Điểm tin y tế ngày 15/5/2019

16/05/2019 | 09:21 AM

 | 

  1. Chưa tiêm vắc xin nhiều trẻ mắc viêm não màng não nhập viện

Theo PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 300-500 ca mắc viêm não màng não. Hiện tại, khoa Điều trị tích cực - Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện cũng đang điều trị cho gần 30 bệnh nhi mắc viêm não màng não với nhiều lứa tuổi khác nhau.

Hầu hết các trẻ này đều được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng bệnh đã nặng và có biến chứng thần kinh. Đáng lo ngại, phần lớn các cháu đều chưa được tiêm phòng vắc xin.

Các chuyên gia y tế cho biết, viêm não màng não là bệnh do viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương (nhu mô não và màng não). Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus, nấm và kí sinh trùng.

Theo thống kê, tỷ lệ trẻ bị mắc các bệnh lý về viêm não màng não nhiễm khuẩn đứng thứ 3 trong số các bệnh lý vào điều trị. Và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ dưới 5 tháng tuổi.

Đây là một bệnh lý có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu không được điều trị, 10%-20% bị di chứng về thần kinh, giảm thính lực. Điều đáng nói, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 24h – 48h khởi bệnh thì tỷ lệ tử vong giảm xuống chỉ còn hơn 10%. Do đó, nhận biết các triệu chứng và hành động nhanh là rất quan trọng.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, khuyến cáo, hiện đang là thời kỳ cao điểm của bệnh viêm não và viêm não màng não, vì vậy để phòng tránh bệnh, các gia đình cần cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh theo đúng độ tuổi, đúng thời gian.

Đặc biệt, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sốt cao, đau đầu, buồn nôn và cứng gáy, các gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

  1. Bác sĩ trẻ tình nguyện và những ca mổ xuyên đêm

Tuổi trẻ phải có ước mơ hoài bão, mong muốn được trải nghiệm, dấn thân tới vùng đất vẫn còn nhiều khó khăn… Xuất phát từ suy nghĩ ấy, bác sĩ trẻ Nguyễn Chiến Quyết lựa chọn lên với vùng cao.

Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà nơi anh gắn bó, đã trở nên thân thuộc, giúp anh có cơ hội đem kiến thức y khoa hiện đại khám chữa bệnh cho bà con dân tộc. Với những nỗ lực về chuyên môn, bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết được vinh danh là một trong 10 gương mặt thầy thuốc tiêu biểu năm 2018.

Tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội năm 2013, được phân công công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, tuy nhiên chàng sinh viên y khoa trẻ lại có ước cháy bỏng được cống hiến ở những vùng còn khó khăn.

Quê Hưng Yên, nhưng ngày nhỏ cậu bé Nguyễn Chiến Quyết có những năm tháng cùng cha mẹ sinh sống ở huyện Bảo Yên (Lào Cai). Những kỷ niệm về núi rừng lúc tuổi thơ, cùng những chuyến hoạt động thiện nguyện tại vùng cao cũng đã thôi thúc anh viết đơn xin gia nhập đội ngũ những bác sĩ trẻ tình nguyện.

Sau hai năm được tiếp tục đào tạo Chuyên khoa cấp I, đến năm 2017, Nguyễn Chiến Quyết lên công tác tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà (Lào Cai).

“Kiến thức trên giảng đường cùng thời gian thực tập phụ mổ tại bệnh viện dưới xuôi, đã giúp tôi tự tin trong công việc của mình. Tôi luôn nghĩ, cuộc đời của mỗi con người có hai điều đáng quý, đó là sức khỏe và thời gian. Có những việc, chỉ khi trẻ mình mới có thể thử sức và trải nghiệm. Bởi vậy, tôi muốn hiện thực hóa mơ ước bằng những việc làm cụ thể, mong đóng góp một chút sức trẻ cho cuộc đời” - BS Quyết chia sẻ.

Bác sĩ Quyết tâm sự: Có lên vùng cao mới thấu hiểu sự thiếu thốn, vất vả của bà con dân bản. Nhiều khi để được khám chữa bệnh, họ phải vượt những con dốc, đoạn đường rừng vài chục km nhọc nhằn lắm. Thế nên, bất cứ bác sĩ và nhân viên y tế nào, hễ giúp đỡ được cho bà con điều gì là luôn nhiệt tình và sẵn sàng.

Tôi cũng thực sự biết ơn những tháng ngày công tác tại nơi này. Bởi ở đây, tôi được rèn giũa, va chạm rất nhiều về kiến thức chuyên môn. Có những bệnh chỉ ở những vùng khó các bác sĩ mới gặp. Nhờ đó, tôi mới thấu hiểu, nể phục những đồng nghiệp của mình đã có cả cuộc đời gắn bó với những nơi này… Làm việc trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, công việc khá áp lực. Cả Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà chỉ có 3 bác sĩ mổ, bệnh nhân thì nhiều, không ít những bệnh nặng. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân tới viện đã nguy kịch. Ranh giới giữa sự sống và cái chết cũng khó đong đếm. Không ít những ca mổ diễn ra trong đêm, thời gian gấp gáp, các nhân viên y tế phụ trách các phòng chức năng ở xa không đến kịp. Vậy là bác sĩ trực mổ chủ yếu phải dựa trên các kiến thức thăm khám ban đầu và kiến thức lâm sàng để quyết định phẫu thuật cho người bệnh mới mong tránh những tai biến. Có mặt tại những nơi vùng sâu, vùng xa, hơn ai hết những bác sĩ đang ngày đêm bám trụ núi rừng, lại càng thấm nhuần lời dạy “Lương y như từ mẫu” của Bác Hồ.

Người thầy thuốc trẻ trải lòng: Việc phụ mổ hay trực tiếp tham gia các ca mổ xuyên đêm là điều hết sức bình thường. Trình độ hiểu biết của người dân còn rất hạn chế, nên khi họ đến khám chữa bệnh, các bác sĩ và nhân viên y tế không chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyên môn mà còn phải làm công tác tư tưởng, vận động để họ yên tâm chữa bệnh.

Đa số bệnh nhân đến với viện chúng tôi đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Với những bệnh nhân có bảo hiểm y tế, chúng tôi phải tư vấn rồi giúp họ hoàn tất các thủ tục. Với những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt, không có bảo hiểm, y bác sĩ trong viện lại cùng quyên góp hỗ trợ.

Việc cán bộ nhân viên ứng tiền cá nhân để hỗ trợ người bệnh, hay nộp hộ họ các khoản tạm ứng khi vào viện không phải là chuyện hiếm. Ở đây ai cũng sẵn lòng giúp đỡ trong điều kiện của mình với bà con dân bản.

Thường thì, chỉ khi tự uống thuốc lá, mời thầy cúng tới lễ mà không khỏi, họ mới tìm tới bệnh viện. Thế nên, nhiều ca tới viện ruột thừa đã viêm nặng, bị áp xe, nhiễm trùng, bục dạ dày hoặc sinh khó rất nguy kịch. Thậm chí, khi biết phải mổ, người nhà họ rất lo lắng, bác sĩ lại phải giải thích thuyết phục mãi họ mới đồng ý làm phẫu thuật.

Bác sĩ trẻ Nguyễn Chiến Quyết là 1 trong 7 bác sĩ đầu tiên của dự án 585 (dự án đưa các bác sĩ trẻ lên công tác tại các vùng khó). Trong thời gian công tác tại BV Đa khoa huyện Bắc Hà từ tháng 7/2017, bác sĩ đã tham gia khoảng 800 ca mổ và trực tiếp mổ khoảng 500 ca cả về chấn thương, tiêu hóa, sản khoa, ngoại, nhi... Trong đó có các ca mổ cấp cứu nặng như chấn thương bụng, vỡ tạng, đa chấn thương, tiền sản giật, rau bong non, cấp cứu bé sơ sinh (có trường hợp chỉ nặng 900g). “Có trường hợp, một bệnh nhân nam bị tai nạn bất ngờ nhập viện trong tình trạng sốc, mất khá nhiều máu. Bệnh nhân bị vỡ lá lách, chảy máu trong ổ bụng vì vậy cần phải mổ gấp.

  1.  Phát triển y học gia đình - Bài 1: Tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng từ cơ sở

Phát triển y học gia đình gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở là một giải pháp mà Bộ Y tế đã đưa ra nhằm giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến cơ sở.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Bác sĩ gia đình là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng.

Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ 20. Năm 1960, y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh và một số nước đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, năm 1998, Dự án phát triển đào tạo bác sĩ gia đình tại Việt Nam với sự tài trợ bởi Quỹ CMB (China Medical Board of New York) được Bộ Y tế phê duyệt. Dự án triển khai đào tạo chuyên ngành y học gia đình tại các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Thái Nguyên. Đến nay, hơn 500 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 70 bác sĩ định hướng y học gia đình đã được đào tạo. Phần lớn các bác sĩ chuyên khoa y học gia đình sau khi tốt nghiệp trở về làm việc ở tuyến y tế cơ sở.

Xuất  phát từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, Bộ Y tế xây dựng Đề án: “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020”.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Giai đoạn 2013-2015: Xây dựng thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Giai đoạn 2015 - 2020: Nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên toàn quốc. Giai đoạn 2013-2015: Thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang. Giai đoạn 2016 - 2020: Nhân rộng mô hình trên toàn quốc.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền lợi phòng khám bác sĩ gia đình là sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh.

Với chức năng tham gia hệ thống chuyển tuyến, phòng khám bác sĩ gia đình là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị; tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cuối đời; phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu; phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe; tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho các đối tượng có nhu cầu; tư vấn sức khỏe; nghiên cứu khoa học và đào tạo...Hoạt động bác sĩ gia đình sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, kinh phí bảo hiểm y tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội; tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm đi những vấn đề bức xúc của xã hội.

Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình khi được hình thành và phát triển sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động, tích cực. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, phòng khám bác sĩ gia đình có thể giúp sàng lọc giải quyết 80% các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện.

"Hiện nay, Bộ Y tế đã phân công và chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án Bác sỹ gia đình; trong đó, có việc xây dựng quy định, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của bác sỹ gia đình; mối quan hệ giữa bác sĩ gia đình với trạm y tế và bệnh viện tuyến trên; đưa ra cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế; xây dựng danh mục thuốc, trang thiết bị, phạm vi chuyên môn của bác sỹ gia đình; đào tạo bác sỹ gia đình, bác sỹ định hướng bác sỹ gia đình, cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sỹ gia đình...

Khi đó, đội ngũ bác sỹ được đào tạo kiến thức về bác sỹ gia đình sẽ phục vụ tại chỗ nhu cầu chăm sóc khám chữa bệnh ban đầu của người dân. Điều này rất thiết thực, người dân không phải đi xa và đồng thời giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh đó, ngoài khám chữa bệnh ban đầu, người dân còn được hướng dẫn các phương pháp phòng bệnh và tăng cường sức khỏe", Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết.

  1.  Ghép tạng Việt Nam: Ngang tầm thế giới

Ghép tạng được biết đến là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người bác sĩ cần có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết sâu và nhiều kinh nghiệm. Từ một quốc gia còn “chậm tiến” so với thế giới trong lĩnh vực ghép tạng, đến nay sau thành công của ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992, kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã sánh ngang với thế giới. Nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ghép tạng được coi là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế nước ta.

Lịch sử ngành ghép tạng của Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện ca ghép thận cho bệnh nhân Vũ Mạnh Đoan (40 tuổi) bị suy thận giai đoạn cuối vào ngày 4/6/1992 ở Bệnh viện Quân y 103 từ người hiến là em trai ruột 28 tuổi. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của nền y học nước nhà, đồng thời mở cánh cửa hồi sinh cho những bệnh nhân suy thận đang khắc khoải từng ngày, từng giờ đấu tranh để tìm kiếm sự sống. Chỉ 5 tháng sau đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng tiến hành ca ghép thận đầu tiên, hiện bệnh nhân sống khoẻ mạnh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (VNCCHOT), Bộ Y tế, từ năm 1992 đến năm 2012, nước ta chỉ có Bệnh viện Quân y 103 thuộc Học viện Quân y, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế và một vài cơ sở khác có khả năng ghép tạng với tổng số ca ghép trong 20 năm là 933 ca. Từ sau năm 2012, số cơ sở ghép và số bệnh nhân được ghép tạng tăng mạnh qua các năm. Năm 2013, cả nước có 9 cơ sở ghép tạng, thực hiện được 232 ca ghép tạng các loại. Nhưng sau đó 5 năm, tính đến ngày 31/8/2018, số cơ sở ghép tạng được cấp phép đã tăng lên 19 đơn vị với số ca ghép được thực hiện trong cùng kỳ là 513 ca. Tính từ năm 2013 đến nay, ngành ghép tạng Việt Nam đã có nhiều bước phát triển vượt bậc về số cơ sở thực hiện ghép tạng và số ca ghép tạng.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, mỗi năm ngành ghép tạng Việt Nam lại đạt thêm được nhiều thành tựu mới, khẳng định bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm thế giới. Hiện, trên cả nước có 19 cơ sở tiến hành ghép tạng, thực hiện được 3.378 ca ghép tạng. Trong đó, ghép thận chiếm đại đa số với 3.223 ca/ 3.378 tổng số ca, chiếm tỷ lệ 95,4%; ghép gan với 125 ca, chiếm tỷ lệ 3,7%; ghép tim với 26 ca, chiếm tỷ lệ 0,77%. Ngoài ra, ghép khối thận - tuỵ 1 ca và ghép khối tim - phổi 1 ca, ghép phổi với số lượng 2 ca. Số ca ghép này chiếm tỷ lệ không đáng kể và chủ yếu là các ca ghép thực nghiệm khoa học. Năm 2018 là năm đánh dấu “mốc son” của ngành ghép tạng Việt Nam với sự kiện Bệnh viện Chợ Rẫy lấy thận hiến trên người cho sống bằng robot phẫu thuật, không phải truyền máu trong quá trình phẫu thuật, không có biến chứng, không phải chuyển sang mổ mở. Tại Bệnh viện Quân đội 108, lần đầu tiên các bác sĩ đã thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành ghép tạng nước nhà. Cùng với đó, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã chính thức hợp tác với Tổng công ty Hàng không Việt Nam phối hợp vận chuyển tạng miễn phí, tạo điều kiện để các y bác sĩ sử dụng các chuyến bay kịp thời đưa mô, tạng đến với người bệnh cần được cứu.

Trong năm 2019, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã thực hiện thành công ca ghép gan cho 2 bệnh nhân cùng nhận gan từ 1 người hiến chết não được coi là “kỳ tích” của ngoại khoa Việt Nam. Được biết, các bác sĩ đã tiến hành chia gan của 1 người hiến tạng chết não (nam, 30 tuổi, chết não do chấn thương sọ não nặng) để ghép cho 2 bệnh nhân. Đó là bệnh nhi 8 tuổi bị suy gan - hôn mê do xơ gan mất bù/bệnh nhân bị rối loạn chuyển hoá đồng (wilson) và teo đường mật bẩm sinh và một bệnh nhân nam 49 tuổi bị ung thư gan trên nền gan xơ. Đặc biệt, tại Bệnh viện Việt Đức, không chỉ ghép gan, hầu hết các ca ghép tạng đều do các bác sĩ của bệnh viện tự ghép, không có sự hỗ trợ của các bác sĩ nước ngoài.

Với những thành tựu vượt bậc đã đạt được trong thời gian vừa qua, ngành ghép tạng Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định được những bước tiến trong kỹ thuật ghép tạng và sánh ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới. Có thể thấy, chỉ trong vòng gần 10 năm, ngành ghép tạng của Việt Nam đã có được những tiến bộ vươn xa ngang tầm thế giới, đặc biệt trong kỹ thuật lấy, ghép mô tạng. Song số lượng người được ghép tạng vẫn còn hết sức khiêm tốn so với nhu cầu đang ngày một tăng cao.

  1.  Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Phẫu thuật nối thành công ngón tay cái đứt rời cho bệnh nhân 67 tuổi

Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ vừa nối thành công ngón tay cái đứt rời cho người đàn ông lớn tuổi nhất từ trước đến nay.

Bệnh nhân tên Nguyễn Huy P (67 tuổi, ở Hà Nội), nhập viện do tai nạn lao động bị máy cưa cắt đứt rời ngón cái bàn tay phải và gãy xương cẳng chân cùng bên. Sau khi được hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ đã tiến hành nối lại ngón tay cái đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu và xử lý vết thương cẳng chân cho người bệnh.

Theo bác sĩ Vũ Trung Trực, phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, người trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân: Đây là một ca phẫu thuật khó, do người bệnh lớn tuổi lại có tiền sử đái tháo đường nhiều năm gây xơ vữa thành mạch máu.

Đặc biệt, người bệnh có tổn thương phối hợp, hơn nữa tổn thương do máy cưa là loại tổn thương gây dập nát... Bởi vậy, các yếu tố nguy cơ này có thể gây nguy hiểm tính mạng trong mổ và tắc mạch sau mổ cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, vì ngón cái chiếm phần lớn chức năng của bàn tay và người bệnh thuận tay phải nên các bác sĩ vẫn cố gắng hết sức để nối lại cho người bệnh. Với sự phối hợp ăn ý của các chuyên khoa, sau nhiều giờ phẫu thuật các bác sĩ đã thực hiện thành công ca mổ. Bệnh nhân đã được các bác sĩ nối lại đầy đủ các thành phần gồm xương gân, bao khớp, mạch máu thần kinh dưới kính hiển vi phẫu thuật.

PGS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, cho biết: “Các tổn thương đứt rời bộ phận cơ thể do tai nạn thường gặp ở các nước đang phát triển như ở Việt Nam, mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ và an toàn lao động để tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Trường hợp người bệnh này sau nối đã được 5 tuần có thể đảm bảo chắc chắn ngón tay đã được nối thành công, tuy nhiên người bệnh còn cần một thời gian dài tập luyện để phục hồi chức năng”.

  1.  Cần xây dựng và triển khai Chương trình Thalassemia Quốc gia

Việt Nam hiện có trên 12 triệu người mang gen bệnh thalassemia, trong số này 20.000 người cần phải điều trị. Người bệnh muốn sống đến 30 tuổi phải mất hơn 3 tỉ đồng để điều trị, duy trì sự sống.

Tại Hội nghị khoa học về Thalassemia toàn quốc vừa diễn ra tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết bệnh thalassemia (còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh) là bệnh máu di truyền - bẩm sinh phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát, hiện nay ở Việt Nam có khoảng trên 12 triệu người mang gen bệnh thalassemia và cứ 10 đứa trẻ sinh ra có hơn 1 trẻ mắc bệnh (chiếm 12%). Người bị bệnh và mang gen bệnh có ở tất cả các tỉnh/thành phố, ở tất cả các dân tộc, tuy nhiên ở một số vùng đồng bào dân tộc, tỉ lệ mang gen và bị bệnh khá cao. Hiện nay có trên 20.000 người bị thalassemia cần phải điều trị cả đời và mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Người bệnh thalassemia phải định kỳ truyền máu (khối hồng cầu), thải sắt và điều trị biến chứng tại các bệnh viện. Chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỉ đồng. Mỗi năm cần có trên 2.000 tỉ đồng để cho tất cả bệnh nhân có thể được điều trị (tối thiểu) và cần có khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn để truyền cho bệnh nhân.

"Thalassemia tuy là một bệnh mạn tính, người bệnh phải điều trị suốt đời rất tốn kém và gây ra nhiều gánh nặng tinh thần cho cả gia đình người bệnh nhưng lại là bệnh có thể chủ động phòng tránh với những xét nghiệm tầm soát cơ bản, chi phí thấp" - TS. BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nói.

Hiện nay, cách phòng bệnh duy nhất là không sinh ra trẻ bị thalassemia. Do đó hai người cùng mang gen bệnh thalassemia thì không nên kết hôn với nhau, hoặc nếu trường hợp chấp nhận đến với nhau thì phải chẩn đoán trước sinh cho mỗi lần sinh con. Việt Nam đã triển khai nhiều phương pháp chẩn đoán trước sinh hiện đại như: Chẩn đoán trước sinh sau khi mang thai, thụ tinh nhân tạo và chẩn đoán trước chuyển phôi, giúp nhiều cặp vợ chồng cùng mang gen thalassemia sinh ra những em bé không bị bệnh.

Nếu như có thể triển khai đồng bộ các giải pháp quốc gia như: đưa bệnh thalassemia vào chương trình sàng lọc cho các cặp đôi trước kết hôn; đưa bệnh thalassemia vào danh sách bốn bệnh cần được được sàng lọc trước sinh; đưa xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu là xét nghiệm bắt buộc đối với các sản phụ đến khám thai lần đầu; tuyên truyền, vận động các gia đình có con trong độ tuổi học sinh phổ thông tự nguyện tham gia sàng lọc bệnh thalassemia; bảo hiểm y tế xem xét thanh toán chi phí chẩn đoán trước sinh; đưa thông tin về thalassemia vào nội dung giảng dạy cho học sinh, sinh viên… sẽ góp phần hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và ngăn chặn căn bệnh thalassemia trên toàn quốc.

TS. BS Bạch Quốc Khánh nhận định, phòng bệnh là biện pháp kiểm soát hiệu quả nhất thông qua các xét nghiệm sàng lọc, phát hiện gen bệnh trong gian đoạn tiền hôn nhân và tiền thai sản. Cùng với đó, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành các cấp và toàn thể xã hội là vô cùng quan trọng.

Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai Chương trình Thalassemia Quốc gia sẽ kiểm soát bệnh, khống chế sự phát triển của nguồn gen bệnh thalassemia, hạn chế trẻ em sinh ra bị bệnh, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh và nâng cao chất lượng dân số Việt Nam. “Trên thực tế đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai hiệu quả chương trình thalassemia quốc gia và trong nhiều năm liền không có thêm những em bé bị bệnh thalassemia ra đời”, bác sĩ Khánh cho hay./.

  1. Bước tiến mới trong thực hiện BHYT học sinh, sinh viên

Chiếm 25% dân số, học sinh, sinh viên là một trong những nhóm đối tượng được triển khai thực hiện BHYT từ những ngày đầu. Do đó, thực hiện tốt BHYT học sinh, sinh viên còn góp phần định hình nhân sách sống tốt đẹp cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Học sinh, sinh viên (HSSV) luôn là một trong những đối tượng được quan tâm hàng đầu trong xây dựng chính sách và phát triển bảo hiểm y tế (BHYT). Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT giai đoạn 2012- 2020 nêu rõ, cần mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với một số nhóm tham gia các loại hình BHXH, BHYT, trong đó có HSSV. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) quy định, nhiệm vụ phát triển BHYT HSSV cho cả ngành Giáo dục Đào tạo, chính quyền các cấp… Trong Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng BHYT HSSV, đảm bảo đạt 100% HSSV tham gia BHYT.

Thực hiện các chính sách trên, trong những năm qua, ngành BHXH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai BHYT HSSV. Theo đó, hàng năm, BHXH Việt Nam đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo toàn Ngành thực hiện tốt công tác thu và cấp thẻ BHYT HSSV. BHXH cấp tỉnh và cấp huyện đều chủ động tiến hành ký kết chương trình phối hợp với ngành Giáo dục Đào tạo cùng cấp, ban hành Kế hoạch phối hợp, thành lập Ban chỉ đạo, ban hành Công văn liên ngành hướng dẫn tổ chức thực hiện, xây dựng và giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể tới các trường học trên địa bàn, tổ chức sơ kết, đánh giá đề ra những giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Nhờ đó, số lượng HSSV tham gia BHYT tăng đáng kể qua các năm.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm học 2016 - 2017, số lượng HSSV tham gia BHYT là 15,9 triệu em (đạt khoảng 92,5%); năm học 2017 – 2018,  số lượng HSSV tham gia BHYT là 16,5 triệu em (đạt khoảng 93,5%); năm học 2018 – 2019, số lượng học sinh sinh viên tham gia BHYT là 17 triệu em (đạt khoảng 94,2%).

Lợi ích ưu việt khi tham gia BHYT HSSV có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước với phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng do Quỹ BHYT chi trả. Những năm qua, đã có hàng triệu lượt HSSV được Quỹ BHYT chi trả cho các chi phí khám chữa bệnh khi bị rủi ro thương tích, ốm đau phải điều trị. Nhiều trường hợp HSSV mắc các bệnh nan y, mãn tính được Quỹ BHYT chi trả đến hàng trăm triệu đồng mỗi đợt điều trị… Điều đó cho thấy, việc tham gia BHYT là giải pháp phù hợp, hiệu quả đối với công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe HSSV; gắn liền với mục tiêu giáo dục toàn diện trong chiến lược phát triển nguồn lực ở nước ta hiện nay.

Đưa ra những bất cập trong quá trình thực hiện BHYT HSSV, bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, mặc dù nhóm HSSV đã được quy định là nhóm bắt buộc tham gia BHYT, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp chế tài xử lý cụ thể đối với những HSSV không tham gia. Do đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV tham gia BHYT dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề chưa tích cực tham gia BHYT (chủ yếu chỉ tham gia năm thứ nhất), do nhận thức của một bộ phận HSSV về BHYT chưa đúng về giá trị của BHYT, cho rằng BHYT chưa mang lại lợi ích trong khám chữa bệnh, chủ quan nghĩ mình chẳng bao giờ ốm đau, bệnh tật. Thêm nữa, điều kiện hoàn cảnh kinh tế của nhiều hộ gia đình ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, gia đình đông con, có hoàn cảnh khó khăn có con em là HSSV không có tiền mua BHYT.

Khó khăn nữa là trong năm học 2018 - 2019, do mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2018 điều chỉnh tăng từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng/tháng, dẫn tới mức đóng BHYT của nhóm HSSV tiếp tục có sự điều chỉnh tăng thêm từ 40.950 đồng/tháng lên 43.785 đồng/tháng và theo lộ trình tháng 7/2019 mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1.490.000 đồng/tháng. Mức tăng tuy không nhiều, nhưng cũng làm tăng thêm khó khăn đối với những gia đình có thu nhập thấp, đông con đi học. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT HSSV ở một số nhà trường còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Tại một số cơ sở giáo dục chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV…

  1. Dược nội địa khẳng định vị thế mới trong sản xuất thuốc đạt chuẩn quốc tế

Việc Dược Hậu Giang bổ sung 2 dây chuyền mới đạt chuẩn quốc tế PIC/S-GMP và JAPAN-GMP mở ra cơ hội phục vụ thuốc chất lượng cao với giá cạnh tranh, mang lại nhiều giá trị và lợi ích cho cộng đồng, đồng thời góp phần định vị thuốc Việt trên bản đồ thế giới.

Giới chuyên môn đánh giá, thành tựu của Dược Hậu Giang không chỉ củng cố vị thế dẫn đầu của doanh nghiệp, mà còn tạo thuận lợi cho Việt Nam gia nhập mạng lưới các quốc gia thành viên của Ủy ban PIC/S. Từ năm 2015, Bộ Y tế đã khuyến khích các doanh nghiệp trong nước theo đuổi tiêu chuẩn PIC/S-GMP, đặt mục tiêu sau 6 năm, Việt Nam có thể trở thành thành viên chính thức. Tuy nhiên, việc xây mới và nâng cấp các dây chuyền sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, kinh nghiệm dày dặn, năng lực lao động và công nghệ phải phát triển tương xứng.

Việc Dược Hậu Giang bổ sung 2 dây chuyền mới đạt chuẩn quốc tế mở ra cơ hội phục vụ thuốc chất lượng cao với giá cạnh tranh, mang lại nhiều giá trị và lợi ích cho cộng đồng. Người bệnh trong nước giờ đây sẽ được sử dụng thuốc chất lượng Nhật Bản, đạt chuẩn JAPAN-GMP và thuốc chất lượng Âu - Mỹ, đạt chuẩn PIC/S-GMP, với mức giá phải chăng.

Dược Hậu Giang gia tăng năng lực sản xuất thuốc còn góp phần làm giảm sự phụ thuộc vào dược phẩm nhập khẩu. Năm 2017, Việt Nam chi 2,1 tỷ USD và năm 2018 chi 2,9 tỷ USD để nhập khẩu dược phẩm. Song từ nay, Việt Nam có thể tự hào đủ năng lực tự chủ sản xuất thuốc bột sủi bọt, viên nén sủi bọt đạt tiêu chuẩn PIC/S-GMP và viên nén được công nhận JAPAN-GMP. Cán cân thương mại cũng sẽ dịch chuyển dần về phía xuất khẩu. Dược Hậu Giang hiện sở hữu danh mục đa dạng 398 sản phẩm, mạng lưới phân phối 28.000 nhà thuốc đại lý rộng khắp cả nước và thị trường xuất khẩu trải dài 14 quốc gia. Với “tấm vé thông hành” JAPAN-GMP, doanh nghiệp sẽ sớm có mặt tại Nhật Bản - quốc gia tiêu thụ thuốc nhiều thứ 2 trên thế giới và phủ sóng khắp Ðông Nam Á. Còn với PIC/S-GMP, cơ hội mở rộng xuất khẩu tới hệ sinh thái 52 quốc gia thuộc Ủy ban PIC/S là rất lớn.

Lãnh đạo Dược Hậu Giang cho biết, nhờ tiềm lực cơ sở hạ tầng tiên tiến, nhân sự tay nghề cao và kinh nghiệm hợp tác quốc tế, doanh nghiệp chỉ mất 2 năm nâng cấp để được các tổ chức quốc tế công nhận. Không dừng lại ở thị trường nội địa, lãnh đạo Công ty bày tỏ mong muốn định vị thuốc Việt xa hơn nữa trên bản đồ dược thế giới. Ðể thực hiện chiến lược xuất khẩu, các dây chuyền sản xuất thuốc còn lại đang được nâng cấp đồng loạt lên các tiêu chuẩn quốc tế tương đương. “Chất lượng, an toàn, hiệu quả là cam kết cao nhất của Dược Hậu Giang với đối tác, khách hàng và người tiêu dùng”, đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh.         

Ngày 12/4/2019, Dược Hậu Giang tổ chức lễ công bố 2 dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế PIC/S-GMP và JAPAN-GMP. Sự kiện có hơn 1.000 khách mời tham gia, trong đó có đại diện Bộ Y tế, Sở Y tế, UBND TP. Cần Thơ, Viện Kiểm nghiệm thuốc, 12 bệnh viện lớn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.  

  1. Giật mình và cảnh báo..

Mỗi ngày Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khám khoảng 200-300 bệnh nhân trầm cảm (stress), các đối tượng có thể là nam, nữ, học sinh... Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, số người mắc bệnh trầm cảm chiếm khoảng 15% dân số, nhưng số người đến khám bệnh ước tính là rất thấp, hoặc bản thân không biết bệnh để đi khám.

TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng đơn vị điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay các rối loạn liên quan đến stress ngày càng gia tăng, tùy theo các quốc gia khác nhau và từng thể bệnh khác nhau thì tỷ lệ này cũng khác nhau. Các rối loạn liên quan đến stress thường khởi phát ở giới trẻ, nữ gặp nhiều hơn nam.

Một trong những bệnh nhân của Viện Sức khoẻ tâm thần là một chị 38 tuổi. Chị làm kế toán và lấy chồng năm 26 tuổi, sau một thời gian lấy nhau, anh chị quyết định xây nhà và phải vay thêm tiền. Gia đình chị có hai con, nhưng chồng đi làm xa nên một tay chị phải lo lắng hết mọi chuyện. “Biểu hiện rối loạn trầm cảm đến với bệnh nhân trong bốn năm gần đây. Bệnh nhân có cảm giác đau đầu hai bên thái dương và lan ra khắp đầu, kèm theo ngủ kém, mỗi đêm chỉ ngủ được 1-2 giờ”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

Với biểu hiện như vậy, chị phải nghỉ việc, nhưng cộng thêm việc chi tiêu và trả nợ khiến chị lại càng lo lắng hơn. Khi gặp căng thẳng chị thường thấy hồi hộp, vã mồ hôi, nặng tức ở ngực, dạ dày trào ngược. Chị đã từng điều trị tại khoa tim mạch, thần kinh ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, Trung ương, ở đâu cũng được yêu cầu được chụp chiếu xét nghiệm, nhưng kết quả bình thường dù biểu hiện bệnh không thuyên giảm.“Cuối cùng, gia đình đưa bệnh nhân vào Viện Sức khỏe tâm thần điều trị. Qua thăm khám chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn stress dạng cơ thể. Sau một thời gian điều trị chị đã khỏi và xuất viện”, TS Tâm chia sẻ.

Ngoài ra, bệnh nhân nam 28 tuổi lại là một trường hợp khác. Cách đây sáu tháng, anh gặp nhiều căng thẳng do phải lo cho đám cưới của mình: Làm sao chuẩn bị đủ tiền cưới, rồi lấn sang lo các vấn đề khác như kinh tế, sức khỏe, liệu sau cưới vợ chồng có hợp nhau không, có điều không hay xảy ra với mình và gia đình? Thậm chí, làm nghề lái xe lâu năm nhưng anh ám ảnh, sợ tai nạn đến nỗi không dám ra đường.

Rồi đám cưới cũng đến trong sự lo lắng, hồi hộp. Tưởng chừng mọi thứ sẽ ổn định trở lại nhưng 5 tháng sau, anh vẫn trong trạng thái “lo lắng lan man” như vậy. Dần dần, anh bắt đầu xuất hiện triệu chứng khó ngủ và đêm dễ giật mình, ban ngày thì ăn không ngon, cơ thể mệt mỏi và kèm theo các cơn hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, vã mồ hôi, căng thẳng sợ hãi... Thấy sức khỏe bất ổn, anh đi khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh, khám các chuyên khoa tim mạch, hô hấp, thần kinh nhưng không tìm ra chứng bệnh. Được người quen giới thiệu đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần, các bác sĩ phát hiện anh mắc chứng rối loạn stress dạng lo âu lan tỏa, và chỉ định nhập viện điều trị.

Trưởng đơn vị điều trị rối loạn liên quan đến stress cũng cho rằng, hiện nay học sinh gặp rối loạn stress sớm trong quan hệ bạn bè, gia đình, nhà trường. Mỗi đối tượng có mức độ khác nhau, hay gặp nhất là nguyên nhân mất định hướng ở trẻ trong nhóm học giỏi. Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân cho biết “con không biết học để làm gì, không biết học gì là quan trọng”. Khi tìm hiểu ra thì các trẻ phải chạy theo kế hoạch của nhà trường, của cô giáo và của gia đình.

Nhóm trẻ thứ hai nguyên nhân trầm cảm từ mối quan hệ bạn bè, hoặc đặt tiêu chuẩn về ăn mặc, hưởng quyền lợi... điều này gây ra xung đột với bạn bè hay bố mẹ, và gây ảnh hưởng tới cảm xúc. “Trong một nhóm cộng đồng, sự kỳ thị là tất yếu như kỳ thị giữa bạn giàu và bạn nghèo, kỳ thị giữa bạn xinh, bạn xấu, kỳ thị giữa bạn học giỏi, bạn học kém... Kỳ thị vẫn bị coi là một sự tiêu cực nhưng ở đây nhìn theo một góc độ nào đó thì là sự tranh đua. Nếu nhìn ở góc độ tích cực sẽ là sự phấn đấu, giúp nhau cùng hoàn thiện, nhưng nhìn theo khía cạnh tiêu cực thì nảy sinh mâu thuẫn. Trẻ mâu thuẫn có nhiều hình thức khác nhau: không chơi với nhau, cạnh khoé, mắng chửi hoặc xúc phạm, bạo hành nhau... Để giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ, có trẻ tìm tới các trò chơi, game, có trẻ tự làm đau bản thân bằng cách dùng dao lam rạch lên cơ thể để cảm thấy giảm stress”, TS Dương Minh Tâm nói.

  1.  Vì sao bệnh viện tuyến huyện ở Hà Tĩnh chưa thu hút được bác sỹ?

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, xây dựng uy tín, thương hiệu, hầu hết các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn Hà Tĩnh đang nỗ lực tuyển dụng bác sĩ chính quy, chất lượng. Tuy nhiên, đây là vấn đề không hề đơn giản.

Thực hiện kế hoạch tuyển dụng năm 2019, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Cẩm Xuyên thông báo tuyển dụng 13 bác sỹ, bao gồm bác sỹ đa khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng. Tuy nhiên, dù đã hết thời gian thông báo nộp hồ sơ ứng tuyển, đến nay, Bệnh viện chỉ mới nhận được 5 hồ sơ, trong đó 4 y học cổ truyền và 1 y học dự phòng, còn bác sỹ đa khoa hiện chưa có hồ sơ nào.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sỹ Phan Thanh Minh - Giám đốc BVĐK Cẩm Xuyên cho biết: Mặc dù hiện nay số lượng các bác sỹ tại các khoa cơ bản vẫn đảm bảo được yêu cầu nhiệm vụ, nhưng để phát triển được các chuyên khoa sâu, tạo tính kế thừa về đội ngũ nhân lực thì việc tuyển dụng thêm bác sỹ là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thời gian tuyển dụng đợt I đã hết nhưng hồ sơ không đủ nên bệnh viện sẽ phải tiếp tục thông báo tuyển dụng đợt 2.

Còn BVĐK Thạch Hà, từ năm 2018 có nhu cầu tuyển dụng 10 bác sỹ, tuy nhiên suốt cả năm, đơn vị chỉ tuyển được 2 bác sỹ. Đơn vị dự kiến thông báo tuyển dụng 8 bác sỹ trong tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay.

Theo bác sỹ Lê Văn Bình – Giám đốc BVĐK Thạch Hà, bệnh viện đang chờ sinh viên khóa này tốt nghiệp rồi mới thông báo tuyển dụng. Đơn vị sẽ đến các cơ sở đào tạo như: ĐH Y dược Huế, Y dược Thái Bình để tuyển dụng, hy vọng sẽ mời gọi được các bác sỹ về bệnh viện.

Khó khăn trong việc tuyển dụng, bổ sung bác sỹ không chỉ diễn ra tại BVĐK Cẩm Xuyên, Thạch Hà mà đang là tình cảnh chung của các BVĐK tuyến huyện và một vài bệnh viện tuyến tỉnh khác.

Theo số liệu từ Sở Y tế Hà Tĩnh, đợt I/2019, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng khoảng 150 bác sỹ. Đến nay, nhiều đơn vị đã tổ chức thông báo, tuy nhiên, số lượng hồ sơ nộp vào ứng tuyển rất ít, nhất là tại các bệnh viện tuyến huyện.

Lý giải về nguyên nhân, ông Lê Chánh Thành - Trưởng phòng Tổ chức (Sở Y tế Hà Tĩnh) cho biết: Việc các bệnh viện tuyển dụng bác sỹ trong thời điểm hiện nay gặp khó khăn là do các trường đào tạo chưa tốt nghiệp. Hồ sơ ứng tuyển đều là các bác sỹ tốt nghiệp từ các năm khác. Hơn nữa, các bệnh viện tuyến cơ sở nhìn chung thu nhập còn hạn chế, vị trí, điều kiện làm việc còn xa xôi, khó khăn nên khó thu hút bác sỹ về làm việc.

Giám đốc BVĐK Thạch Hà Lê Văn Bình cho biết thêm, dù bệnh viện đều cam kết tạo môi trường làm việc tốt nhất cho các bác sỹ mới được tuyển dụng; giúp họ được chọn khoa, tạo cơ hội để đi đào tạo nâng cao, tuy nhiên, việc thu hút vẫn cứ khó khăn. Thực tế thì chế độ đãi ngộ bệnh viện công chưa cao, trong khi bệnh viện tư mở ra nhiều với môi trường làm việc hiện đại, thu nhập tốt hơn nên các bệnh viện tuyến cơ sở càng khó tuyển dụng.

Có thể nói, trong bối cảnh yêu cầu về chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng cao thì việc các bệnh viện tuyến cơ sở nỗ lực thu hút đội ngũ bác sỹ đào tạo chính quy là điều sống còn. Tuy nhiên, nếu không có thêm các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá hơn nữa thì việc tuyển dụng, thu hút các bác sỹ chính quy tại các bệnh viện tuyến huyện sẽ mãi là bài toán khó.

  1.  Hiến nửa lá gan cứu cha mẹ thoát khỏi bệnh ung thư gan

 “Tôi rất tự hào vì có một đứa con hiếu thảo. Tôi sinh ra con nhưng giờ con gái tôi là người hồi sinh lại mạng sống cho tôi”, bệnh nhân 57 tuổi bị ung thư gan, được ghép gan từ người con gái hiến tặng chia sẻ.

Ông L.V.Đ (57 tuổi, ngụ Bình Dương) bị xơ gan trên nền viêm gan C và diễn tiến đến ung thư gan. Ông đã được điều trị hơn hai năm. Mặc dù ung thư gan được khống chế tương đối tốt nhưng lá gan của bệnh nhân quá yếu, có thể tử vong. Với trường hợp của ông Đ., ghép gan là cơ hội tốt nhất để bệnh nhân có thể sống khỏe mạnh.

Chị L.T.M (34 tuổi), là con gái ruột của bệnh nhân, có cùng nhóm máu, tương thích các chỉ số yêu cầu trong việc hiến gan. Chị đã quyết định hiến gan cho bố ruột.

Sau ghép một tuần, chị M. đã được xuất viện và sinh hoạt bình thường. Còn ông Đ. phục hồi tốt, đến nay đã có thể tự đi đứng, ăn uống và sinh hoạt cá nhân.

“Tôi rất tự hào vì có một đứa con hiếu thảo như vậy. Tôi là người sinh ra con nhưng đến giờ con gái tôi là người đã hồi sinh lại mạng sống cho tôi”, ông L.V.Đ chia sẻ.

Tương tự, bà Đ.T.H (68 tuổi, ngụ TP.HCM) có tiền căn viêm gan C nặng dẫn đến xơ gan và được chẩn đoán ung thư gan cách đây nhiều năm. Từ khi phát hiện bệnh, bà T.H. đã sang Singapore để điều trị, được bơm chất phóng xạ để khống chế tạm thời các khối u. Tuy nhiên tình trạng ung thư vẫn còn ngầm tiến triển, cần phải ghép gan để giúp bệnh nhân khỏi bệnh.

Bà T.H. có hai người con gái. Qua các xét nghiệm thì người con gái út là chị N.N.L.H (29 tuổi) có gan phù hợp để hiến gan ghép cho mẹ.

Ca ghép gan mới vừa được thực hiện ngày 30.3 tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Sau 7 ngày điều trị hồi sức, chị L.H. đã hồi phục và được xuất viện. Hiện tại, bà T.H. vẫn được điều trị, chăm sóc sau ghép và sức khỏe tiến triển tốt.

“Tôi thật sự rất biết ơn bệnh viện và các y bác sĩ. Mẹ tôi đã được cứu sống. Tôi đã được xuất viện và quay vào thăm mẹ. Nhìn mẹ cười tươi với hy vọng sống tràn đầy. Đó là giây phút hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi”, chị L.H. chia sẻ khi vào bệnh viện thăm mẹ.

Ông N.N.H. (60 tuổi, ngụ Nha Trang, Khánh Hòa) là một giáo viên về hưu. Ông mắc nhiều bệnh lý về gan, bao gồm viêm gan C (đã điều trị khỏi hẳn cách đây 4 năm), xơ gan, ung thư gan. Khối u trong gan có kích thước khoảng 3 cm và nằm ở vị trí rốn gan, một vị trí rất khó điều trị.

Thêm vào đó, gan xơ quá nhiều nên việc điều trị ung thư bằng các phương pháp khác không hiệu quả, thậm chí sẽ làm gan suy yếu nhanh hơn.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Công Duy Long, Phó trưởng Khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết: Tình trạng sức khỏe của ông H. ngày một nghiêm trọng, thời gian sống được tiên lượng chỉ còn khoảng 1 năm. Ghép gan là hi vọng sống cuối cùng của bệnh nhân.

Tuy nhiên, cả 3 người con ruột của bệnh nhân đều có gan không đủ điều kiện để hiến cho bố. Chỉ có anh T.T.T (31 tuổi), con rể của ông H. có gan phù hợp cho việc hiến.

Anh T. đã tình nguyện hiến gan cho bố vợ. Ca phẫu thuật ghép gan đã diễn ra tốt đẹp. Hiện tại, người hiến và người nhận gan đã quay lại cuộc sống bình thường, lao động chăm sóc gia đình như những người khỏe mạnh.

Khi được hỏi về trải nghiệm sau hiến gan, anh chia sẻ, đau sau phẫu thuật là điều phải có, nhưng không đáng kể so với sự vui mừng khi người thân đã nhận được phần gan khỏe mạnh từ mình để tiếp tục sống khỏe.

“Các ca ghép gan thành công là kết quả của quá trình chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực chuyên sâu, hoàn thiện quy trình chuyên môn của bệnh viện trong nhiều năm qua. Thật hạnh phúc khi nhìn thấy người bệnh có cuộc sống mới, khỏe mạnh nhờ vào nửa lá gan được chia sẻ từ người thân của mình”, bác sĩ Long tâm sự.

Riêng tại Bệnh viện ĐHYD, từ tháng 6.2018 đến tháng 3.2019, với sự hỗ trợ của Bệnh viện ASAN (Hàn Quốc), đã thực hiện thành công 5 ca phẫu thuật ghép gan từ người cho sống.

Ghép gan trong nước giúp người bệnh và gia đình tiết kiệm nhiều chi phí, thuận tiện cho việc đi lại, ăn ở, giao tiếp trong quá trình chuẩn bị, chăm sóc và tái khám sau ghép.

Những ca ghép gan không chỉ là bước phát triển của y khoa, giúp điều trị ung thư gan, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về nhân văn trong cuộc sống.

  1.  Sớm nâng cấp phòng khám đa khoa vùng B

Phòng khám đa khoa vùng B đóng trên địa bàn xã Đại Thắng, H. Đại Lộc, thuộc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi (BVĐKKVMN) phía bắc Quảng Nam hiện đang xuống cấp nặng, cơ sở chật chội, gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh.

Phòng khám đa khoa (PKĐK) vùng B thực hiện chức năng khám chữa bệnh cho nhân dân 7 xã gồm: Đại Cường, Đại Minh, Đại Thắng, Đại Thạnh, Đại Phong, Đại Chánh và Đại Tân của H. Đại Lộc, với khoảng 50.000 dân. Cơ sở vật chất phòng khám tiếp nhận và sử dụng từ khu nhà trước đây của Ban quản lý công trình thủy lợi Khe Tân, nhưng nay đã xuống cấp nghiêm trọng, diện tích sử dụng chật chội, trang thiết bị chưa được đầu tư đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trong khu vực. Bác sĩ Trịnh Sanh - Trưởng PKĐK khu vực vùng B cho biết, khu nhà BVĐKKVMN phía bắc Quảng Nam tiếp nhận lập phòng khám này được xây dựng từ 40 năm trước, dù được cải tạo lại làm cơ sở khám chữa bệnh nhưng không đảm bảo công năng. Trung bình mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận khoảng 150 lượt khám, trong đó tổ chức điều trị từ 30 đến 40 bệnh nhân. Ngoài người dân ở 7 xã vùng B huyện Đại Lộc còn có nhân dân vùng Tây của H. Duy Xuyên đến khám chữa bệnh.

Do cơ sở xuống cấp, trang thiết bị chưa đáp ứng với nguồn nhân lực nên công tác khám chữa bệnh tại đây gặp nhiều khó khăn. Các y bác sĩ cũng như người dân trong vùng rất mong PKĐK khu vực vùng B được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực và trở thành đơn nguyên khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế người dân. Thực trạng xuống cấp nặng tại phòng khám đã được cán bộ, y bác sĩ tại cơ sở và người dân trong vùng kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp. "Phòng khám đa khoa vùng B hiện đang xuống cấp nặng. Mái tôn bị rách nát mưa dột, tường bị bong tróc, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào nên rất nguy hiểm. Phòng ốc chật chội và rất nóng, nhất là mùa hè oi bức nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám và điều trị cho bệnh nhân. Chúng tôi rất mong phòng khám sớm được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế trong vùng",  bác sĩ Trịnh Sanh nói.

Tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cùng lãnh đạo các sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư và BHXH tỉnh mới đây, BVĐKKVMN phía bắc Quảng Nam cũng đã kiến nghị nâng cấp PKĐK vùng B thành cơ sở 2 của bệnh viện để được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực đảm bảo chức năng là một đơn nguyên khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Theo thạc sĩ Tô Mười - Giám đốc BVĐKKVMN phía bắc Quảng Nam, công tác khám chữa bệnh ở PKĐK vùng B có tính đặc thù, rất cần thiết trong mùa mưa bão, vì vùng B của H. Đại Lộc thường xuyên bị cô lập khi có lũ lớn. Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo BVĐKKVMN phía bắc Quảng Nam và ý kiến của các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh yêu cầu lãnh đạo BVĐKKVMN phía bắc Quảng Nam sớm xây dựng đề án nâng cấp PKĐK vùng B thành cơ sở 2 của bệnh viện để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

  1.  Thái Bình: Đầu tư 100 tỷ đồng triển khai kỹ thuật xạ trị ung thư hiện đại

Sau hơn bảy năm chuẩn bị về nguồn tài chính và nhân lực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để triển khai hệ thống máy móc xạ trị hiện đại nhất hiện nay, để điều cho bệnh nhân ung thư tại tỉnh này mà không phải chuyển tuyến.

Để triển khai hệ thống máy móc xạ trị hiện đại nhất hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để mua sắm hệ thống máy gia tốc tuyến tính của hãng Elekta (Thụy Điển) đa lá, đa mức năng lượng; hệ thống quản lý thông tin xạ trị MOSAIQ; hệ thống lập kế hoạch MONACO; hệ thống đo liều; hệ thống cố định bệnh nhân; hệ thống máy chụp CT mô phỏng tiên tiến nhất hiện nay.

Cùng với đầu tư kinh phí, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình cũng được Bệnh viện K Hà Nội chuyển giao danh mục kỹ thuật xạ trị đối với các loại bệnh ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư đại tràng; ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phần mềm; U lympho ác tính; xạ trị toàn não; ung thư vòm họng; ung thư lưỡi; ung thư hạ họng thanh quản; ung thư vú; ung thư cổ tử cung...

Được biết, mỗi năm tại Thái Bình có hàng nghìn ca bệnh nhân ung thư. Đơn cử, năm 2017 tại Thái Bình có tổng số 3.024 ca chuyển tuyến chuyên ngành ung bướu, trong đó có khoảng 1.500 ca bệnh có chỉ định xạ trị.

Năm 2018 có 2.082 ca, trong đó có khoảng hơn 1.000 ca có chỉ định điều trị xạ trị… Từ trước tới nay, toàn bộ bệnh nhân ung thư của tỉnh Thái Bình đều phải chuyển tuyến lên Hà Nội vì tại tỉnh này chưa có kỹ thuật, thiết bị điều trị đủ điều kiện. Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Thái Bình đang triển khai xạ trị cho bảy bệnh nhân cư trú tại tỉnh Thái Bình mắc bệnh ung thư vú, ung thư phổi và ung thư thực quản

Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình cho biết biết: “Nhiều năm trước, Thái Bình đã có ý định đầu tư máy móc hiện đại để bệnh nhân ung thư có thể điều trị tại tỉnh nhằm giảm chi phí đi lại, ăn ở. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí quá lớn, việc tiếp cận và sử dụng thiết bị máy móc phức tạp nên sau 7 năm chuẩn bị, đến nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình mới triển khai được kỹ thuật này”.

 Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết thêm, hiện đang triển khai xạ trị cho bảy bệnh nhân cư trú tại tỉnh Thái Bình mắc bệnh ung thư vú, ung thư phổi và ung thư thực quản. Đơn vị đang tiến hành thu dung bệnh nhân để điều trị, thời gian tới dự kiến thực hiện xạ trị cho khoảng 60-70 bệnh nhân ung thư/ngày để khai thác tối đa thiết bị máy móc đầu tư.

  1.  Gặp bác sĩ “bảo lãnh cấp cứu”

 “... Khi chưa vào nghề tôi mới chỉ hiểu được cái sự nghèo đói, thiếu thốn, vất vả thế nào. Nhưng hơn 10 năm đứng trong hàng ngũ những người thầy thuốc, những ngày làm ở khoa hồi sức tích cực, nơi ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết luôn hiện hữu, tôi mới thấm thía được nỗi cùng cực của những người nghèo mà lâm bệnh nặng...”.

“Mình chọn ngành hồi sức, vì cảm giác cứu sống được bệnh nhân thoát khỏi cửa tử”. ThS. BS. Phạm Thế Thạch - Bí thư chi Đoàn, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai đã bắt đầu câu chuyện như thế.

Sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo thuộc Diễn Châu - Nghệ An, vì thế hơn ai hết ThS. BS. Phạm Thế Thạch hiểu được cái khổ, cái cùng cực của nghèo đói, nghèo mà lại còn mắc bệnh nặng... Thạch đã chọn nghề y, ngành hồi sức tích cực để có thể góp một phần sức lực, sự hiểu biết để cứu người. Khi chưa vào nghề Thạch mới chỉ hiểu được cái sự nghèo đói, thiếu thốn, vất vả thế nào, nhưng hơn 10 năm đứng trong hàng ngũ những người thầy thuốc, những ngày làm ở khoa hồi sức tích cực, nơi ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết luôn hiện hữu, anh mới thấm thía được nỗi cùng cực của những người nghèo mà lâm bệnh nặng.

BS. Phạm Thế Thạch nhớ lại những năm học nội trú, khi khám cho bệnh nhân, người nhà đứng ngoài ô cửa kính quan sát các bác sĩ làm việc. “Khi ấy, không hiểu sao trong lòng tôi lại vang lên những câu nói như động viên, khích lệ của người nhà bệnh nhân. Chắc hẳn họ đang mong mỏi, hy vọng tôi và các bác sĩ như tôi cứu chữa người thân của họ thoát khỏi tay thần chết. Và mỗi lần cứu được một bệnh nhân qua cơn nguy kịch, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, những bệnh nhân tưởng chừng chỉ có thể về để chờ chết, tôi lại như có thêm sức mạnh, thêm tình yêu để theo đuổi đam mê của nghề thầy thuốc.

Ở Khoa Hồi sức cấp cứu, nơi Thạch làm việc, có rất nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, sự sống chỉ mong manh như ngọn nến trước gió nhưng lại thiếu tiền đóng viện phí... Có trường hợp vì chậm trễ mà khiến việc điều trị bị gián đoạn, làm bệnh càng nặng thêm. Đã không ít trường hợp phải xin về chỉ vì không đủ tiền chạy chữa... Đứng trước những nghịch cảnh ấy, Thạch và những bác sĩ đồng nghiệp của anh vô cùng khó xử. Rất nhiều lần Thạch đã đứng ra kêu gọi sự ủng hộ của nhân viên toàn khoa và bệnh viện. Không chỉ tiền viện phí mà bữa ăn của người nhà bệnh nhân cũng được các y bác sĩ trong khoa chia sẻ. Nhưng bệnh nhân nghèo thì nhiều mà “sức” cũng có hạn...

BS. Thạch nhớ lại, năm 2012, bệnh nhân là sinh viên Trường đại học Sư phạm, nhập viện trong tình trạng viêm phổi, ho ra máu. Trước đó, bệnh nhân đã điều trị ở nhiều bệnh viện nhưng không khỏi. Khi được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai thì tình trạng bệnh đã rất nặng. Sau khi tiên lượng bệnh, dự trù chi phí điều trị khá lớn, gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, vì thế các bác sĩ tại đây đã thông qua báo chí kêu gọi nhà hảo tâm tặng tiền giúp đỡ cho bệnh nhân. Nhờ đó, sau một thời gian điều trị bệnh nhân đã khỏi bệnh và được ra viện.

“Sau lần đó, tôi nhận thấy đây là cơ hội có thể giúp đỡ bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không có tiền để chữa bệnh. Tôi cùng các bạn đã kết hợp với nhiều báo kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Năm 2013, với mong muốn giúp bệnh nhân nghèo có thêm nguồn hỗ trợ để tiếp tục chống chọi với bệnh tật, BS. Thạch đã lên facebook cá nhân kêu gọi mọi người trợ giúp. Cũng thật may mắn, cũng từ những lần chia sẻ facebook cá nhân nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ ủng hộ. BS. Thạch nhớ lại trường hợp chị N.T.H. (27 tuổi ở Hải Phòng), mang thai 31 tuần nhưng bị nhiễm cúm A/H1N1. Khi nhập viện, trong vòng 12 tiếng, tim chị H. gần như ngừng hoạt động. Bệnh nhân cận kề cái chết. Sau nhiều giờ chạy đua với tử thần, chị H. đã được cứu sống. Tuy nhiên, việc điều trị lại cần rất nhiều tiền. Mà hoàn cảnh của chị H. lại khó khăn... Sau khi kêu gọi trên trang cá nhân của mình BS. Thạch đã được đông đảo nhà hảo tâm ủng hộ và giang tay hỗ trợ chị H. Chị H. được tặng số tiền rất lớn (khoảng 600-700 triệu đồng). Nhờ đó, các chi phí điều trị cũng không còn là vật cản.

  1.  Bệnh nhân bị nôn ra máu nhiều lần nhất quyết xin về, bác sĩ ‘nài nỉ’ ở lại điều trị thêm

Bệnh nhân nhất quyết xin được ra viện về với gia đình, nhưng vì tình trạng bệnh cần phải theo dõi thêm, các bác sĩ đã "nài nỉ" người này ở lại. Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu cho nam bệnh nhân tuổi còn khá trẻ (42 tuổi), nhập viện trong tình trạng nôn ra máu tươi số lượng nhiều, đi ngoài phân máu, sốc mất máu mức độ nặng tái phát lần thứ 4.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã khám, làm xét nghiệm, siêu âm cấp cứu. Bệnh nhân bị chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa, vỡ giãn tĩnh mạch thực quản vì biến chứng xơ gan do lạm dụng rượu nhiều năm.

Bệnh nhân được nội soi thực quản – dạ dày, thắt tĩnh mạch thực quản cầm máu, kết hợp với thủ thuật nội soi cầm máu, truyền dịch và dung dịch cao phân tử để nâng huyết áp song song với xin máu cấp cứu truyền cho người bệnh. Rất may tình hình bệnh nhân dần ổn định và huyết động tạm ổn.

Tuy nhiên, sau 4 ngày điều trị, người bệnh lại bất ngờ đi ngoài ra máu trở lại, huyết áp tụt và tiếp tục rơi vào trạng thái sốc, nguy kịch. Bệnh nhân một lần nữa được nội soi làm thủ thuật cầm máu cấp cứu. Do tình trạng bệnh quá nặng, thành thực quản đã xơ hóa và co thắt nhiều lần, không thể cầm máu được, nên tính mạng người bệnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

Để đưa ra phương pháp tối ưu giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch, các bác sĩ bệnh viện đã mời hội chẩn cấp cứu và quyết định thực hiện kỹ thuật tạo luồng thông cửa chủ trong gan qua da (TIPS) cho bệnh nhân.

Sau khi can thiệp TIPS, máu bệnh nhân ngừng chảy ngay lập tức, dần ổn định và đi vệ sinh tốt, các thông số huyết động về bình thường.

Theo bác sĩ Trần Quang Lục - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, tuy tình trạng bệnh nhân sau khi thực hiện kỹ thuật TIPS sau 2 ngày đã có thể nói khỏe lại bình thường, sức khỏe hồi phục nhưng vẫn cần phải theo dõi thêm để đảm bảo thể trạng. Tuy nhiên, do quá nôn nóng, thấy bệnh đã đỡ, nên bệnh nhân nhất quyết xin ra viện để về nhà. Các bác sĩ phải cố nài nỉ người bệnh ở lại thêm 3 ngày đến khi ổn định hẳn mới cấp đơn thuốc cho về và hẹn khám lại.

Can thiệp TIPS là phương pháp can thiệp qua da tạo luồng thông cửa – chủ làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa, từ đó điều trị và dự phòng chảy máu tiêu hóa tái phát. Để thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sẽ đặt một giá đỡ kim loại có màng phủ trong gan, tạo một dòng chảy trực tiếp từ tĩnh mạch cửa lên tĩnh mạch gan làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa, kết hợp với nút các búi giãn tĩnh mạch thực quản để cầm máu. Lợi ích của phương pháp này là có thể kết hợp với nút búi giãn tĩnh mạch thực quản gây chảy máu (điều này tốt hơn làm TIPS thông thường), can thiệp xâm lấn tối thiểu, tỷ lệ chảy máu tái phát thấp hơn so với điều trị nội khoa và nội soi. Sau phẫu thuật, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo.

 

  1.  Nên biết trân trọng mỗi khoảnh khắc trong đời

Cháu bé 5 tháng tuổi bị chấn thương sọ não nặng trong chuyến đi du lịch Quảng Ninh. Sau hơn 1 tháng đến khám lại chỗ chúng tôi vào một buổi chiều mưa sau những ngày nóng oi ả.

Tôi không thể tin vào mắt mình, hình ảnh cháu bé nằm im thở máy ngày nào thay bằng một cô bé hiếu động, tinh nghịch và đôi mắt sáng nhanh nhẹn. Qua khám cho cháu thấy cháu khỏe mạnh hoàn toàn, không bị liệt, tri giác hoàn toàn bình thường, thóp không phồng, mắt nhanh nhẹn linh hoạt, tôi rất mừng và cảm nhận điều kỳ diệu đã đến với cháu.

Bố cháu cho biết, kể từ khi ra viện về nhà, cháu ăn ngủ tốt (thậm chí rất ham uống sữa), lên cân tốt và không bị co giật, không có những cử động bất thường. Hình ảnh đôi mắt của hai cha con làm tôi ấn tượng nhất, đôi mắt thất thần của ông bố ngày nào thay bằng đôi mắt sáng dưới cặp kính cận, đôi mắt nhìn xa xăm như tìm mẹ của cháu thay bằng đôi mắt to linh hoạt luôn tìm nghịch các đồ của bác sĩ như ống nghe, thẻ công tác... Nhìn cháu được các cô điều dưỡng (ngày trước chăm sóc cho cháu, có cô nuôi con nhỏ còn vắt sữa cho cháu uống trong những ngày cháu được điều trị tích cực tại bệnh viện) bế cháu truyền tay nhau thấy ấm áp lạ thường.

Để đáp lại cháu cũng nhoẻn miệng cười với tất cả các cô, các chú nhân viên y tế trước sự chứng kiến của bố cháu. Mọi người nói “may quá khi xảy ra tai nạn cháu có bà mụ đỡ” nên hồi phục nhanh, tôi nói rằng “cháu không những có bà mụ đỡ mà có cả mẹ cháu (mẹ cháu đã ra đi trong tai nạn thảm khốc) đỡ, rồi có tình yêu thương vô bờ bến của bố cháu, của các cô các chú làm công tác y tế từ địa phương đến trung ương đỡ cho cháu nữa, cái quan trọng nữa là sức sống mãnh liệt của bản thân cháu vì một khi mệnh còn thì bệnh nặng cũng sẽ qua khỏi”.

Quá khứ đã là lịch sử, tương lai là một phép nhiệm màu, còn hiện tại là một món quà của cuộc sống, chính vì thế mà chúng ta gọi đó là một tặng phẩm quý giá. Cuộc sống luôn công bằng, không cho không ai và cũng không bao giờ vô tình lấy đi của ai bất cứ điều gì mà không có sự bù đắp, trả giá. Tai nạn thảm khốc cướp đi một người mẹ, một người vợ thì không thể lấy đi cuộc sống của một thiên thần bé nhỏ dễ thương ngày hôm nay.

Phía sau một cuộc đời tươi đẹp là không ít những đau khổ, thời gian và trải nghiệm sẽ làm lành những nỗi đau. Hãy nghĩ về một đặc ân quý giá mà bạn vẫn được sống, được thở, được suy nghĩ, được tận hưởng và được theo đuổi những gì bạn yêu thích. Đôi khi có những nỗi buồn trên đường đời nhưng vẫn còn rất nhiều niềm vui. Chúng ta vẫn phải tiếp tục tiến về phía trước ngay cả khi chúng ta đang bị tổn thương, vì chúng ta không thể biết được điều gì đang chờ đợi mình!

Cuộc sống vô thường dường như không ai đoán trước được điều gì. Mỗi ngày ta còn có mặt trên cuộc đời đã là một điều may mắn rồi. Mỗi sớm mai thức dậy cảm ơn đời cho ta thêm một ngày nữa để yêu thương. Chúng ta nên trân trọng mỗi khoảnh khắc ấy. Mỗi phút giây qua đi chúng ta đều không lấy lại được, nếu như không biết trân trọng chúng ta sẽ phải hối hận. Cho dù cuộc đời có nhiều chông gai, thử thách nhưng chúng ta phải biết vượt qua để tận hưởng hương vị ngọt ngào của hạnh phúc.

  1.  Căn bệnh khiến những người mắc có gương mặt gần giống nhau

Nếu người bệnh tan máu bẩm sinh không được điều trị sớm, đầy đủ sẽ xuất hiện nhiều biến chứng do thiếu máu và thừa sắt gây ra trên tất cả các cơ quan, làm thay đổi diện mạo khiến thể trạng thấp bé, thay đổi xương mặt khiến trán dô, mũi tẹt, hàm răng hô, suy tim, suy gan, suy nội tiết… Đó là lý do tại sao, hầu hết bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh đều có khuôn mặt gần giống nhau.

Một gia đình tại Sơn La có tới 4 người cùng bị bệnh Thalassemia- tan máu bẩm sinh đang được điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Chị Lường Thị Thúy 42 tuổi, cho biết phát hiện bệnh từ năm 3 tuổi, gia đình không có điều kiện nên không điều trị. Năm 2015, khi mua bảo hiểm y tế, chị Thuý đã đến Hà Nội khám.

Bác sĩ phát hiện chị Thuý mắc bệnh di truyền nên khuyên chị vận động mọi người trong gia đình đi kiểm tra. Kết quả, 3 người cháu ruột của chị Thúy cũng mang bệnh.

"Nhà tôi ở bản xa, không có tiền, mỗi lần đi viện chia làm hai đợt. Đợt một, hai cô cháu về Hà Nội khám, đợt 2 thì có hai chị em đi. Đều đặn, cứ khoảng một đến hai tháng là chúng tôi phải vào viện để truyền máu và thải sắt tầm một tuần mới được về nhà", chị Thúy nói.

Một trường hợp khác là 2 cô con gái nhỏ Hằng và Hoa của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thơm và anh Nguyễn Cương Quyết  ở Nam Định cũng đang mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh. Vì hai con bị bệnh nên chị Nguyễn Thị Thơm đã bỏ hết công việc ở quê, tháng nào cũng ròng rã đưa con đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương truyền máu, thải sắt, hết cô con gái lớn lại đến con gái nhỏ.

Mọi chi tiêu trong nhà và lo cho 2 con đều trông vào đồng lương thợ điện nước ít ỏi của anh Quyết. Đến năm 2018, khó khăn chồng tiếp khó khăn khi chị Thơm sinh con thứ 3, bé may mắn được sàng lọc trước sinh nên không mắc  bệnh tan máu bẩm sinh như 2 chị. Để có tiền chăm lo cho 2 con gái ở viện và chăm vợ cùng bé út, anh Quyết đã nghỉ việc ở quê lên Hà Nội làm xe ôm.

Buổi sáng anh vội vàng cho con ăn rồi gửi lại 20.000 đồng nhờ bệnh nhân cùng phòng mua 1 suất cơm hộp để 2 bé ăn trưa. Bố đi làm, 2 bé gái mới 8 tuổi và 7 tuổi nhưng vóc dáng bé nhỏ như trẻ lên 5 cứ tha thẩn chơi cùng nhau. Do ở viện nhiều hơn ở nhà nên 2 bé Hằng và Hoa đi học bấp bênh, ở lớp hay ở quê, 2 bé có rất ít bạn vì mọi người không muốn cho con chơi cùng.

Hàng tháng bé Lê Khải Nguyên 4 tuổi ở Hà Nam được bố mẹ đưa đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để truyền máu và thải sắt. Bé mắc bệnh tan máu bẩm sinh điều trị hai năm nay. Mẹ bé cho biết Nguyên chào đời năm 2015 không có biểu hiện gì bất thường, gia đình cũng không biết bé mắc bệnh. Hai năm sau, chị sinh bé thứ 2, được ba tháng thì đầu ngón tay bé trắng bệch, người xanh xao. Bác sĩ chẩn đoán cả hai anh em bé Nguyên bị tan máu bẩm sinh, một bệnh phải điều trị suốt đời.

Cũng đã chăm con ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương 5 năm nay, chị Triệu Thị Phẫu, dân tộc Dao ở Bắc Kạn cho biết, tháng nào cũng phải xuống viện  từ  7-10 ngày, mỗi ngày 8 tiếng để thải sắt và truyền máu cho con. Con trai của chị Phẫu hiện đã gần 5 tuổi nhưng cũng mới tập đi, cân nặng chưa được 14kg. Dù được điều trị ngay từ khi mới 2 tháng tuổi nhưng do thể nặng nên mũi cậu bé tẹt dần, trán dô, răng hô.

Đây chỉ là số ít bệnh nhân trong số 3.000 bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh tại 20 tỉnh, thành phố đang điều trị thường xuyên tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Theo TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam, hiện có khoảng trên 12 triệu người Việt mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Người bệnh và mang gen bệnh có ở tất cả tỉnh thành, tuy nhiên một số vùng đồng bào dân tộc tỷ lệ mang gen và bị bệnh cao hơn. Trong số đó, hiện có trên 20.000 người bị tan máu bẩm sinh cần phải điều trị cả đời.  44% trẻ dưới 15 tuổi, hằng ngày đều có trẻ bị bệnh ra đời.

TS  Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, mỗi năm có thêm 8.000 trẻ sinh ra bị bệnh này (ở các mức độ khác nhau). Trong số này có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể chào đời do phù thai.

Việc theo dõi, điều trị không tốt nên tuổi thọ bệnh nhân không cao. Chỉ 50% bệnh nhân được tiếp cận điều trị, nhiều người từ khi phát hiện bệnh chỉ đến viện một lần.

Các chuyên gia cho biết,  tan máu bẩm sinh là bệnh lý huyết học di truyền, căn bệnh di truyền phổ biến nhất trên thế giới ở cả nam và nữ. Bệnh có 2 biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, đây là bệnh mạn tính nên bệnh nhân sẽ phải điều trị suốt đời.

  1.  Nhân viên đường sắt đỡ đẻ thành công cho một sản phụ trên tàuSáng 29-4, Đoàn Tiếp viên đường sắt Phương Nam cho biết, vào lúc 3h15' ngày 29-4, trên chuyến tàu SE4 Sài Gòn đi Quảng Ngãi, một hành khách đã sinh một bé gái, mẹ tròn con vuông.

19h45' ngày 28-4, tàu SE4 xuất phát từ ga Sài Gòn. Đến 2h30' ngày 29-4, khi tàu chạy đến khu gian Ka Rôm - Ngã Ba, thì trưởng tàu được tiếp viên thông báo về việc có một nữ hành khách đau bụng, vỡ nước ối. Trưởng tàu cùng các nhân viên đã có mặt xem xét tình hình thực tế, thấy hành khách tên Đào Thị Thanh Hằng (có vé tàu SE4 Sài Gòn đi Quảng Ngãi, địa chỉ ở xóm 3, thôn An Cư, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) có biểu hiện chuẩn bị sinh.

Trưởng tàu cùng các nhân viên đã chuẩn bị nước nóng, bao tay, kẹp rốn..., đồng thời kêu gọi hành khách có chuyên môn nghiệp vụ về y tế hỗ trợ sản phụ. Một hành khách đi trên toa đã đến hỗ trợ, cùng tổ tàu giúp chị Hằng sinh con. Vào lúc 3h15' cùng ngày, chị Hằng đã sinh một bé gái, mẹ tròn con vuông.

Tổ tàu cũng đã liên lạc với ga Nha Trang, yêu cầu tiếp viện 1 xe cấp cứu. Tàu SE4 tới ga Nha Trang lúc 3h37' và mẹ con chị Hằng đã được đưa bằng cáng ra xe cấp cứu tới bệnh viện.  Được biết, chị Hằng cùng chồng đi tàu từ thành phố Hồ Chí Minh về Quảng Ngãi.

5 trẻ sơ sinh thiệt mạng, Mỹ khẩn trương thu hồi 700.000 chiếc nôi rung

Công ty Kids II (Mỹ) phải thu hồi gần 700.000 chiếc nôi rung sau khi 5 trẻ sơ sinh thiệt mạng lúc đang nằm trong nôi của hãng.

Quyết định trên được Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ đưa ra ngày 26/4. Bên cạnh việc thu hồi, Công ty Sản xuất Sản phẩm Kid II còn phải bồi thường cho người tiêu dùng.

Từ tháng 3/2012 đến nay, khoảng 694.000 chiếc nôi rung Kids II đã được bán trên toàn nước Mỹ qua các kênh phân phối như Walmart, Target, Toys "R" Us và bán trực tuyến. Giá của mỗi chiếc nôi từ 40 đến 80 USD. Cách đây vài tuần, hãng Fisher Price cũng phải thu hồi 4,7 triệu nôi rung hiệu Rock’n Play do ghi nhận ít nhất 10 trẻ sơ sinh chết vì ngạt thở khi tự lẫy trong nôi.

Để bán hàng, các nhà sản xuất quảng cáo chiếc nôi rung giúp trẻ ngủ dễ dàng hơn và cha mẹ có thêm thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, lời quảng cáo này không phù hợp với thực tế.

Viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo phụ huynh đặt trẻ sơ sinh nằm ngủ ngả lưng trên bề mặt phẳng, cố định, hơi nghiêng. "Chúng tôi không hề khuyến khích những chiếc nôi rung", bác sĩ David Fagan, phó trưởng Khoa Nhi tại Trung tâm Y tế Cohen ở New Hyde Park, New York, cho biết.

Theo bác sĩ David, nguyên cứu từ những năm 1990 cho thấy trẻ ngủ ngả lưng trên một bề mặt phẳng, cố định giúp giảm đáng kể các sự cố gây hội chứng đột tử khi đang ngủ ở trẻ sơ sinh (SIDS). Ông cũng nhấn mạnh khoa học chưa chứng minh sự lắc lư giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn.


Thăm dò ý kiến