Điểm tin y tế ngày 30/3/2019

31/03/2019 | 05:00 AM

 | 

 

  1. Chú trọng sàng lọc virus viêm gan B cho phụ nữ mang thai

Thống kê từ Liên hiệp quốc (LHQ) mới đây cho thấy, Việt Nam là một trong các nước thuộc khu vực có tỉ lệ lưu hành virus viêm gan B cao nhất thế giới (10 – 20%). Đặc biệt, phần lớn tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B là do lây truyền dọc từ mẹ sang con.

90% trẻ có thể mắc viêm gan B mạn tính

Hiện nay, tỉ lệ người nhiễm viêm gan B đang ngày một gia tăng trong cộng đồng. Đặc biệt là tỉ lệ phụ nữ mang thai tại Việt Nam bị viêm gan B từ 10 – 20%. Trên thực tế, tỉ lệ mẹ lây nhiễm viêm gan B cho con là từ 5 – 10%, trong đó có tới 90% trẻ chuyển sang viêm gan B mạn tính.

Theo các chuyên gia của Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), viêm gan virus B là một trong hai loại viêm gan do virus có gánh nặng lớn nhất đối với sức khoẻ cộng đồng và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư gan và xơ gan, gây ra tới 80% tổng số các ca ung thư gan trên thế giới. Việt Nam nằm trong vùng lưu hành dịch tễ cao của virus viêm gan B.

Hiện có 3 đường lây truyền quan trọng của virus viêm gan B. Đó là lây truyền từ mẹ sang con, lây truyền qua đường máu và lây truyền qua đường tình dục. Trong đó, lây truyền từ mẹ mang virus viêm gan B sang con là đường lây truyền quan trọng của virus viêm gan B tại các nước châu Á. Phụ nữ nhiễm virus viêm gan B có thể truyền cho con khi mang thai, khi chuyển dạ và một thời gian ngắn sau đẻ.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ - trẻ em cho biết, trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%, nếu mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa thai kỳ thì tỉ lệ lây nhiễm sang con là 10% và sẽ tăng cao tỉ lệ lây nhiễm sang con từ 60 – 70% nếu mẹ bị mắc bệnh ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Ước tính có khoảng 5 – 10% nguy cơ nhiễm viêm gan B xảy ra cho thai nhi trong tử cung do virus xâm nhập qua gai rau bị tổn thương.

Trên thực tế, nhiều trẻ sinh ra từ mẹ có virus viêm gan B dương tính vẫn bị nhiễm bệnh viêm gan B sau khi sinh, mặc dù đã được tiêm vắc xin viêm gan B. Lây truyền viêm gan B trong quá trình chuyển dạ và khi đẻ là nguyên nhân phổ biến trong cơ chế lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.

Tăng cường sàng lọc để phát hiện bệnh

Theo Vụ Sức khoẻ bà mẹ - trẻ em, hoạt động dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tỉ lệ bao phủ liều vắc xin viêm gan B sau sinh chưa cao, thậm chí giảm xuống.

Được biết, xét nghiệm virus viêm gan B cho phụ nữ trước khi sinh đã được triển khai tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Tuy nhiên, việc xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan B cho phụ nữ mang thai vẫn chưa được coi là xét nghiệm thường qui trong gói chăm sóc trước sinh cũng như chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc kiểm soát nhiễm virus viêm gan B cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là phụ nữ mang thai.

Bên cạnh đó, việc khám sàng lọc viêm gan cho phụ nữ mang thai hầu hết chưa được thực hiện ở bệnh viện tuyến tỉnh và huyện; các hoạt động phòng, chống bệnh viêm gan virus tại Việt Nam còn mang tính riêng lẻ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị cũng như chưa có sự điều phối tổng thể lồng ghép các hoạt động.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sự lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con là một trong 3 bệnh (lây truyền HIV, viêm gan B, giang mai) từ mẹ sang con gây ra nhiều hệ luỵ, ảnh hướng lớn đến sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em. Đặc biệt, tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trẻ em và phụ nữ mang thai không có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế thuận lợi gây khó khăn cho việc loại trừ 3 bệnh này. Thời gian tới, mục tiêu loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con đã rất rõ ràng và đang được ngành y tế quyết tâm thực hiện.

Bộ Y tế đã triển khai Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018 - 2030. Theo đó, ngành y tế sẽ áp dụng cách tiếp cận chăm sóc liên tục và tiếp cận bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, trong đó xác định gói can thiệp thiết yếu hiệu quả, đảm bảo cho mọi đối tượng có thể tiếp cận được khi có nhu cầu; đảm bảo tính bền vững của chương trình can thiệp loại trừ viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con trên cơ sở đẩy mạnh phối hợp, lồng ghép và cung cấp gói dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.

Để giảm nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ trong lần khám đầu tiên trước khi chuẩn bị mang thai đều nên làm xét nghiệm xác định virus viêm gan B và xét nghiệm lại trong thai kỳ nếu cần thiết. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm viêm gan B có thể được bảo vệ hiệu quả bằng cách gây miễn dịch thụ động và chủ động (tỉ lệ bảo vệ trên 90%).  

  1. Bộ Y tế dự kiến bãi bỏ 70 văn bản quy phạm pháp luật

Đây là những văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc liên tịch ban hành. Lý do bãi bỏ là các văn bản này không còn phù hợp, hoặc do hết hiệu lực, hoặc đã được điều chỉnh bởi văn bản khác.

Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, 70 văn bản được Bộ Y tế đề xuất bãi bỏ lần này gồm 10 văn bản thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm; 1 văn bản của lĩnh vực bảo hiểm y tế; 10 văn bản thuộc lĩnh vực dược – mỹ phẩm; 9 văn bản về kế hoạch –tài chính; 5 văn bản thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh; 25 văn bản về tổ chức cán bộ; 2 văn bản về khoa học, công nghệ và đào tạo; 5 văn bản của lĩnh vực thanh tra; 1 văn bản lĩnh vực y học cổ truyền và 2 văn bản lĩnh vực y tế dự phòng.

Trong đó, đáng chú ý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là dự kiến bãi bỏ Quyết định số 12/2006/QĐ-BYT về việc ban hành quy định phân cấp nhiệm vụ quản lý và tham gia quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trong ngành y tế, do văn bản này có nội dung không còn phù hợp với Nghị định 15/2018/NĐ-CP; bãi bỏ Thông tư 05/2007/TT-BYT hướng dẫn về điều kiện và thủ tục chỉ định tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu do văn bản này không còn phù hợp với điều kiện hiện nay; bãi bỏ Thông tư liên tịch 34/2014/TTLTBYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn, do nội dung này không còn phù hợp thực tế hiện nay...

Lĩnh vực dược,  mỹ phẩm, Bộ Y tế dự kiến bãi bỏ Thông tư 16/2011/TT-BYT quy định nguyên tắc sản xuất thước từ dược liệu và lộ trình áp dụng nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc đối với cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, do nội dung này đã được điều chỉnh tại Thông tư 35/2018/TT-BYT; bãi bỏ Thông tư 38/2010/TT-BYT hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện quy định quản lý nhà nước về dược, mỹ phẩm, do Thông tư này không có tính quy phạm nên sẽ bãi bỏ...

Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, Bộ Y tế dự kiến bãi bỏ Thông tư 11/2001 hướng dẫn điều kiện hành nghề xoa bóp do phần lớn nội dung đã được thay thế do có quy định điều kiện; bãi bỏ Quyết định 2824/2004/QĐ-BYT ban hành phần mềm ứng dụng tin học trong quản lý báo cáo thống kê bệnh viện và hỗ trợ bệnh án, do nội dung này đã được điều chỉnh tại Thông tư 54/2017/TT-BYT và Thông tư 46/2018/TT-BYT...

Trong lĩnh vực thanh tra y tế, đáng lưu ý là đề xuất bãi bỏ Quyết định 40/2007/QĐ-BYT về ban hành quy trình và danh mục thanh tra hành nghề y tế tư nhân, do văn bản này không còn phù hợp với quy định của pháp luật về thanh tra...

  1. Tăng cường thanh tra nhân Tháng hành động vì An toàn thực phẩm

Thanh tra Bộ Y tế vừa có văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường thanh tra về an toàn thực phẩm nhân Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5) trên toàn quốc, với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra theo phân cấp tại các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, tập trung vào việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ bắt đầu từ ngày 15-4 đến 15-5. Trong quá trình thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, thực hiện công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng.

Trước đó, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về An toàn thực phẩm giao các bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Nam, Đà Nẵng trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019.

  1. Phòng ngừa bạo lực ở nơi khám chữa bệnh: Đừng để ngành Y đơn độc

Trong khi đang nỗ lực cứu chữa cho người bệnh khỏi tai nạn, bệnh tật thì chính những người mặc áo blouse trắng lại bị hành hung mà không có cách gì để tự bảo vệ mình. Điều đáng nói, tình trạng ấy ngày càng gia tăng. Để cải thiện vấn đề này thì cần sự chung tay của nhiều ban ngành chứ đừng để ngành Y đơn độc.

Buổi “Tập huấn kỹ năng phòng ngừa bạo lực tại cơ sở Y tế” diễn ra ngày 28/3 vừa qua tại tỉnh Hải Dương rất thiết thực và thức thời nên đã thu hút được sự chú ý của những người làm về lĩnh vực y tế, chữa bệnh trên khắp cả nước.

Phần đông các chuyên gia có mặt tại đây đều cho rằng đây là một vấn nạn rất bức xúc trong dư luận nhưng thời gian qua gần như ngành y tế phải đơn độc khi đấu tranh chống hành hung bác sĩ, người khám chữa bệnh tại cơ sở y tế. Cứ sau mỗi  trường hợp xảy ra, ngành lại triển khai rất nhiều giải pháp tự bảo vệ mình, thậm chí kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhưng số nhân viên y tế bị đánh đập, hành hung lại còn gia tăng hơn nữa.

Tại buổi tập huấn, trước hết nguyên nhân của sự việc được nhiều khách mời, chuyên gia phân tích. Các ý kiến đều cho rằng việc hành hung bác sĩ, nhân viên y tế là do lối hành xử không chuẩn mực của một bộ phận người dân có trình độ văn hóa thấp. Họ không hiểu hoặc không chịu hiểu quy trình khám chữa bệnh, không đủ kiến thức để thấu hiểu các phác đồ, quy trình mà nhân viên y tế phải thực hiện với người bệnh.

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân và người nhà của họ đến bệnh viện khi trong người có chất kích thích, rượu bia nên hành vi thiếu kiểm soát do không kiềm chế được nên xảy ra xô xát. Trong khi đó, không thể phủ nhận được ở một khía cạnh khác, đó là có thể phương pháp làm việc, giao tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân của một số y, bác sĩ còn chưa hợp lý, chưa nhận được sự thông cảm, thấu hiểu của người đến khám chữa bệnh.

Phát biểu tại buổi tập huấn, Trung tá, Ths. Đào Trung Hiếu cho rằng đây là vấn nạn không chỉ diễn ra ở riêng Việt Nam là còn khiến hầu hết các nước trên thế giới đau đầu, tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, ở Việt Nam vấn nạn này diễn ra thường xuyên và có chiều hướng gia tăng nghiêm trọng.

Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có 8% - 38% nhân viên y tế bị bạo hành ở nơi làm việc. Trong đó, việc bạo hành tinh thần như nhục mạ, chửi bới,... là không thể tính toán hết. Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, khoảng 8 năm trở lại đây, cả nước có ít nhất 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung.

Các số liệu cũng cho biết hành hung nhân viên y tế xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.

Dư luận đều đồng tình hành động bạo lực tại các cơ sở y tế là rất đáng chê trách. Với một vài cá nhân thì hành động bột phát này giải tỏa nỗi bức xúc tức thời nhưng với cả hệ thống ngành y thì để lại nhiều hậu quả khôn lường. Trước hết, với những nhân viên y tế trực tiếp bị hành hung, họ không chỉ bị đe dọa về sức khỏe mà còn cả về mặt tinh thần. Theo ghi nhận từ thực tế đã có bác sĩ bị đánh rơi vào trầm cảm, như vậy họ khó có thể quay lại làm việc, khám chữa bệnh cho nhân dân một cách bình thường như trước.

Còn với những nhân viên y tế khác họ sẽ phải làm việc trong tình trạng hoang mang, nơm nớp lo sợ, từ đó tình yêu nghề, hăng say cống hiến, tìm tòi các phương pháp chữa bệnh mới cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, vấn đề này cần được chấn chỉnh và kiểm soát chặt chẽ hơn từ các cơ quan, ban ngành khác nhau để bảo vệ quyền lợi của những người làm y.

Các chuyên gia có kinh nghiệm cho biết ở các nước phát triển bên cạnh việc bảo vệ nhân viên y tế bằng các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, các hành vi xâm phạm nhân viên y tế cho dù chỉ là lời nói đều bị trừng phạt rất nặng.

Còn ở Việt Nam, mặc dù Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trước đó đã cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã có những ký kết với Bộ Công an, một số Sở Y tế cũng đã ký kết phối hợp với Công an địa phương để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực các bệnh viện nhưng vẫn xảy ra tình trạng bạo hành.

Điều đáng nói là “nước xa không cứu được lửa gần”, nhiều trường hợp, khi có bạo hành xảy ra khi gọi được công an thì việc đã xong… Dù có bị phạt hành chính các đối tượng gây rối nhưng bác sĩ, nhân viên y tế đã bị tổn thương về sức khỏe, tinh thần rồi. Như vậy, ở nước ta luật pháp hiện hành còn chưa đủ tính răng đe, đây là một lỗ hổng cần được cải thiện.

Từ những thực tế nếu trên, Trung tá, Ths. Đào Trung Hiếu cho rằng, để phòng chống bạo hành, mỗi cơ sở y tế cần phải xây dựng môi trường làm việc thật sự chuyên nghiệp đăc biệt quy trình làm việc phải chặt chẽ; cần có hệ thống cảnh báo phòng chống bạo hành, có đội ngũ bảo vệ có kỹ năng, kiến thức phòng chống bạo hành, liên kết với đơn vị công an khu vực ngay khi có bạo hành xảy ra.

Để tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ nhân viên y tế, trong thời gian tới ngành y tế và ngành công an sẽ có những kí kết phối hợp, lập đường dây nóng để nhân viên y tế có thể gọi bất cứ lúc nào khi có sự cố xảy ra trong bệnh viện để kịp thời xử lý.

Đồng thời, cá nhân mỗi nhân viên y tế phải được trang bị kiến thức, kỹ năng tự vệ. Có ý thức phòng chống bạo hành, nghĩa là phải luôn luôn nhìn nhận ngoài công việc chuyên môn thì có thể nhận biết những nguy cơ đe dọa đối với mình mà có biện pháp xử lý.

Ngành y tế cũng mong các bệnh viện phối hợp với ngành Công an lắp đặt hệ thống camera để quan sát, theo dõi những hành vi mà các đối tượng gây ra với cán bộ y tế.

Như vậy, có thể thấy, hiện trạng bạo hành tại các cơ sở Y tế đang diễn ra hết sức nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận. Nó cũng khiến việc khám chữa bệnh đối với các bệnh nhân khác tại nơi có bác sĩ bị bạo hành bị ảnh hưởng. Việc phòng ngừa, ngăn chặn không để bạo hành xảy ra là hết sức cấp bách không còn là “việc trong nhà” của riêng ngành y tế.

Sự việc đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành có liên quan trong thời gian tới. Trong khi đó, việc ứng xử, tuân thủ các quy định tại nơi khám chữa bệnh của nhân dân cũng cần phải được tuyên truyền để nâng cao ý thức, tránh nóng giận lên là thiếu kiểm soát, xô xát vừa ảnh hưởng tới việc khám chữa bệnh của mình, ảnh hưởng tới bác sĩ và cả môi trường khám chữa bệnh xung quanh.

  1. Hợp tác y tế công - tư, có xung đột lợi ích?

Việt Nam có ưu thế trong thu thút đầu tư y tế công, nhưng cần đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận tiện cũng như cơ chế cạnh tranh công bằng để các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực y tế. Ngày 29.3, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Ngành y tế cần làm gì để thu hút đầu tư?”.

Nói về triển vọng của ngành y tế Việt Nam trong thu thút đầu tư tư nhân vào y tế công (hợp tác PPP) , bác sĩ Dilshaad Ali, cố vấn chuyên môn của Công ty TNHH DG Medical (nhà cung cấp các giải pháp y khoa toàn diện tập trung vào các quốc gia phát triển mạnh tại Đông Nam Á), cho rằng rằng y tế Việt Nam là mảnh đất hấp dẫn các nhà đầu tư. Việt Nam một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay với thu nhập người dân tăng cao, rất nhiều gia đình đã chi nhiều hơn cho tiêu dùng, và đây là cơ hội cho việc đầu tư các dịch vụ y tế cao cấp.

Tuy nhiên, bác sĩ Dilshaad Ali cũng cho rằng Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận tiện cũng như cơ chế cạnh tranh công bằng để các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực y tế.

Bên cạnh thù tục đầu tư còn rườm rà, hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện trong hợp tác PPP, theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chủ trương chính sách khi vào thực tế rất vướng, một bác sĩ vừa làm bệnh viện công, vừa làm bệnh viện tư thì sẽ như thế nào, hiện chưa có quy định rõ ràng. Về bảo hiểm y tế, khi liên doanh với nhà đầu tư thì giá cả được quy định ra sao, bảo hiểm y tế chi trả thế nào?

“Chính sách có rất nhiều nhưng hợp tác PPP cho ngành y tế rất khó khăn do ngành y tế đặc thù, không phải như đầu tư một cây cầu có lợi nhuận là thu, thu tối đa. Còn với ngành y tế thì lợi nhuận phải tính toán hợp lý, vừa đủ, lợi nhuận còn tái đầu tư, nếu không thỏa thuận ngay từ đầu sẽ xảy ra tranh chấp khi nhà đầu tư mong muốn “lợi nhuận tối đa”".

Về phía bệnh viện, để hấp dẫn nhà đầu tư thì cần phải có nguồn lực riêng, đặc biệt là nguồn nhân lực được đào tạo tốt nhất. Vì nhà đầu tư khi đầu tư thì họ cần… lợi nhuận.

Tại hội thảo, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thời gian qua ngành y tế TP đã có nhiều chính sách xã hội hóa, thu hút sự đầu tư của các nguồn lực bên ngoài vào các cơ sở y tế công lập. Điển hình như sự kết hợp giữa Bệnh ung Ung bướu và Bệnh viện Hồng Đức; Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115. Những sự phối hợp này bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định.

Nhiều mô hình hợp tác PPP

Ngày 27.3,  UBND TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo về đối tác công tư trong một số lĩnh vực tại TP.

Tại hội thảo, chuyên gia WB giới thiệu các mô hình PPP trong lĩnh vực y tế trên toàn cầu, bao gồm các mô hình sau đây theo thứ tự mức độ phức tạp từ ít đến nhiều như sau:

- PPP trong cung cấp dịch vụ quản lý thiết bị y tế: Là mô hình đơn giản nhất, bao gồm mua sắm, lắp đặt, đầu tư vận hành, bảo trì và thay thế một loạt các thiết bị y tế hoặc linh kiện.

- PPP trong cung cấp dịch vụ hợp đồng quản lý: Vận hành bệnh viện/cơ sở y tế theo hợp đồng thanh toán phí.

- PPP trong cung cấp dịch vụ lâm sàng chuyên khoa hoặc dịch vụ cận lâm sàng: Tùy theo khó khăn về nguồn lực trong tổ chức hoạt động, bệnh viện công lập xác định các dịch vụ chuyên khoa (lọc máu, xạ trị, phẫu thuật trong ngày,…) hoặc các dịch vụ cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân,…) được cung cấp bởi công ty tư nhân.

- PPP theo mô hình PFI của Anh (Private Finance Initiative): Khu vực nhà nước vẫn giữ quyền kiểm soát đối với các dịch vụ lâm sàng, khu vực tư nhân cung cấp thiết kế chi tiết, quản lý hoặc kết hợp nhà nước quản lý về cơ sở vật chất/môi trường vận hành bệnh viện.

- Mô hình PPP tích hợp: Là mô hình phức tạp nhất, khu vực tư nhân cung cấp tất cả các tài sản và dịch vụ của bệnh viện, bao gồm: thiết kế, xây dựng hoặc cải tạo cơ sở hạ tầng cũng như tất cả dịch vụ y tế cho bệnh nhân cả ngoại trú và nội trú. Mô hình này là mô hình đầu tư dài hạn, thường từ 10 đến 30 năm.

Buổi toạ đàm đã giúp cho các nhà quản lý bệnh viện bước đầu có thêm những kiến thức cơ bản khi quyết định đầu tư theo hình thức phối hợp công tư trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh việc phải dựa trên những quy định pháp lý hiện hành, khi xây dựng đề án PPP, các nhà quản lý bệnh viện phải căn cứ vào thực tế khó khăn khách quan về nguồn lực của bệnh viện, căn cứ vào nhiệm vụ chuyên môn của bệnh viện, mong đợi chính đáng của người bệnh và nhất là nhận thức đúng về PPP, trong đó lưu ý đến phân bổ yếu tố rủi ro của mỗi bên của các loại hình hợp đồng PPP (BOT, BLT, BTL, …).

Tại hội thảo, Sở Y tế TP kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện đối tác công - tư trong lĩnh vực y tế và TP sớm có tổ chức tư vấn chuyên về hợp đồng PPP trong lĩnh vực y tế để giúp các bệnh viện công lập mạnh dạn triển khai các đề án đầu tư phát triển bệnh viện trong thời gian tới.

  1. 2 đoàn kiểm tra không phát hiện dấu hiệu nào của “thịt lợn gạo”

Sau khi có thông tin phản ánh về “thịt lợn gạo” tại nhà hàng Furonghua, 2 đoàn kiểm tra của UBND phường Hàng Bạc và Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm đã tiến hành kiểm tra. Kết quả không phát hiện dấu hiệu như phản ánh.

Theo biên bản kiểm tra việc chấp hành vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) ngày 24/3/2019 của UBND phường Hàng Bạc đối với nhà hàng ăn uống Furonghua, số 9 Đinh Tiên Hoàng, cơ sở đã xuất trình được: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP số 1079 do Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Hà Nội cấp năm 2016; Giấy xác nhận kiến thức về vệ sinh ATTP số 1573 cấp 2018 cho nhà hàng nói trên...

Đoàn kiểm tra đã kết luận sơ bộ: Tại thời điểm kiểm tra, nhà hàng có xuất trình được phiếu nhập hàng, có nguồn gốc đơn vị cung cấp, xuất xứ sản phẩm. Qua kiểm tra cũng không có thực phẩm tươi sống tại nhà hàng, lý do ngày  24/3 không nhập thịt lợn, thịt bò và các nguyên liệu khác.

Tiếp đó, đến ngày 25/3/2019, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của UBND quận Hoàn Kiếm (Trưởng đoàn là Trưởng phòng Y tế quận) tiếp tục kiểm tra nhà hàng Furonghua tại số 9 Đinh Tiên Hoàng.

Kết quả các điều kiện ATTP như: Khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm đảm bảo sạch; sàn nhà sạch, đồ vệ sinh, không đọng nước; khu vực ăn uống đảm bảo vệ sinh; nhà vệ sinh cách biệt với khu chế biến... đều đạt. Chỉ có thùng rác không có nắp, cống hở và kho bảo quản thực phẩm bị ẩm thấp, không có thông gió.

Về điều kiện trang thiết bị, dụng cụ và điều kiện về nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, nguồn nước, nhiều mục khác, đoàn kiểm tra xác định đều đạt yêu cầu như: Phương tiện rửa tay và khử trùng tay; trang thiết bị, dụng cụ giám sát, bảo quản thực phẩm; thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến đảm bảo hợp vệ sinh và riêng biệt đối với thức ăn sống và thức ăn chín; có trang bị thiết bị, dụng cụ, tủ lưu mẫu theo quy định và phụ gia thực phẩm dùng trong chế biến thực phẩm nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế.

Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của UBND quận kết luận: Cơ sở xuất trình được hợp đồng hóa đơn tháng 1, 2 của các sản phẩm: Hải sản, trứng, thịt lợn. Tuy nhiên cũng còn tồn tại như:  Kho  bảo quản ẩm thấp, không thông gió...

Theo  biên bản được Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm lập ngày 25/3/2019 đối với cơ sở ăn uống nói trên thì lỗi không thực hiện đầy đủ về theo dõi nhiệt độ và các điều kiện khác đối với nguyên liệu có yêu cầu bảo quản đặc biệt tại khu vực bảo quản đã bị lập biên bản và xử lý hành chính theo Nghị định 115.  Đại diện của Nhà hàng đã ký vào biên bản và không có ý kiến gì khác.

Như vậy, theo kết quả kiểm tra của 2 đoàn: UBND phường Hàng Bạc và liên ngành thuộc UBND quận Hoàn Kiếm, không phát hiện thấy dấu hiệu của “thịt lợn gạo” như thông tin phản ánh trước đó.

  1. Lời khẩn cầu của ông bố có con trai 7 tuổi chết khi đang điều trị tại bệnh viện K Tân Triều

Gia đình bệnh nhi 7 tuổi bị tử vong vừa gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Phó Trưởng khoa nội Nhi - Bệnh viện K cơ sở Tân Triều...

Báo Gia đình Việt Nam nhận được đơn cầu cứu của anh Lê Tuấn A., bố bệnh nhi Lê Bảo N. (7 tuổi) quê Phú Thọ bị tử vong ngày 14/03/2019. Trong đơn, anh Tuấn A., bày tỏ nỗi bức xúc về cái chết của con trai và tố cáo bác sỹ Phạm Thị Việt Hương - Phó Trưởng khoa nội Nhi, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, người trực tiếp điều trị cho con trai anh.

Anh Tuấn A. trình bày: Tôi và vợ kết hôn năm 2006, sinh được 02 người con trong đó có cháu Lê Bảo N. (SN2012), con thứ 2 của gia đình. Mặc dù, điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn nhưng với tình yêu thương con cái hết mực gia đình vợ chồng tôi đã cố gắng làm ăn, bảo ban nuôi dạy các cháu ăn học…

"Đến khoảng đầu tháng 02/2019 gia đình thấy cháu bị sưng bên má phải, sưng ngày càng to nên đã đưa cháu đi khám và phát hiện cháu bị u hạch ác tính. Khi biết tin gia đình rất đau buồn và lo lắng về bệnh tình của cháu. Với quyết tâm còn nước còn tát, bán hết tài sản, đồng thời đi vay mượn anh em làng xóm, gia đình tôi đã quyết định đưa cháu xuống Bệnh viện K cơ sở Tân Triều điều trị"- Trong đơn anh A. chia sẻ.

Trong đơn anh A. cho biết thêm: Khi nhập viện, cháu đã được bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, Phó Trưởng khoa nội Nhi trực tiếp điều trị nên gia đình rất yên tâm. Ngày 27/02/2019, cháu bước vào điều trị truyền hóa chất (đợt 01) và kết thúc vào ngày 28/02/2019. Sau khi, cháu truyền hóa chất xong, bác sĩ Hương đã cấp thuốc uống và cho cháu về, hẹn ngày 05/03/2019 quay lại bệnh viện để truyền hóa chất tiếp.

Ngày 05/03/2019, theo như lịch hẹn, tôi cho con xuống viện gặp bác sĩ Hương thăm khám và được giải thích nói là cháu hợp thuốc nên tiến triển tốt và bắt đầu điều trị hóa chất (đợt 2).

Trải qua 4 ngày điều trị bằng hóa chất, bác sĩ có nói với gia đình là: “Yên tâm, u của cháu đã tan hết”, tuy nhiên, ngày 09/03/2019, cháu bắt đầu bị đi ngoài và phải nằm theo dõi. Trong khoảng thời gian này, cháu không ăn uống được gì mà chỉ có nôn nhưng bác sĩ Phạm Thị Việt Hương không thường xuyên đến thăm khám.

Sốt ruột trước việc cháu không ăn uống được gì nhưng lại nôn thốc nôn tháo, liên tục kêu đau bụng, đi ngoài, sốt…gia đình đã đề nghị bà Hương cho đi khám, siêu âm nhưng bà Hương tỏ vẻ khó chịu, không muốn cho đi và nói: "Nếu thích đi thì cho đi”, sau đó bỏ mặc con tôi và không quan tâm gì đến làm cho gia đình và vợ chồng tôi rất bức xúc.

Đến ngày 13/03/2019, tình trạng của con tôi ngày càng xấu đi và lúc này, bác sĩ Hương mới chỉ định cho điều dưỡng truyền chai nước đạm sữa trong khoảng 22h30 đến 23h00.

Sau khi truyền chai đạm sữa được 15 phút tôi thấy cháu sốt cao (40,5 độ) và nói nhảm rất nhiều, hai mắt cháu trợn ngược không nhận ra bố mẹ, thấy con như thế tôi chạy sang gọi bác sỹ đến kiểm tra và ngày lập tức bác sĩ đã rút bỏ chai đạm sữa đang truyền cho cháu ra và cắm chai dịch khác vào.

Sau đó, bác sỹ Hương nói: “Cho xuống phòng cấp cứu ngay”, khi đưa cháu xuống phòng cấp cứu khoảng từ lúc 23h00 ngày 13/03/2019 đến 07h05’ ngày 14/03/2019 thì cháu qua đời.

Sau khi sự việc xảy ra tôi mới nghe mọi người nói là: “Khi cơ thể đang yếu như vậy mà truyền đạm sữa khác gì giết người”. Thật đau xót khi thấy bác sĩ ở phòng cấp cứu nói: “Cháu chuyển xuống đây đã quá muộn rồi”. Mất mát là điều không ai mong muốn nhưng nếu sự việc xảy ra là do con tôi bị bệnh mà chết thì lại một nhẽ nhưng ở đây với thái độ hách dịch, điều trị cho một bệnh nhân ung thư mới có 7 tuổi nhưng bà Hương không mảy may để ý thì có khác gì giết người.

Trong đơn, anh Tuấn A. đề nghị bệnh viên có câu trả lời khách quan, trung thực về nguyên nhân dẫn đến cái chết của con trai. Đồng thời, xử lý đúng theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tập thể có liên quan...

Trước sự việc trên, để có thông tin khách quan, ngày 28/03/2019, phóng viên Báo Gia đình Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Tại buổi làm việc với phóng viên, Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Bá Tĩnh – Trưởng phòng Phòng công tác xã hội của bệnh viện cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, PGS. TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc bệnh viện và TS. BS Trần Văn Công, Trưởng khoa nội Nhi cùng các bác sĩ Trưởng, Phó khoa, phòng, đơn vị đã gặp mặt chia sẻ, động viên, giải thích với gia đình bệnh nhi; tổ chức làm việc với Công an huyện Thanh Trì; hỗ trợ cùng gia đình đưa bệnh nhi mổ pháp y tại Bệnh viện Quân Y 103, sau đó hỗ trợ xe đưa bệnh nhi về địa phương. Sáng sớm ngày 14/03, PGS.TS Lê Văn Quảng cùng đoàn công tác của bệnh viện đã về địa phương chia sẻ với gia đình và dự tang lễ của bé.

Bệnh viện đã báo cáo về sự cố y khoa lên lãnh đạo Bộ Y tế, Bệnh viện đã thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá quá trình điều trị bệnh nhi và phối hợp chặt chẽ với cơ quan Cảnh sát điều tra để sớm làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhi".

Cũng theo đại diện Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cho biết, Bệnh viện đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với TS.BS Phạm Thị Việt Hương để phục vụ công tác điều tra làm rõ. Quan điểm của bệnh viện là sẽ không bao che, nếu phát hiện thiếu sót, sai phạm trong quá trình điều trị cho bệnh nhi sau khi có kết luận điều tra sẽ xử lý kỷ luật đúng người, đúng sai phạm.

"Hiện nay do sự việc đang được phía công an điều tra làm rõ nên mọi thông tin chính thức sẽ chờ cơ quan chức năng kết luận"- Đại diện Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cho hay.

  1. Nghỉ học vì sợ lây cúm ở Thái Bình: Hầu hết các em đã đi học trở lại

Sau nhiều ngày nghỉ học, hơn 400 học sinh trường Tiểu học Thị trấn Vũ Thư (Thái Bình) đã quay lại trường học. Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, chiều 29/3, ông Vũ Minh Quyết - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Vũ Thư (Thái Bình) cho biết, hơn 400 học sinh của Trường tiểu học thị trấn Vũ Thư đã quay lại trường sau nhiều ngày nghỉ học, do sợ lây bệnh từ nam sinh lớp 5A3 đã thiệt mạng vì cúm B.

Trước đó, sự việc một học sinh của Trường Tiểu học thị trấn Vũ Thư (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) tử vong do viêm não cấp và cúm mùa, hàng loạt phụ huynh của trường Tiểu học này đã tạm thời xin cho con nghỉ học.

Nhận được thông tin trên, cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình đã khẩn trương vào cuộc, kiểm tra, giám sát dịch tễ học và khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng về tình hình dịch bệnh, theo TTXVN.

Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đã khẩn trương thực hiện giám sát dịch tễ học, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thơm, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết, trung tâm đã phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện, Trạm y tế địa phương giám sát, điều tra đối với những trường hợp học sinh nghỉ học do ốm.

Đến nay, 48 trường hợp đã ghi nhận dương tính với virus cúm B. Đây là ổ dịch nhỏ tại Trường tiểu học thị trấn Vũ Thư. Tuy nhiên, đây là bệnh thông thường, xuất hiện khi thời tiết nóng ẩm.

Bệnh thường nhẹ với biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, sốt…. Bệnh lây qua đường hô hấp, tiếp xúc và lây lan nhanh song có thể khỏi sau khoảng 2-3 ngày điều trị. Bác sĩ Thơm khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng về dịch bệnh này.

Nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh, cơ quan chuyên môn đã thực hiện các giải pháp xử lý ổ dịch cúm B tại Trường tiểu học thị trấn Vũ Thư. Trong đó, ưu tiên xử lý tại chỗ ổ dịch, tăng cường cán bộ y tế theo dõi, giám sát tại trường, tiến hành phun thuốc Cloramin B 3 lần/tuần, duy trì ít nhất trong 2 tuần tại khuôn viên nhà trường, các lớp học…, hướng dẫn học sinh rửa tay qua dung dịch Cloramin B tại lớp học, thực hiện đeo khẩu trang, hạn chế nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh vào cơ thể, báo Tuổi trẻ đưa tin.

  1. Đại học Y Hà Nội đề nghị cung cấp thông tin thí sinh được nâng điểm

Trường Đại học Y Hà Nội, vừa gửi công văn đến một số cơ quan tỉnh Hòa Bình đề nghị cung cấp danh sách thí sinh nâng điểm.

Liên quan đến vụ gian lận thi cử trong kỳ thi quốc gia năm  2018 tại các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, ngày 29/3, trao đổi với PNVN, GS.Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, vừa gửi công văn đến một số cơ quan tỉnh Hòa Bình đề nghị cung cấp danh sách thí sinh nâng điểm.

Theo GS. Tạ Thành Văn, trước đó có thông tin cho rằng có thí sinh được nâng điểm trong vụ án đã nhập học tại Đại học Y Hà Nội. Tuy nhiên, đến thời điểm này trường chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc thí sinh trúng được nâng điểm trúng tuyển Đại học Y Hà Nội. Vì vậy, trường đã gửi công văn đến các cơ quan để được hỗ trợ.

Trả lời câu hỏi liệu nhà trường có đuổi học nếu phát hiện thí sinh được nâng điểm hay không, GS. Tạ Thành Văn cho biết, Trường đã gửi công văn đến Bộ GĐ&ĐT, Bộ Y tế đề nghị hướng dẫn xử lý nếu phát hiện sai phạm. Hơn nữa, việc xử lý kỷ luật sinh viên sẽ tuân theo quy định của pháp luật.

Trước đó, trong kỳ thi quốc gia 2018, cơ quan CSĐT đã phát hiện nhiều thí sinh tại Hà Giang, Hòa Bình có điểm cao bất thường nên đã vào cuộc điều tra. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, có rất nhiều thí sinh được sửa điểm. Trong đó, có thí sinh đã được nâng đến 26 điểm/3 môn nên đã khởi tố vụ án để điều tra. Một số cán bộ liên quan có dấu hiệu vi phạm đã bị Cơ quan CSĐT khởi tố bị can và bắt tạm giam.

Hiện vụ việc tiếp tục được điều tra, làm rõ../

  1. Việt Nam có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV mỗi năm

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và số trẻ sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV mỗi năm vào khoảng 1.140 – 1.520 trẻ. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ nên tham gia BHYT để nhận được nguồn thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT chi trả, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Tại “Hội thảo triển khai kế hoạch hành động quốc gia về loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con” diễn ra mới đây, đưa ra số liệu thống kê: “Mỗi năm, Việt Nam có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và số trẻ sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV mỗi năm vào khoảng 1.140 – 1.520 trẻ”.

Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trước và trong thời gian mang thai đạt rất thấp - chỉ đạt 38,5%.

Mặc dù nước ta triển khai công tác phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con trong chương trình phòng chống HIV/AIDS từ năm 2005, nhưng kết quả thực hiện các chỉ tiêu còn thấp.

Để tăng số lượng phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc ARV, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Dược - Vật tư y tế (BHXH Việt Nam), cho biết: Từ ngày 8/3/2019, người nhiễm HIV/AIDS trên cả nước đã được nhận thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT chi trả. Trong đó, phụ nữ nhiễm HIV được hưởng lợi từ việc điều trị bằng ARV sẽ giúp giảm nguy cơ lẫy nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Theo ông Lê Văn Phúc, nhằm giúp người có HIV/AIDS chủ động hơn trong việc tham gia BHYT, từ đó được bảo đảm tốt nhất việc điều trị bệnh, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với BHYT như: Người nhiễm HIV/AIDS không phải tham gia BHYT theo hộ gia đình, đã có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giấy tờ tùy thân, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển tuyến, chuyển tiếp...

Qua đó, người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT tăng theo từng năm, hiện nhiều tỉnh thành đã đạt độ bao phủ BHYT 100% cho người nhiễm HIV/AIDS.

Về vấn đề này, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết: Bộ Y tế cũng đặt mục tiêu ngăn chặn lây nhiễm HIV, viêm gan B từ mẹ sang con vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng được Bộ Y tế xác định là đẩy mạnh dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong đó cung cấp thuốc kháng vi rút (ARV) cho phụ nữ nhiễm HIV, bao gồm cả phụ nữ nhiễm HIV mang thai.

Ông Cảnh nhấn mạnh: “Ngay cả khi bố mẹ đều nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh và không bị nhiễm HIV nếu mẹ sớm được dùng thuốc ARV và tuân thủ việc nuôi con theo hướng dẫn của cán bộ y tế”.

  1. Quyền lợi của người tham gia BHYT: Được đảm bảo theo quy định của pháp luật

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, 3 tháng đầu năm, ghi nhận trên Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT), có 764 lượt bệnh nhân khám chữa bệnh nội trú với số tiền chi trả từ 200-500 triệu đồng/đợt điều trị nội trú. Đáng chú ý có 7 lượt khám chữa bệnh có chi phí trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị.

BHXH Việt Nam cho biết, trong tháng 3/2019, cả nước có khoảng 12,3 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT; lũy kế 3 tháng đầu năm có 40,275 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT. Thống kê trên Hệ thống thông tin giám định BHYT cho thấy, tính đến ngày 25/3/2019, có 36,69 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, số tiền đề nghị BHXH thanh toán 19.330 tỷ đồng, trong đó: Có 764 lượt khám chữa bệnh nội trú với số tiền chi trả từ 200-500 triệu đồng/đợt điều trị nội trú. Trong đó có 37 lượt khám chữa bệnh nội trú, có chi phí trên 500 triệu đồng/đợt điều trị, trong đó có 7 lượt khám chữa bệnh có chi phí trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị.

Cụ thể, bệnh nhân có mã thẻ XD2565620222XXX, địa chỉ tại Hoàng Diệu, Vĩnh Nguyên, Nha Trang, Khánh Hòa, thẻ do BHXH tỉnh Khánh Hòa phát hành, thuộc đối tượng người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được ngân sách nhà nước đóng, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24/12/2018 - 25/1/2019, chẩn đoán thiếu yếu tố VIII di truyền, chi phí 1,07 tỷ đồng, trong đó chi phí lớn nhất là tiền thuốc 1 tỷ đồng (thuốc thành phần yếu tố đông máu VIII).

Bệnh nhân số thẻ TA4373721073XXX, địa chỉ tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình, đối tượng thân nhân của tượng được cấp mã CA được ngân sách nhà nước đóng, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội từ ngày 30/10/2018- 8/01/2019, chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, chi phí khám chữa bệnh 1,2 tỷ đồng, chi phí lớn nhất là tiền thuốc 358 triệu đồng (thuốc kháng sinh chống nấm Cancidas 50mg, số tiền là 71,8 triệu đồng; thuốc Colistimetato, số tiền là 67,6 triệu đồng...), vật tư y tế 379 triệu đồng (dịch lọc Prismasol, màng trao đổi oxy (ECMO 14 ngày), quả lọc Prisma flex M100 (CVVH), khung giá đỡ động mạch vành...).

Theo BHXH Việt Nam, người dân khi tham gia BHYT được cơ quan BHXH thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh theo quyền lợi và mức hưởng trong phạm vi chi trả của BHYT theo đúng quy định. Đặc biệt, BHXH Việt Nam luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hồ sơ khám chữa bệnh, qua đó đóng góp vào sự thành công của chính sách an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý quỹ và đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Theo BHXH Việt Nam, người tham gia BHYT chủ động tra cứu quá trình tham gia BHYT, giá trị sử dụng của thẻ BHYT trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam tại địa chỉ ''https://www.baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/''.

Hệ thống giám định cung cấp các chức năng hỗ trợ các cơ sở y tế tra cứu thông tin thẻ BHYT, sử dụng máy quét trực tiếp thẻ BHYT (QR code) để tự động nhận thông tin trên thẻ cập nhật vào phần mềm quản lý khám chữa bệnh, giúp giảm đáng kể thời gian chờ khám chữa bệnh của người dân.

Bệnh viện có thể tra cứu, cập nhật thông tin thay đổi đối với các trường hợp gia hạn thẻ, thay đổi quyền lợi theo các quy định mới hoặc đủ điều kiện miễn cùng chi trả, giúp người bệnh được bảo đảm đầy đủ quyền lợi khám chữa bệnh khi đang điều trị tại bệnh viện.

Cụ thể, cung cấp các chức năng hỗ trợ các cơ sở y tế không có phần mềm quản lý bệnh viện có thể lập hồ sơ thanh toán với người bệnh và đề nghị cơ quan BHXH thanh toán; tiếp nhận kết quả giám định, thanh toán BHYT cùng các bảng thống kê, biểu đồ theo dõi tình hình khám chữa bệnh để Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh khai thác phục vụ công tác quản lý khám chữa bệnh. Phần mềm xét duyệt giải quyết chế độ BHXH ngắn hạn được kết nối với Hệ thống thông tin giám định BHYT để thẩm định giải quyết hồ sơ ốm đau, thai sản theo quy định tại Quyết định 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 của BHXH Việt Nam.

Từ việc ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống hỗ trợ BHXH các tỉnh có cái nhìn tổng quan trong việc chi khám chữa bệnh, sử dụng quỹ, sử dụng dự toán, so sánh được mức độ gia tăng chi phí theo từng chỉ tiêu nội trú, ngoại trú, gia tăng thuốc và các dịch vụ y tế khác ở từng tuyến, hạng bệnh viện trên toàn quốc.

Để đảm bảo minh bạch, công khai quyền lợi người tham gia, ngày 26/11/2018, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-BHXH quy định về thực hiện liên thông các phần mềm trong quản lý chi khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, thực hiện liên thông trên các phần mềm thu và quản lý sổ thẻ, phần mềm giám định, phần mềm kế toán tập trung để quản lý và quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

  1. Vụ sai phạm 67 tỷ đồng: Bộ Công an làm việc với Sở Y tế Gia Lai

Ngày 29/3, nguồn tin Tiền Phong cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã đến Sở Y tế Gia Lai thu thập tài liệu liên quan đến Thông báo 01/TB-UBND (4/1/2013) gây thất thoát 10,7 tỉ đồng ngân sách, trong tổng số sai phạm 67 tỷ đồng xảy ra tại ngành Y tế Gia Lai mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra.

Bộ Công an yêu cầu làm rõ sự tham mưu của Sở Y tế ra sao khi để hình thành Thông báo 01; Lý do gì hình thành Thông báo? Các công văn, văn bản trao đổi của các ban, ngành liên quan đến Thông báo 01//TB-UBND. Được biết, Thông báo 01 này được ông Ngô Ngọc Sinh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai ký.

Liên quan đến thông báo trên, Báo cáo số 11/BC-KV XII của Kiểm toán Nhà nước khu vực 12 (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chỉ rõ: "Thông báo 01 chỉ đạo tổ chức đấu thầu mua thuốc trọn gói, kết quả trúng thầu phải có ít nhất 80% giá trị gói thầu được trúng thầu mới được công nhận. Việc làm này đã làm trái Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) có giá dự thầu cao hơn giá dự thầu của DN khác đủ điều kiện trúng thầu theo quy định. Hậu quả gây thiệt hại 10,7712 tỉ đồng ngân sách".

Trước đó Tiền Phong đã đăng bài phản ánh việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm trong cách chi 67 tỷ đồng tại Sở Y tế Gia Lai. Cụ thể, 7 gói thầu của nguồn vốn Đầu tư phát triển đều bị nâng khống giá trị; gói mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Tâm thần kinh, Sở Y tế Gia Lai mua với giá 16,7 tỷ đồng nhưng KTNN xác định giá trị thực chỉ có 5,6 tỷ đồng, bị chênh hơn 11 tỷ đồng; Giá trị mua sắm thiết bị tại Bệnh viện huyện Chư Pứh được “kê” giá lên đến 22,1 tỷ đồng, trong khi giá trị thực chỉ là 9,5 tỷ đồng,...

Trong số tiền sai phạm 67 tỷ đồng, có việc Sở Y tế Gia Lai tham mưu sai dẫn đến UBND tỉnh Gia Lai ban hành Thông báo 01/TB-UBND ký ngày 4/1/2013, làm thất thoát hơn 10,7 tỷ đồng ngân sách.

Liên quan đến vụ việc trên, trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản 12393/VPCP-V.I ký ngày 21/12/2018, chỉ đạo tỉnh Gia Lai xử lý sai phạm tại ngành Y tế tỉnh Gia Lai. Điều đáng nói, đây là lần thứ 5 Văn phòng Chính phủ chỉ đạo xử lý sai phạm này tại ngành Y tế tỉnh Gia Lai.

  1. Sức khỏe của những trẻ nhập viện vì nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh giờ ra sao?

Trong hàng trăm trường hợp dương tính với kháng thể ấu trùng sán dây lợn, bác sĩ đã chỉ định 17 trẻ ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh ở lại viện điều trị. Chia sẻ trên báo Tiền Phong, TS Trần Thanh Dương- Viện trưởng Viện SR-KST-CT TƯ cho biết, từ ngày 15/3- này 21/3/2019, đã có 1.902 trẻ thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đến khám và xét nghiệm tại Viện. Trong 1602 mẫu xét nghiệm, có 176 mẫu dương tính với kháng thể ấu trùng sán lợn, chiếm 10,9%.

Với những trường hợp dương tính, Viện hẹn người bệnh sau 2 tuần đến khám lại để thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm phân tìm trứng sán, đốt sán, chụp MRI (nếu có dấu hiệu thần kinh) và xét nghiệm ELISA. Cũng trong thời gian từ ngày 17/3-23/3 đã có 17 trường hợp yêu cầu cho nhập viện, trong đó có 7 trường hợp mắc thêm các bệnh ký sinh trùng khác như sán dây chó, ấu trùng giun đũa chó.

Nguồn tin trên cho hay, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ ngày 13/3-22/3 đã có 2.073 bệnh nhân nhi các huyện Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ, Từ Sơn... Bắc Ninh đến khám và xét nghiệm. Trong 2.082 xét nghiệm được thực hiện, có 18,5% dương tính với ấu trùng sán lợn, 5% dương tính với sán lá gan lớn, 8,8% dương tính với ấu trùng sán dây chó và có đến 37,2 % dương tính với ấu trùng giun đũa chó, mèo.

Thông tin trên Zing.vn cho biết, bé Nguyễn Thị Ngọc Diệp (5 tuổi, học sinh trường mầm non Mão Điền) là một trong số bệnh nhi đến từ huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đang điều trị tại viện. Chị Lê Thị Hương (33 tuổi) - mẹ bé Diệp - phải nghỉ việc để cùng con ra Hà Nội nhập viện.

Trước đó, chị cho con gái làm xét nghiệm ngay tại địa phương nhưng chờ lâu chưa có kết quả, trong khi hàng xóm, họ hàng của chị đều đã đưa con ra Hà Nội xét nghiệm sán lợn và có kết quả khiến chị thấp thỏm không yên bởi trong số những người này, đã có nhiều bé dương tính với sán.

4h sáng 23/3, chị quyết định đưa hai con (bé Diệp và người anh trai 8 tuổi) cùng 5 gia đình khác lên Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng - Trung ương làm xét nghiệm. Kết quả cả hai con của chị đều dương tính với sán lợn và được chỉ định nằm viện điều trị.

“Cầm kết quả mà tôi vô cùng hoang mang, thất vọng. Con trai tôi bị nặng hơn nhưng cháu đang học lớp 2 và phải lo thi cuối kỳ nên tôi xin bác sĩ cho thuốc điều trị tại nhà, liệu trình 28 ngày, còn con gái thì nằm viện, đã được 3 hôm nay. Hàng ngày, cháu được bác sĩ cho uống thuốc, liệu trình 15 ngày”, chị Hương cho hay.

Người mẹ này cho biết hai con không có biểu hiện bất thường, chỉ khi cùng dân làng đưa con đi xét nghiệm mới biết mắc sán lợn. Bé Diệp ăn trưa bán trú tại trường mầm non, còn anh trai của bé chỉ ăn tại nhà.

Ở giường bên cạnh, bé Trần Thị Linh Đan (hơn 4 tuổi) cũng là học sinh trường mầm non Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh. Bà Nguyễn Thị Chinh (58 tuổi, bà nội bệnh nhi) cho biết bé Đan được nhập viện từ ngày 19/3 do kết quả dương tính với sán lợn.

“Em gái của bé cũng học cùng trường nhưng không ăn tại trường, cháu được xét nghiệm tại địa phương nhưng chưa có kết quả. Hy vọng cháu không sao. Chứ nằm viện mệt mỏi lắm”, bà Chinh nói.

Đây là 2 trong số 17 trường hợp bệnh nhi đang được điều trị tại viện. Tại đây, hàng ngày các cháu được bác sĩ kê thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế và theo dõi.

"Cháu chỉ mang sán trong người nên cần loại bỏ, còn hiện tại các cháu vẫn khỏe mạnh, ăn uống, vui chơi như những trẻ bình thường", bà Chinh cho biết.

TS.BS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Điều trị chuyên ngành (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho hay hiện tại khoảng 17 cháu ở Thuận Thành, Bắc Ninh đang được điều trị tại khoa.

“Tâm lý bố mẹ khi con bị bệnh lo lắng là điều dễ hiểu, chúng tôi đã khám và tư vấn, trong trường hợp cần thiết mới cho nhập viện. Ngoài sán lợn, các cháu còn mắc các loại giun sán khác. Sau 10 ngày điều trị, các cháu đều tương đối ổn định. Một vài trường hợp tiến triển tốt chúng tôi đã cho ra viện”, TS Thọ thông tin.

  1. Tự chủ tài chính bệnh viện: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Năm 2017, Bệnh viện K được Bộ Y tế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động.  GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K về những kết quả đổi mới trong quá trình tự chủ.

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được trong thực hiện tự chủ tài chính của Bệnh viện K thời gian qua? Đâu là những nguyên nhân giúp Bệnh viện K thực hiện tự chủ tài chính với những kết quả đạt được đó?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Bệnh viện K là bệnh viện hạng I, tuyến trung ương, chuyên khoa đầu ngành Ung bướu, có 3 cơ sở hoạt động với chỉ tiêu kế hoạch giường bệnh được Bộ Y tế giao là 2.400 giường bệnh, trong đó có 1700 giường điều trị nội trú, 300 giường điều trị ban ngày và 400 giường dịch vụ theo yêu cầu.

Từ năm 2017, bệnh viện được Bộ Y tế giao là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, tức là thuộc nhóm 2. Hiện tại, Bệnh viện K đang cùng 3 bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức và Chợ Rẫy xây dựng đề án thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn, tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1), đã trình lên Bộ Y tế và Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ và dự kiến sẽ sớm ban hành Nghị định thí điểm cơ chế tự chủ trên cho 4 bệnh viện.

Với nhiều năm kinh nghiệm thực hiện tự đảm bảo một phần và đặc biệt tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên từ năm 2017, Bệnh viện K đã có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người bệnh nói riêng và người bệnh ung thư nói chung.

Mỗi năm, bệnh viện tiếp đón hơn 400.000 lượt khám bệnh (tăng gần 50% so với thời điểm trước năm 2016), điều trị nội trú cho hơn 45.000 người bệnh (tăng hơn 20% so với thời điểm trước năm 2016).

Báo cáo kết quả về tài chính cho thấy doanh thu của bệnh viện có mức tăng trưởng tốt: năm 2017 tăng hơn 40% và năm 2018 tăng gần 20%. Người bệnh đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện K đã được tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao như chụp PET/CT, xạ trị đa mức năng lượng…

Thưa ông, việc giao tự chủ tài chính đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ là người trả lương, vậy đội ngũ cán bộ, bác sĩ, người lao động Bệnh viện K có những thay đổi nhận thức như thế nào trong phục vụ, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh?

Khi thực hiện tự chủ về tài chính là hoàn toàn không có nguồn cung cấp tài chính từ nguồn NSNN, vậy nên việc thu hút người dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện là điều tối quan trọng. Do vậy, Bệnh viện K với Slogan của Bệnh viện “Trao hy vọng – Nhận niềm tin” đã quyết liệt thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” bằng nhiều giải pháp.

Trong đó, không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, tuyên truyền, giáo dục cán bộ y tế thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của cán bộ y tế; đổi mới quy trình tiếp đón, hướng dẫn người bệnh; thành lập phòng công tác xã hội nhằm kịp thời giải quyết vướng mắc cho người bệnh trong quá trình khám, điều trị…

Bệnh viện coi người bệnh là khách hàng, làm hài lòng khách hàng vì chính họ sẽ là người nuôi bệnh viện cũng như cán bộ nhân viên, đó chính là mấu chốt của vấn đề.

Trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính, Bệnh viện K có gặp vướng mắc, khó khăn gì, thưa ông?

Bên cạnh những thuận lợi thì các đơn vị tự chủ đang còn gặp một số bất cập, khó khăn, vướng mắc như: các văn bản hướng dẫn của các Bộ, Ngành trung ương hiện nay chưa ban hành hướng dẫn chi tiết, đồng bộ về thực hiện cơ chế tự chủ đối với ngành y tế; Số lượng bệnh nhân tăng nhanh nên việc bố trí điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực chưa thật sự đáp ứng được với yêu cầu; Cơ chế phân cấp, phân quyền còn nhiều hạn chế...

Không những thế, nguồn kinh phí hoạt động của bệnh viện chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT). Từ đó, khó khăn trong thanh toán chi phí KCB BHYT là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thực hiện tự chủ tại các bệnh viện chưa thể đạt được hiệu quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế chưa tính đủ chi phí. Hiện giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành giá. Vẫn còn 3 yếu tố chưa được tính vào giá viện phí là khấu hao tài sản - trang thiết bị, điện nước, đào tạo - nghiên cứu khoa học. Nếu giá viện phí được tính đúng, tính đủ thì khi thực hiện tự chủ, bệnh viện sẽ đỡ khó khăn hơn.

Từ thực tế của đơn vị, ông có kiến nghị, đề xuất gì để công tác tự chủ tài chính của các bệnh viện nói chung, trong đó có Bệnh viện K được tốt hơn trong thời gian tới?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Để đảm bảo cho các đơn vị thực hiện tự chủ hiệu quả thì cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt đối với các đơn vị thuộc nhóm 1 theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP (tự đảm bảo toàn bộ tự kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư).

Cần trao quyền cho bệnh viện, tăng mức phân cấp đối với các dự án đầu tư, mua sắm để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo thời gian cũng như quyết định đầu tư có hiệu quả hơn và người bệnh sẽ được hưởng lợi; Cho bệnh viện được phép ban hành mức giá thu dịch vụ khám chữa bệnh tính đúng, tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành giá…

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn về thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần sớm được sửa đổi theo hướng phát huy quyền tự chủ toàn diện; Đồng thời kiện toàn quy trình, thủ tục giám định, thanh quyết toán BHYT để giảm thiểu thời gian, công sức, đổi mới cơ chế sử dụng BHYT theo hướng chi thêm cho quản lý sức khỏe, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật để giảm chi phí KCB.

Xin cảm ơn ông!

  1. Chen nhau xếp hàng từ 3 giờ sáng chờ tiêm vắc xin 6 trong 1

Hàng nghìn người dân Đà Nẵng xếp hàng từ 3 giờ sáng chờ tiêm vắc xin 6 trong 1. Đến đầu buổi sáng, khi TTKSBT Đà Nẵng treo biển thông báo hết vắc xin, dòng người bắt đầu chen lấn, thậm chí xô xát.

Ngày 28.3, từ khoảng 3 giờ sáng, hàng nghìn người dân đã có mặt tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) TP.Đà Nẵng (ảnh) chờ bốc số để tiêm vắc xin dịch vụ 6 trong 1 (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do Hib và bại liệt) cho trẻ.

Đến đầu buổi sáng, khi TTKSBT Đà Nẵng treo biển thông báo hết vắc xin, dòng người bắt đầu chen lấn, thậm chí xô xát. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc TTKSBT Đà Nẵng, cho biết nguyên nhân “vỡ trận” cục bộ là do lượng vắc xin về đợt này vẫn nhỏ giọt, chỉ có 180 liều, trong khi nhu cầu của người dân gấp hàng chục lần.

Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân người dân quay lưng với vắc xin ComBE Five được tiêm miễn phí theo chương trình quốc gia (Đà Nẵng dự trữ hơn 8.000 liều nhưng dùng mới hơn 1/4).

Không chỉ người dân Đà Nẵng ồ ạt đưa con đi tiêm vắc xin dịch vụ 6 trong 1, khi nghe có đợt vắc xin về, nhiều người ở các tỉnh, thành lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên-Huế cũng chen lấn từ nhiều ngày trước ở TTKSBT Đà Nẵng để cho con, cháu tiêm vắc xin (với mức giá gần 1 triệu đồng/mũi).

Sự cố “vỡ trận” vắc xin dịch vụ 6 trong 1 từ sáng sớm (dù đã có lực lượng công an hỗ trợ) khiến TTKSBT Đà Nẵng phải đưa ra thông báo ngừng chương trình tiêm chủng sáng 28.3. Vì vậy, 180 trẻ em trong danh sách bốc số trước đó chỉ được giải quyết tiêm chủng khi trật tự vãn hồi, hàng trăm trẻ khác tiếp tục đưa vào danh sách tiêm đợt sau.

Theo bác sĩ Thạnh, TTKSBT Đà Nẵng đã liên hệ đặt hàng vắc xin 6 trong 1 (theo phân bổ của Bộ Y tế) để tiếp tục phục vụ nhu cầu tiêm ngừa dịch vụ. Tuy nhiên, dự kiến phải tới tháng 5 vắc xin mới về, mà số lượng cũng chỉ 2.000 - 3.000 liều.

  1. Tìm giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế

Ngày 29/3, tại TPHCM, Hội Y học TPHCM và Hội Hành nghề Y tư nhân TPHCM phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Công ty DG Medical tổ chức hội thảo chuyên đề “Ngành y tế cần làm gì để thu hút đầu tư”.   

Theo Ban tổ chức, trong nhiều năm qua, Y tế Việt Nam đã có nhiều đổi mới, phát triển hệ thống y tế và BHYT theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển mạng lưới, trong dự phòng bệnh tật và trong khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

Trong 9 năm qua, Chính phủ đã ưu tiên ngân sách, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ để có bước đầu tư đột phá cho hệ thống khám chữa bệnh. Chính phủ đã đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng cho các dự án cải tạo, nâng cấp bệnh viện. Cơ sở khám chữa bệnh tư nhân phát triển nhanh, từ chỗ không có bệnh viện tư, từ năm 1993 đến nay đã có 206 bệnh viện tư nhân với 15.475 giường bệnh và trên 35.000 phòng khám tư nhân.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong lĩnh vực y tế. Tại TPHCM cũng chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết hợp tác nhằm thu hút vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh hiện đại, chuyển giao công nghệ, đào tạo đội ngũ y bác sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Theo đó, với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa y tế của Chính phủ, kể từ năm 2015 đến nay, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực y tế ngày càng nóng. Rất nhiều thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) có giá trị cao đã được công bố.

Điển hình như trong lĩnh vực bệnh viện, một trong các thương vụ đáng chú ý là Nha khoa Mỹ (NKM) sáp nhập vào Sun Medical Center (SMC), trong lĩnh vực dược phẩm thì có thương vụ Taisho bỏ thêm 3.400 tỷ đồng để nâng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Công ty Dược Hậu Giang lên 56,68%.

Phát biểu tại hội thảo, bác sĩ Dilshaad Ali, Cố vấn chuyên môn, Công ty DG Medical nhấn mạnh, trong thời gian qua Việt Nam đã cho phép đầu tư vào hệ thống y tế để phát triển mạnh các chuyên khoa lâm sàng, cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân. Do đó, nhu cầu của người dân ngày càng tăng đối với các dịch vụ y tế cao cấp. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư cũng đã bắt đầu có được lợi nhuận nhờ đầu tư vào hệ thống khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn những tồn tại trong ngành y tế mà nhiều nhà đầu tư rất quan tâm trước khi quyết định rót vốn. Theo BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hoạt động kết nối trong mạng lưới y tế là rất quan trọng, nhằm phát huy sức mạnh và hiệu quả của hệ thống y tế trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là việc kết nối bệnh viện công – bệnh viện tư. Khi có được sự kết nối này sẽ giảm tải cho các bệnh viện thành phố đồng thời người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Việc kết nối cũng sẽ kích thích các nhà đầu tư bỏ vốn vào các bệnh viện tư nhân, đúng như chủ trương xã hội hóa y tế của thành phố.

Theo đó đòi hỏi ngành y tế Việt Nam nói chung và y tế TPHCM nói riêng phải có giải pháp “kéo ngược” bệnh nhân từ bệnh viện tuyến cuối về bệnh viện tuyến huyện và các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu (bệnh phổ biến, bệnh lý không đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu). Đồng thời, phát triển kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến cuối (bệnh phức tạp, bệnh lý đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu).

Ngoài ra, theo các chuyên gia, hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực y tế, nhưng họ mong muốn Việt Nam đơn giản hóa thủ tục đầu tư, thuận tiện cho họ khi muốn bỏ vốn vào các ngành, trong đó có ngành y tế. Như vậy, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh để trở thành điểm đến đầu tư y tế hấp dẫn.

  1. Đơn giản hóa thủ tục để thu hút đầu tư vào y tế

Tại hội thảo chuyên đề Ngành y tế cần làm gì để thu hút đầu tư diễn ra tại TPHCM vào sáng 29-3, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực y tế nhưng họ mong muốn Việt Nam đơn giản hóa thủ tục đầu tư.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong thời gian qua, ngành y tế TP đã có nhiều chính sách xã hội hóa, thu hút sự đầu tư của các nguồn lực bên ngoài vào các cơ sở y tế công lập. Đặc biệt là sự hợp tác giữa các bệnh viện công và bệnh viện tư. Điển hình như sự kết hợp giữa Bệnh ung Ung bướu và Bệnh viện Hồng Đức, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115.

Những sự phối hợp này bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định khi người dân được khám chữa bệnh bởi đội ngũ bác sĩ công lập có trình độ cao trong khi người bệnh được hưởng chất lượng dịch vụ ngang hàng với bệnh viện tư. Điều này vừa góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối vừa kích thích các nhà đầu tư bỏ vốn vào các bệnh viện tư nhân, đúng như chủ trương xã hội hóa y tế của TP.

Tuy nhiên theo bác sĩ Dilshaad Ali, Cố vấn chuyên môn của Công ty TNHH DG Medical - nhà cung cấp các giải pháp y khoa toàn diện tập trung vào các quốc gia phát triển mạnh tại Đông Nam Á cho rằng, dù Việt Nam đã có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết hợp tác nhằm thu hút vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh hiện đại, chuyển giao công nghệ, đào tạo đội ngũ y bác sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân tuy nhiên đến nay sự đầu tư vào lĩnh vực y tế vẫn chưa xứng tầm mà nguyên nhân vẫn nằm ở chính sách. “Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận tiện cũng như cơ chế cạnh tranh công bằng để các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực y tế”- bác sĩ Dilshaad Ali cho hay.

Cùng với đó, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho rằng, hiện nay hành lang pháp lý của Nhà nước đối với việc đầu tư vào ngành y tế vẫn chưa thật sự rõ ràng, cụ thể để có thể chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư khiến họ e dè khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.

Bác sĩ Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội hành nghề y tế tư nhân TPHCM cho rằng, ngoài hành lang pháp lý, để thu hút sự đầu tư của các nguồn lực bên ngoài vào y tế hoặc sự phối hợp công – tư, Nhà nước cũng cần mở rộng thêm mức chi trả bảo hiểm y tế, đặc biệt đối với các cơ sở y tế tư nhân. Ngoài ra, chính sách Bảo hiểm y tế cũng cần mở rộng đến các đối tượng là các phòng khám tư nhân bởi đây là mạng lưới y tế giải quyết rất hiệu quả nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

  1. Quảng Nam tăng cường công tác phòng chống dịch sởi

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã phát hiện 5 trường hợp dương tính với bệnh sởi. Dù chưa công bố dịch, tuy vậy, ngành y tế tỉnh này đã lên phương án và tích cực chỉ đạo công tác để phòng chống dịch sởi, tránh tình trạng bùng phát và lây lan.

Theo ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam), tính đến ngày 22.3, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam đã phát hiện được 5 ca dương tính với bệnh sởi.

“Từ đầu tháng 1.2019 đến nay, CDC Quảng Nam đã ghi nhận có 16 ca sốt phát và được đi nhập viện tại các cơ sở khám chữa bệnh. Chúng tôi đã chỉ đạo lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Trong số 5 ca dương tính với sởi được phát hiện thì có một trường hợp làm việc ở TP.Hồ Chí Minh về quê ăn tết. Hiện số ca mắc nằm rải rác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nên chúng tôi vẫn chưa công bố ổ dịch…” - ông Quang cho hay.

Cũng theo ông Quang, dịch sởi thường có chu kỳ 4 - 5 năm/lần. Hiện nay trên phạm vi cả nước, bệnh sởi đang có dấu hiệu gia tăng ở người lớn. Nguyên nhân hoặc là do chưa từng tiêm vắc xin sởi, hoặc là chưa mắc sởi lúc còn nhỏ nên chưa có miễn dịch đầy đủ.

Được biết, với 5 ca dương tính với dịch sởi mà Quảng Nam phát hiện nằm trên địa bàn các huyện Phú Ninh, huyện Tiên Phước và TP.Tam Kỳ.

Ông Phan Đình Mỹ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh - cho biết: “Phú Ninh đã ghi nhận được hai trường hợp bệnh nhân dương tính với dịch sởi. Để ngăn ngừa, trung tâm hướng dẫn người nhà vệ sinh, đưa trẻ trong gia đình đến tiêm phòng.

Bên cạnh đó, từ ngày 24 - 29.3, chúng tôi cũng tổ chức tiêm phòng dịch sởi tại các trường học và trạm y tế trên toàn huyện Phú Ninh. Những đối tượng chưa được tiêm trong các ngày này, trung tâm sẽ tổ chức tiêm vét ở các ngày tiếp theo”.

Theo ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, để chủ động khống chế, ngăn ngừa bệnh sởi bùng phát, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các trung tâm y tế ở các địa phương tăng cường công tác khám, nhất là các ca sốt phát ban thì cần phải phân loại để đảm bảo phát hiện đúng bệnh.

“Ngoài việc bảo đảm đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, thuốc phục vụ công tác điều trị, Sở Y Tế tỉnh Quảng Nam đã tích cực chỉ đạo các cơ sở y tế nhanh chóng tiêm phòng vắc xin sởi, nhất là đối tượng là trẻ em….” - ông Hai cho biết.


Thăm dò ý kiến