề xuất hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

 “Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang lây lan mạnh, nghiêm cấm không được tăng tổng đàn; không cho phép chở lợn con (kể cả lợn lớn) từ tỉnh khác vào tỉnh Bình Định. Với người buôn bán lợn, việc vận chuyển đi phải phun khử trùng tất cả các xe, thậm chí khử trùng cả tài xế…”, ông Châu yêu cầu.

Trước đó, hôm qua (20/5), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã trực tiếp đi kiểm tra công tác tổ chức ngăn chặn xâm nhập bệnh dịch tả lợn châu Phi và phòng chống dịch bệnh động vật tại các huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn.

Hậu Giang: Phát hiện thêm ổ dịch mới, tiêu hủy hơn 1.200 con lợn

Trong tháng 4, tỉnh Hậu Giang phát hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi và được xem là tỉnh duy nhất ở miền Tây xuất hiện loại dịch tả này. Nhưng mới đây, ngành chức năng vừa tiếp tục phát hiện và tiêu hủy hơn 1.200 con lợn dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.

Ổ dịch tả lợn Châu Phi Hậu Giang vừa phát hiện là vào ngày 18/5, tại hộ ông Phạm Thanh Tâm (chủ một trang trại heo ở ấp Láng Sen, xã Hiệp Lợi).Vào thời gian này, ông Tâm phát hiện có 88 con heo bị bệnh chết bất thường.Ngay lập tức, gia đình báo cho chính quyền địa phương và ngành chức năng thị xã đến kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm.

Đến 19/5, kết quả xét nghiệm cho thấy đàn heo trong trang trại của ông Tâm bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu phi. Ngành chức năng địa phương đã tiến hành đem 1.221 con lợn của ông Tâm tiêu hủy theo đúng quy trình.

Chiều 21/5, ông Lê Hùng Chiến - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), thông tin đơn vị đang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiến hành tiêu hủy hơn 1.200 con lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi.

Sau khi phát hiện ổ dịch ở hộ ông Tâm, ngành chức năng đã lập 2 chốt kiểm dịch ở 2 đầu ổ dịch để hạn chế phương tiện mua bán, vận chuyển lợn ở khu vực lân cận. Song song đó, tiến hành phun xịt tiêu độc khử trùng phạm vi 3km xung quanh khu vực phát hiện ổ dịch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Hậu Giang, cho biết, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 6 xã thuộc 4 huyện, thị xã phát hiện ổ dịch tả lợn Châu phi.

Tuy nhiên, 2 ổ dịch phát hiện tại huyện Châu Thành A (phát hiện ổ sau cùng vào 20/4) đã hết dịch do sau 30 ngày nhưng không phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi mới.

Đến ngày 5/5 trên địa bàn xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy).Tại đây có 18 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi.Ngay sau đó, địa phương đã tiến hành khử trùng, phun thuốc và chôn lấp số lợn nhiễm bệnh.

Đến ngày 15/5, ngành chức năng huyện Châu Thành phát hiện đàn lơn 27 con của một hộ dân ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành cũng dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Hậu Giang là tỉnh duy nhất ở miền Tây xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên từ đầu tháng 4 đến nay, tỉnh này đã phát hiện 5 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 6 xã thuộc 4 huyện, thị xã (huyện Châu Thành A, huyện Châu Thành, huyện Vị Thủy và thị xã Ngã Bảy) với tổng số lợn  nhiễm bệnh bị tiêu hủy trên 1.300 con.

Hiện nhiều tỉnh ở miền Tây, như An Giang, TP Cần Thơ, Đồng Tháp... tăng cường công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phí, nhất là từ khi Hậu Giang phát hiện loại dịch tả khó ngăn chặn này.

 

4. Lại phát hiện thêm một ổ dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Nam

Mới đây, tỉnh Quảng Nam phát hiện thêm 14 con lợn của một hộ gia đình ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 22/5, ông Nguyễn Bốn, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam xác nhận, lại phát hiện thêm 14 con lợn của một hộ gia đình ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Bốn, vào ngày 19/5 , 13 con lợn của gia đình ông Phan Tám (thôn Vân Quật, xã Duy Thành) có triệu chứng sốt cao, bỏ ăn và máu chảy ra ở vùng miệng, mũi và hậu môn.

Nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Nam đã cử cán bộ đến lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn của ông Tám đem đi xét nghiệm thì kết quả đàn lợn này đều dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Tiếp đến, ngày 20/5, con lợn nái của hộ ông Huỳnh Tấn Sỹ (thôn Nhơn Bồi, xã Duy Thành) cũng có biểu hiện tương tự với đàn lợn của ông Tám. Và kết quả xét nghiệm cho thấy, con lợn của nhà ông Sỹ cũng bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, vào ngày 14/5, đàn lợn 4 con của hộ ông Bùi Văn Á (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) có dấu hiệu lâm sàng mắc dịch tả lợn châu Phi. Sau đó, chính quyền báo cáo với Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh và nhanh chóng gửi mẫu ra Chi cục Thú y vùng IV (đóng tại Đà Nẵng).Kết quả xét nghiệm cho thấy, đàn lợn của ông Á dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 3 xã của huyện Duy Xuyên khiến 38 con lợn đem đi tiêu phải tiêu hủy.

Ngày 20/5, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi có khả năng lây lan diện rộng, UBND tỉnh đã có Công văn số 2757/UBND-KTN về việc khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo chính quyền các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Đối với các địa phương có dịch tả lợn châu Phi phải tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi và thực hiện xử lý các đàn lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc. Ngoài ra, phải thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời hoặc đội kiểm tra liên ngành để quản lý ổ dịch và hạn chế tối đa sự phát tán, lây lan mầm bệnh sang địa phương khác…

 

5. Phát hiện hàng trăm kg nội tạng và thịt lợn không rõ nguồn gốc trên xe khách

Lực lượng chức trách tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một ô tô khách chở theo gần 500kg nội tạng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trên xe còn có 149kg phong lan và 6kg cá thể rắn không có giấy tờ hợp pháp. Trong khi đó, lực lượng chức năng Hà Tinh, Quảng Trị cũng phát hiện hàng trăm kg thịt lợn không rõ nguồn gốc đang trên đường chở đi để tiêu thụ.

Quảng Bình: Nửa tấn nội tạng phát hiện trên xe khách

Vào khoảng 22h ngày 21/5, tại km 636, trên QL1A, thuộc địa phận huyện Bố Trạch, lực lượng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với Cục Quản lý thị trường Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra xe ô tô khách mang BKS 74B-006.06 do Phạm Văn Đức (SN 1976, trú tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) điều khiển đang lưu thông hướng Nam - Bắc. 

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong khoang để hành lý xe có 22 thùng xốp chứa 460kg nội tạng động vật; 6 thùng carton và 1 bao tải có chứa 149kg lâm sản phụ (phong lan rừng) cùng 1 túi lưới có chứa 6kg cá thể rắn. 

Toàn bộ số nội tạng, phong lan và rắn nói trên đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và giấy tờ hợp lệ. Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản vụ việc.  Hiện lực lượng Kiểm lâm và Cục Quản lý thị trường Quảng Bình đang tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định.

Hà Tĩnh: Xử lý xe khách vận chuyển 200kg thịt lợn không rõ nguồn gốc

Sáng nay 22/5, Đội tuần tra kiểm soát 6/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, vừa phát hiện, bắt giữ xe ô tô khách BKS 72B - 00062 vận chuyển hơn 200kg thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, vào khoảng 4h00 ngày 22/5, trong quá trình tuần tra kiểm soát trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh phát hiện xe ôtô khách BKS 72B - 00062 do tài xế Nguyễn Văn Thắng (SN 1980, trú tại tỉnh Nghệ An) điều khiểu chạy hướng Bắc - Nam có biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành dừng xe kiểm tra.

Qua kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện trên xe vận chuyển hơn 200kg thịt lợn và một số thực phẩm khác không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Nguyễn Văn Thắng không xuất trình được loại giấy tờ hợp pháp liên quan đến lô hàng. Hiện các lực lượng chức năng đang hoàn tất hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.Trong một diễn biến khác hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).

Cụ thể vào ngày 20/5, một con lợn mạ của hộ ông Nguyễn Trọng Cuông, trú tổ dân phố Hoàng Hoa, thị trấn Thiên Cầm có dấu hiệu bỏ ăn rồi chết không rõ nguyên nhân. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã báo với cơ quan chức năng.

Ngay lập tức Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Hà Tĩnh đã lấy mẫu gửi Cơ quan Thú y vùng III xét nghiệm.Kết quả cho thấy, đàn lợn của ông Cuông gồm 3 lợn mạ và 7 lợn con dương tính với DTLCP.

Trước đó, vào chiều 16/5, trường hợp bị nhiễm DTLCP đầu tiên được phát hiện trên địa bàn Hà Tĩnh là tại hộ ông Đặng Văn Đoàn (trú tổ 6, thị trấn Cẩm Xuyên). Đàn lợn 55 con của ông Đoàn có triệu chứng sốt, không ăn, lười vận động, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ. Sau khi trình báo, lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm thì phát hiện dương tính với DTLCP.

Quảng Trị: Ngăn chặn 300 kg thực phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc

Ngày 22/5, Công an huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) cho biết, vừa phát hiện và bắt giữ  xe ôtô tải vận chuyển một lượng lớn thịt động vật (vú sữa lợn) không rõ nguồn gốc.Theo đó, vào sáng cùng ngày, tổ công tác của Công an huyện Vĩnh Linh khi tiến hành kiểm tra xe ôtô tải BKS 94C-011.73 do anh Lâm Hữu Tấn (SN 1986, ngụ tại TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) điều khiển, trên quốc lộ 1 theo hướng Bắc-Nam.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chứa khoảng 300 kg thực phẩm từ lợn, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Tài xế Tấn khai nhận, sản phẩm động vật nói trên được một người phụ nữ (không rõ danh tính) thuê vận chuyển từ tỉnh Nam Định vào TP Đà Nẵng. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

 

6. CẨN TRỌNG VỚI QUẢNG CÁO THỰC PHẨM BẢO VỆ SỨC KHỎE VIÊN XƯƠNG KHỚP KINGPHAR NEW

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp Kingphar New trên quảng cáo trên các website sieuthihaohao.com; nhathuoctrungnguyen.com;

chuyenkhoaxuongkhop.net; shopee.vn; facebook.com vi phạm quy định quảng cáo.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo cẩn trọng với thông tin quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp Kingphar New trên các website: sieuthihaohao.com; nhathuoctrungnguyen.com; chuyenkhoaxuongkhop.net; shopee.vn; facebook.com đã vi phạm quy định quảng cáo. Cụ thể, quảng cáo công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Sản phẩm này do Công ty Cổ phần Kingphar Việt Nam có địa chỉ: Số B58 đường Nguyễn Thị Định, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

 

Cục An toàn thực phẩm đã mời công ty lên làm việc, tuy nhiên đại diện Công ty khẳng định các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp Kingphar New đang quảng cáo trên các

website: sieuthihaohao.com;nhathuoctrungnguyen.com, chuyenkhoaxuongkhop.net, shopee.vn, facebook.com không phải do Công ty Cổ phần Kingphar Việt Nam thực hiện và không chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm trên website này.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp Kingphar New tại website nêu trên.

7. Viên xương khớp Kingphar New quảng cáo sai công dụng trên một số website

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có thông báo đề nghị người dân cẩn trọng với thông tin quảng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp Kingphar New trên các website: sieuthihaohao.com; nhathuoctrungnguyen.com, chuyenkhoaxuongkhop.net, shopee.vn, facebook.com

Theo thông báo cho hay, trong thời gian vừa qua trên các website sieuthihaohao.com; nhathuoctrungnguyen.com có quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp Kingphar New vi phạm quy định quảng cáo. Cụ thể, quảng cáo công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Sản phẩm này do Cty Cổ phần Kingphar Việt Nam (Địa chỉ: Số B58 đường Nguyễn Thị Định, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm đã mời Cty lên làm việc, tuy nhiên đại diện Cty khẳng định các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp Kingphar New đang quảng cáo trên các website: sieuthihaohao.com; nhathuoctrungnguyen.com, chuyenkhoaxuongkhop.net, shopee.vn, facebook.com không phải do Cty Cổ phần Kingphar Việt Nam thực hiện và không chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm trên website này.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp Kingphar New tại website nêu trên.

 

8. Xót xa khi dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia bị làm yếu đi

(Dân Việt) “Đau đớn thay, dự thảo Luật được phát triển trong 2 năm qua, tốn không biết bao nhiêu sức người sức của cả nguồn lực trong nước và quốc tế, vậy mà "càng ngày càng xa khoa học và kinh nghiệm quốc tế", tới độ phiên bản hiện tại thực chất chỉ còn là hình thức cho có luật mà thôi", TS Trần Tuấn xót xa nói với PV.

Nhiều khoảng trống pháp lý

Ngày mai, 23.5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường những ý kiến khác nhau về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Vụ Pháp chế là đơn vị được Bộ Y tế giao chủ trì soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (Dự thảo Luật).

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đánh giá: Nhiều điều trong Dự thảo Luật hiện nay đang tạo khoảng trống pháp lý, không làm rõ được tác hại của rượu bia như mục tiêu ban đầu cơ quan soạn thảo Luật mong muốn. Ví dụ như: Quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên bị thay thế bằng chỉ cấm quảng cáo, khuyến mại rượu từ 15 độ cồn trở lên, không cấm đối với bia."Trong khi đó, bia cũng là sản phẩm có cồn, gây nghiện. Người dân uống 1 lon/cốc bia tương đương 1 chén nhỏ rượu. Tác hại của rượu, bia là như nhau. Nếu chỉ cấm quảng cáo rượu mà không cấm quảng cáo bia thì mọi người dễ hiểu nhầm “chỉ có rượu có hại, bia thì không”, ông Quang phân tích. Tại Việt Nam, 95% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn hiện nay là bia.

Theo bà Trần Xuân Hằng (Vụ Pháp chế, Bộ Y tế): "Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng internet đang được các DN nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không quy định cấm". 

“Quảng cáo rượu bia thúc đẩy quyết định sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên và làm tăng mức độ tiêu thụ rượu bia ở những người đang sử dụng rượu bia. Hạn chế quảng cáo rượu bia làm giảm tiêu thụ rượu bia, giảm tai nạn giao thông và gánh nặng bệnh tật do rượu bia. Do đó, Luật phải có các quy định chặt chẽ để kiểm soát quảng cáo rượu bia” – ông Quang nhấn mạnh.

Về điều này, ông Quang dẫn chứng, những nước cấm quảng cáo cả bia và rượu trên truyền hình và radio có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia thấp hơn 11% và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp hơn 23% so với những nước chỉ cấm quảng cáo rượu mạnh.

Chưa kể, trong các Dự thảo Luật trước đưa ra rất nhiều quy định nhằm hạn chế việc tiếp cận của người dân quá dễ dàng với rượu, bia như cấm bán rượu, bia tại trạm dừng đỗ xe, cấm bán sau 22 giờ..., nay cũng bị bỏ.

Ngoài ra, Dự thảo Luật hiện nay không quy định việc cấm tài trợ trong một số hoạt động như y tế, giáo dục; không quy định cấm tài trợ của rượu bia với rượu trên 15 độ. Cách thức quy định tại Dự thảo Luật tạo nhiều kẽ hở để các tổ chức, cá nhân kinh doanh bia sử dụng để quảng cáo rượu bia.

Hiện nay, có phương án chuyển Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia thành “Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khỏe con người”.

Với phương án này, ông Quang khẳng định Ban soạn thảo bảo lưu tên gọi ban đầu là "Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia". “Tên gọi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia” đơn giản, dễ hiểu, phản ánh trực diện tác hại cấp tính của rượu bia đối với sức khỏe con người. Còn tên gọi mới quá rắc rối, cả chuyên gia cũng khó mà nhớ để gọi tên cho đầy đủ, chính xác” – ông Quang chia sẻ.

Phải có quy định nghiêm khắc

Theo TS Trần Tuấn, Trưởng Ban Điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN), so với dự thảo Luật lần 1 thì các quy định tại “phiên bản” mới nhất của dự luật này (sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa khai mạc) có "độ lùi" lớn nhất trong việc hạn chế tính sẵn có, tràn lan của rượu, bia. Nhiều điều khoản liên quan đến kiểm soát quảng cáo, tiếp thị và tài trợ rượu, bia nhằm kiểm soát việc sử dụng rượu, bia đã bị đưa ra khỏi dự thảo hoặc điều chỉnh làm yếu đi.

TS Tuấn cho rằng, rượu bia là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, tội phạm tình dục, bạo hành gia đình, bạo lực xã hội. Hơn 70% các vụ mâu thuẫn đâm chém nhau ở nơi công cộng, có liên quan trực tiếp với rượu bia… Hậu quả của bia rượu đa dạng như vậy chắc chắn không thể chỉ bằng câu nhắc nhờ: “Uống ít”, “Uống rượu bia nhưng đừng lái xe”, “Uống rượu đừng xâm hại phụ nữ, đừng gây gổ được”. Rượu là chất gây nghiện, đã nghiện sẽ uống nhiều, uống nhiều thì còn đâu đủ tỉnh táo để làm suy xét, kiểm soát hành vi.

"Sự thật khoa học là không có ngưỡng an toàn cho rượu bia. Gần đây có phong trào vận động “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, nhưng đây chỉ là biện pháp “đánh rắn giữa khúc”, không triệt được hậu quả như tôi đã phân tích. Muốn “đánh rắn dập đầu” thì cần phải giải quyết căn nguyên thực sự gây tai nạn giao thông kinh hoàng và các tác hại cấp tính, lâu dài do rượu bia gây ra. Để làm được điều đó cần có một dự luật tuân thủ theo đúng cơ sở khoa học quản lý chất gây nghiện, gây ung thư như tổ chức y tế thế giới đã khuyến cáo” – TS Tuấn phân tích.

“Đau đớn thay, dự Luật được phát triển trong 2 năm qua, tốn không biết bao nhiêu sức người sức của cả nguồn lực trong nước và quốc tế, vậy mà "càng ngày càng xa khoa học và kinh nghiệm quốc tế", tới độ phiên bản hiện tại thực chất chỉ còn hình thức có luật mà thôi. Theo Dự thảo Luật PCTHCRB hiện nay thì không thấy điều khoản cụ thể nào khắc chế hữu hiệu tai nạn giao thông do rượu bia gây ra như kinh nghiệm quốc tế đã làm: Cấm và phạt tù thật nặng” – TS Tuấn ngậm ngùi.

 

9. Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh sụt giảm tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

Sau nhiều năm duy trì ổn định, những tháng đầu năm 2019, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn Hà Tĩnh đang giảm sút đáng kể. Từ con số 88% ở thời điểm cuối năm 2018, đến nay tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh chỉ còn 83%

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Tĩnh, năm 2018 Chính phủ giao chỉ tiêu 83,8% dân số tham gia BHYT, trên cơ sở đó, Hội đồng Nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu 86%. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ bao phủ BHYT ở Hà Tĩnh đạt gần 88%. Tuy nhiên, con số này không được duy trì bền vững khi những tháng đầu năm nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT bắt đầu giảm và đến nay toàn tỉnh đang duy trì ở mức bình quân 83%.

Ông Phan Văn Anh, Chánh văn phòng BHXH tỉnh cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt giảm tỷ lệ người dân tham gia là do một số xã vùng bãi ngang ven biển đã về đích nông thôn mới nên ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT bị cắt. Bên cạnh đó, một số học sinh, sinh viên hết hạn thẻ BHYT nhưng chưa tiếp tục tham gia; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm.Đặc biệt, một số nơi chính quyền địa phương vào cuộc chưa quyết liệt, chưa chủ động trong công tác tuyên truyền.

Can Lộc là một trong những địa phương có tỷ lệ BHYT giảm mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở Can Lộc còn 79%, giảm 6% so với thời điểm cuối năm 2018.

Ông Trần Đình Giáp, Giám đốc BHXH huyện Can Lộc cho biết: “Nguyên nhân chính là do đối tượng được miễn BHYT thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo giảm. Cụ thể, so với thời điểm cuối tháng 12/2018, toàn huyện giảm 2.032 thẻ BHYT hộ nghèo và giảm 2.832 thẻ hộ cận nghèo. Để cải thiện tình hình, sắp tới chúng tôi sẽ giao chỉ tiêu cho các đại lý thu, mua BHYT phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT, nhất là đối tượng tự nguyện”.

Cùng khó khăn chung ấy, sau về đích nông thôn mới, tỷ lệ "phủ sóng" BHYT ở huyện Nghi Xuân cũng có chiều hướng giảm. Theo thống kê của BHXH huyện, ở thời điểm cuối năm 12/2018, toàn huyện có 90.000 thẻ BHYT, nhưng đến nay chỉ còn 77.468 thẻ (giảm hơn 12.500 thẻ), tương đương với tỷ lệ tham gia BHYT còn 78%.Bà Nguyễn Thị Hoài, Giám đốc BHXH huyện Nghi Xuân cho rằng: “Nguyên nhân chính là do cuối năm 2018 có 3 xã bãi ngang (Xuân Hội, Xuân Trường, Cương Gián) được công nhận về đích nông thôn mới, nên người dân không còn thuộc đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT. Vì thế, trong những tháng đầu năm nay, ở 3 xã này đã giảm hơn 18.000 thẻ BHYT so với năm trước.

Bên cạnh đó, gần 1.000 người dân ở các xã vùng ảnh hưởng sự cố môi trường biển (Tiên Điền, Xuân Giang, Xuân Phổ, Xuân Thành) đã hết hạn 2 năm hỗ trợ mua BHYT.”Không chỉ ở 2 huyện Can Lộc và Nghi Xuân, tình trạng giảm tỷ lệ người dân tham gia BHYT cũng diễn ra tại một số địa phương như: Cẩm Xuyên từ 89% giảm xuống còn 80%; Hương Khê từ 89% giảm xuống còn 81%; Thạch Hà từ 89% giảm xuống còn 82%; Lộc Hà từ 98% xuống còn 84%.

Theo thống kê của BHXH Hà Tĩnh, hiện nay nhóm hộ gia đình tự đóng 100% kinh phí mua thẻ BHYT còn thấp, mới chỉ đạt tỷ lệ 5% dân số, chủ yếu là những người mắc bệnh mãn tính, bệnh có chi phí điều trị cao, bị tai nạn rủi ro. Tỷ lệ và cơ cấu các nhóm tham gia BHYT còn thiếu bền vững, phụ thuộc rất lớn vào chính sách xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Đặc biệt, tỷ lệ tham gia BHYT khối học sinh, sinh viên (HSSV) còn đạt thấp, vẫn còn trên 20.000 HSSV chưa tham gia BHYT.

"Để giải quyết thực trạng khó khăn này, BHXH tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT bằng việc trích ngân sách hỗ trợ 20% mức đóng BHYT cho HSSV đang học tại các trường công lập.

Cùng với đó, chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp với chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những lợi ích của BHYT cho người dân, nhất là 2 nhóm BHYT tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Hy vọng rằng, những giải pháp trên sẽ cải thiện tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn toàn tỉnh"- ông Phan Văn Anh, Chánh văn phòng BHXH Hà Tĩnh cho biết.

 

10. Học sinh thừa cân, béo phì mang theo gánh nặng bệnh tật

Tỷ lệ học sinh bị thừa cân béo phì đang ở mức rất cao, các bệnh không lây nhiễm dự báo sẽ trở thành gánh nặng trong tương lai. Chế độ ăn uống và vận động hợp lý là giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để trẻ phát triển cân đối cả thể chất và trí lực.

Báo động trẻ thừa cân, béo phì

Việt Nam đang đối diện với gánh nặng về tỷ lệ trẻ ở tuổi học đường bị thừa cân béo phì. Tại TPHCM, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì đang ở mức rất cao, theo thống kê kết quả khám sức khỏe học đường toàn thành phố năm học 2018 – 2019 tỷ lệ thừa cân, béo phì ở nhóm tuổi học đường chiếm tới gần 31% trên tổng số học sinh ở cả 3 cấp học. Đặc biệt, tỷ lệ béo phì ở trẻ cấp tiểu học chiếm gần 43%.

Theo BS Nguyễn Thị Vy Uyên, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, TPHCM thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra hàng loạt các bệnh lý liên quan đến tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác cho trẻ trong tương lai. Các bệnh này có liên quan đến hoạt động thể chất, việc học tập, tâm sinh lý, mang lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chế độ dinh dưỡng và tăng cường vận động thể lực không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất mà còn giúp phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng trong lứa tuổi học đường.

Đối với học sinh nói chung và học sinh cấp tiểu học nói riêng, phụ huynh học sinh, cán bộ y tế trong trường học cần quan tâm hơn trong vấn đề dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực bởi đây là giai đoạn cơ thể trẻ cần nhiều dưỡng chất, sự rèn luyện thể lực hợp lý để phát triển tối ưu sức khỏe thể chất và tinh thần.

Chế độ ăn uống, vận động hợp lý

Để hạn chế tối đa nguy cơ thừa cân béo phì, bác sĩ khuyến cáo gia đình và nhà trường cần thực hành dinh dưỡng hợp lý cho trẻ bằng các giải pháp: ăn nhiều rau xanh và trái cây để cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ; hạn chế ăn uống đồ ngọt như bánh kẹo, trà sữa, kem, chè, nước ngọt đóng chai, nước trái cây có thêm đường.

Trong mỗi bữa ăn cần hạn chế tối đa các món nhiều thịt mỡ, đồ ăn chiên ngập dầu mỡ; món ăn chế biến từ phủ tạng động vật; thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên; cá viên chiên, xúc xích chiên…

Khẩu phần ăn của trẻ cần giảm muối và gia vị chứa nhiều muối bằng cách hạn chế các món kho, rim, rang như: thịt kho, cá kho, lạc rang muối…; hạn chế thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như: bánh tráng trộn, xúc xích, giăm bông, thịt xông khói, dưa muối, cà muối, mì tôm, bim bim… hạn chế chấm thức ăn vào nước mắm, xì dầu hoặc muối trong bữa ăn.

Để trẻ “đốt” lượng mỡ thừa giúp cơ thể săn chắc, khỏe mạnh thay vì cho trẻ ngồi ì một chỗ vùi mình vào trong các trò chơi điện tử, xem phim gia đình cần tạo điều kiện đưa trẻ đi tham gia các hoạt động thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, học võ, bơi lội, đá cầu, múa, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu… Tập cho trẻ thói quen làm việc nhà như phụ giúp quét dọn nhà cửa, giặt quần áo, phụ làm bếp… đây vừa là hình thức giúp trẻ vận động thể lực nhưng cũng là phương pháp giáo dục để nâng cao ý thức của trẻ trong chia sẻ giúp đỡ mọi người, tránh thói quen ỉ lại thiếu tính tự lập.

Khi trẻ đi học, nhà trường cần khuyến khích học trò tích cực tham gia các giờ thể dục, tham gia các trò chơi vận động trong giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học. Khuyến khích trẻ đi bộ đến trường (nếu có thể); định hướng, tập cho trẻ thói quen đi cầu thang bộ thay vì sử dụng thang máy.

 

11. TP HCM: Phát động tăng cường rửa tay để ngăn ngừa bệnh dịch lây truyền nguy hiểm

Hưởng ứng ngày “Rửa tay toàn cầu 5/5”, được sự đồng ý của Phòng Giáo dục quận Tân Phú, Trường tiểu học Hiệp Tân cùng nhà tài trợ là Công ty TNHH Dược & TTB Y tế Á Đông đã tổ chức Lễ phát động phong trào “Rửa tay để phòng ngừa bệnh dịch lây truyền nguy hiểm”.

Lễ phát động diễn ra vào sáng ngày 22/5 tại Trường tiểu học Hiệp Tân, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, với sự tham dự của đại diện Phòng Giáo dục, Phòng Y tế quận Tân Phú; GS.TS. BS - Thầy thuốc nhân dân Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn BV Chợ Rẫy; Ban Giám hiệu cùng toàn thể giáo viên, công nhân viên và học sinh Trường tiểu học Hiệp Tân; đại diện các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận Tân Phú.

Đại diện các cơ quan, ban ngành và quý thầy cô các trường tham dự

Thông qua Lễ phát động, các em học sinh sẽ ý thức được tầm quan trọng của việc vệ sinh tay, biết rửa tay như thế nào là đúng cách và ghi nhớ các thời điểm cần rửa tay trong ngày.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tại Việt Nam các bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ người mắc hằng năm rất cao. Trong đó, cao nhất là: cúm, tiêu chảy, lỵ, sốt xuất huyết, tay chân miệng,… Chính vì vậy, việc rửa tay sạch với xà phòng là một trong những biện pháp có hiệu quả và ít tốn kém nhất để ngăn ngừa các bệnh lây truyền nguy hiểm.

Cũng tại buổi Lễ phát động, đại diện các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận Tân Phú đã ký tên vào bảng cam kết “Cùng nhau hưởng ứng chương trình vệ sinh tay phòng dịch bệnh cho các em học sinh”.

 

12. Thuốc tiêu sợi huyết gây biến chứng khiến bệnh nhân suýt mất mạng

Chuyển viện cấp cứu trong tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc” bác sĩ xác định bệnh nhân bị biến chứng sau sử dụng thuốc tiêu sợi huyết điều trị nhồi máu não. Thuốc tiêu sợi huyết là cứu tinh cho bệnh đột quỵ nhưng cũng có thể mang đến tai họa khi gây nên biến chứng.

Đó là trường hợp nam bệnh nhân Trần Thanh T. (63 tuổi, ngụ tại Đồng Nai). Thông tin từ con gái người bệnh cho hay: “Hơn 1 tuần trước, bố tôi có dấu hiệu bị chóng mặt, tê nửa người bên phải cảm giác như bị chuột rút thoáng qua khi đang đi làm rẫy và tự khỏi sau đó vài phút. Tuy nhiên, do chủ quan ông không đi khám bệnh, cơn đột quỵ đã xảy ra thình lình trong giấc ngủ”.

Bệnh nhân được gia đình chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu lúc nửa đêm với biểu hiện liệt nửa người bên phải nhưng tri giác hoàn toàn tỉnh táo.Sau thăm khám bác sĩ chẩn đoán, ông Thanh T. bị nhồi máu não cấp và chỉ định truyền thuốc tiêu sợi huyết (rTPA).Sau truyền thuốc, bệnh nhân hồi phục ngay vận động nửa người bên phải.

Tưởng đã tai qua nạn khỏi, nhưng khoảng 2 giờ sau sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân đột ngột nhức đầu dữ dội, bứt rứt, huyết áp tăng vọt rồi rơi vào hôn mê. Sau khi chụp CT-Scan sọ não, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị chuyển dạng xuất huyết nặng do biến chứng sau sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Bệnh nhân được hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản thở máy, theo dõi tại khoa Chăm sóc Tích cực nhưng diễn tiến bệnh mỗi ngày một nặng.

“Còn nước còn tát” gia đình quyết định chuyển bệnh nhân lên TPHCM tìm cơ hội điều trị. Cùng với hoạt động chuyển viện cấp cứu, các thông tin hồ sơ bệnh án của người bệnh được gửi đến bác sĩ. Khi vào Bệnh viện Quốc tế City, bệnh nhân trong tình trạng thở máy, hôn mê sâu (chỉ số Glasgow 5-6 điểm).Sau cuộc hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ xác định, đây là trường hợp bị biến chứng chuyển dạng xuất huyết nặng sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị nhồi máu não cấp.

Kết quả chụp CT não cho thấy bệnh nhân bị máu tụ trong não lớn ở thái dương, chẩm, đính phải, kèm phù não quanh thương tổn; thoát vị não dưới liềm; thoát vị thái dương phải; nghi có giảm đậm độ ở cầu não, theo dõi thiếu máu nuôi não. Xét nghiệm tiền phẫu xác định lượng fibrinogen trong máu giảm nặng dưới 1g/L do tác dụng của thuốc tiêu sợi huyết.

Bệnh nhân được truyền kết tủa lạnh khôi phục chức năng đông máu sau đó phẫu thuật khẩn mở sọ lấy máu tụ và mở nắp sọ vùng thái dương đính phải giải áp. Sau 1 giờ khẩn trương, các bác sĩ đã thực hiện thành công việc can thiệp cho người bệnh. Bệnh nhân được theo dõi hậu phẫu, chăm sóc tích cực để hạn chế biến chứng xuất huyết. Sau 14 ngày hôn mê sâu, tri giác bệnh nhân dần bình phục. Ngày 21/5, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, yếu nhẹ nửa người bên phải, ăn uống tốt, đi lại được.

BS Đào Thị Mỹ Vân, Phó giám đốc Y khoa bệnh viện khuyến cáo: nguy cơ đột quỵ não có thể xảy ra không trừ ai, tỷ lệ xảy ra sẽ tăng theo độ tuổi và trên bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ đi kèm như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, bệnh lý tim mạch khác. Một số trường hợp bệnh nhân có biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua như bị tê hay yếu một cánh tay, tê nửa người, méo miệng, nói khó, nuốt khó… bệnh nhân cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh để được can thiệp, điều trị kịp thời, ngăn chặn nguy cơ đột quỵ đe dọa tính mạng.

Cũng theo BS Mỹ Vân: “Sự ra đời của thuốc tiêu sợi huyết (Recombinant Tissue Plasminogen Activator) như một vị cứu tinh giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não. Tuy nhiên, thuốc tiêu sợi huyết chỉ thực sự cứu mạng bệnh nhân khi được sử dụng đúng chỉ định.Biến chứng nặng nề nhất gây chết người sau sử dụng tiêu sợi huyết là chuyển dạng xuất huyết não vì vậy thuốc chỉ được phép sử dụng bởi bác sĩ chuyên khoa.Nếu cơ sở y tế không đủ các điều kiện xử lý khi có biến chứng xuất huyết thì nên cẩn trọng khi quyết định dùng thuốc”.

 

13. Bệnh viện Gia An 115 liên quan gì tới Bệnh viện Nhân dân 115 ?

Bệnh viện Gia An 115 quảng bá là mô hình hợp tác PPP đầu tiên giữa Bệnh viện Nhân dân 115 và Tập đoàn Hoa Lâm, nhưng khi được hỏi, đại diện Bệnh viện Gia An 115 lại diễn giải một loại hình khác hoàn toàn.

Ngày 21.5, Sở Y tế TP.HCM tổ chức Hội nghị tập huấn đối tác công - tư (PPP - Public Private Partnership) trong y tế. Tại phần thảo luận, ông Hà Anh Đức, Phó chánh văn phòng Bộ Y tế, hỏi về hình thức hợp tác của Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 liên quan đến BV Gia An 115.

Trên website của BV Gia An 115 giới thiệu: “BV Gia An 115 là mô hình hợp tác PPP đầu tiên giữa BV Nhân dân 115 và Tập đoàn Hoa Lâm, được UBND TP phê duyệt. Với mô hình hợp tác này, Tập đoàn Hoa Lâm và BV Nhân dân 115 sẽ trở thành đối tác lâu dài của nhau trong lĩnh vực y tế, đảm bảo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho BV Gia An 115 đồng thời giúp giảm quá tải cho BV Nhân dân 115…”.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của ông Đức, ông Trương Vĩnh Long, Tổng giám đốc BV Gia An 115, cho biết đây là dự án hợp tác kinh doanh chứ không phải là dự án đầu tư nên không có vốn góp, BV Nhân dân 115 không có cổ phần tại BV Gia An 115. BV Nhân dân 115 không góp bất kỳ tài sản, đất đai và chia sẻ lợi nhuận.

Về nhân sự, người của BV Nhân dân 115 sang BV Gia An 115 công tác thì sẽ được BV Gia An 115 chi trả theo mức chuyên gia. Với người bệnh, nếu có nhu cầu chuyển từ BV Nhân dân 115 qua BV Gia An 115 điều trị thì BV Gia An 115 sẽ chi trả 20% doanh thu chi phí giường bệnh cho BV Nhân dân 115. Khi BV Gia An 115 hoạt động có lợi nhuận thì BV Nhân dân 115 được chi trả 15% lợi nhuận sau thuế.

Ông Đức hỏi về vấn đề BV Gia An 115 sử dụng thương hiệu BV Nhân dân 115 thì ông Long trả lời: BV Gia An 115 không sử dụng tên của BV Nhân dân 115. Đây chỉ là tên riêng của BV Gia An 115 (cả hội trường cười ồ). Nếu BV Gia An 115 lấy tên BV Nhân dân 115 cơ sở 2 thì lúc này mới tính đến thương hiệu.

Theo ông Đức, thực tế khi BV Gia An 115 marketing ra ngoài là có chuyên gia của BV Nhân dân 115 thì người ta hiểu có đội ngũ chuyên gia BV Nhân dân 115 tham gia vào BV Gia An 115. Từ thực tế này, sắp tới các cơ quan chức năng cần định vị giá trị thương hiệu trong trường hợp đưa vào hợp tác, vì thương hiệu là vốn vô hình.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, nhìn nhận giá trị tên thương hiệu là rất lớn. Thương hiệu BV công được xây dựng hàng chục, hàng trăm năm, là cả một quá trình. Do vậy, khi ký hợp đồng hợp tác thì phải hết sức bảo vệ được thương hiệu BV công và xem đây là trách nhiệm của các lãnh đạo. Nếu hợp tác được thì phải tách thành thương hiệu riêng, đừng gắn thương hiệu mới và cơ sở cũ, đừng để ảnh hưởng đối với tiền nhân đi trước.

14. Phát triển y học gia đình gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở

Việt Nam hiện có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp tại 11.162 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong cả nước.Những năm qua, y tế tuyến cơ sở đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.Trong bối cảnh mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi y tế tuyến cơ sở phải thay đổi nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, phát triển y học gia đình gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở là một trong những giải pháp mà ngành y tế cần triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến cơ sở.

Mô hình bác sỹ gia đình dành cho tuyến cơ sở

Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh(1), là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Bác sĩ gia đình là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng.Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ XX.Năm 1960, y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh và một số nước đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu. 

Tại Việt Nam, năm 1998, Dự án Phát triển đào tạo bác sĩ gia đình với sự tài trợ bởi Quỹ CMB (China Medical Board of New York) được Bộ Y tế phê duyệt. Dự án triển khai đào tạo chuyên ngành y học gia đình tại các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Thái Nguyên. Đến nay có hơn 500 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 70 bác sĩ định hướng y học gia đình đã được đào tạo.Phần lớn các bác sĩ chuyên khoa y học gia đình sau khi tốt nghiệp trở về làm việc ở tuyến y tế cơ sở.

Từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Bộ Y tế đã xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020”. Mục tiêu của Đề án là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Giai đoạn 2013 - 2015: Xây dựng thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại 8 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang. Giai đoạn 2015 - 2020: Nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên toàn quốc.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền lợi phòng khám bác sĩ gia đình là sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; tham gia hệ thống chuyển tuyến; là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị; tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cuối đời; phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu; phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe; tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho các đối tượng có nhu cầu; tư vấn sức khỏe; nghiên cứu khoa học và đào tạo... Hoạt động bác sĩ gia đình sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, kinh phí bảo hiểm y tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội; tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm thiểu bức xúc của xã hội...

Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được hình thành và phát triển đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động, tích cực. Theo các nghiên cứu gần đây, phòng khám bác sĩ gia đình có thể giúp sàng lọc giải quyết 80% các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Hiện nay, Bộ Y tế đã phân công và chỉ đạo các vụ, cục chức năng bắt tay vào xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án Bác sỹ gia đình. Trong đó có việc xây dựng quy định, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của bác sỹ gia đình; mối quan hệ giữa bác sĩ gia đình với trạm y tế và bệnh viện tuyến trên; đưa ra cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế; xây dựng danh mục thuốc, trang thiết bị, phạm vi chuyên môn của bác sỹ gia đình; đào tạo bác sỹ gia đình, cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sỹ gia đình.... Khi đó, đội ngũ bác sỹ được đào tạo kiến thức về bác sỹ gia đình sẽ phục vụ tại chỗ nhu cầu chăm sóc khám, chữa bệnh ban đầu của người dân. Điều này rất thiết thực, người dân không phải đi xa và đồng thời giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.Bên cạnh đó, ngoài khám, chữa bệnh ban đầu, người dân còn được hướng dẫn các phương pháp phòng bệnh và tăng cường sức khỏe. 

 

15. Rút ngắn thời gian chờ cấp cứu tại bệnh viện

Mô hình quản lý tinh gọn Lean đang được áp dụng tại một số bệnh viện đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực. Mô hình đã rút ngắn rất nhiều thời gian từ khi bệnh nhân vào khoa cấp cứu đến lúc nhập viện và đi mổ.

Tại Hội thảo khoa học quản lý chất lượng bệnh viện năm 2019 tổ chức ngày 22/5, các đại biểu đánh giá cao mô hình quản lý tinh gọn Lean được áp dụng tại bệnh viện Trung ương quân đội 108. Mô hình này đang được áp dụng tại một số ít bệnh viện luôn trong tình trạng tiếp nhận đông bệnh nhân mỗi ngày như bệnh viện Nhi đồng I TPHCM, bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, mô hình này rất phù hợp với điều kiện của các bệnh viện ở nước ta hiện nay. Mô hình tập trung cải tiến quy trình khám chữa bệnh thông qua giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.

Báo cáo về đánh giá kết quả bước đầu áp dụng mô hình quản lý tinh gọn Lean rút ngắn thời gian chờ tại khoa Cấp cứu tại bệnh viện Trung ương quân đội 108 trong thời gian từ tháng 10/2018-4/2019 cho thấy, thời gian từ khi bệnh nhân vào khoa Cấp cứu đến lúc nhập viện khoa lâm sàng đã giảm từ 118,3 phút xuống còn 69,8 phút; thời gian bệnh nhân vào khoa Cấp cứu đến lúc đi mổ giảm từ 134,4 phút xuống còn 87,6 phút; thời gian bệnh nhân vào khoa Cấp cứu đến lúc đi can thiệp mạch não cấp cứu từ 55,2 phút xuống còn 49 phút.

Như vậy, sau khi áp dụng mô hình quản lý tinh gọn Lean, thời gian chờ tại khoa Cấp cứu của bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã giảm 41%, từ đó góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Trước đó, thời gian bệnh nhân nằm tại khoa Cấp cứu trung bình tháng 7/2018 là 112 phút. Nếu không tính các bệnh nhân can thiệp mạch thì thời gian chờ là hơn 126 phút. Đây là thời gian rất dài khiến cho lúc cao điểm năng lực cấp cứu bệnh nhân của khoa bị hạn chế, bệnh nhân và người nhà người bệnh phải chờ lâu, mức độ hài lòng không cao. Tình trạng này cũng đang là tình trạng chung của nhiều bệnh viện trên cả nước, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương.

Quản lý tinh gọn Lean là phương pháp cải tiến có hệ thống, liên tục và tập trung vào việc tạo thêm giá trị cùng lúc với việc loại bỏ các lãng phí trong quá trình cung cấp dịch vụ của một tổ chức, từ đó giúp cắt giảm chi phí, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, rút ngắn thời gian chu trình cung cấp dịch vụ, đồng thời tăng khả năng đáp ứng một cách linh hoạt các yêu cầu không ngừng biến động và ngày càng khắt khe của người dân.

Mô hình Lean này được áp dụng rất nhiều trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và các bệnh viện trên thế giới, tuy nhiên chưa có nhiều mô hình áp dụng quản lý tinh gọn tại các bệnh viện ở Việt Nam, đặc biệt là tại khoa Cấp cứu.

Theo GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc bệnh viện Trung ương quân đội 108, chất lượng của bệnh viện sẽ được đánh giá từ chất lượng khám và chẩn đoán bệnh (người bệnh được khám và phát hiện sớm bệnh), đến chất lượng điều trị, dịch vụ chăm sóc, sử dụng những kỹ thuật tiên tiến... để người bệnh hài lòng khi xuất viện.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, các nhà quản lý hiện đại đã thấy rằng cần phải  có sự quản lý một cách chặt chẽ, có hệ thống kiểm soát đúng đắn, đồng bộ và những ứng dụng về quản lý chất lượng sẽ rất cần thiết đối với các cơ sở y tế hiện nay. Đặc biệt là những yêu cầu của quá tình chứng nhận, công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong khu vực và quốc tế, trong đó lĩnh vực cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh cũng phải có sự đ ổi mới và tìm ra các giải pháp đồng bộ để theo kịp xu thế phát triển của thời đại.

 

16. Hà Nam đón xu hướng dịch chuyển dịch vụ y tế chất lượng cao

Tháng 10/2018, khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 đã hoạt động, đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám/ngày cho thấy xu hướng dịch chuyển các dịch vụ y tế chất lượng cao về tỉnh này. Ông Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, trao đổi với Báo PNVN xoay quanh những điều kiện, cơ hội thuận lợi cũng như thách thức trước sự tác động của xu thế dịch vụ y tế quy mô lớn đang phát triển tại đây.

PV: Những năm qua, tỉnh Hà Nam đã có định hưởng gì để phát triển trở thành trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu chuyển giao công nghệ về y tế, phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân?

Ông Bùi Quang Cẩm, PCT UBND Hà Nam: Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thống nhất cao chủ trương và tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, tạo tiền đề để Hà Nam phát triển trở thành trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu chuyển giao công nghệ về y tế, phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; thể hiện bằng việc ban hành và quyết liệt thực hiện các Đề án, Nghị quyết, Quy hoạch, kế hoạch.... Trong đó có Đề án Đổi mới định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu đổi với lĩnh vực dịch vụ: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ với trọng tâm là dịch vụ y tế, dịch vụ đào tạo, dịch vụ du lịch và dịch vụ phục vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp; tiến tới xây dựng Hà Nam trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm chữa bệnh chất lượng cao của vùng...”

Quyết định số 1023/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm y tế chất lượng cao với diện tích 930ha, quy mô 7.000 giường bệnh, quy mô dân số dự kiến 48.000 người, tính chất là trung tâm y tế chất lượng cao và các dịch vụ đi kèm (y tế, thương mại) của vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Bắc Trung bộ.

Trung tâm y tế chất lượng cao cấp vùng đã được đưa vào Quy hoạch vùng Thủ đô.Theo đó, đến năm 2030, có khoảng 4.800 + 6.000 giường bệnh, với nhu cầu sử dụng đất khoảng 50 - 60ha. Đến năm 2050, có khoảng 5.000 + 6.200 giường bệnh với nhu cầu sử dụng đất khoảng 60 -75 ha

Đến nay, khu y tế chất lượng cao đã thu hút được các cơ sở y tế tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2; Bệnh viện Nhi Trung ương và Trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao và một số dự án đầu tư nước ngoài (Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Yuzankai...); Khu Đại học Nam Cao đã thu hút được một số đại học, doanh nghiệp uy tín về đầu tư như: Cơ sở 2 - Đại học Y Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học U1 (Hàn Quốc), Trung tâm đào tạo nghề và nhân lực chất lượng cao Hà Nam...

PV:  Tháng 10/2018, khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 đã chính thức đi vào hoạt động. Nguyên nhân, điều kiện thuận lợi nào khiến Hà Nam trở thành địa điểm được phát triển xây dựng các bệnh viện, dịch vụ y tế có quy mô rất lớn? Cùng với đó, các trung tâm dịch vụ y tế quy mô lớn sẽ có những tác động tích cực thế nào tới sự phát triển chung về kinh tế-xã hội của tỉnh nhà?

Ông Bùi Quang Cẩm, PCT UBND Hà Nam: Trước tiên phải khẳng định, tỉnh Hà Nam rất vui mừng, phấn khởi vì dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức thời gian qua đã được đẩy nhanh tiến độ và đưa khu khám bệnh chính thức đi vào hoạt động.

Để Hà Nam trở thành địa điểm xây dựng các bệnh viện, dịch vụ y tế có quy mô lớn, có 3 nhóm nguyên nhân, điều kiện thuận lợi chủ yếu là:

Thứ nhất, việc phát triển Hà Nam trở thành Trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao của vùng phù hợp Quy hoạch vùng Thủ đô; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020..., thuận tiện cho nhân dân (các tỉnh phía Nam Hà Nội đến Bắc Miền Trung - khoảng 28 triệu dân) và công tác khám chữa bệnh, tiết kiệm kinh phí đầu tư xây dựng do có vị trí địa lý phù hợp, thuận tiện giao thông, chi phí xây dựng và giá sinh hoạt thấp.

 

17. Mua bán tinh trùng bất chấp luật lệ

Theo quy định, một mẫu tinh trùng/noãn hiến tặng chỉ được sử dụng cho một trường hợp hiếm muộn.Trường hợp người nhận tinh trùng/noãn đó thụ tinh không thành công, cơ sở y tế mới được chuyển cho người hiếm muộn khác.

Quy định nói trên nhằm tránh tình trạng hôn nhân cận huyết, nhưng hiện nay việc mua bán tinh trùng rất bát nháo...

Quảng cáo tinh trùng của sinh viên, bác sĩ...

Trên trang fanpage của một "hội hiến tặng mua bán tinh trùng" rao: "Cần 3 nam hiến tinh trùng và 4 nữ hiến trứng, chế độ đãi ngộ tốt. Các bạn inbox fanpage.Lưu ý tại Sài Gòn nhé". Sau lời rao này, có hàng chục người nhảy vào inbox sẵn sàng "cho không, biếu không" tinh trùng.

Trang fanpage nói trên được lập từ tháng 7-2017, thường xuyên đăng tải các thông tin cần người hiến tinh trùng và hiến trứng với lời hứa "đãi ngộ cao". Chỉ sau một thời gian ngắn, trang này có trên 2.000 lượt người theo dõi.

Cuối tháng 2-2019, chỉ ít phút sau khi một người tên Th. (ngụ ở Huế) cầu cứu trên trang fanpage nói trên cần người hiến hoặc bán tinh trùng, T.V.C. (30 tuổi, ngụ Bình Phước) "nhảy" vào phân tích: "Hiến tinh trùng là một nghĩa cử cao đẹp... Ngoài bơm cũng có thể chấp nhận cách quan hệ trực tiếp.Tôi đã khám tinh dịch đồ, chất lượng tinh trùng đạt tiêu chuẩn bệnh viện, cặp vợ chồng nào nghiêm túc hãy gọi tôi giúp".

Ngày 14-5, một đầu mối nhờ giúp đỡ tinh trùng, C. trả lời là quan hệ trực tiếp hay vào bệnh viện đều được. Tuy nhiên, C. lại nói do cách đây không lâu từng giúp tinh trùng cho một phụ nữ ở Đà Nẵng tại bệnh viện nên lần này hiến tinh trùng thông qua bệnh viện là không thể được, chỉ còn cách "quan hệ trực tiếp". 

C. còn cho rằng anh ta chọn cách "quan hệ trực tiếp" chủ yếu xuất phát từ cái tâm, ngoài ra không đòi hỏi gì cả, gia đình chỉ lo chi phí đi lại, ăn uống và xong việc có bồi dưỡng hay không thì tùy gia đình.

Một người khác tên H. (39 tuổi, giới thiệu đang công tác tại TP.HCM) cho biết rất mong muốn hiến tinh trùng "giúp các chị em" và từ trước tới nay chưa từng giúp ai. "Tôi chỉ cao 1,60m nhưng điều này không quan trọng lắm vì hiện tại con tôi rất cao. Tôi thấy mình đủ điều kiện sức khỏe để giúp miễn phí chứ không lấy tiền bạc gì cả" - người này nói.Theo người này, từ khi đăng tải thông tin cho tinh trùng có rất nhiều mối gọi điện nhờ nhưng vì kẹt thời gian nên chưa giúp được ai. Do đó người này đề nghị phía người cần giúp phải chọn cách cho tinh trùng nhanh, ít tốn thời gian...

Ngoài người này, một số người quảng cáo sẵn sàng cho không tinh trùng giới thiệu họ có trình độ trung cấp, đại học hoặc đang là bác sĩ, bộ đội, sinh viên...

Ngoài trang nói trên, trên mạng còn có hàng loạt trang bán tinh trùng, hiến tặng tinh trùng quy tụ hàng ngàn thành viên tham gia. Trong đó, có trang Facebook gần 1.500 người theo dõi của C.K.D..Người này tự nhận là quản lý của hàng loạt trang mua - bán - hiến tặng tinh trùng cao cấp từ ca sĩ, kỹ sư, người nổi tiếng ở TP.HCM và các tỉnh.

C.K.D. còn cho rằng chi phí cho mỗi lần thụ tinh tại bệnh viện khá cao, thời gian chờ đợi dài, nguồn gốc tinh trùng không rõ (về diện mạo, nhân cách, trình độ của người cho tinh trùng...) để quảng cáo nếu thông qua D., các cặp vợ chồng sẽ có được "thiên thần thông minh".

Theo C.K.D., có hai hình thức bơm tinh trùng là bơm gián tiếp tại bệnh viện và bơm "trực tiếp" - tức người cho và người nhận quan hệ tình dục. Giá cả của các hình thức này phụ thuộc vào thỏa thuận của đôi bên. Trên trang Facebook của C.K.D. còn thường xuyên đăng hình ảnh các bé được cho là chào đời từ việc mua bán tinh trùng bằng cách quan hệ tình dục trực tiếp để quảng cáo.

Bán tinh trùng, bán trứng do... kẹt tiền

Một người tên T. tự giới thiệu sống ở Đắk Lắk, vừa tốt nghiệp y sĩ đa khoa, đang rất cần tiền nên quyết định bán tinh trùng. 

Để khách có nhu cầu tin tưởng, người này còn gửi cả hình cưới, hình con đẻ 3 tháng tuổi và nói: "Mình nói thẳng tại học xong đi xin việc hết 200 triệu đồng, tiền này mình vay ngân hàng nhưng đến nay vẫn chưa có việc, chưa có tiền trả ngân hàng nên mới quyết định như vậy"...

Ngày 14-5, trong vai người cần tìm nguồn tinh trùng hiến để đổi mẫu tại ngân hàng tinh trùng của Bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi được một người đàn ông chỉ mối nơi mua tinh trùng.Đó là bà N., người chuyên cho các cặp vợ chồng hiếm muộn thuê trọ ở cách Bệnh viện Từ Dũ 300m. 

Theo chồng bà N., hiện nay để một người được nhận tinh trùng hiến từ ngân hàng tinh trùng của bệnh viện phải trải qua quy trình xét nghiệm và hoàn tất các thủ tục rất phức tạp, đôi khi kéo dài cả 3-4 tháng. Do đó phải thông qua "đường dây" của bà N. mới có thể nhanh được.

Bà N. quảng cáo chính bà đã làm mối thành công cho rất nhiều cặp vô sinh hiếm muộn."Nếu gia đình có nhu cầu hãy yên tâm đến đây, tôi sẽ hướng dẫn cho đường đi và gặp bác sĩ nào làm nhanh nhất.Tôi sẽ đảm bảo cho, chứ bây giờ đi vòng vòng ở bệnh viện đợi xét duyệt lâu lắm" - bà N. quảng cáo.

Thực tế cho thấy việc một người "tặng" trứng/tinh trùng cho nhiều người đang xuất hiện khắp nơi, theo cách rất dễ dàng. Trên nhiều website và hội nhóm, có nữ sinh viên rao bán trứng để lấy tiền về quê, có người sẵn sàng di chuyển trong phạm vi 1.000km để "hiến" tinh trùng. Những người này cũng bỏ nhỏ rằng họ đã hiến ở bệnh viện, đã có hồ sơ nên lần hiến tặng tới chỉ có thể bằng hình thức trực tiếp...

Nhu cầu cao, người hiến ít

Theo khảo sát mới thực hiện tại 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản cả nước và công bố giữa tháng 5 này, nhu cầu xin tinh trùng và noãn của các cặp vợ chồng vô sinh ngày càng cao. Mỗi năm có khoảng 1.000 trường hợp xin noãn và 700 trường hợp xin tinh trùng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại 23 trung tâm nói trên.

Trong khi đó, số lượng người hiến tinh trùng tại các trung tâm rất ít ỏi, có những "ngân hàng tinh trùng" chỉ có từ... 1-3 mẫu, người muốn nhận tinh trùng hiến tặng phải mang một mẫu đến đổi mới được nhận mẫu hiến.

Tổng kết tại 21/23 trung tâm hỗ trợ sinh sản, tính đến nay mới có 518 người hiến tinh trùng và 596 người hiến noãn. So với nhu cầu là 1.000 người xin noãn và 700 người xin tinh trùng/năm, số lượng đã hiến tặng vào các trung tâm chỉ như muối bỏ bể.

Một chuyên gia làm việc lâu năm tại một trung tâm hỗ trợ sinh sản ở Hà Nội chia sẻ việc "hiến tặng" tinh trùng thực tế đang hết sức lộn xộn. Người hiến và nhận có thể giao dịch từ trước thông qua mạng xã hội và đến bệnh viện chỉ để thực hiện kỹ thuật.

Trong khi đó, quy định hiện hành là người hiến tặng tinh trùng và noãn phải có đủ kết quả xét nghiệm, được lưu mẫu vân tay, chứng minh thư, ảnh... nhằm tránh trùng lặp mẫu, tránh tình trạng một người "hiến" cho nhiều người dẫn tới các hệ lụy khó lường.

 

18. Đà Nẵng: Người nhiễm HIV/AIDS tình dục đồng tính tăng mạnh

Ngày 22/5, trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2018 và triển khai phương hướng nhiệm vụ 2019.

Tại hội nghị này, đại diện trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng cho biết, năm 2018, tại địa phương phát hiện 210 người bị nhiễm HIV/AIDS mới.Tổng số người nhiễm HIV/AIDS tại nơi đây là 2.436 và xu hướng vẫn còn tăng.

Nguyên nhân lây nhiễm căn bệnh này chủ yếu qua đường tình dục, chiếm 99%. Đáng lưu ý, tình hình nhiễm mới gia tăng ở nhóm tình dục đồng giới nam tăng mạnh.

Công tác phòng chống HIV/AIDS tại TP.Đà Nẵng còn gặp nhiều khó khăn.Người nhiễm mới là người ngoại tỉnh chiếm tỉ lệ lớn, nên rất khó quản lý. Chương trình điều trị Methadone vẫn chưa thực sự hiệu quả vì người đăng ký liên tục thay đổi chỗ ở, việc làm không ổn định, thậm chí vi phạm pháp luật nên quá trình điều trị bị gián đoạn…

Trong năm 2019, TP.Đà Nẵng đặt mục tiêu sẽ giảm số người nhiễm HIV mới, số bệnh nhân chuyển sang AIDS và số bệnh nhân tử vong do HIV/AIDS so với năm trước.

Cụ thể, thành phố sẽ tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho 310 người nghiện ma túy; 85% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết được tình trạng nhiễm HIV của bản thân; 90% người nhiễm HIV diện quản lý được điều trị ARV; 90% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HTV thấp dưới ngưỡng ức chế; 95% bệnh nhân tham gia điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế.

Với các hoạt động chính gồm: Can thiệp, dự phòng và giám sát dịch; điều trị ARV và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng cường năng lực hệ thống phòng chống HIV/AIDS; tạo môi trường thuận lợi triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn  xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện và giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các thành viên ban Chỉ đạo và các đơn vị liên quan thực hiện công tác tham mưu, đồng thời chỉ đạo các đơn vị y tế theo ngành dọc triển khai thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn, công tác phối hợp và các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo chỉ đạo của bộ Y tế và cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Sở LĐTB&XH TP.Đà Nẵng tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng quản lý; tổ chức điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý; phối hợp và hỗ trợ sở Y tế thành phố, Công an thành phố triển khai hiệu quả các Chương trình can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV trên địa bàn TP.Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015 và định hướng 2020, thực hiện dự phòng lây nhiễm HIV bằng bao cao su tại các dịch vụ lưu trú theo quy định…

 

19. Người mẹ trẻ trải qua đau đớn với ung thư vú giai đoạn cuối để hạ sinh con trai an toàn

Trong cuộc mổ lấy thai đặc biệt chiều 22/5 tại BV K Trung ương, sản phụ Nguyễn Thị L. (28 tuổi, Lý Nhân, Hà Nam) vẫn cố gắng thì thào hỏi bác sĩ “Con em có khoẻ mạnh không”? “Con em được bao nhiêu cân”? Ngay sau ca mổ lấy thai, người mẹ bước vào giai đoạn hồi sức đặc biệt vì đã ung thư vú giai đoạn cuối, rất khó tiên lượng.Sau ca mổ, những bước chân rầm rập của ekip mổ chạy dọc hành lang dài đưa em bé sinh non 31 tuần tuổi lên xe cấp cứu đưa thẳng đến BV Phụ sản Trung ương.PGS Cường chia sẻ, đây là ca mổ đẻ đặc biệt nhất ông từng thực hiện.Sản phụ thay vì nằm mổ thì phải duy trì tư thế "nửa nằm nửa ngồi" vì tình trạng bệnh diễn biến nặng.  Bệnh nhân tỉnh táo trong quá trình mổ nhưng thể trạng yếu, khi nghe tiếng khóc của trẻ đã rất xúc động hỏi bác sĩ em bé được bao nhiêu cân.

Anh Đỗ Văn Hùng (31 tuổi, chồng bệnh nhân L.) chia sẻ, khi đang mang thai ở tháng thứ 4, vợ anh xuất hiện hạch vùng cổ. Khi đi khám phòng khám gần nhà khuyên nên đưa vợ đến BV K khám.

"Ngày 20/3 đó là một ngày định mệnh. Vợ em có kết quả khẳng định ung thư vú giai đoạn 4. Khi nghe bác sĩ thông báo, vợ chồng đầu óc quay cuồng nghĩ đến cô con gái đầu mới được 2,5 tuổi, rồi sinh linh nhỏ bé trong bụng mẹ. Vì thế, dù bác sĩ phân tích nếu giữ thai nguy cơ cho cả mẹ, cả con, nhưng cả hai vợ chồng đều quyết giữ con. Cô ấy khao khát giữ con, cố gắng cầm cự để giữ con được thêm ngày nào hay ngày đó", anh Hùng chia sẻ.

Ở tuần thai thứ 22, bệnh nhân L. nhập viện điều trị 2 đợt hoá trị, với sự theo dõi sát sao của bác sĩ bệnh viện K, bác sĩ sản khoa.

6 tuần sau hoá trị, bệnh nhân suất hiện dấu hiệu khó thở, bác sĩ đánh giá tổn thương tràn dịch màng phổi tiến triển, được điều trị Hồi sức tích cực. Tất cả các thuốc dùng cho bệnh nhân đều được các bác sĩ sản, ung bướu hội chẩn, cân nhắc để không ảnh hưởng quá nhiều đến thai nhi.

Sau hơn 2 tháng nằm viện, diễn biến bệnh nhân ngày càng nặng, xuất hiện hạch dày đặc, bệnh nhân mệt mỏi, đau đớn do ung thư đã di căn xương, phổi. Bệnh nhân không thể nằm thở mà phải ngồi 24/24 giờ, mỗi ngày ngủ chập chờn được 2 tiếng.

Ngày 22/5, đánh giá sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nguy hiểm đến tính mạng hai mẹ con, BV K đã phối hợp với BV Phụ sản Trung ương sang hỗ trợ mổ sinh.

Chờ ngoài hành lang phòng mổ, kể lại quá trình chiến đấu của vợ, anh Hùng nhiều lần lén lau nước mắt. Khi con được đưa ra, anh cũng chỉ kịp chạy theo nhìn con, rồi lại vào chờ trước cửa phòng hậu phẫu, thấp thỏm ngóng tin vợ. Anh sợ, anh và con không có cơ hội gặp vợ nhiều hơn.

"Vợ dặn đặt tên con là Đỗ Bình An, mong con một đời bình an. Nhiều lần vợ động viên tôi, chỉ cần con sinh ra khoẻ mạnh, được nhìn con một lần cô ấy cũng đã mãn nguyện", anh Hùng mắt hoe đỏ chia sẻ.

PGS Trần Danh Cường cho biết, ca mổ đẻ được đánh giá thành công, em bé dù non tháng nhưng khóc tốt. BV sẽ dành điều kiện tốt nhất để chăm sóc cho cháu bé. 

"Diễn biến phức tạp nhất là quá trình hồi sức cho bà mẹ trong suốt hai tháng qua để duy trì sức khoẻ bà mẹ, sức khoẻ thai nhi của các bác sĩ BV K. Bản thân tôi cũng mong chờ một phép màu để mẹ em bé bình an".

Hiện sản phụ L. đang được hồi sức đặc biệt. BS Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (BV K) cho biết cuộc mổ cứu con đã thành công nhưng ngay sau đó là cuộc chiến khác với hi vọng cứu người mẹ.  Bệnh viện K sẽ tập trung phác đồ, thuốc điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, nhưng tiên lượng rất khó khăn vì sản phụ vừa sinh con, thể trạng yếu, ung thư vú đã giai đoạn cuối.

Trước đó, tại BV K, Thiếu uý Đậu Thị Huyền Trâm khi phát hiện ung thư cũng từ chối điều trị để không ảnh hưởng đến sinh linh bé bỏng đang trong bụng mẹ. Sau khi sinh con, chị cũng đã dừng cuộc chiến của mình khi em bé chưa tròn 1 tháng tuổi. Đến nay, bé Gấu đã 3 tuổi, khoẻ mạnh, thông minh.

"Chúng tôi hi vọng, sản phụ L. sẽ luôn nghĩ về Bình An như một động lực mang đến cho cô ấy sức mạnh để chiến đấu với căn bệnh ung thư", BS Đức chia sẻ.

 

20. Đi khám ở bệnh viện ĐHYD không cần phải mang tiền mặt

Người dùng chỉ cần quét mã QR (Quick Response) trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với BV, không cần phải xếp hàng và mang theo tiền mặt.Từ tháng 5-2019, BV Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) triển khai ứng dụng ngân hàng hiện đại trong thanh toán viện phí.

Cụ thể, BV phối hợp với ngân hàng Vietcombank triển khai hình thức thanh toán mới trên nền tảng Internet Banking (thanh toán hóa đơn). Điểm mới là thanh toán bằng Mobile banking (QR Code).

Đến nay, đã có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng QR code tại BV.Tiện ích này giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn.

Để thực hiện thanh toán bằng phương thức này, người dùng chỉ cần quét mã QR trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với BV và ngay lập tức có kết quả phản hồi. Không cần phải xếp hàng và mang theo tiền mặt. 

TS Thái Hoài Nam, Phó Giám đốc BV ĐHYD, cho biết BV ĐHYD TP.HCM là một trong những đơn vị đầu tiên thuộc hệ thống y tế trên toàn quốc áp dụng ngân hàng hiện đại trong thanh toán viện phí. Cung cấp tiện ích cho người dùng khi đến khám, chữa bệnh tại BV.

Anh CTN, người bệnh đến khám tại BV ĐHYD chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi được hướng dẫn thanh toán bằng cách này, nhờ vậy tôi không cần phải xếp hàng chờ đến lượt đóng tiền nữa, rút ngắn thời gian khám bệnh rất nhiều so với trước đây. Đây là một dịch vụ rất tiện lợi, tôi không cần phải mang nhiều tiền mặt mà cách sử dụng cũng đơn giản, chưa mất đến 1 phút.Tôi thật sự rất hài lòng".

 

21. 4 bệnh viện lớn thuộc Bộ Y tế thí điểm tự chủ toàn diện

Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức và K là 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện.

Nghị quyết thí điểm tự chủ 4 bệnh viện được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông qua ngày 19/5. Cơ chế tự chủ giúp bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân...

Để thực hiện, Bộ Y tế thành lập Hội đồng quản lý, cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc bệnh viện hoặc Tổng Giám đốc bệnh viện với thời gian tối đa 2 năm. Hội đồng quản lý có 7-11 người trong đó gồm một đại diện của Bộ Y tế.

Hội đồng quản lý bệnh viện có quyền quyết định cấu hình, tính năng kỹ thuật trang thiết bị y tế đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển chuyên môn của bệnh viện và an toàn cho người bệnh. Chủ tịch Hội đồng quản lý phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và quyết toán hoàn thành các dự án đầu tư.

Bệnh viện được xác định quỹ tiền lương theo doanh thu hoặc quỹ lương khoán, được quyền quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động. Giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo khung giá do Bộ Y tế ban hành.

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 25 trong số 42 bệnh viện tuyến trung ương (trong đó có 7 bệnh viện trường đại học) đã đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tự chủ, tiết kiệm hơn 2.100 tỷ đồng ngân sách.

Bộ Y tế sẽ chuyển giao các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trung ương ở địa phương cho UBND tỉnh quản lý.Trực thuộc Bộ Y tế còn khoảng 20 bệnh viện đầu ngành, là cơ sở thực hành của các trường đại học y dược và một số bệnh viện chuyên khoa đặc biệt.

Năm 2018 ngân sách cấp cho các bệnh viện giảm 3.195 tỷ đồng so với 2017, riêng các bệnh viện thuộc Bộ Y tế giảm 76 tỷ đồng. 

 

22. TPHCM có 9 dự án nghiên cứu tiền khả thi về PPP trong y tế

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong y tế là hướng đi tốt nhưng cần có chính sách tháo gỡ vướng mắc từ Nhà nước cũng như sự đồng thuận từ các bệnh viện và cả nhân viên y tế. Đây là khẳng định của các chuyên gia tại Hội nghị tập huấn đối tác công tư trong y tế tại TPHCM.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong bối cảnh các bện viện đã tự chủ tài chính như hiện nay thì việc tìm hướng phát triển cho bệnh viện là bài toán khó.

Thực tế không ít bệnh viện gặp khó khăn và ngày càng đi xuống khi không đủ tiềm lực, trình độ chuyên môn để thu hút người bệnh. Trong đó khó nhất là nguồn vốn đầu tư để nâng cấp, phát triển bệnh viện. Do đó, hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được xem là cơ hội để các bệnh viện mạnh dạn tìm hướng đi cho riêng mình.

Tuy nhiên, hợp tác như thế nào, hợp tác đến đâu để vẫn đảm bảo mục tiêu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân là điều mà các bệnh viện cần cân nhắc.

Theo Tiến sĩ Ramesh Govindaraj, Chuyên gia Y tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trên thế giới, sự tham gia hợp tác theo hình thức đối tác công tư của tư nhân trong lĩnh vực y tế khá phổ biến và ngày càng mở rộng.

Đơn cử như tại Canada, các nhà đầu tư tư nhân đã tham gia đầu tư theo đối tác công tư ở các hạng mục xây dựng hạ tầng, cung cấp thiết bị y tế. Ở tầm cao hơn, các nước như: Anh, Đức... hợp tác công tư còn diễn ra ở các dịch vụ quản lý, bảo trì thiết bị y tế, cung ứng dịch vụ hỗ trợ lâm sàng. Thậm chí ở Bồ Đào Nha, tư nhân tham gia cả vào việc cung ứng dịch vụ lâm sàng.

Tại Việt Nam hiện cả nước có 73 dự án PPP y tế, tuy nhiên mới chỉ có 15 dự án đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trong đó có 6 dự án triển khai đến bước lựa chọn nhà đầu tư.

Trong 15 dự án nghiên cứu tiền khả thi có đến 9 dự án tại TPHCM. Điều này cho thấy TPHCM là địa phương năng động trong vấn đề hợp tác đối tác công tư trong việc xây dựng các dự án hạ tầng y tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc triển khai PPP y tế tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng mới chỉ dừng lại ở bước thăm dò chứ chưa thật sự trở thành làn sóng.

Nguyên nhân được chỉ ra là do việc triển khai các dự án PPP vẫn thiếu mục tiêu và chiến lược rõ ràng. Bên cạnh đó, chưa thể xác định phần đóng góp của khối công lập như đất, thương hiệu, nhân lực..., thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước khiến cho dự án bị trì hoãn, kéo dài.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến cán bộ y tế, giá dịch vụ, bảo hiểm y tế, thuốc...

TS Nguyễn Thanh Nguyên, Giám đốc Tập toàn TWG - giảng viên Khoa Sau đại học, Đại học Mở TPHCM nhìn nhận, đầu tư theo đối tác công tư (PPP) trong y tế hiện nay còn nhiều trở ngại mà lớn nhất là các quy định pháp luật của nhà nước về hình thức này chưa rõ ràng khiến nhà đầu tư chưa biết được chắc chắn dòng tiền bỏ ra có mang lại lợi nhuận hay không.

Bên cạnh đó, thực tế có nhiều giám đốc bệnh viện, nhân viên y tế, nhóm lợi ích hưởng lợi từ bệnh viện công không muốn tiếp nhận đầu tư PPP bởi lo sợ ảnh hưởng quyền lợi....

 

23. Giảm tải, bệnh viện Nhi TƯ chuyển giao kỹ thuật về thẳng trạm y tế xã

Bệnh viện tuyến trung ương chuyển giao kỹ thuật về thẳng trạm y tế xã là sáng kiến của Bệnh viện Nhi Trung ương (TW) trong công tác chỉ đạo tuyến. Nhiều người dân đã được thụ hưởng những kỹ thuật y tế tiên tiến của tuyến trên ngay tại địa phương mình. 

Ngày 22.5, tại xã Yên Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình, Bệnh viện Nhi TW đã triển khai Dự án Đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu Nhi khoa, đồng thời tổ chức lớp đào tạo cấp cứu Nhi khoa cơ bản cho các cán bộ y tế Trung tâm Y tế Tam Điệp và các cán bộ y tế tuyến xã.

Chia sẻ tại buổi lễ, GS.TS Lê Thanh Hải- Giám đốc Bệnh viện Nhi TW nhấn mạnh, quan điểm của Bệnh viện Nhi TW là người dân không đến được với bệnh viện thì bệnh viện sẽ đưa các bác sĩ có chuyên môn tay nghề cao đến với người dân để làm sao người dân ngày càng được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, chất lượng cao hơn.

Theo GS.TS Lê Thanh Hải, đối với trẻ em, phòng bệnh là tốt nhất, khi có bệnh thì điều trị hiệu quả. “Chúng tôi đau lòng khi nghe, đọc các thông tin về trẻ đuối nước, trẻ học dị vật phải chịu cảnh tàn tật, hoặc thậm chí mất mạng. Do đó, vai trò của chăm sóc, xử trí ban đầu trong cấp cứu nhi khoa rất quan trọng giúp trẻ tránh được tàn tật. Chúng tôi cố gắng để các cán bộ y tế tuyến dưới có thể học tập, bổ sung kiến thức một cách nhanh nhất, đơn giản nhất”- GS Lê Thanh Hải nói.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Đức Vinh- Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là điểm sáng thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em.

Tuy nhiên, trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là tại tuyến y tế cơ sở, vẫn còn tình trạng người dân đổ dồn lên tuyến trên để khám chữa bệnh vừa lãng phí vừa gây quá tải không cần thiết.

Do đó, ngành y tế đã và đang triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực của y tế cơ sở, nhằm “kéo” người dân đến khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế ngày một nhiều hơn.

Ông Nguyễn Đức Vinh cũng đánh giá cao sáng kiến của Bệnh viện Nhi TW trong việc chuyển giao, trực tiếp đưa dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chuyên môn cao về trạm y tế tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Lào Cai và Ninh Bình.

“Việc này giúp cho người dân được hưởng lợi khám chữa bệnh kỹ thuật cao từ các chuyên gia đầu ngành ngay tại cơ sở”- ông Vinh cho hay và mong muốn từ mô hình của Trạm Y tế xã Yên Sơn, ngành y tế của tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng ra các trạm y tế khác.

 

24. Dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV vào hoạt động

Chiều 22/5, dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (Pre-Exposure Prophylaxis - PrEP) tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (số 1 Tôn Thất Tùng, Hà Nội) chính thức khai trương.

Dịch vụ này được khai trương với sự hỗ trợ của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam…

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là 1 trong 8 cơ sở y tế tại Hà Nội triển khai dịch vụ này trong năm 2019. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), dự phòng trước phơi nhiễm HIV là dịch vụ giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao có thể dự phòng lây nhiễm HIV.

Đây là biện pháp mang lại hiệu quả dự phòng hữu hiệu, bằng cách uống thuốc kháng virus ARV đều đặn hàng ngày, trước khi phơi nhiễm HIV.

Tuân thủ tốt có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục lên 90%, qua tiêm chích ma túy tới 70%. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm an toàn cho người dùng, kể cả phụ nữ mang thai và cho con bú. 

Dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV giúp các cơ sở điều trị không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các biện pháp cơ học để dự phòng lây nhiễm HIV như dùng bao cao su, dùng bơm kim tiêm sạch, nhất là trong bối cảnh dù dịch HIV đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn có khoảng 2 triệu người phát hiện nhiễm HIV mới mỗi năm. Tại Việt Nam, đến hết năm 2018, ước tính số người nhiễm HIV hiện còn sống là 250.000 người, trong đó hàng năm trung bình khoảng 10.000 người phát hiện nhiễm HIV mới. 

Điều đáng lo ngại là trong khi tỷ lệ nhiễm HIV ở hầu hết các nhóm có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm... có xu hướng giảm nhanh thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới lại tăng. 

Nếu như trước đây tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nghiện chích ma túy chiếm 29-30% thì nay giảm còn 9-10%, ở phụ nữ bán dâm cũng giảm từ 5% xuống 3,4%.

Riêng tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới tăng cao, từ 7,4% năm 2016 lên 11,4% năm 2018. 

Theo ước tính, cả nước có khoảng 174.000 nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trong độ tuổi 15-49 và riêng Hà Nội có tới hơn 30.000 MSM (chiếm khoảng 17,5% số MSM cả nước)… 

Hiện đã có khoảng 2.000 người sử dụng dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Trong số đó là những người nam quan hệ đồng giới, người chuyển giới nữ và người âm tính với HIV nhưng là bạn tình của người nhiễm HIV chưa đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. 

Năm 2016, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm.

Năm 2017, Bộ Y tế đã đưa nội dung điều trị dự phòng trước phơi nhiễm vào hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS tại Quyết định số 5418/QĐ-BYT ngày 1/12/2017.

Năm 2018, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch triển khai dự phòng trước phơi nhiễm HIV, giai đoạn 2018-2020.

Giai đoạn 2018-2020, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm được mở rộng, thuốc kháng HIV cho điều trị được cung cấp miễn phí.  

Việt Nam là quốc gia thứ hai tại châu Á, chỉ sau Thái Lan, triển khai dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV trên toàn quốc.

Dự kiến trong năm 2019, dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV sẽ được triển khai tại 9 tỉnh, thành phố và đến năm 2020 sẽ được triển khai tại 11 tỉnh, thành phố, gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, với mục tiêu đạt 7.300 người đăng ký sử dụng dịch vụ./. 

 

25. Cứu người đàn ông hôn mê sâu, cả người đỏ rực do dị ứng thuốc

Một bệnh nhân từ Campuchia hôn mê do bị dị ứng thuốc vừa được cứu sống ngoạn mục khi cơ địa dị ứng rất cao với hầu hết các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng viêm, hạ sốt, cả với sữa và một số thực phẩm dinh dưỡng.

Ngày 22-5, Bệnh viện Quốc tế City TP.HCM cho biết vừa cứu sống ông Oum Sokun (48 tuổi, quốc tịch Campuchia) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, nguyên nhân bị hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc do dị ứng thuốc.

Thời điểm nhập viện, ông Oum Sokun bị hôn mê sâu, suy hô hấp nặng phải thở máy kiểm soát, phù toàn thân, không có nước tiểu, hồng ban xuất huyết chằng chịt trên người cùng với sang thương hoại tử da nghiêm trọng.

Theo người nhà, ông Sokun bị cảm nên tự ra nhà thuốc tây mua thuốc về uống.Ít giờ sau, ông cảm thấy mệt, khó thở, khắp người nổi ban đỏ, phù toàn thân.Sau 5 ngày điều trị tại Campuchia, tình trạng bệnh nặng dần nên người nhà xin chuyển qua Bệnh viện Quốc tế City.

Tại đây, hội đồng y khoa xác nhận bệnh nhân bị hội chứng Stevens-Johnson (một loại phản ứng da nặng) và hoại tử thượng bì nhiễm độc nguyên nhân do dị ứng thuốc. Bệnh đã diễn tiến tổn thương đa cơ quan như hệ thần kinh trung ương, thận, mắt, tim, gan, đường tiêu hóa...

Các bác sĩ của bệnh viện đã triển khai ngay các biện pháp điều trị khẩn cấp toàn diện. Một thách thức cho các bác sĩ là quá trình điều trị, cơ địa bệnh nhân dị ứng rất cao với hầu hết các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng viêm, hạ sốt, sữa và một số thực phẩm dinh dưỡng.

Bác sĩ đã cho bệnh nhân thở máy kiểm soát, chạy thận nhân tạo cấp cứu, truyền máu… đồng thời nâng đỡ chức năng gan, chích thuốc kích thích tủy xương tăng sinh hồng cầu - bạch cầu, tập vật lý trị liệu…

Sau một thời gian dài điều trị và sau khi rút ống mở khí quản, sức khỏe bệnh nhân cơ bản ổn định.

Ths.BS Đào Thị Mỹ Vân - phó giám đốc y khoa, trưởng khoa hồi sức tích cực của bệnh viện - cho biết hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm là phản ứng sinh ra do thuốc hoặc một số căn nguyên vi sinh vật như tiêm vaccine sởi, quai bị hoặc nhiễm virus như Dengue, Cytomegalovirus…

Bệnh tuy hiếm gặp nhưng rất nặng, đe dọa sinh mạng người bệnh vì gây ra thương tổn đa cơ quan, tỉ lệ tử vong trong các thể nặng ghi nhận từ đến 5-30%.

"Bất kỳ ai cũng có thể xảy ra phản ứng dị ứng.Đôi lúc phản ứng dị ứng sẽ nặng nề hơn ở lần dùng thuốc thứ hai. Do vậy chỉ nên uống thuốc khi bị bệnh, chỉ uống thuốc theo toa bác sĩ, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ" - bác sĩ Vân khuyến cáo.

 

26. 5 nhà thầu trúng thầu mua sắm tập trung tại Hà Nội

Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính thuộc Sở Tài chính Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm MSTSC Hà Nội) - bên mời thầu vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) của 7 gói thầu mua sắm thiết bị y tế thuộc Dự án Mua sắm thiết bị y tế theo phương thức tập trung (đợt 1) năm 2019.

Hầu hết là nhà thầu Hà Nội trúng thầu

Có 5 nhà thầu trúng thầu. Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trần Lê (Nhà thầu Trần Lê) và Công ty CP Trang thiết bị và Công trình y tế (Nhà thầu Medicon), mỗi nhà thầu trúng 2 gói thầu.

Cụ thể, Nhà thầu Medicon trúng Gói thầu 02/TBYT1 Mua sắm thiết bị y tế siêu âm chẩn đoán; thiết bị chuyên khoa sản, nhi; thiết bị thăm dò chức năng và Gói thầu 05/TBYT1 Mua sắm thiết bị, dụng cụ phẫu thuật nội soi. Tổng giá trúng thầu của Nhà thầu Medicon tại 2 gói thầu này là 48,56 tỷ đồng.

Nhà thầu Trần Lê trúng Gói thầu 04/TBYT1 Mua sắm thiết bị phòng mổ, hồi sức cấp cứu; máy thở, máy gây mê kèm thở và Gói thầu 06/TBYT1 Mua sắm thiết bị y tế chuyên khoa y học cổ truyền và phục hồi chức năng; thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn; thiết bị thông dụng, dụng cụ và nội thất y tế. Tổng giá trúng thầu của Nhà thầu Trần Lê tại 2 gói thầu này là là 55,53 tỷ đồng.

Đối với 3 gói thầu còn lại, mỗi nhà thầu trúng một gói thầu. Trong đó, Công ty CP Đầu tư HDN (Nhà thầu HDN) trúng Gói thầu 01/TBYT1 Mua sắm thiết bị y tế (thiết bị chụp, chiếu) chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh với giá trúng thầu là 53,76 tỷ đồng.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (Nhà thầu Tài Lộc) trúng Gói thầu 03/TBYT1 Mua sắm thiết bị y tế chuyên khoa xét nghiệm với giá trúng thầu là 73,455 tỷ đồng.

Liên danh Công ty TNHH Quốc tế Nam Yến - Công ty TNHH Thiết bị Y khoa Tâm An (Liên danh Nam Yến - Tâm An) trúng Gói thầu 07/TBYT1 Mua sắm thiết bị y tế liên chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt, với giá trúng thầu là 17 tỷ đồng.

Hầu hết các nhà thầu trúng thầu nêu trên đều đến từ Hà Nội. 

4 nhà thầu “có duyên” với Bên mời thầu

Trong 3 năm gần đây, theo dữ liệu Báo Đấu thầu, Nhà thầu Trần Lê được công bố trúng 68 gói thầu, Nhà thầu Tài Lộc là 60 gói thầu và Nhà thầu Medicon là 32 gói thầu.Các nhà thầu còn lại được công bố trúng số gói thầu lần lượt là: Nhà thầu HDN trúng 14 gói thầu, Nhà thầu Tâm An trúng 4 gói thầu và Nhà thầu Nam Yến trúng 2 gói thầu.Theo tìm hiểu, 4 nhà thầu rất có “duyên” với Trung tâm MSTSC Hà Nội là Nhà thầu Medicon, Nhà thầu Trần Lê, Nhà thầu Tài Lộc và Nhà thầu Nam Yến.

Trong đó, Nhà thầu Medicon từng trúng 2 gói thầu với tổng giá trúng thầu là 70,71 tỷ đồng (Gói thầu 02/TBYT2 Mua sắm Hệ thống Robot chụp mạch và các thiết bị phụ trợ theo phương thức tập trung đợt 2 năm 2018 và Gói thầu 01/TBYT3 Mua sắm thiết bị siêu âm chẩn đoán; Thiết bị thăm dò chức năng theo phương thức tập trung đợt 3 năm 2018).

Còn Nhà thầu Trần Lê được chọn trúng 2 gói thầu thuộc Dự án Các gói thầu mua sắm thiết bị y tế theo phương thức tập trung đợt 1 năm 2018, với tổng giá trúng thầu là 54,733 tỷ đồng (tháng 8 - 9/2018). Vào đầu năm 2019, nhà thầu này tiếp tục được công khai trúng 2 gói thầu khác thuộc các dự án mua sắm tập trung vật tư, thiết bị y tế đợt 2, đợt 3 và đợt 4 năm 2018 của Trung tâm, với tổng giá trúng thầu là 58,574 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trúng thầu của Nhà thầu Trần Lê tại 6 gói thầu của Trung tâm lên tới 168,857 tỷ đồng.

Đối với Nhà thầu Nam Yến, ngoài  gói thầu 07/TBYT1 nêu trên, nhà thầu này còn trúng một gói thầu khác của Trung tâm, đó là Gói thầu 06/TBYT3 Mua sắm thiết bị thông dụng, dụng cụ và nội thất y tế theo phương thức tập trung đợt 3 năm 2018, với giá trúng thầu là 11,405 tỷ đồng.

27. Sự hồi sinh bất ngờ từ những ‘bệnh viện chết’

Nhiều bệnh viện ở TP.HCM, nhất là các bệnh viện tuyến quận - huyện vốn vắng hoe bệnh nhân, các y bác sĩ ngồi chơi xơi nước, cơ sở hạ tầng xuống cấp, giống như những “bệnh viện chết” bỗng dưng hồi sinh một cách bất ngờ.

Hồi sinh nhờ được cầm tay chỉ việc

Từ lâu, những cái tên Bệnh viện quận 9, Bệnh viện quận 11, Bệnh viện quận 7 hay xa hơn là Bệnh viện huyện Nhà Bè, Bệnh viện huyện Củ Chi, Bệnh viện huyện Cần Giờ... dường như còn quá xa lạ với bệnh nhân, còn người biết đến những bệnh viện này thì chẳng có mấy ai dám đến đây khám, chữa bệnh. Sở dĩ nói đến từ “dám”, vì nhiều người nhìn vào những bệnh viện này chỉ thấy “cái xác không hồn”.Bệnh viện mọc lên, nhưng bác sĩ thì lèo tèo, chỉ điều trị các bệnh đau bụng, sổ mũi, cảm ho thông thường, còn lại là chuyển lên tuyến trên.

Một vài chuyên khoa ở những bệnh viện này cũng được lập ra nhưng để cho có, chứ bác sĩ thì yếu chuyên môn, thiếu trang thiết bị. Vì thế thủ thuật mổ xẻ, can thiệp hay xử lý các tình huống bệnh nặng thì không thể nào thực hiện được. Đó thật sự như là những “bệnh viện chết”.

Trước tình hình đó, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo cụ thể cho từng bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn toàn diện cho các bệnh viện này, trong đó có 1 bệnh viện chịu trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn toàn diện, một số bệnh viện chuyên khoa khác sẽ hỗ trợ ở từng chuyên khoa. Những bệnh viện hỗ trợ chuyên môn toàn diện này phải trực tiếp cử bác sĩ đến tận những bệnh viện trên để cầm tay chỉ việc hướng dẫn, đào tạo cho những bác sĩ ở đây thực hiện được những chuyên môn kỹ thuật cần thiết ở tuyến của mình để phục vụ người bệnh.

Nhớ lại thời điểm năm 2016, khi về tiếp nhận Bệnh viện huyện Củ Chi, bác sĩ Hồ Hải Trường Giang - giám đốc bệnh viện này cho biết, lúc đó cả bệnh viện chỉ có 14 bác sĩ, ngày nào nhiều lắm cũng chỉ khám được khoảng 100 bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh cảm, ho, sổ mũi và bệnh về đường tiêu hóa, chứ chẳng điều trị được bệnh ngoại khoa nào.

Vậy mà bằng chủ trương đưa bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt được Bệnh viện quận Thủ Đức hỗ trợ toàn diện về chuyên môn, đến nay, Bệnh viện huyện Củ Chi đã gần như tự tay xử lý được hết các bệnh ngoại khoa liên quan đến mổ xẻ. Các bệnh ngoại khoa như: ngoại tổng quát, ngoại niệu, chấn thương chỉnh hình, mổ phaco, mổ bệnh lý tai mũi họng, mổ sản phụ khoa... đều được các bác sĩ ở bệnh viện này thực hiện thuần thục.

Giờ đây bệnh viện đã thu hút được gần 100 bác sĩ, mỗi tháng bệnh viện mổ lên đến hơn 200 ca; còn lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú tăng vọt, mỗi ngày lên đến hơn 1.000 bệnh nhân.

Nhiều bệnh viện như: Bệnh viện quận 7, Bệnh viện quận 9, bệnh viện huyện Nhà Bè, Bệnh viện huyện Cần Giờ... đang được hỗ trợ chuyên môn toàn diện từ các Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện quận 2, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương... cũng đang thực sự khởi sắc. Trong đó, Bệnh viện huyện Nhà Bè đã phẫu thuật được nhiều ca khó trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện quận 7 đã chạy thận nhân tạo, nội soi cắt u buồng trứng, nội soi cắt túi mật...

Riêng tại Bệnh viện quận 9 sau 1 năm được Bệnh viện Nhân dân Gia Định hỗ trợ chuyên môn toàn diện, bệnh viện này không chỉ đẩy được số lượng bệnh nhân tăng vọt mà còn thực hiện được nhiều ca phẫu thuật trước đó chưa làm được như mổ bắt con trên vết mổ cũ, mổ nội soi cắt u buồng trứng, mổ kết hợp xương...

Nếu tự thân đi lên sẽ rất khó khăn

Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang - Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi cho biết, sự hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện tuyến trên đã tạo nhiều cơ sở thuận lợi cho bệnh viện. Những bệnh viện có thương hiệu ở tuyến trên về hỗ trợ khiến người dân tin tưởng đến với bệnh viện.

“Lúc đầu nhờ có bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên nên người dân mới tin tưởng đến bệnh viện, nhưng qua sự cầm tay chỉ việc của các bệnh viện tuyến trên, các bác sĩ ở đây đã mau chóng trưởng thành làm được các chuyên khoa trên .Sau khi đến bệnh viện và trải nghiệm những dịch vụ của bệnh viện, bệnh nhân cảm thấy tốt và dần dần quen với những dịch vụ này nên gắn bó, tin tưởng với đội ngũ của bác sĩ của bệnh viện”, bác sĩ Giang chia sẻ.

Ngoài việc bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ chuyên môn, Bệnh viện huyện Củ Chi còn cử bác sĩ của mình đến các bệnh viện tuyến trên để đào tào, học hỏi chuyên môn.Sau khi đào tạo bài bản thì các bác sĩ sẽ quay về lại bệnh viện để tiếp tục công tác.

“Nếu như không có bệnh viện tuyến trên đến hỗ trợ chuyên môn, cầm tay chỉ việc để tự thân bệnh viện đi bằng chính nằng lực của mình thì còn rất lâu chúng tôi mới có như ngày hôm nay”, bác sĩ Giang khẳng định.

Theo bác sĩ Trần Quốc Hưng - Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trước khi hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện quận 9, lực lượng nhân sự ở đây quá mỏng, không có người để thực hiện các kỹ thuật nên gặp rất nhiều khó khăn, nhưng từ khi có hỗ trợ chuyên môn, bệnh viện này đã tuyển được khá nhiều nhân sự đáp ứng được nhu cầu khám, điều trị tại đây.

“Hiện tại chúng tôi đang cử bác sĩ xuống hỗ trợ các bệnh nội khoa giúp phòng khám ngoại trú tại bệnh viện này thu hút bệnh nhân đông hơn.Các bệnh nội khoa, khi có bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân Gia Định đến khám thì bệnh nhân đến khám, chữa bệnh đông hơn. Lượng bệnh nhân nội trú tại bệnh viện này đã tăng từ 70 bệnh nhân lên trên 100 bệnh nhân; còn bệnh nhân ngoại trú tăng khoảng 15 đến 20%”, bác sĩ Hưng nói.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Hữu Thơ - Giám đốc Bệnh viện huyện Nhà Bè thừa nhận sau hơn 1 tháng nhận hỗ trợ chuyên môn toàn diện từ Bệnh viện quận 2 đã tạo nên một sức bật lớn cho bệnh viện này.

“Việc hỗ trợ toàn diện về công tác chuyên môn, nhất là hỗ trợ nhân lực trong giai đoạn hiện nay mang ý nghĩa rất to lớn cho sự phát triển của đơn vị. Sự quan tâm, nhiệt tình của Ban giám đốc, các bộ, nhân viên y tế Bệnh viện quận 2 đã giúp cho việc hỗ trợ thực hiện đúng tiến độ, đúng yêu cầu đề ra. Các nội dung hỗ trợ bước đầu đã đáp ứng được mong đợi của đơn vị, giúp đơn vị giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân sự hiện nay”, ông Thơ nhấn mạnh.

 

28. Tiếp nhận kỹ thuật cao trong can thiệp những tổn thương mạch vành phức tạp

Ngày 21-5, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trong khuôn khổ hoạt động xúc tiến giao lưu hợp tác quốc tế với các chuyên gia nước ngoài, Khoa Tim mạch can thiệp - BV Đà Nẵng đã đón tiếp Ts.Bs Nobuhiko Ogata - Giám đốc Y khoa, Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp BV Đa khoa Trung ương AGEO (Nhật Bản) đến thăm và làm việc.

Ts.Bs Nobuhito Ogata là một trong những chuyên gia đầu ngành về tim mạch tại BV đa khoa trung ương AGEO (Nhật Bản), ông đã thực hiện thành công nhiều ca về tổn thương tắc mạn tính và tổn thương nặng thân chung động mạch phức tạp… Theo Ts.Bs Lê Đức Nhân - Giám đốc BV Đà Nẵng, trong thời gian 2 ngày làm việc tại BV Đà Nẵng, Ts.Bs Nobuhiko Ogata đã chia sẻ và truyền đạt những kỹ thuật khó, chuyên sâu trong can thiệp các tổn thương mạch vành phức tạp cho đội ngũ y bác sỹ Khoa Tim mạch can thiệp. Đặc biệt, Ts.Bs Bs Nobuhiko Ogata đã trực tiếp hướng dẫn các bác sỹ Khoa Tim mạch can thiệp BV Đà Nẵng tiến hành can thiệp thành công cho 7 bệnh nhân có tổn thương tắc mạn tính, tổn thương nặng thân chung động mạch vành và tắc kéo dài động mạch vành phức tạp. Đây là những kỹ thuật rất khó trong can thiệp tim mạch hiện nay. Các bệnh nhân sau can thiệp đều ổn định về mặt lâm sàng, hết đau ngực, không xảy ra tai biến gì.

Tại BV Đà Nẵng, can thiệp động mạch vành qua da được triển khai từ những năm 2000 và đã can thiệp, cứu sống nhiều bệnh nhân. Từ khi Khoa Tim mạch can thiệp BV Đà Nẵng được thành lập và đi vào hoạt động, đến nay, nhiều trường hợp tổn thương mạch vành phức tạp đã được thực hiện. Việc tiếp nhận kỹ thuật cao từ chuyên gia y tế Nhật Bản sẽ giúp cho các bác sỹ của Khoa Tim mạch can thiệp BV Đà Nẵng được học tập, nâng cao kỹ năng, tay nghề và mở ra cho bệnh nhân cơ hội điều trị mới không phải chuyển tuyến trên hay điều trị nội khoa như trước đây.

 

29. Bệnh nhân đầu tiên ở miền Tây được nối mạch máu vi phẫu không cần kim khâu

Bệnh nhân đầu tiên ở miền Tây vừa được bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ nối mạch máu vi phẫu mà không cần dùng kim khâu. 

Bác sĩ CKII Huỳnh Thống Em - Trưởng Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa thực hiện thành công nối mạch máu vi phẫu cho bệnh nhân mà không cần dùng kim khâu. Bệnh nhân là anh Nam (43 tuổi, quê Hậu Giang).

Bệnh viên đa khoa Trung ương Cần Thơ là nơi đầu tiên ở miền Tây thực hiện thành công nối mạch máu vi phẫu cho bệnh nhân mà không cần dùng kim khâu.

Theo bệnh viện, cách đây gần 1 năm, anh Nam bị tai nạn lao động đứt lìa 1/3 dưới cẳng tay phải đã được phẫu thuật khâu nối.

Mới đây, anh này được nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ và được các bác sĩ chẩn đoán: Sẹo co rút dính gân duỗi - xương cẳng tay; di chứng đứt lìa cẳng tay phải. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật chuyển vạt da tự do để che phủ vùng sẹo co rút 1/3 dưới cẳng tay phải cho anh Nam.

Các bác sĩ đã chuyển một vạt da cân (vạt da có mạch máu) ở trước đùi bệnh nhân lên che phủ mặt sau ngoài cẳng tay phải. Để đảm bảo cho vạt da cân sống được trên cẳng tay, các bác sĩ phải khâu nối mạch máu của vạt da với mạch máu cẳng tay.Kích thước của mạch máu rất nhỏ, phẫu thuật khó khăn, ê kíp quyết định sử dụng bộ nối mạch vi phẫu để nối các mạch máu nhỏ một cách nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.

“Đặc biệt dùng dụng cụ này sẽ giảm nguy cơ xẹp miệng nối động mạch và tĩnh mạch vốn có thể làm tăng nguy cơ tắc mạch chết vạt che phủ.Thời gian khâu nối mỗi mạch máu chỉ từ 4- 6 phút, trong khi nếu nối mạch máu bằng chỉ khâu phải mất 30-60 phút”, bác sĩ CKII Huỳnh Thống Em cho biết.

Theo bác sĩ, việc rút ngắn thời gian phẫu thuật và an toàn giúp mạch máu bệnh nhân hồi phục nhanh, các mô trở về chức năng bình thường. Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân Nam ổn định, vạt da che phủ sống hoàn toàn.

 

30. Cứu bệnh nhân nhịp tim chậm 30 - 40 lần bằng máy tạo nhịp tim

Vừa qua, khoa Hồi sức tim mạch – Bệnh viện quận Thủ Đức đã kết hợp với Bệnh viện quận 7 thực hiện thành công ca đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân bị nhịp tim chậm.Bệnh nhân là bà L.T.H, 54 tuổi, ngụ tại Quận 7, nhập viện trong tình trạng chóng mặt, gần ngất nhiều lần, nhịp tim chậm 30 đến 40 lần, có những lúc ngừng tim kéo dài.

Sau khi khám, các bác sĩ Bệnh viện quận 7 đã hội chẩn liên bệnh viện với Bệnh viện quận Thủ Đức, ekip bác sĩ Hồi sức tim mạch Bệnh viện quận Thủ Đức được điều động tới cùng với bác sĩ Bệnh viện quận 7 để đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, tạm thời nâng nhịp tim bệnh nhân lên, giúp ổn định huyết áp và giảm các triệu chứng nguy hiểm.

Sau khi đặt máy tạo nhịp tạm thời 2 ngày, bệnh nhân ổn định hơn và được chuyển Bệnh viện quận Thủ Đức để tiến hành rút máy tạo nhịp tạm thời, đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn 2 buồng tim dưới sự hổ trợ máy DSA.

Gần 2 giờ thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân đã được chuyển về khoa Hồi sức tim mạch. Hiện tại bệnh nhân ổn định và được xuất viện tái khám định kỳ.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Nhân, khoa Hồi sức tim mạch – Bệnh viện quận Thủ Đức: “Bệnh nhân được chẩn đoán nhịp tim chậm nên được chọn kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, cụ thể là đặt máy tạo nhịp tim hai buồng giúp bệnh nhân ổn định nhịp tim, đảm bảo nhu cầu sinh lý đập 60 lần/phút. Nhịp tim bình thường đập từ 60 – 100 lần/phút”.

Bác sĩ Nhân cũng cho biết đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn là một trong những kỹ thuật cao trong tim mạch được thực hiện thường quy tại Bệnh viện quận Thủ Đức. Đây là ca bệnh đặc biệt có sự kết hợp giữa Bệnh viện quận Thủ Đức và Bệnh viện quận 7, dưới sự hỗ trợ cố vấn của TS. Phạm Hữu Văn – Phó Chủ tịch Hội nhịp tim học TPHCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện quận Thủ Đức”.

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng và chia sẻ nguồn lực 2 bệnh viện trong giải quyết các trường hợp bệnh nặng, nguy hiểm nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.Theo các chuyên gia, nhịp tim chậm là tình trạng nhịp tim dưới 60 lần/phút - vận động viên hoặc người trẻ tuổi khỏe mạnh có thể có nhịp tim dưới 60 lần/phút. Ở một người bình thường khỏe mạnh, nhịp tim bình dao động trong khoảng từ 60 - 80 lần trong 1 phút. Nếu nhịp tim trên 90 lần/phút là nhịp tim nhanh, còn dưới 60 lần/phút là nhịp tim chậm. Nhịp tim chậm có thể làm người bệnh có cảm giác đau ngực, có những trường hợp ngất do máu cung cấp lên não không đầy đủ, người ta gọi là cơn AdamStock.

Nhịp tim chậm có thể có các triệu chứng: Chóng mặt, choáng váng, khó thở, mệt mỏi, không tập trung, ngất xỉu... Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều người nhịp tim chậm từ nhỏ hay do luyện tập (như luyện yoga) nên vẫn không có rối loạn nào biểu hiện trên lâm sàng.

Một số thuốc hạ huyết áp có thể làm chậm nhịp tim, đó là các thuốc hạ huyết áp có tác dụng ức chế beta giao cảm như sectral, atenolol, metoprolol… Chính vì vậy, khi uống các loại thuốc trên phải thường xuyên kiểm tra nhịp tim trước và trong khi dùng thuốc. Khi thấy nhịp tim chậm dưới 60 lần/phút, nên dừng loại thuốc điều trị tăng huyết áp nói trên và đến bác sĩ điều trị để thay bằng một loại thuốc khác có cơ chế tác dụng ức chế kênh canxi, ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể angiotensin.

Để đảm bảo an toàn, khi có các biểu hiện nghi ngờ, cần đến khám bệnh ở cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch để có hướng xử trí thích hợp. 

 

31. Trẻ đi học sẽ phải có giấy chứng nhận tiêm chủng đầy đủ

Dự kiến từ năm 2019 - 2020, các gia đình cần có giấy chứng nhận tiêm chủng đầy đủ cho các trẻ nhập học mẫu giáo.Trước mắt quy định này dự kiến thực hiện thí điểm tại Hà Nội vào cuối 2019.

Vắc-xin bảo vệ cộng đồng

Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, vắc-xin có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng, vắc-xin mới có tác dụng gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả: trong cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên 90 - 95%, cho dù mầm bệnh xâm nhập nhưng do có ít đối tượng bị nhiễm, nên bệnh không thể lan rộng.

Trong khi đó, dù tỷ lệ tiêm chủng trên cả nước đạt trên 95% nhưng hằng năm vẫn còn hàng chục ngàn trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ, đó là các trẻ sống trong vùng khó khăn chưa thuận lợi tiếp cận dịch vụ tiêm chủng, nhưng nhiều trẻ chưa được tiêm do cha mẹ có quan điểm chống vắc-xin, thuận theo tự nhiên, khiến các trẻ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: sởi, ho gà và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.

Hiện vẫn có tình trạng trì hoãn và không tiêm chủng, ngần ngại đi tiêm chủng ngay cả khi con khỏe mạnh.Đây là nguyên nhân chính khiến trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chậm lịch. “Đặc biệt có cha mẹ từ chối tiêm chủng với quan điểm “Thuận với tự nhiên” là thiếu trách nhiệm với con mình và đi ngược lại với quyền lợi chung của cả cộng đồng, là quan niệm phiến diện, sai lầm”, GS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia nhìn nhận.

GS. Đức Anh cho biết vắc-xin là một trong những sản phẩm có độ an toàn cao nhất qua quá trình nghiên cứu hàng chục năm, thử nghiệm lâm sàng và kiểm định chất lượng và tính an toàn nghiêm ngặt trước được cấp phép lưu hành. Tất cả các lô vắc-xin đều được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng.

Hàng rào bảo vệ cộng đồng

“Nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ và đặt tình hình nước ta quay trở lại khoảng thời gian hàng chục năm trước đây: virut bại liệt xâm nhập nước ta và lưu hành, gây dịch với hàng chục ngàn ca mắc, hàng ngàn ca di chứng tàn tật vĩnh viễn và tử vong mỗi năm; bệnh uốn ván sơ sinh gần như không còn xuất hiện sẽ quay trở lại với tỷ lệ tử vong chiếm trên 50%”, PGS. Dương Thị Hồng lo ngại.

PGS.TS. Dương Thị Hồng cũng cho biết, để đảm bảo các trẻ được bảo vệ trước các dịch bệnh nguy hiểm bằng tiêm chủng đầy đủ, dự kiến trong năm 2020, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục triển khai thí điểm thực hiện quy định: các trẻ đi học mẫu giáo cần có chứng nhận tiêm chủng đầy đủ. Đồng thời xây dựng kế hoạch để các trạm y tế xã thực hiện tổ chức tiêm bổ sung cho các trẻ chưa chưa tiêm chủng đầy đủ trong các buổi tiêm chủng thường xuyên.

 

32. Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng tiếp tục triển khai nhiều kĩ thuật chuyên sâu vào công tác khám chữa bệnh

Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ là đơn vị Y tế hạng II, có quy mô 400 giường bệnh với 268 cán bộ, viên chức, lao động. Từ một cơ sở chất lượng hoạt động chỉ ở mức trung bình khá, những năm gần đây, Trung tâm y tế Đoan Hùng đã nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh; đồng thời, làm tốt công tác y tế dự phòng, chỉ đạo tuyến cơ sở, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, quản lý kinh tế y tế, tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình...

Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu Quý I năm 2019, Trung tâm đều đạt và vượt kế hoạch. Trong quý I năm 2019 đơn vị triển khai được nhiều kỹ thuật mới như: Phẫu thuật trĩ độ III, IV, phẫu thuật cắt u, nang tuyến giáp, phẫu thuật kết hợp xương phức tạp (gãy liên mấu chuyển, gãy cổ xương đùi), tán sỏi laser, xét nghiệm sinh thiết tế bào, X quang chụp vú (mamography)...

Bước đầu triển khai phẫu thuật một số bệnh lý TMH (Phẫu thuật bóc đường dò luân nhĩ, cắt Amydal), nội soi đại tràng can thiệp; Tiếp tục triển khai được nhiều kĩ thuật chuyên sâu như: Mổ nội soi chửa ngoài tử cung, mổ nội soi u nang buồng trứng, nạo thai dưới siêu âm có gây mê, mổ không đau, đẻ không đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, phẫu thuật nội soi cắt u phì đại tiền liệt tuyến …vv.

Trong thời gian tới tiếp tục triển khai thêm một số kỹ thuật: Tán sỏi qua da, phẫu thuật tụ máu ngoài màng cứng, tụ máu dưới màng cứng, phẫu thuật thay khớp háng, xét nghiệm sàng lọc sau sinh, phẫu thuật chuyên khoa TMH (Cắt polyp mũi, cắt sụn vành tai, u, namg sàn miệng)… Việc triển khai áp dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu vào công tác khám chữa bệnh, nhất là những bệnh khó đòi hỏi máy móc công nghệ cao, huy động các nguồn lực để không ngừng cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đầu tư bổ sung và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện đại, đã có sức thu hút người bệnh. 

Có thiết bị tiên tiến, vấn đề còn lại là đội ngũ nguồn nhân lực, lãnh đạo Trung tâm đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc, cả về lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, tay nghề. Một trong những nội dung đổi mới và tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý là nâng cao chất lượng cấp cứu, khám, điều trị chăm sóc người bệnh. Lãnh đạo Trung tâm tập trung làm thay đổi nhận thức và hành vi của đội ngũ thầy thuốc; đổi mới tác phong làm việc của cán bộ, viên chức; lấy các tiêu chuẩn, đạo đức cán bộ y tế, các quy định về kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa với người bệnh làm yêu cầu bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức, nhân viên phục vụ. 

Công tác chăm sóc toàn diện người bệnh được triển khai đồng bộ, có nề nếp ở các khoa lâm sàng. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong đón tiếp, phục vụ; Trung tâm bố trí thêm nhiều phòng khám; bố trí các phòng xét nghiệm, siêu âm, điện tim, điện quang, thu viện phí, phát thuốc liên hoàn, tạo thuận lợi cho người bệnh; rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm, điện quang. Duy trì thường xuyên hòm thư, sổ góp ý của bệnh nhân, đường dây nóng...  ở các khoa và toàn Trung tâm để lãnh đạo nắm bắt kịp thời các phản ánh và yêu cầu, nguyện vọng của người bệnh.

Trong Quý I/2019, Trung tâm Y tế Đoan Hùng đã xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức: Đào tạo Bs CKII Ngoại, Bs CKI Nội khoa, nhiều lớp CK định hướng, cử 02 điều dưỡng tham gia đào tạo cấp hồi sức cấp cứu tại BVĐK tỉnh Phú Thọ, 01 kỹ thuật viên tham gia đào tại xét nghiệm vi khuẩn Lao tại Bệnh viện Lao phổi Phú Thọ, mở 03 lớp đào tạo lại cho tất cả điều dưỡng, hộ sinh về các nội dung ngừng tuần hoàn cơ bản, phòng chống phản vệ, sử dụng thuốc an toàn… 

Trong năm 2019 tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức 02 lớp mỗi lớp 02 ngày cho 100% cán bộ viên chức toàn Trung tâm học tập về giao tiếp ứng xử đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Đào tạo nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo cho 100% cán bộ trưởng phó khoa/phòng, điều dưỡng trưởng (dự kiến khai giảng tháng 7/2019).

Bổ sung thêm nhân lực để Tổ công tác xã hội thực hiện đón tiếp, hướng dẫn, lấy kết quả cận lâm sàng tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đến khám và điều trị. Tổng đài chăm sóc khách hàng thường xuyên gọi điện thăm hỏi bệnh nhân sau khi ra viện.

Những tác động từ công tác quản lý đã từng bước góp phần xác lập địa vị mới của người bệnh là “khách hàng” tại Trung tâm, lấy sự hài lòng của người bệnh về điều trị, chăm sóc, phục vụ làm thành công của Trung tâm, gắn liền với quyền lợi của cán bộ, nhân viên y tế nơi đây.

 

33. Thanh niên ở Hà Nam hiến tạng cứu 7 người, gia đình từng sợ dị nghị

Vừa qua, tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội), một nam bệnh nhân 27 tuổi, quê Hà Nam sau khi qua đời đã hiến tạng để cứu 7 người.

Bệnh nhân là Phạm Công Tuấn Anh, sinh năm 1993 ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, bị tổn thương não nặng, hôn mê sâu, mất các phản xạ của não sau khi mổ dị dạng mạch não (MAV) từ ngày 12/5 tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tình trạng bệnh quá nặng, Bệnh viện Bạch Mai đã cho gia đình đưa bệnh nhân về nhà.Sau đó, gia đình đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Theo ông Phạm Ngọc Huy, cán bộ Văn hóa xã Đồng Hóa: Biết con trai mình không thể qua khỏi, bố của Phạm Công Tuấn Anh đã suy nghĩ và quyết định hiến tạng con mình. Ông đã nhận được sự động viên lớn từ bệnh viện về nghĩa cử này. Bản thân ông nghĩ, Tuấn Anh không may qua đời sớm, nhưng nếu tạng của con trai có đủ điều kiện để hiến tặng cứu sống những người khác thì cuộc đời anh sẽ được nối dài hơn. Và như thế, ông và những người thân  vẫn sẽ được thấy Tuấn Anh sống trên cuộc đời. Ông Huy nói: “Đây chính là điều ý nghĩa cuối cùng gia đình và con trai ông ấy có thể làm cho vợ và con của Tuấn Anh sau này…”

Ông Phạm Ngọc Huy chia sẻ thêm: Trước khi quyết định chuyện này, bố của Phạm Công Tuấn Anh đã rất lo lắng vì sợ dân làng biết chuyện sẽ không thông cảm, hoặc dị nghị. Gia đình Tuấn Anh rất khó khăn, vợ bị trầm cảm sau khi sinh con được hơn 1 tháng. Cháu bé đã 2 tuổi, nhưng tình trạng bệnh của chị T.T.L. (vợ Tuấn Anh) vẫn chưa ổn định. Tuấn Anh làm nghề tự do, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào anh. Kể từ khi phải nhập viện điều trị  hơn 1 tháng trời, gia đình Tuấn Anh phải dốc hết tiền bạc để mổ và cứu anh. Kinh tế gia đình cực kỳ khó khăn.

Tuấn Anh đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 9h03 phút ngày 18/5 tại Bệnh viện Việt Đức. Sau khi qua đời, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã làm các thủ tục, kỹ thuật lấy, ghép tạng của Tuấn Anh để cứu 7 người khác.  

Đại diện Bệnh viện đã về tận nhà Tuấn Anh để thăm viếng và cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của gia đình.

 

II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI

33. Australia: Nhiều ca nhiễm sởi mới bị lây lan từ khách du lịch

Cơ quan Y tế bang Victoria (Australia) thông báo 1 trẻ em và 5 người lớn sinh sống tại bang này được xác nhận là nhiễm sởi, sau khi tiếp xúc với một khách du lịch đến từ Đông Nam Á.

Ngày 22/5, Cơ quan Y tế bang Victoria (Australia) thông báo 1 trẻ em và 5 người lớn sinh sống tại bang này được xác nhận là nhiễm sởi, sau khi tiếp xúc với một khách du lịch đến từ Đông Nam Á.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, đây là trường hợp gần nhất có số ca nhiễm sởi xuất hiện theo chùm trở lại bang Victoria kể từ tháng 3/2018, với một nhóm 9 người nhiễm bệnh từ cùng một tác nhân.

Người đứng đầu cơ quan trên Angie Bone cho biết 6 người bệnh nói trên rất có khả năng đã lây nhiễm bệnh, khi tiếp xúc với vị khách du lịch nước ngoài trong một vài sự kiện gia đình, tổ chức tại khu vực Mornington và St Kilda vào ngày 4 và 5/5.

Tiến sỹ Bone yêu cầu các cơ quan y tế bang và khu vực phải theo dõi chặt chẽ các trường hợp nhiễm sởi vừa phát hiện, phong tỏa nguồn lây bệnh và kêu gọi người dân bang Victoria nên tiêm vắcxin sởi, do khả năng lây nhiễm trong cộng đồng dân cư là rất cao.

Tiến sỹ Bone cảnh báo: "Tất cả các trường hợp này đã có liên hệ khá rộng rãi trong cộng đồng tại một số vùng ngoại ô khác nhau của bang Victoria."

Trước đó, một trường hợp nhiễm sởi khác cũng bị phát hiện tại bang Victoria. Người bệnh được cho là đã đi tham quan hai địa điểm du lịch tại Bendigo và Echuca.

Theo Cơ quan Y tế bang, nguồn gây bệnh rất có khả năng liên quan tới một du khách nước ngoài, đến Australia vào tháng Tư.

Cuối tháng Tư vừa qua, chính quyền bang New Southh Wales đã kêu gọi người dân tham gia tiêm chủng, ngừa bệnh sởi đầy đủ trước khi đi du lịch nước ngoài, sau khi có 36 người tại bang này được chẩn đoán mắc bệnh kể tính từ tháng 12/2018. Tại một số tiểu bang khác như Queensland và Tây Australia cũng phát hiện các trường hợp mắc sởi.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 22 trường hợp được xác nhận là mắc bệnh sởi tại bang Victoria.

Bệnh sởi rất dễ lây nhiễm, các triệu chứng bao gồm sốt, ho nặng, viêm kết mạc, chảy và nghẹt mũi, sau đó là phát ban khắp người, bắt đầu trên vùng mặt. Bệnh nhân sởi có thể nhiễm bệnh khoảng 5 ngày trước và 4 ngày sau khi triệu chứng phát ban xuất hiện.

Các ca nhiễm sởi đang tăng nhanh trên toàn cầu. Tại Mỹ, dịch sởi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi số liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết số ca mắc sởi ở nước này đã tăng lên con số 880 tại 23 tiểu bang.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, thế giới đã ghi nhận hơn 110.000 ca nhiễm bệnh, tăng 300% so  với cùng kỳ năm 2018. WHO coi đây là mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu./.

 

34. Australia khuyến cáo về chất lượng không khí tại Sydney

Thành phố Sydney của Australia ngày 22/5 bị bao phủ bởi một lớp khói dày nguy hại cho sức khỏe người dân và giới chức y tế khuyến cáo những người có bệnh hô hấp nên ở trong nhà.

Thành phố Sydney của Australia ngày 22/5 bị bao phủ bởi một lớp khói dày nguy hại cho sức khỏe người dân và giới chức y tế khuyến cáo những người có bệnh hô hấp nên ở trong nhà.

Lớp khói này là kết quả của hoạt động đốt rừng có kiểm soát được thực hiện trong tuần này nhằm giảm tác động của các đám cháy rừng.Dự kiến tình trạng khói bao trùm thành phố có thể tiếp diễn trong vài ngày.

Giới chức y tế bang New South Wales (NSW) cảnh báo lớp khói này có thể kích thích hệ hô hấp và làm trầm trọng thêm bệnh trạng ở những người mắc các bệnh về tim và phổi. Trong đó, những người mắc các bệnh như hen, khí thũng và viêm họng dễ bị tác động của khói hơn cả.

Hiện lực lượng cứu hỏa đã tạm dừng hoạt động đốt rừng có kiểm soát ở khu vực này để chờ khói tan.

Theo Cơ quan cứu hỏa nông thôn New South Wales (NSW RFS), hoạt động đốt rừng có kiếm soát giúp giảm nguy cơ đối với người và tải sản từ các đám cháy rừng.

NSW RFS sẽ cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục đánh giá lại hoạt động này và lên kế hoạch thực hiện thêm các vụ đốt có kiểm soát nếu cần thiết./.

 

35. Phát hiện thương hiệu L’Oreal, Bayer dùng hóa chất gây ung thư

Sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng như Bayer, L’Oreal, Michelin, ông lớn thực phẩm DSM, công ty dược Merck được cho là có chứa chất gây nguy hại cho sức khỏe con người, thậm chí là bệnh ung thư.

Đài RT dẫn báo cáo một cuộc điều tra từ tập đoàn môi trường Đức BUND, hơn 650 công ty đang vi phạm luật an toàn hóa chất châu Âu. Do đó, các hóa chất có khả năng gây hại có thể được tìm thấy trong thực phẩm, mỹ phẩm và đồ chơi.

"Các công ty hóa chất đã bất chấp luật pháp trong nhiều năm để bán những sản phẩm có chất gây ung thư nội tiết tố, rối loạn não và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác", ông Manuel Fernandez, viên chức phụ trách về hóa chất của BUND cho biết.Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) thừa nhận rằng các công ty đã biết về việc bỏ qua luật an toàn hóa chất vào tháng 11 năm ngoái. Họ đã tiến hành điều tra 700 loại hóa mỹ phẩm đang được sử dụng rộng rãi hiện nay và phát hiện ra rằng 2/3 trong số đó phá vỡ chuẩn REACH - quy định về an toàn chính yếu của cơ quan này.

Báo cáo do BUND công bố hôm 21-5 có nêu tên một số công ty có liên quan cũng như chỉ ra một số chất có khả năng gây chết người. Ngoài ra, có 654 công ty không thực hiện các cuộc kiểm tra an toàn bắt buộc theo quy định REACH.

Một số công ty trong số này hiện cũng đang dính vào những vụ bê bối về an toàn. Chẳng hạn như công ty Bayer hiện đang đối mặt với hơn 11.000 vụ kiện sau khi tòa án Mỹ và châu Âu phát hiện một trong những thành phần trong sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto, được biết là công ty con của Bayer, dẫn đến nhiều trường hợp bị ung thư.

Cũng mới hồi tháng 3 năm nay, hãng Bayer đã phải đền bù 80 triệu USD cho một người đàn ông có tên Edwin Hardeman, sống ở bang  California (Mỹ), vì ông này đã dùng sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup của hãng và nó đã gây ung thư cho người này.Mặc dù Trung tâm bảo vệ môi trường Mỹ và Hiệp hội Hóa học châu Âu xác định thuốc diệt cỏ không có tác nhân gây ung thư đối với con người, nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2015 đã tuyên bố chất diệt cỏ có khả năng gây ung thư.

Được biết, hãng Bayer đã mua nhà sản xuất thương hiệu thuốc diệt cỏ Roundup vào năm 2018, với giá 63 tỉ USD.Sau kết luận của tòa án, Bayer tuyên bố sẽ kháng cáo. Bê bối này khiến cổ phiếu công ty tụt giảm đáng kể.

Những thương hiệu nổi tiếng khác còn có trong danh sách như L’Oreal, Michelin, ông lớn thực phẩm DSM và nhà sản xuất thuốc Merck, được cho là những sản phẩm mà mọi người tiếp xúc hàng ngày.

Một số hóa chất xâm nhập vào hàng hóa hàng ngày bao gồm chất dibutyl phthalate, được biết là chất làm dẻo được sử dụng trong sàn nhà, đồ chơi, da, giấy... những chất này có độc tính cao đối với đời sống thủy sinh và có thể gây hại cho thai nhi và giảm khả năng sinh sản. Các công ty sử dụng dibutyl phthalate được biết cũng chưa hoàn thành xác định những nguy cơ theo yêu cầu của REACH.

Những công ty kể trên cũng chưa hoàn thành bài kiểm tra an toàn trên chất methyl acetate, một hóa chất có thể gây buồn ngủ, chóng mặt và kích ứng mắt nghiêm trọng. Methyl acetate thường được tìm thấy trong chất kết dính, sản phẩm làm sạch và mỹ phẩm.

Trichloroethylen, một hóa chất công nghiệp khác, có thể khiến người tiếp xúc bị kích thích nghiêm trọng, có thể gây ung thư và khiếm khuyết di truyền. BUND cho biết họ xác định được tới 940 hóa chất bị nghi ngờ độc hại, nhưng chỉ xác minh được khoảng 700 trường hợp trong số đó không tuân thủ các quy định an toàn.

BUND con cho biết họ đã đã xoay sở để có được tên của các công ty thông qua quyền tự do yêu cầu thông tin từ chính phủ Đức, và họ đã tiến hành phân tích riêng từ năm 2014. Tuy nhiên, tổ chức này tin rằng những phát hiện của họ có thể chỉ là "đỉnh của tảng băng trôi" do nền tảng các quy tắc an toàn hóa học của EU hiện nay ngày càng bị phớt lờ và thiếu sự kiểm soát.

 

36. Thị trưởng Montereau quyết định phát Viagra miễn phí để dân làng đẻ nhiều

Thị trưởng thị trấn Montereau (Pháp) - nơi có 650 cư dân sinh sống, đã ban hành một quyết định gây sốc: cam kết sẽ phát thuốc cường dương Viagra miễn phí cho mọi cặp đôi trong làng, và cho cả người ngoài làng nếu họ muốn chuyển đến sinh sống tạ

Mục đích của hành động gây sốc này được cho là nhằm khuyến khích cư dân trong thị trấn sinh thêm nhiều em bé, để trường học ở địa phương tiếp tục mở cửa.

Ông Jean Debouzy chia sẻ trên tờ The Local: "Một thị trấn không có trẻ em là một thị trấn chết. Viên thuốc thần thánh màu xanh dương sẽ được phát cho các cặp đôi từ 18-40 tuổi".

Ông Debouzy cho biết ông quyết định hành động vì số lượng trẻ em đi học ở trường làng ngày càng ít đi.Trong một thời gian ngắn nữa, trường có thể bị đóng cửa hoặc phải sáp nhập với trường học ở làng bên.

Quyết định cũng cho biết hội đồng thị trấn còn cân nhắc giải pháp tặng một khoản trợ cấp một lần cho cặp đôi nào sống ở thị trấn sinh em bé.

Tuy nhiên, từ ngày 16-5 đến nay vẫn chưa có ai đến văn phòng của ông Debouzy để nhận Viagra. Trên thực tế, tính khả thi của quyết định này là một câu hỏi lớn vì ở Pháp và các quốc gia châu Âu khác, thuốc cường dương Viagra chỉ được mua khi có toa thuốc của bác sĩ.

Do thiếu khả thi nên quyết định của ông Debouzy được cho là muốn gây sự chú ý của dư luận và Chính phủ Pháp đến các vấn đề xã hội ở những ngôi làng và thị trấn ở nước này. Thực tế là một số cử tri ở những ngôi làng bị suy giảm dân số hoặc thu hẹp các dịch vụ công đã tham gia phong trào biểu tình Áo vàng, gây náo động nước Pháp. 

Trước ông Debouzy, thị trưởng của xứ Sainte-Geneviève-des-Bois cũng từng gây sốc để thu hút sự chú ý đến vấn đề thiếu dịch vụ chăm sóc y tế khi ông ra một quyết định với nội dung cấm người dân trong thị trấn bị bệnh.

 

37. Siêu âm: Tương lai của điều trị đái tháo đường?

 Một nghiên cứu gần đây trên chuột kết luận rằng siêu âm hướng đích có thể là cách điều trị hiệu quả, không xâm lấn, không dùng thuốc để tăng lượng insulin ở những người mắc bệnh đái tháo đường týp 2.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), đái tháo đường týp 2 hiện ảnh hưởng đến hơn 100 triệu người lớn ở Mỹ. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7 ở nước này vào năm 2015.

Ở người bị đái tháo đường, tuyến tụy sản sinh quá ít insulin.Dần dần, cơ thể trở nên ít nhạy cảm hơn với insulin – một tình trạng được gọi là kháng insulin.

Tế bào beta - là những tế bào chuyên biệt trong tuyến tụy - tổng hợp, lưu trữ và giải phóng insulin để đáp ứng với sự hiện diện của đường trong máu.

Sản sinh insulin tăng này giúp giữ chỉ số đường huyết trong phạm vi bình thường; quá nhiều đường trong máu có thể gây hư hại các mô và cơ quan.

Giai đoạn đầu trong tiến trình bệnh đái tháo đường, các tế bào beta có thể trở nên hoạt động quá mức, khiến insulin tích tụ bên trong.Sự tích tụ này có thể là dấu chấm hết cho tế bào beta.Nếu nhiều tế bào beta sản sinh insulin bị chết, bệnh đái tháo đường sẽ càng trầm trọng hơn.

Một số loại thuốc có thể giúp các tế bào beta giải phóng insulin, nhưng chúng có thể đắt tiền và kém hiệu quả hơn theo thời gian.

Vì những lý do này, các nhà nghiên cứu rất muốn tìm ra những cách khác để thúc đẩy giải phóng insulin mà không cần đến thuốc.

Sự trỗi dậy của siêu âm

Các nhà nghiên cứu tại Đại học George Washington ở Washington, D.C., đang nghiên cứu một cách mới để điều trị đái tháo đường. Họ tin rằng siêu âm có thể mở ra con đường phía trước.

Họ đã trình bày những phát hiện mới nhất tại Hội nghị lần thứ 177 của Hội Siêu âm Mỹ.Các nhà nghiên cứu đã sử dụng siêu âm để kích thích giải phóng insulin từ các tế bào beta trong tuyến tụy của chuột.Sóng âm được truyền qua da bụng, không làm rách da.

Siêu âm là những sóng âm thanh có tần số cao hơn ngưỡng nghe được của người. Trong y học, người ta thường kết hợp siêu âm với công nghệ hình ảnh, ví dụ, để chụp ảnh thai nhi.

Các nhà khoa học đã sử dụng siêu âm như một công cụ chẩn đoán trong nhiều thập kỷ, nhưng gần đây, họ đã bắt đầu nghiên cứu xem liệu có thể dùng siêu âm để điều trị một số tình trạng bệnh.Ví dụ, sử dụng siêu âm để tán sỏi trong cơ thể.

Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn muốn tìm hiểu xem liệu siêu âm có thể trở thành một lựa chọn điều trị cho bệnh Parkinson hay không. Những người khác vẫn đang nghiên cứu việc sử dụng cái gọi là siêu âm tập trung cường độ cao như một cách để chống lại ung thư tuyến tiền liệt.

Siêu âm và đái tháo đường

Trong nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng siêu âm có thể khuyến khích các tế bào beta nuôi cấy giải phóng insulin.Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà nghiên cứu muốn xem liệu điều này có thể xảy ra trên động vật sống hay không.

Họ đã cho chuột điều trị giả (đối chứng) hoặc tiếp xúc với sóng siêu âm trong 5 phút với tần số 1Mhz.

Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu ngay trước và sau khi siêu âm hoặc điều trị giả.Quan trọng là da hoặc các cơ quan nội tạng của chuột không bị tổn thương.

Như đã hy vọng, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những con chuột điều trị bằng siêu âm đã tăng sản xuất insulin so với những con chuột đối chứng.

Tuy nhiên, quan trọng là họ cũng thấy không có sự giảm nồng độ glucose liên quan; mặc dù insulin tăng, glucose trong máu dường như không bị ảnh hưởng.Điều này thật bất ngờ, vì vậy các nhà nghiên cứu rất muốn kiểm tra thêm. Mặc dù vậy, kết luận của các tác giả nghiên cứu là lạc quan:

"Chúng tôi hy vọng rằng cách tiếp cận này, cùng với việc lựa chọn cẩn thận các thông số siêu âm, có thể là cách kích thích an toàn, có kiểm soát và trúng đích để giải phóng insulin từ các tế bào beta tuyến tụy."

Như thường lệ, đây sẽ là một hành trình phức tạp; như đồng tác giả nghiên cứu Tania Singh giải thích: "Tuyến tụy có nhiều vai trò khác ngoài việc sản sinh insulin, bao gồm cả giải phóng các hoóc-môn đối kháng và các men tiêu hóa."

Nói cách khác, nếu kích thích tuyến tụy, rất có khả năng là nó sẽ tăng cường bài tiết các sản phẩm sinh học khác ngoài insulin.Điều này có thể dẫn đến một loạt hệ quả.Các nhà khoa học rất muốn nghiên cứu vấn đề tiềm năng này một cách chi tiết hơn.Mặc dù kết quả rất hấp dẫn và có khả năng dấy lên những tranh luận, nhưng vẫn còn rất sớm; như Singh giải thích: "Công việc của chúng tôi là bước đầu tiên quan trọng trong việc kích thích mô nội tiết."

Để trả lời câu hỏi đặt ra trong tiêu đề, siêu âm trong tương lai là có thể hữu ích cho việc điều trị đái tháo đường.Tuy nhiên, lúc này, tương lai đó dường như còn là một chặng đường dài.

 

38. Băng y tế dùng điện diệt vi khuẩn

Theo các kỹ sư ở Đại học Nam Florida, loại băng vết thương do họ phát triển có thể ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi nảy nở quanh vết thương và phá hủy màng sinh học vi khuẩn đã có trên vết thương.

Theo New Atlas, các kỹ sư từ Đại học Nam Florida, Mỹ, đã phát triển một loại thiết bị băng vết thương giết chết vi khuẩn và vi rút nguy hiểm bằng điện. Thiết bị này đã nhận được sự chấp thuận của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ FDA và có thể xuất hiện trên thị trường trong tương lai gần.

Theo ước tính của Viện y tế quốc gia Mỹ, có tới 80% các trường hợp nhiễm vi khuẩn là do màng sinh học vi khuẩn (bacterial biofilm) gây ra. Những màng sinh học này sinh ra khi các tế bào vi khuẩn dính vào nhau, tạo thành một chất nhầy - thường là xung quanh vết thương hoặc các thiết bị y tế cấy ghép. Màng sinh học vi khuẩn rất khó tiêu diệt, đặc biệt là với sự xuất hiện của vi khuẩn kháng kháng sinh.

Các nhà nghiên cứu đã đề xuất rằng điện có thể giúp đối phó với màng sinh học vi khuẩn - một trường điện từ yếu có thể ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi nảy nở quanh vết thương và có thể phá hủy màng sinh học nếu nó đã có trên vết thương.

Thiết bị do các nhà khoa học Mỹ phát triển được gọi là băng điện không dây (wireless electroceutical dressing - WED). Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng trường điện từ do thiết bị tạo ra là vô hại đối với bệnh nhân - điều này được xác nhận trong quyết định của FDA.

 

39. Tổng thống Trump bị kiện vì quy định chăm sóc sức khỏe mới

20 tiểu bang và thành phố đã kiện Tổng thống Mỹ D. Trump sau Chính phủ của ông ban hành quy định cho phép các doanh nghiệp và cá nhân từ chối các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó có việc nạo phá thai.

Quy định mới cũng sẽ cho phép các tài xế xe cứu thương, bác sĩ phòng cấp cưu và các công ty bảo hiểm từ chối chăm sóc các bệnh nhân.

Những người phản đối cho rằng quy định trên sẽ tạo điều kiện cho tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ và cộng đồng LGBT bằng cách hạn chế quyền tiếp cận của họ vào dịch vụ tránh thai, nạo phá thai cũng như nhiều dịch vụ theo yêu cầu của người chuyển giới.

Trong khi đó Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ cho biết việc thay đổi những quy tắc này là cần thiết để bảo vệ quyền tự do tôn giáo của một số nhân viên chăm sóc sức khỏe. Nhiều người lo ngại quy định này sẽ châm ngòi cho một cuộc đụng độ văn hóa sắc tộc lớn trên cả nước.

40. Nghịch lý khi thuốc chống ung thư có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư

 (VietQ.vn) - Một nghiên cứu mới cho thấy thuốc tamoxifen, loại thuốc chống ung thư vú do hàng ngàn phụ nữ sử dụng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung gấp đôi.Theo một nghiên cứu của Alien, phụ nữ dùng thuốc tamoxifen trong 10 năm thay vì 5 năm theo tiêu chuẩn có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung  từ 1,5% đến 3,5%. Ung thư nội mạc tử cung là dạng ung thư phát sinh từ nội mạc tử cung. Nó là kết quả của sự phát triển bất thường của các tế bào có khả năng xâm nhập, lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Được biết, thuốc tamoxifen được sử dụng để điều trị ung thư vú đã di căn sang các cơ quan khác của cơ thể (ung thư vú di căn), để điều trị bệnh ung thư vú ở một số bệnh nhân sau khi phẫu thuật và xạ trị và để làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy tamoxifen ngăn chặn việc hormone estrogen kích thích sự tăng trưởng của ung thư vú. Nó có thể dùng để điều trị hoặc phòng ngừa ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh. Mặc dù thuốc ngăn ngừa estrogen trong mô vú, nhưng nó hoạt động như hormone trong tử cung, làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung của người dùng.

Các nhà nghiên cứu, từ Bệnh viện St Vincent, Dublin, Alien đã phân tích bốn nghiên cứu trước đó nhằm điều tra mối liên hệ giữa ung thư nội mạc tử cung ở những người dùng tamoxifen trong 10 năm. Kết quả tiếp tục cho thấy phụ nữ dùng thuốc trong 5 năm làm tăng nguy cơ mắc bệnh thêm 2%. 

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, cứ 500 người sử dụng tamoxifen thì có 1 người có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử. Mặc dù số lượng người mắc là nhỏ nhưng con số này lớn hơn số liệu trung bình.

Nếu bệnh nhân ung thư vú sử dụng tamoxifen, họ có thể giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung bằng cách duy trì cân nặng khỏe mạnh, ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và kiểm soát bệnh tiểu đường, nếu cần.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm, các dấu hiệu của bệnh bao gồm chảy máu bất thường hoặc xuất huyết không trong thời kỳ kinh nguyệt, đau vùng chậu hoặc áp lực bất thường, đi tiểu khó khăn hoặc đau đớn, và đau khi quan hệ tình dục.


Thăm dò ý kiến