Điểm tin y tế tháng 10.2019

01/10/2019 | 14:55 PM

 | 

1.  Ổ bệnh bạch hầu bất ngờ xuất hiện tại Đắk Lắk

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 4 ca bệnh bạch hầu, trong đó có một ca tử vong.

Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản
Bình Phước: Thêm 2 xã xuất hiện dịch bệnh bạch hầu

Hiện, ngành chức năng tỉnh này đang khẩn trương triển khai các biện pháp dập ổ bệnh; tổ chức điều trị cho bệnh nhân và cấp phát thuốc cho người dân vùng có bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan.

Cả gia đình nhiễm bệnh

Theo đó, vào khoảng 12h15 ngày 29/8, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhân H’Si Yan (SN 2013, ngụ buôn H’Ring, xã Ea H’Đinh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thở khò khè, họng có nhiều giả hạc trắng, bóc ra chảy máu. Đến 14h30 cùng ngày, bệnh nhân H’SiYan chuyển nặng, tiên lượng xấu, theo dõi bạch hầu. Đến đêm cùng ngày, bệnh nhân lên cơn khó thở, phản xạ kém, chuẩn đoán bạch hầu thanh quản, suy hô hấp cấp độ 4. Đến rạng sáng ngày 30/8, bệnh nhân tử vong và kết luận nghi do bạch hầu.

Ông Nguyễn Hữu Nhất - Chủ tịch UBND xã Ea H’Đinh cho biết, trong quá trình làm tang lễ cho nạn nhân, có 11 người sau khi đến đám tang xuất hiện những triệu chứng sốt. Những người này sau đó được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để theo dõi và điều trị. Quá trình kiểm tra, ít nhất có cha, mẹ của cháu H’Si Yan và một em nhỏ họ hàng của gia đình dương tính với bệnh bạch hầu.

Ngay sau đó, chính quyền xã Ea H’Đinh đã tổ chức đặt biển cách ly, hạn chế người dân qua lại khu vực gần nhà nạn nhân; tuyên truyền vận động cho người dân hạn chế đến thăm, viếng tại nhà nạn nhân. Đồng thời, khuyến cáo những trường hợp trong xã Ea H’Đinh xuất hiện triệu chứng sốt, đau họng cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và cách ly điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu tại tỉnh Đắk Lắk khiến một bệnh nhân tử vong, mới đây, đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) do ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ngành y tế tỉnh Đắk Lắk.Tại buổi làm việc, ông Phu đề nghị ngành y tế tỉnh Đắk Lắk thống kê tất cả các trường hợp nghi nhiễm bệnh, có biểu hiện sốt, đau họng, viêm họng; đồng thời khám kỹ, lấy mẫu để xác định bệnh, sau đó sàng lọc, phân loại sắp xếp cách ly điều trị ở khu riêng biệt. Cùng với đó là tiến hành tổng lực các biện pháp, từ tuyên truyền đến dịch tễ và điều trị tích cực, thông báo trên phạm vi toàn tỉnh.

Đồng thời, kết hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để chuẩn đoán phát hiện xem đó có phải bệnh bạch hầu hay không. “Càng phát hiện sớm bao nhiêu, càng điều trị tích cực ngay từ đầu bao nhiêu và càng khoanh ổ dịch tốt bao nhiêu thì càng không bị lây lan dịch.

Biện pháp quan trọng nhất, trước mắt là phải tiến hành giám sát, điều trị cách ly và phải uống thuốc phòng cho tất cả những người có tiếp xúc, những người có liên quan; tiêm vaccine. Biện pháp quan trọng nữa là vấn đề vệ sinh, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa, vệ sinh quần áo”, ông Phu cho biết.

Biểu hiện và cách phòng ngừa

Theo ông Phu, trước đây, bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước.Từ khi vắc xin phòng bệnh bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Hiện bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Bạch hầu là bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang vi trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như: sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2 - 3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Người mắc bệnh bạch hầu khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, độc tố bạch hầu có thể gây các tổn thương: viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch.

Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim. Bệnh cũng khiến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận. Đặc biệt, gây tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong trong vòng 6 - 10 ngày. Để phòng bệnh bạch hầu, ông Phu cho biết, biện pháp duy nhất là tiêm phòng vắc xin phòng bệnh.

Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib/vắc xin Combefive, SII); hoặc vắc xin phối hợp phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT); hoặc vắc xin uốn ván - bạch hầu (TD) đầy đủ đúng lịch.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế (1197)

2.  Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh sốt xuất huyết ở mức cao, bệnh tay chân miệng vào mùa

Ngày 14/9, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đang có chiều hướng phức tạp khi bệnh sốt xuất huyết đang ở mức cao, còn bệnh tay chân miệng đã bắt đầu vào mùa.

Tính đến cuối tháng 8/2019, tổng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 7.833 ca, tăng 18% so với tháng 7. Tích lũy trong 8 tháng qua, Thành phố ghi nhận 39.814 ca  mắc sốt xuất huyết gồm 22.894 ca nội trú và 16.920 ca ngoại trú; tăng 142% so với cùng kỳ năm 2018. Đây được xem là thời gian cao điểm của dịch bệnh này bởi thời tiết mưa nắng đan xen, thuận lợi cho muỗi vằn phát triển. “Cùng với bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng theo mùa. Tháng 8, tháng 9 là thời điểm  bệnh tay chân miệng tăng cao do trẻ em trở lại trường học sau khi nghỉ hè”, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 8 qua, toàn thành phố ghi nhận 3.088 ca mắc tay chân miệng, tăng 115% so với tháng trước (1.438 ca). Tích lũy từ đầu năm, số ca mắc tay chân miệng là 9.718 ca và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Để phòng tránh dịch bệnh lây lan, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, các trường học cần tuân thủ thực hiện việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học, đặc biệt là việc theo dõi giám sát, phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời. Phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học ở nhà khi có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng và thông báo rõ lý do cho nhà trường để phòng chống bệnh lây lan.

Sở Y tế cũng đã ký kế hoạch liên kết với với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi trong khu vực trường học, nhóm trẻ.

Với dịch bệnh sốt xuất huyết, để hạn chế số ca mắc, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đồng thời 3 chiến dịch gồm: Chiến dịch xử lý điểm nguy cơ theo phương pháp phân loại mới 2019; chiến dịch phun hóa chất diện rộng kết hợp diệt lăng quăng triệt để tại các ổ dịch và chiến dịch “Thanh niên xung kích” tại các đơn vị có cơ sở Đoàn, tại hộ gia đình của Đoàn viên thanh niên và trên địa bàn dân cư khu phố, ấp. Phương châm của các chiến dịch này là “Cuối tuần không lăng quăng, cả tuần không có muỗi”  để đạt được mục tiêu “không có lăng quăng, không có muỗi, không có bệnh sốt xuất huyết”. (525)

3.  Bệnh tay chân miệng, hô hấp gia tăng

Ngày 13.9, Trung tâm y tế (TTYT) dự phòng TP.HCM cho biết trong tháng 8 toàn TP có 3.088 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), tăng rất cao so với tháng 7 (chỉ 1.438 ca); chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi.

Theo trung tâm, tháng 8 và 9 là thời điểm bệnh TCM tăng cao. Đây cũng là thời điểm trẻ em vào năm học mới, vì vậy các trường cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học, đặc biệt theo dõi phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời. Sở Y tế TP chỉ đạo y tế các quận huyện triển khai phòng chống bệnh TCM. Sở đã ký kế hoạch với Sở

GD-ĐT triển khai các hoạt động phòng chống bệnh TCM, sốt xuất huyết và sởi trong khu vực trường học, nhóm trẻ. Tăng cường các biện pháp hiệu quả phòng chống lây lan TCM trong trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ.

Các bệnh đường hô hấp trẻ em cũng vào mùa cao điểm. Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết tại khoa hô hấp của hai bệnh viện này có từ 250 - 300 ca/ngày. TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bệnh hô hấp xảy ra nhiều từ tháng 8 – 11 (245)

4.  Nam Định: Dịch sốt xuất huyết có nguy cơ phát triển từ bệnh nhân ngoại lai

Mặc dù dịch sốt xuất huyết tại Nam Định vẫn đang trong phạm vi khống chế, nhưng theo Sở Y tế Nam Định dịch sốt xuất huyết tại Nam Định vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt là nguy cơ lây bệnh từ số bệnh nhân mang bệnh từ tỉnh ngoài về.

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Nam Định, từ đầu tháng 8 đến nay trên địa bàn tỉnh có tổng số 79 ca bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết điều trị ở các cơ sở y tế trong tỉnh. Tại khu vực thành phố Nam Định phát hiện 2 ổ dịch sốt xuất huyết nội địa ở hai phường Trần Đăng Ninh và Vị Xuyên. May mắn là các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện, điều trị kịp thời, chưa xảy ra trường hợp tử vong nào.

Ông Khương Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Định cho biết, hai ổ dịch sau khi được phát hiện đã được cơ quan chức năng tiến hành bao vây, dập dịch, tổ chức phụ hoá chất và vệ sinh môi trường toàn khu vực để ngăn dịch lây lan, tái phát trở lại. Hiện mức độ dịch sốt xuất huyết tại Nam Định vẫn đang trong phạm vi khống chế của ngành y tế.

Cũng theo ông Vinh, dịch sốt xuất huyết tại Nam Định vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhất là nguy cơ lây bệnh từ số bệnh nhân mang bệnh từ tỉnh ngoài về.

Số liệu thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, nơi tiếp nhận, điều trị phần lớn các ca bệnh sốt xuất huyết của tỉnh Nam Định cũng cho thấy nguy cơ lây bệnh từ phía ngoại lai. Cụ thể, từ tháng 8 đến nay trong 66 ca bệnh sốt xuất huyết bệnh viện đã thu dung thì chỉ có 23 ca nội địa (bệnh nhân ở huyện nam Trực, Giao Thuỷ và thành phố Nam Định), còn lại đều là bệnh nhân ngoại lai, mang bệnh từ tỉnh khác (chủ yếu là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc) về Nam Định.

Trên cơ sở đó, Sở Y tế Nam Định cảnh báo người dân phải rà soát bạn bè, người thân ở nơi khác về có nằm trong vùng mắc bệnh sốt xuất huyết không. Đặc biệt, khi thấy có các triệu chứng như: Sốt cao đột ngột; đau đầu (thường đau sau hố mắt); mệt mỏi, đau cơ, khớp; buồn nôn và nôn; nổi mẩn ở cánh tay, chân và ngứa; chảy máu cam, chân răng hoặc kinh nguyệt kéo dài) cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám chữa bệnh. Đồng thời, báo ngay với cơ sở y tế địa phương để thực hiện các biện pháp phòng dịch, tránh dịch lây lan ra cộng đồng (495)

5.  Bệnh viện thiếu dịch cao phân tử trị sốt xuất huyết

Bệnh viện các tỉnh Đồng Nai, An Giang, Bến Tre... còn rất ít dịch cao phân tử Refortan trị sốt xuất huyết cho bệnh nhân nặng.

Ngày 14/9, bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết dịch cao phân tử chữa sốt xuất huyết khả năng chỉ đáp ứng nhu cầu điều trị khoảng 2 tuần nữa. Năm nay bệnh nhân sốt xuất huyết ở viện tăng 300% so với 2018."Bệnh viện đã mua lại thuốc một số bệnh viện xung quanh, đặc biệt là từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM nhưng chỉ là biện pháp tạm thời vì việc thiếu thuốc xảy ra ở hầu hết bệnh viện phía Nam", bác sĩ Hà nói. 

Sở Y tế Đồng Nai thông tin tình trạng thiếu hụt dịch cao phân tử xảy ra ở nhiều bệnh viện của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận hơn 13.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gần 2,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái, có 2 ca tử vong. Số bệnh nhân dưới 15 tuổi chiếm gần 55%.

Tiến sĩ Trần Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi An Giang, cho biết dịch cao phân tử Refortan hiện trong kho chỉ còn vài chục chai, dự kiến dùng trong khoảng vài tuần. "Tình hình điều trị sốt xuất huyết hiện rất căng, bệnh viện đang chờ Sở Y tế xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế để xử lý", bác sĩ Hiền nói.

Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre, cũng mua dịch cao phân tử của một số bệnh viện khác sau khi nhận được thông báo ngưng cung ứng từ công ty nhập khẩu. Nếu bệnh sốt xuất huyết tăng cao điểm, lượng thuốc chỉ có thể duy trì trong vài tuần.

Theo bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, trung bình mỗi tháng bệnh viện dùng khoảng 60-70 chai dịch cao phân tử, có thể tăng hơn trong những tháng cuối năm vì lượng bệnh sốt xuất huyết nhiều. "Theo hợp đồng, từ đây đến cuối năm bệnh viện được cung cấp 450 chai, nếu đúng theo dự trù thì mới có thể đủ dùng", bác sĩ Hằng nói.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bệnh viện có khoảng dự trữ để điều trị nên hiện dịch cao phân tử đáp ứng được yêu cầu. Bệnh viện cũng đã hỗ trợ một phần cho các bệnh viện tỉnh và đề nghị các đơn vị điều trị báo cáo cho Sở Y tế, Bộ Y tế để có hướng giải quyết kịp thời.

Dịch cao phân tử Refortan là thuốc nằm trong phác đồ điều trị sốt xuất huyết nặng, giúp chống sốc. Nhà cung ứng thuốc thông báo tạm ngưng với các bệnh viện vì đang vướng thủ tục nhập khẩu. (505)

6.  3 trẻ tưởng quai bị hoá nhiễm vi khuẩn chết người

Cả 3 cháu bé được đưa đến bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An với biểu hiện sốt, sưng đau tuyến mang tai nhầm tưởng là quai bị. Các bác sĩ tiến hành nuôi cấy, định danh bệnh nhi nhiễm loại vi khuẩn Whitmore chết người tồn tại nhiều trong bùn đất. Nhiễm loại vi khuẩn này, tỉ lệ tử vong lên đến 40% - 60%.

Theo thống kê tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, từ tháng 7/2019-9/2019 bệnh viện đã phát hiện và điều trị cho 3 trường hợp mắc bệnh Whitmore .

Trong đó, bệnh nhi Nghiêm Thanh Tuấn (14 tuổi, Đức Thọ - Hà Tĩnh) sau 50 ngày điều trị đã được xuất viện. Hai bệnh nhi còn lại là cháu  Hoàng Văn Cao (10 tuổi, xã Thanh ngọc, Thanh Chương, Nghệ An) và cháu Nguyễn Công Hào (11 tuổi, xã Công Thành, Yên Thành, Nghệ An) hiện đang được theo dõi và điều trị tại khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.

Cả 3 trường hợp này được gia đình đưa đến viện trong tình trạng sưng đau viêm tuyến nước bọt mang tai. Vì nhầm tưởng là quai bị, trẻ đều được cho điều trị tại nhà, đến khi sốt cao, sưng to tuyến mang tai, hạ sốt không đáp ứng gia đình mới đưa tới bệnh viện. Kết quả cấy mủ, xét nghiệm máu phát hiện dương tính với căn bệnh Whitmore.

BS Nguyễn Thị Huyền Ngân, khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết, do biểu hiện sưng đau tuyến mang tai nên nhiều  cha mẹ nghĩ con mắc bệnh quai bị mà không biết đó là bệnh nhiễm khuẩn Whitmore. Khi trỗi dậy trong cơ thể người và gây bệnh, loại vi khuẩn này dễ gây nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm màng não, apxe đa ổ và diễn tiến nhanh bởi tình trạng nhiễm trùng máu và sẽ vô cùng nguy kịch cho người bệnh nếu không được điều trị tình trạng nhiễm trùng này.

Tỷ lệ tử vong của bệnh Whitmore có thể lên đến 40% - 60%. Ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao tĩnh mạch kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2-4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.

BS Ngân cho biết thêm, Whitmore là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei.  Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác như: bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...khác. 

Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỉ lệ tử vong do Whitmore cao.

Cần lưu ý, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei có trong đất, bùn, hiện tại đang mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Trong thực tế, số ca bệnh Whitmore thường tập trung vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11. Do đó, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da, xuất hiện biểu hiện sốt, nhiễm trùng... cần nghĩ đến nguy cơ bệnh Whitmore để làm các chẩn đoán xét nghiệm loại trừ, kịp thời phát hiện và điều trị sớm

Ở những vùng có bệnh Melioidosis lưu hành, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch (như AIDS, ung thư, những bệnh nhân hóa trị ...) nên tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực trang trại. (679)

7.  Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị ba ca bệnh nhiễm Whitmore

Theo thống kê tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, từ tháng 7 đến tháng 9/2019, Bệnh viện đã phát hiện và điều trị cho 3 ca mắc chứng bệnh Melioidosis (hay bệnh Whitmore - vi khuẩn ăn thịt người).

Theo đó, các bệnh nhân gồm: Nghiêm Thanh T (14 tuổi, ở Đức Thọ, Hà Tĩnh) điều trị 50 ngày, đã được xuất viện; hai cháu Hoàng Văn C (10 tuổi, ở Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An) và Nguyễn Công H (11 tuổi, ở Công Thành, Yên Thành, Nghệ An) hiện đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Cả ba trường hợp khi đến viện đều trong tình trạng bệnh cảnh áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai, bệnh tình đã nặng do điều trị như mắc quai bị tại nhà; khi được các bác sỹ cấy mủ, xét nghiệm máu thì phát hiện dương tính với Whitmore.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Bệnh Melioidosis (hay bệnh Whitmore) là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei (còn gọi là Pseudomonas pseudomallei) gây bệnh cảnh nhiễm trùng máu. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác nhưng có thể gây tử vong nhanh chóng. Tỷ lệ tử vong của bệnh Whitmore có thể lên đến 50 - 60%.

Hiện tại đang mùa mưa, thời điểm thuận lợi để vi khuẩn Whitmore phát triển. Đáng lưu ý, các triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, khó chẩn đoán nên dễ bị nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu... Ngay cả khi được chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao tĩnh mạch kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2-4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.

Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng. Hiện nay, bệnh Whitmore không có vaccine và không phương pháp phòng bệnh đặc hiệu, trong khi bệnh lại dễ bị lây nhiễm khi tiếp xúc với các vi khuẩn mang bệnh qua da trầy xước, đường hô hấp, ăn uống.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân khuyến cáo: Các ca bệnh Whitmore thường tập trung vào mùa mưa, từ tháng 7-11. Do đó, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng như sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi..., cần đến các cơ sở y tế để chẩn đoán sớm.

Việc điều trị bao gồm dùng kháng sinh, phẫu thuật, tùy thuộc vào vị trí và mức độ của bệnh. Đối với những bệnh nhân nặng hơn, cần điều trị kết hợp hai trong số các loại kháng sinh trong thời gian kéo dài đến 12 tháng. Ở những vùng có bệnh Melioidosis lưu hành, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch (như AIDS, ung thư, những bệnh nhân hóa trị...) nên tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực trang trại. (653)

8.  Sản phụ tử vong sau mổ lấy thai do thuyên tắc ối

Tối 13/9, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, cho biết nguyên nhân sản phụ V.T.B.L. tử vong sau ca mổ lấy thai ngày 13/7 được xác định do thuyên tắc ối.

Trước đó, sản phụ V.T.B.L., 26 tuổi, ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh nhập viện Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tây Sơn lúc 8h ngày 13/7 do đau trằn bụng dưới, bệnh nhân tỉnh, da niêm mạc hồng, nhịp tim đều, phổi không nghe âm bệnh lý, tim thai 140 lần/phút, cổ tử cung mở 1 cm, ngôi đầu cao, tiên lượng sinh khó; các xét nghiệm cận lâm sàng trong giới hạn bình thường. 

Đến hơn 13h cùng ngày, sản phụ được chỉ định mổ lấy thai, đến 14h45 được chuyển ra phòng hậu phẫu. Nhưng chỉ 15 phút sau, sản phụ xuất hiện co giật toàn thân, lơ mơ, mạch 108 lần/phút, SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) 93%, huyết áp 180/100 mmHg, nhịp thở 28 lần/phút.

Sau xử trí của bác sĩ, sản phụ tiếp tục co giật toàn thân, hôn mê sâu, tim rời rạc, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Hội chẩn bệnh viện chẩn đoán sản phụ bị suy tuần hoàn hô hấp cộng co giật chưa rõ nguyên nhân nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, đến phòng cấp cứu của bệnh viện này thì sản phụ đã tử vong.

Kết luận kiểm thảo tử vong của TTYT huyện Tây Sơn nêu: Từ khi xảy ra tai biến, diễn tiến bệnh nhanh, bất thường, việc xác định, chẩn đoán nguyên nhân tai biến khó khăn, nghĩ đến thuyên tắc ối; ngộ độc thuốc tê; sốc thuốc tê.

Trước đó, vào tối 13/7, gia đình sản phụ V.T.B.L. bức xúc cho rằng, có sự bất thường sau ca mổ đẻ của TTYT huyện Tây Sơn khiến sản phụ tử vong và yêu cầu cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tối cùng ngày, cơ quan chức năng đã tiến hành giải phẫu tử thi.

Theo Sở Y tế Bình Định, căn cứ theo y văn, khi đã bị thuyên tắc ối gần như không cứu được. Sở Y tế Bình Định đã báo cáo Bộ Y tế, UBND tỉnh Bình Định và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Mặt khác, yêu cầu TTYT huyện Tây Sơn thực hiện ghi chép hồ sơ bệnh án kịp thời, đầy đủ; trường hợp bệnh nặng chuyển viện nên có bác sĩ đi cùng để xử trí kịp thời. Sở Y tế Bình Định cũng chỉ đạo trong toàn ngành rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ghi chép hồ sơ bệnh án, công tác chuyển viện. (468)

 

9.  Phát hiện bánh pía sầu riêng nhiễm khuẩn gây ngộ độc

Ngày 14/9, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định thu hồi sản phẩm bánh pía sầu riêng trứng Sông Trăng vì nhiễm khuẩn Bacillus Cereus vượt mức cho phép.

Trước đó, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng tiến hành thanh tra về an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố.

Tại cơ sở bánh pía Sóc Trăng trên đường Lê Độ (quận Thanh Khê), đoàn đã lấy mẫu bánh pía sầu riêng trứng Sông Trăng, ngày sản xuất 21/8-/2019, hạn sử dụng ngày 20/10/2019, tên cơ sở và địa chỉ ghi trên nhãn là Công ty TNHH Bánh Pía-lạp xưởng Hải Sơn (địa chỉ xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, mẫu bánh pía sầu riêng trứng Sông Trăng có chỉ tiêu Bacillus Cereus vượt mức cho phép.

Được biết, Bacillus Cereus là vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm với nhiều mức độ khác nhau.

“Sản phẩm bánh pía này được cung cấp thường xuyên cho thị trường nhưng dịp Trung thu này có mức độ tiêu thụ nhiều hơn do người dân mua làm quà biếu”, ông Hải cho biết thêm. (246)

10.  Ngang nhiên quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Slim Cường Anh trên website 'trôi nổi'

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đưa ra khuyến cáo cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Slim Cường Anh trên một số website.

Thời gian vừa qua trên các website: https://cuonganhauthentic.com, https://cuonganh.com, https://www.cuonganh.vn quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Slim Cường Anh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Thảo Mộc Cường Anh sai quy định của pháp luật, các nội dung quảng cáo về sản phẩm, công dụng sản phẩm không đúng theo nội dung hồ sơ công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Sản phẩm này được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch Vụ Cường Anh Authentic (địa chỉ: Tầng 4, Số 696, Phố Quang Trung, Phường La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm đã mời Công ty lên làm việc, tuy nhiên Công ty khẳng định các website: https://cuonganhauthentic.com, https://cuonganh.com, https://www.cuonganh.vn không phải là của Công ty, Công ty không thực hiện quảng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Slim Cường Anh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Thảo Mộc Cường Anh trên các website này.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Slim Cường Anh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Thảo Mộc Cường Anh trên các trang website/internet nêu trên.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng đưa ra khuyến cáo sản phẩm FOY (Fountain of Youth) hiện chưa được cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm nhận được thông tin phản ánh về một loại thực phẩm chức năng được cho là “tiên dược” trắng da đang rao bán rầm rộ trên thị trường mạng. Sản phẩm này có tên FOY (Fountain of Youth) của FOY International Inc, được giới thiệu lấy nguyên liệu từ Thụy Sỹ, sản xuất tại Mỹ.

Sau khi nhận được phản ánh nêu trên, Cục An toàn thực phẩm đã rà soát dữ liệu công bố sản phẩm, xác định từ năm 2014 đến nay sản phẩm có tên FOY (Fountain of Youth) của FOY International Inc chưa được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm/Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. Như vậy sản phẩm này chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.

Sản phẩm tên FOY được quảng cáo với công dụng mang lại một làn da trắng sáng trẻ trung căng bóng, các vết nám mờ đi rất nhanh sau một thời gian ngắn sử dụng, chắc chắn sẽ làm hài lòng những ai muốn có làn da thật đẹp, trắng sáng. Ngoài các công dụng làm đẹp, “chống lão hóa, phục hồi da” tiên dược FOY còn có các lợi ích “siêu nhiên” như: Sửa chữa các tế bào phá hủy gốc tự do, do đó, làm chậm quá trình lão hóa; Tạo trẻ hóa sâu và lâu dài; Tái tạo tế bào, mô và cơ quan; Trì hoãn thời kỳ mãn kinh và giảm hội chứng tiền mãn kinh, dấu hiệu lão hóa; Đổi mới thỏa mãn tình dục; Tăng cường sức chịu đựng và mức năng lượng, giúp bạn không cảm thấy mệt mỏi dễ dàng…

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm tên FOY (Fountain of Youth) của FOY International Inc, nếu phát hiện việc lưu hành sản phẩm bất hợp pháp đề nghị thông báo ngay cho cơ quan chức năng tại địa phương để xử lý theo quy định. (700)

11.  Bát nháo tại một số phòng khám đa khoa có bác sĩ Trung Quốc

Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa tiếp tục kiểm tra phòng khám đa khoa (PKĐK) Hoàn Cầu thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Y tế Hoàn Cầu (địa chỉ số 80-82 Châu Văn Liêm, phường 11, quận 5) và xử phạt công ty này 72 triệu đồng; đồng thời buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động.

Trong thời gian qua, PKĐK này đã liên tục vi phạm các hành vi tương tự trên về các quy định trong hoạt động khám, chữa bệnh. Và dù nhiều lần bị xử phạt, phòng khám này vẫn liên tục vi phạm và ngang nhiên "móc túi" bệnh nhân.

"Vẽ" bệnh để thu tiền

Vào đầu tháng 7-2019, một nam bệnh nhân tên V.Đ.V (26 tuổi, quê Quảng Nam) đã tố cáo đội ngũ y tế ở PKĐK Hoàn Cầu "vẽ" bệnh thu tiền. Theo anh V., do có nghi ngờ mình bị mắc bệnh nam học nên anh đã tìm đến PKĐK Hoàn Cầu để kiểm tra.

Tại đây, nhân viên phòng khám cho biết anh bị dài bao quy đầu phải tiến hành tiểu phẫu. Trong khi tiến hành làm tiểu phẫu, các nhân viên của phòng khám này lại tiếp tục hối thúc anh V. ký vào nhiều loại giấy tờ khác với các liệu trình chữa bệnh để thu tiền hàng chục triệu đồng.

Mặc dù mất nhiều tiền để chữa trị, nhưng sau đó bệnh của anh V. vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn bị nặng hơn. Lý do theo anh V. là vì người của phòng khám đã băng bó sơ sài và chữa trị không đạt dẫn đến phần dương vật của anh bị đau buốt…

Sau khi kiểm tra, đầu tháng 7-2019, PKĐK Hoàn Cầu đã bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xử phạt 31 triệu đồng, đồng thời buộc tháo gỡ, xóa những quảng cáo không đúng sự thật, không đúng với chuyên môn cho phép…

Trước đó, một nạn nhân khác tên T.N.T.H. (ngụ quận 4) cũng tố bị nhân viên của PKĐK Hoàn Cầu "vẽ" bệnh thu tiền khi khám và chữa phụ khoa tại đây. Sau khi được thăm khám và nghe bác sĩ ở đây "vẽ" ra đủ thứ bệnh, chị H. đã được các bác sĩ tại phòng khám này phẫu thuật cổ tử cung và phẫu thuật nang với tổng chi phí lên tới 40,9 triệu đồng, bao gồm tiền phẫu thuật, hút dịch và thêm 1,5 triệu truyền thuốc.

Thấy vô lý, sau đó chị H. tới Bệnh viện Phụ sản Q.T. kiểm tra, căn cứ kết quả siêu âm trước phẫu thuật của PKĐK Hoàn Cầu, các bác sĩ ở bệnh viện này nhận định, cổ tử cung bệnh nhân H. không loét, không có nang naboth. Vậy nhưng, bác sĩ của PKĐK Hoàn Cầu lại vẽ ra đủ thứ bệnh rồi chỉ định phẫu thuật như trên cho bệnh nhân để thu mức phí cao ngất…

Đề cập đến những sai phạm liên tiếp của phòng khám này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Hiện Sở Y tế thành phố đã có kiến nghị Bộ Y tế rút giấy phép vĩnh viễn đối với những phòng khám vi phạm nhiều lần".

Mức độ xử phạt mới chỉ ở phần ngọn?

Cuối tháng 8-2019, PKĐK Hồng Phong (số 160-162 Lê Hồng Phong, phường 3, quận 5) lại tiếp tục bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xử phạt số tiền 70 triệu đồng về hàng loạt hành vi như vẽ bệnh để "móc túi" bệnh nhân, lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật và quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...

Một trường hợp khác nghiêm trọng hơn - PKĐK Khang Thái (số 87-89 đường Thành Thái, phường 14, quận 10) vốn có nhiều sai phạm, vào giữa tháng 5-2019, lại tiếp tục bị Thanh Tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ra quyết định tước giấy phép hoạt động của phòng khám thời hạn 6 tháng và phạt 270 triệu đồng.

Theo đó, PKĐK Khang Thái bị Thanh tra Sở Y tế phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng... Đặc biệt, dù đang trong thời gian tạm đình chỉ hoạt động, nhưng phòng khám này vẫn ngang nhiên hoạt động khám, chữa bệnh.

Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết phòng khám này đã "vẽ" bệnh, chỉ định cho bệnh nhân thực hiện nhiều thủ thuật không cần thiết nhằm mục đích "móc túi" bệnh nhân. Để đối phó với bệnh nhân và lực lượng thanh tra, phòng khám này đã sửa chữa hồ sơ bệnh án, thay đổi các thông tin trong bệnh án khác so với lúc tư vấn và điều trị cho bệnh nhân.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018 và ba tháng đầu năm 2019, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra 28 lượt và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như kể trên.

Tổng số tiền các phòng khám bị phạt trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra đã đình chỉ hoạt động một phòng khám; đề nghị tạm dừng hoạt động ba phòng khám để đoàn kiểm tra thẩm định lại các điều kiện, danh mục kỹ thuật.

Các PKĐK có bác sĩ người Trung Quốc thường xuyên vi phạm gồm Khang Thái, Thái Bình Dương, Đại Đông, Thế Giới, Hoàn Cầu, Hồng Phong, Thăng Long, Âu Á, Đại Việt, Ma Yo, Quốc tế...

Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, dù Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt, nhưng mức độ xử phạt chỉ ở phần ngọn.

Điều bất cập ở đây là thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề là do Bộ Y tế cấp chứ không phải là Sở Y tế. Chính vì vậy, khi phát hiện các bác sĩ nước ngoài vi phạm các quy định về Luật Khám chữa bệnh, Sở Y tế chỉ được xử phạt hành chính chứ không thể rút chứng chỉ hành nghề.

Do đó, vẫn còn kẽ hở cho đối tượng tái diễn vi phạm. Vướng mắc này Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và nhiều bệnh viện đã nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng xử lý phù hợp. (1162)

12.  Hoảng hồn vì chồng suýt... có tử cung, buồng trứng

Vụ người đàn ông có kết quả có tử cung, buồng trứng, phía bệnh viện cho biết do kỹ thuật viên đã lấy nhầm mẫu trong phần mềm máy tính.

Chiều tối 13/9, anh Nguyễn Hữu Thìn (ở xóm 11, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An) cho biết anh đang đi khám siêu âm lại với kết quả là anh không có tử cung, buồng trứng như BV đa khoa Thái An (TP Vinh, Nghệ An) đã kết luận trong phiếu siêu âm.

Liên quan đến việc trên, Bệnh viện Đa khoa Thái An đã có báo gửi Sở Y tế Nghệ An thừa nhận sai sót và xử lý tập thể, cá nhân liên quan.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chánh văn phòng Sở Y tế Nghệ An, cho biết Bệnh viện Đa khoa Thái An đã có văn bản gửi Sở báo cáo về việc một bệnh nhân nam đến thăm khám tại bệnh viện trong kết quả siêu âm ghi có "tử cung, buồng trứng".

Theo văn bản giải trình của Bệnh viện, bệnh nhân được bác sĩ siêu âm có kết quả siêu âm ổ bụng bình thường. Nhưng kỹ thuật viên đánh máy tính giúp cho bác sĩ đã lấy nhầm mẫu trong phần mềm máy tính từ mẫu của bệnh nhân nam sang nữ, dẫn đến sai sót như trên. Đây là lỗi nghiêm trọng về chuyên môn. Bệnh viện sẽ có hình thức kỷ luật thích đáng đối với tập thể, cá nhân có liên quan.

Trước đó ngày 10/9, anh Thìn bị đau bụng nên đã đưa thẻ bảo hiểm y tế đến BV đa khoa Thái An (TP Vinh, Nghệ An) để khám. Tại đây, các y, bác sĩ đã cho anh nội soi dạ dày và siêu âm ổ bụng (có hình ảnh siêu âm).

Trong phiếu siêu âm máy 5D-HS70A, bác sĩ chẩn đoán anh Thìn bị đau bụng thượng vị. Anh Thìn không phải nhập viện mà được cấp thuốc để về nhà uống, anh cũng ra nhà thuốc tại bệnh viện đưa hồ sơ để mua thêm thuốc điều trị.

Tối cùng ngày, người vợ xem phiếu kết quả siêu âm của chồng thì cảm thấy lạ lùng vì có thông tin mô tả tử cung - phần phụ trong phiếu siêu âm. Vợ hỏi, chồng đọc đi đọc lại thì tá hỏa thấy ghi “có tử cung, có buồng trứng”. Anh Thìn hoang mang, không dám uống tiếp số thuốc đã cấp và đã mua.

Trong phiếu ghi tử cung - phần phụ: Kích thước bình thường, âm vang đồng nhất, nội mạc tử cung bình thường. Buồng trứng hai bên nhu mô và kích thước bình thường...

Anh Thìn chụp phiếu siêu âm và thuốc đăng trên trang Facebook cá nhân với nội dung: “Có cái gì đó sai ai biết giải thích dùm cái đàn ông lại có tử cung là sao”. 

Chia sẻ về sự việc trên, lãnh đạo Bệnh viện Thái An thừa nhận để xảy ra sự việc trên là do lấy nhầm mẫu định sẵn trong máy tính đối với bệnh nhân nữ, đây là lỗi đánh máy của điều dưỡng. (542)

13.  Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khuyên không ăn thịt chó

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, chó là vật nuôi được thuần hóa và gắn bó với cuộc sống con người từ lâu.

Trong một số gia đình, chó không những trông nhà mà còn được xem như một thành viên thân thiết. Gần đây, nhiều phòng khám thú y và cửa tiệm chăm sóc thú cưng phát triển do nhu cầu của chủ nuôi. Điều này cho thấy tình cảm con người dành cho loài chó ngày càng sâu đậm, thân thiết.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại tình trạng một số người thích ăn thịt chó vì cho rằng vừa ngon vừa nhiều đạm. Việc sử dụng thịt chó làm thực phẩm trong điều kiện nuôi, giết mổ, bảo quản như hiện nay dễ xảy ra nguy cơ không đảm bảo ATTP, thậm chí gây tử vong nếu sử dụng thịt chó nhiễm bệnh dại hoặc những vi sinh vật gây bệnh khác.Theo Luật Thú y, sử dụng thịt gia súc, gia cầm làm thực phẩm phải đáp ứng quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và ATTP. Hiện tại, pháp luật không cấm sử dụng thịt chó nhưng cũng không đưa loài chó vào danh mục vật nuôi để giết thịt làm thực phẩm cho con người.

Vì vậy, sử dụng thịt chó tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe do quá trình nuôi, giết mổ không được cơ quan nhà nước kiểm dịch, kiểm soát. Sử dụng thịt chó không an toàn dễ có nguy cơ nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt virus gây bệnh dại.

Sử dụng thịt chó không đảm bảo chất lượng còn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Đặc biệt trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác, kể cả não và mắt. Hiện tượng này được gọi là hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng (larva migrans), gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho người.Dùng thịt chó không an toàn còn có nguy cơ nhiễm hóa chất tồn dư trong thịt và có thể gây chết người, đặc biệt các hóa chất dùng đánh bả chó.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy sử dụng thịt chó là thói quen không tốt và nên từ bỏ; đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, giao lưu với thế giới và quá trình tạo dựng hình ảnh đất nước Việt Nam văn minh, hiện đại. (432)

 

 

14.  Ngăn chặn hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Vừa qua, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị 10/CT-BYT về việc tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Hàng loạt cá nhân và tổ chức bị xử phạt vì mua, bán "chui" cổ phiếu / Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế trong doanh nghiệp

Theo đó, để kịp thời ngăn chặn hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu:

Giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh, cơ sở KCB các tuyến có kế hoạch kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác KCB BHYT.

Lập bảng kê chi phí KCB của người bệnh đảm bảo tính chính xác, minh bạch và phải có chữ ký xác nhận của người bệnh hoặc người nhà người bệnh.

Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác KCB BHYT; đấu thầu, sử dụng thuốc và thanh toán chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB thuộc quyền quản lý.

Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với các Vụ, Cục của Bộ Y tế và các Ban của BHXH Việt Nam tổ chức thanh tra theo kế hoạch và đột xuất về công tác KCB và quản lý, sử dụng quỹ BHYT …Thông tin chi tiết về Chỉ thị 10/CT-BYT ban hành ngày 09/9/2019 xem tại đây. (267)

15.  Bệnh viện hạn chế rác thải nhựa

Không sử dụng ly nhựa trong các cuộc họp, sử dụng túi giấy đựng thuốc thay túi ni lông, dùng hộp thuốc làm chậu trồng cây… là những động thái tích cực của một số bệnh viện (BV) tại TPHCM hưởng ứng chỉ thị giảm thiểu rác thải nhựa của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen sử dụng đồ dùng nhựa của người bệnh, người dân vẫn gặp nhiều khó khăn. 

Nói không với đồ nhựa sử dụng một lần

Ghi nhận tại BV Phụ sản Hùng Vương (TPHCM), lượng rác thải sinh hoạt trung bình lên đến hơn 55 tấn/tháng, tiêu tốn chi phí xử lý trên 23 triệu đồng. Để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo BV khuyến khích nhân viên sử dụng sản phẩm túi giấy thân thiện với môi trường, đồng thời không sử dụng nước uống đóng chai trong các cuộc họp, thay thế bằng ly thủy tinh.

Ngoài ra, BV cũng khuyến khích nhân viên mua thức ăn và sử dụng tại chỗ khi đến căn tin. Bên cạnh đó, BV còn thông tin hướng dẫn “Chống rác thải nhựa” đến người bệnh, thân nhân thông qua các bảng tin, tờ rơi, bảng quy định sinh hoạt.

Là một trong những BV tiên phong trong việc thực hiện chỉ thị của Bộ Y tế, BV Răng Hàm Mặt Trung ương (TPHCM) cũng đã triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Điển hình, BV đã thực hiện thay thế túi ni lông đựng phim X-quang bằng túi giấy thân thiện với môi trường; thực hiện nghiêm túc phân loại rác thải tại nguồn để hỗ trợ việc tái chế rác thải từ nhựa, giảm thiểu lượng chất thải độc hại.

Đặc biệt, BV chú trọng triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh, hướng tới không in phim, không in hồ sơ bệnh án để tiết giảm rác thải. Riêng tại BV Đại học Y Dược TPHCM đã chủ động sử dụng túi giấy đựng thuốc thay cho túi nhựa. Các chi đoàn trong BV cũng tích cực hưởng ứng phong trào qua việc thực hiện những tác phẩm có tính ứng dụng cao, như “Túi xanh hy vọng” (của Chi đoàn Khoa Phụ sản) tái sử dụng từ vật liệu thừa tại khoa, sử dụng chất liệu thân thiện môi trường, có thể sử dụng nhiều lần.  

Người dân vẫn thờ ơ

Mặc dù một số BV đã có nhiều biện pháp khuyến khích nhân viên, bệnh nhân và người nuôi bệnh hạn chế sử dụng đồ dùng nhựa trong BV, nhưng mới chỉ bước đầu thực hiện, hiệu quả chưa rõ rệt. Việc người dân sử dụng đồ nhựa dùng một lần vẫn còn diễn ra phổ biến.

Tại BV Bình Dân (TPHCM), mặc dù BV đã tuyên truyền vận động hạn chế rác thải nhựa, nhưng nhiều người dân đến thăm khám vẫn dùng chai nhựa, túi ni lông mang vào khuôn viên BV.

 “Biết là hại sức khỏe, khó phân hủy trong môi trường, nhưng không chỉ tôi mà nhiều người vẫn có thói quen dùng đồ nhựa, bao ni lông. Vì nó tiện lợi, rẻ, đi đến đâu cũng có bán. Dùng riết thành quen luôn rồi, rất khó thay đổi”, bệnh nhân T.H. (ngụ tại TPHCM) cho biết.

Bác sĩ Lê Trung Chánh, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương, nhận định: “Số liệu báo cáo nhanh (chưa chính thức) cho thấy khoảng 5% trong tổng lượng chất thải y tế là nhựa, mỗi ngày có khoảng 22 tấn chất thải nhựa thải ra từ các hoạt động y tế. Trong đó, lượng lớn chất thải nhựa phát sinh từ các sinh hoạt thường ngày, quá trình chăm sóc người bệnh, người nhà người bệnh. Tuy nhiên, thật sự việc thay đổi thói quen của người dân là một vấn đề hết sức khó khăn, cần có thời gian và sự chung tay của cả toàn xã hội chứ không chỉ riêng của ngành y tế”.

Bác sĩ Lê Trung Chánh cho biết BV đã ban hành các văn bản quy định nội bộ; các trưởng, phó khoa, phòng, trung tâm sẽ ký cam kết giảm thải chất thải nhựa. Riêng đối với người bệnh, người nuôi bệnh, tuy BV đã có kế hoạch tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động, nhưng điều quan trọng là bản thân người dân phải ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của việc hạn chế rác thải nhựa, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường và bảo vệ sự sống của chính họ.

“Việc ban hành các quy định xử phạt, chế tài đối với người bệnh, người nuôi bệnh trong thời điểm này còn nhiều khó khăn, chưa thể thực hiện vì chưa có hành lang pháp lý rõ ràng đối với các BV”, bác sĩ Lê Trung Chánh băn khoăn.

Việc sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường thay thế nhựa trong các BV gặp khá nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Việc tiếp cận những sản phẩm thân thiện môi trường về chủng loại, mặt hàng, số lượng, giá thành, quy trình đấu thầu, tiêu chuẩn an toàn sinh học hay khả năng cung ứng tại các địa phương cũng rất khác nhau và hầu hết là chưa đảm bảo cho việc sớm thay thế, loại trừ hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Vì vậy, để việc giảm thiểu số lượng rác thải nhựa trong BV có hiệu quả, tập thể BV và người dân cần chung tay xây dựng ý thức, nhiệm vụ riêng cho mình. (974)

16.  Bệnh viện chuyên về sản, nhi nhận 2 giải thưởng vì đặt người bệnh làm trung tâm

Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, chuyên về lĩnh vực sản-phụ-nhi khoa và hỗ trợ sinh sản, vừa nhận 2 giải thưởng tại Hội nghị Quản lý bệnh viện châu Á lần thứ 18. Đây là 2 năm liên tiếp, bệnh viện nhận giải thưởng này.

Hội nghị quản lý bệnh viện châu Á lần thứ 18 (Hospital Management Asia-viết tắt là HMA) vừa diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội) với sự tham gia của 1.284 đại biểu từ nhiều quốc gia gồm các diễn giả, nhà quản lý, lãnh đạo các bệnh viện hàng đầu trong khu vực và các nhà cung cấp giải pháp hỗ trợ y tế tên tuổi trên thế giới.Trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra Lễ trao giải thưởng Quản lý chất lượng bệnh viện vào tối 12/9 nhằm công nhận và vinh danh các bệnh viện ở châu Á-Thái Bình Dương hành nghề tốt nhất. Trong đó, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc nhận 2 giải thưởng: Giải Vàng HMA “Hospital CEO of the Year” với dự án “Gemba Power Walk” và giải Xuất sắc HMA “Most Improved Local Hospital” với dự án “The hospital identified six areas for improvement - 6 chương trình cải tiến chất lượng an toàn người bệnh”.

Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc có trụ sở tại Bình Dương và TPHCM. Bà Nguyễn Thục Anh, Tổng Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc nhận giải vàng cao quý HMA “Hospital CEO of the Year” trong khu vực châu Á với sáng kiến dự án Gemba Power Walk.

Tại Dự án Gemba Power Walk, Ban Giám đốc bệnh viện đã thực hiện một số phiên thảo luận nhóm đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy chất lượng và nâng cao văn hóa an toàn cho người bệnh. Bà Nguyễn Thục Anh chia sẻ: “Tôi rất vinh dự đón nhận 2 giải thưởng cao quý HMA, các giải thưởng này một lần nữa nhắc nhở chúng tôi phải phấn đấu hơn nữa để duy trì cam kết xây dựng môi trường y tế đặt người bệnh làm trung tâm, không ngừng nâng cao văn hóa An toàn và thực hành tiêu chuẩn “Chất lượng vàng” trong bệnh viện”. (393)

17.  Đột phá trong thay khớp háng với đường mổ superpath

Thay khớp háng được xem là một thành công của ngành chấn thương chỉnh hình vì giúp bệnh nhân bị hư khớp háng có thể sinh hoạt gần như bình thường sau khi thay khớp. Nhưng biến chứng đáng ngại sau thay khớp háng là trật khớp.

Bình thường khớp háng tự nhiên sẽ có hệ thống bao khớp và dây chằng phía trước cũng như bao khớp và khối cơ ở phía sau bảo vệ để khớp háng không bị trật khi chúng ta ngồi xổm hay ngồi bắt chéo chân.

Khi thay khớp háng, bác sĩ sẽ mở ổ khớp bằng cách cắt bao khớp phía trước (cho kỹ thuật thay khớp lối trước) hay cắt bao khớp và cơ phía sau (kỹ thuật thay khớp lối sau).

Kỹ thuật thay khớp lối trước được cho là giảm tỉ lệ trật khớp háng do không cắt bao khớp và cơ phía sau khớp.

Nhưng kỹ thuật này khó thực hiện và không thích hợp cho các bệnh nhân có lòng tủy xương đùi nhỏ vốn hay gặp ở dân châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng.

Hơn nữa kỹ thuật thay khớp lối trước cũng có thể bị trật khớp háng nhân tạo ra trước.

Kỹ thuật thay khớp háng lối sau có đặc điểm phẫu trường rộng dễ quan sát nên hầu hết các bác sĩ mổ thay khớp háng hay dùng.

Tuy nhiên điểm yếu của đường mổ phía sau là phải cắt một phần hay toàn bộ bao khớp và nhóm cơ phía sau nên khớp háng dễ bị trật sau khi mổ.

Vì những điểm yếu trên nên các bác sĩ nghĩ đến việc mổ bằng đường mổ phía trên của khớp háng. Đường mổ này chỉ cắt bao khớp trên và một cơ hình lê. Sau đó, để bảo tồn nhóm cơ xoay khớp háng tối đa, người ta dùng nòng sắt hỗ trợ cho kỹ thuật doa ổ cối nên không cần cắt cơ hình lê.

Kỹ thuật superpath là kỹ thuật thay khớp háng bằng đường mổ phía trên với sự trợ giúp của nòng sắt.

Đường mổ này có ưu điểm là không cắt cơ mà chỉ mở bao khớp phía trên, không cắt dọc dải chậu chày, đường mổ nhỏ do đó giúp giảm đau sau mổ, bệnh nhân có thể đi lại ngay sau hôm mổ, và quan trọng nhất là hạn chế trật khớp háng ra sau tối đa.

Đây là kỹ thuật mới trên thế giới và bác sĩ nhiều nước bắt đầu triển khai.

Tại khoa chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, kỹ thuật thay khớp háng bằng đường mổ superpath đã được triển khai nhiều tháng qua. Hàng chục bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi, thoái hóa khớp háng đã được thay khớp háng thành công.Kỹ thuật này thật sự mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, gồm bớt lượng thuốc giảm đau dùng sau mổ do bệnh nhân rất ít đau, bệnh nhân có thể đi lại ngay sau mổ vì không cắt gân cơ vùng khớp háng, giảm nguy cơ trật khớp háng sau mổ. Bệnh nhân cũng ít bị đau mặt ngoài đùi do không phải cắt dọc dải chậu chày như đường mổ kinh điển phía sau.

Những nghiên cứu được trình bày trong hội nghị chuyên về thay khớp tại Cleveland (Ohio, Mỹ) gần đây cho thấy các đường mổ nhỏ phía trước và phía trên làm bệnh nhân hài lòng hơn trong 2 năm đầu sau mổ, tuổi thọ của khớp cũng tương đương với đường mổ phía sau sau 5 năm.

Một nghiên cứu ngắn hạn tại khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho thấy tỉ lệ hài lòng của bệnh nhân sau mổ bằng kỹ thuật superpath cao hơn hẳn so với nhóm mổ bằng đường mổ bình thường. (667)

 

 

18.  Phẫu thuật cắt màng ngăn tá tràng cứu sống trẻ sơ sinh

Chiều 13-9, bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, sau gần 10 ngày được phẫu thuật cắt màng ngăn tá tràng, bé T.N.H.M. (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) đã bú tốt, không còn ói ra dịch xanh, dịch vàng.

Bé H.M. sinh ngày 2-9, do thiếu vài tuần tuổi nên chỉ nặng 2,4 kg. Lúc mới sinh bé khóc, bú được nhưng sau 2 cữ bú, bé bị ói rất nhiều, ói ra cả mật vàng, mật xanh.

Tối ngày hôm sau, bé được chuyển vào Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai khi cân nặng chỉ còn 1,9kg. Ở một trẻ sơ sinh nhẹ ký, nếu bị tụt thêm cân nặng sẽ làm trẻ bị mất dịch, sốc, rối loạn điện giải, rối loạn nhịp tim.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị dị dạng tắc tá tràng (đoạn ruột hình chữ C, ngắn, nối giữa dạ dày với ruột non, ống mật, ống tụy) nên đã tiến hành phẫu thuật cắt màng ngăn trong ngăn tá tràng. Cái khó của ca phẫu thuật này là màng ngăn tá tràng lại nằm sát bên lỗ vào của ống tụy, ống mật. Ở trẻ sơ sinh, ống tụy và ống mật rất nhỏ, chỉ bằng một lỗ kim khâu, nếu bác sĩ phẫu thuật không để ý kỹ thì trong quá trình cắt màng ngăn tá tràng sẽ cắt luôn cả ống mật của em bé.

Đến nay, bé H.M. đã tăng được 0,3 kg, bú tốt, đi cầu phân vàng (chứng tỏ mật đã thông suốt). Dự kiến khoảng vài ngày nữa sẽ được xuất viện.

Bác sĩ Vũ Công Tầm cho biết, dị tật tắc tá tràng khiến bệnh nhân bị ói sớm, ói nhiều dịch màu xanh, vàng. Dị tật này xuất hiện khi em bé còn ở trong bụng mẹ nên dễ khiến mẹ sinh non, em bé chậm tăng trưởng hơn bình thường. Khi trẻ bị tắc tá tràng bẩm sinh thường kèm theo các dị tật về tim, tiết niệu, sinh dục, hậu môn, trực tràng, thực quản (chiếm khoảng 50%). Ngoài ra, khoảng 40% trẻ bị dị tật tá tràng có thể kèm theo hội chứng Down. 

Bác sĩ Vũ Công Tầm lưu ý các bà mẹ nên giữ gìn thai kỳ khỏe mạnh, nhất là trong 3 tháng đầu. Việc bà bầu bị cảm cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ, sử dụng thuốc không hợp lý rất dễ gây ra dị tật cho trẻ. Ngoài ra, khi phát hiện trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ói nhiều ra dịch vàng, xanh, phụ huynh nên nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám, điều trị kịp thời. (481)

19.  Hơn 1.000 người đi bộ hưởng ứng ngày tim mạch thế giới

Sáng 14-9, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh (Nghệ An), Viện Tim mạch Việt Nam phối hợp Sở Y tế Nghệ An tổ chức chương trình đi bộ hưởng ứng Ngày tim mạch thế giới 29-9 với chủ đề: "Dáng đẹp - Tim khỏe" .

Ngay sau lễ phát động, hơn một nghìn người đã tham gia đi bộ xung quanh Quảng trường Hồ Chí Minh, tương ứng với khoảng 10 nghìn bước chân.

Dịp này, Viện Tim mạch Việt Nam cũng tổ chức đo huyết áp, tư vấn sức khỏe cho khoảng 500 người dân TP Vinh; khám và cấp thuốc miễn phí cho khoảng 300 người dân xã Nam Cường, huyện Nam Đàn.

Hiện nay, bệnh tim mạch là một trong những bệnh không lây nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu có 17,5 triệu người chết vì các bệnh lý tim mạch, nhiều hơn gấp bốn lần số người tử vong do ba bệnh lý HIV/AISD, sốt rét và lao phổi.

Tuy nhiên, bệnh tim mạch lại rất dễ phòng ngừa. Mỗi người có thể giàm tới 80% nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu có chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với vận động thể lực 150 phút mỗi tuần...Đặc biệt việc vận động theo hình thức đi bộ mỗi ngày 10 nghìn bước chân sẽ mang lại lợi ích rõ rệt trong việc tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh lý về tim mạch. (281)

20.  Cứu sống người đàn ông chết lâm sàng do bật dậy đột ngột lúc đang ngủ

Lúc đang ngủ trưa tại nhà, ông C. nghe có tiếng gọi nên bật dậy. Thế nhưng, bỗng ông C. có cảm giác đau nhói vùng ngực trái và ngất xỉu ngay sau đó.

Phụ nữ TP HCM đưa tin, trưa 13/9, bác sĩ Đỗ Văn Phẩm – Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long - cho biết bệnh viện này vừa cấp cứu kịp thời cho ông L.M.C. (47 tuổi, ở Ninh Kiều, Cần Thơ) bị đột tử chưa rõ nguyên nhân.

Ông C. được người nhà đưa tới bệnh viện trong tình trạng hôn mê, tím tái và ngưng thở. Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị loạn nhịp tim. Ngay sau đó, ông C. được sốc điện, đặt nội khí quản, hồi sức tim phổi tích cực.

Khoảng 30 phút sau, ông C. có nhịp tim trở lại, thoát khỏi nguy hiểm, các chỉ số sinh hiệu dần ổn định. Thêm 2 ngày theo dõi, điều trị và hồi sức tích cực, sức khỏe ông C. chuyển biến tốt hơn, ông tỉnh táo và nhận thức được.

Đến ngày thứ 5 sau cấp cứu, ông C. tỉnh, không còn phụ thuộc máy thở, rút ống nội khí quản và được chăm sóc tại Đơn vị Tim Mạch. Sau khi thăm khám, hội chẩn, bác sĩ nhận định ông C. bị hội chứng Brugada – hội chứng đột tử chưa rõ nguyên nhân, khuyên ông nên cấy máy phá rung tim, các thành viên trong gia đình cũng nên tầm soát hội chứng này.

Theo Tri thức trực tuyến, gia đình bệnh nhân cho biết khoảng trưa 14/8, khi người bệnh đang ngủ thì bật dậy vì nghe có tiếng người gọi. Sau đó, ông C. đột ngột ngã quỵ và rơi vào tình trạng chết lâm sàng. Gia đình đã vội đưa ông vào bệnh viện cấp cứu.Thoát khỏi lưỡi hái "tử thần”, ông C. kể trong lúc vừa ngồi dậy thì ông có cảm giác đau nhói vùng ngực trái và ngất xỉu đi.

Hội chứng Brugada (còn gọi là hội chứng đột tử ban đêm hay hội chứng đột tử chưa rõ nguyên nhân) là bệnh có tính chất di truyền. Biểu hiện chủ yếu là những bất thường về hệ thống dẫn truyền của tim dẫn tới rối loạn nhịp tim.

Bệnh thường không có triệu chứng nên không được chẩn đoán cho đến khi có biểu hiện loạn nhịp, ngất hoặc được phát hiện tình cờ khi làm điện tâm đồ.

Bác sĩ Phẩm cho biết hội chứng Brugada rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và có biện pháp xử trí kịp thời. Khi tim ngưng đột ngột, việc sơ cấp cứu ban đầu bằng thủ thuật ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt sẽ là yếu tố quyết định mạng sống của người bệnh. (493)

21.  Khám sức khỏe học sinh các trường gần Công ty Rạng Đông

Ngoài ra, các trường thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm trong trường học.

Đến thời điểm nay, các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội đã khám sức khỏe cho 1.659 học sinh Trường Tiểu học Hạ Đình, Trường Trung học cơ sở Hạ Đình và Trường Mầm non Ánh Sao gần khu vực xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Cùng với học sinh, 77 giáo viên của 3 trường này cũng được khám trong đợt này.

Các trường thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm trong trường học. Giáo viên đã thực hiện nhỏ nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, mũi cho học sinh 2 lần/ngày, nhắc nhở học sinh rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Trường vệ sinh, tẩy rửa bằng hóa chất toàn bộ phòng học, phòng của giáo viên và các phòng chức năng.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 6/9 đến hết ngày 12/9, tại các điểm khám miễn phí tại Trạm y tế phường Hạ Đình và Trạm y tế phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) đã có hơn 2.000 người dân sinh sống ở 2 phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung đến khám. Sở Y tế Hà Nội cho biết, kết thúc 7 ngày khám chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện cấp tính bất thường. (466)

II. THÔNG TIN Y TẾ NƯỚC NGOÀI 

22.  Dịch sởi diễn biến phức tạp tại New Zealand

Dịch sởi tại New Zealand tiếp tục diễn biến phức tạp, với hơn 1.200 ca bệnh. Trong khi đó, vaccine phòng ngừa căn bệnh này đang khan hiếm.

Theo thông báo mới nhất của Bộ Y tế New Zealand, trên toàn quốc đã ghi nhận hơn 1.200 ca mắc sởi, trong đó riêng tại ổ dịch Auckland có hơn 1.000 trường hợp. Bộ Y tế New Zealand đã yêu cầu các bác sĩ ưu tiên tiêm vaccine cho 2 nhóm đối tượng có nguy cơ mắc sởi cao nhất hiện nay.

Trong đó, nhóm trẻ em dưới 5 tuổi dễ mắc bệnh sởi và tình trạng bệnh thường nghiêm trọng nhất cần đảm bảo được tiêm vaccine theo đúng lịch. Nhóm đối tượng thứ 2 bao gồm những người trong độ tuổi từ 15 đến 29 tuổi và những người nhập cư đến từ các quốc đảo Thái Bình Dương.

Tiến sĩ William Rainger, quan chức Sở Y tế Công cộng Auckland cho biết, trong những ngày gần đây, số người mắc sởi mới tại khu vực này đã tăng mạnh từ 18 lên 37 trường hợp/ngày. Mặc dù số ca mắc sởi mới tăng nhưng với tỷ lệ tiêm chủng cao trong những tuần gần đây, tình hình dịch bệnh có thể sẽ thay đổi theo hướng tích cực trong thời gian tới.

Theo ông Rainger, loại vaccine 3 trong 1 gồm sởi, quai bị và Rubella sẽ chỉ phát huy tác dụng 2 tuần sau khi tiêm.

Để đối phó với dịch sởi đang diễn biến nghiêm trọng, trong 3 tuần qua, Bộ Y tế New Zealand đã bổ sung hàng chục nghìn liều vaccine MMR (sởi, quai bị và Rubella) đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Nước này cũng đã đặt mua 52.000 liều vaccine 3 trong 1 từ nước ngoài và dự kiến sẽ nhận được vào cuối tuần này (324)

23.  Bác sĩ ngồi bệt vì đau sau ca mổ dài 16 tiếng

Khi đang cố định lại lồng ngực cho bệnh nhân, bác sĩ Zhu QuiJun đột nhiên cảm thấy đau nhói ở thắt lưng và bụng, mặt xanh mét.

Người trợ lý thấy anh không ổn liền hỏi: "Bác sĩ, sắc mặt anh có vẻ xanh xao, mồ hôi chảy không ngừng, hay là nghỉ ngơi chút đi để tôi làm cho?".

"Không sao, chỉ là bệnh sỏi thận tái phát, tôi có thể chịu được", bác sĩ Zhu trả lời.

Anh cố nén cơn đau và hoàn thành các bước cuối cùng của ca phẫu thuật cho đến khi bệnh nhân được đưa trở về phòng chăm sóc đặc biệt. Lúc này, bác sĩ Zhu ngồi cuộn tròn trên sàn, lông mày cau lại, mồ hôi túa ra. Tấm ảnh đồng nghiệp chụp anh lúc đó đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. 

Bác sĩ Zhu là phó trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Lạc Dương. Anh cho biết ca phẫu thuật khẩn cấp kéo dài gần 16 giờ. Thời khắc bệnh nhân dần hồi phục các dấu hiệu của sự sống, bác sĩ đột nhiên bị vỡ sỏi thận. Tuy nhiên, anh vẫn cố cầm cự đến cuối ca, cho đến khi bệnh nhân an toàn. 

Bệnh nhân được phẫu thuật tên Li, 49 tuổi, từng trải qua cuộc phẫu thuật vì bệnh tim năm 2015. Trong bốn năm qua, bệnh của ông ông không được điều trị dứt điểm do gia đình khó khăn.

Ngày 23/8, ông đột nhiên cảm thấy cơ thể khó chịu nên đến khám tại bệnh viện trung ương Lạc Dương. Bác sĩ thông báo ông cần phẫu thuật ngay lập tức, nếu không sẽ nguy kịch tính mạng.

Bác sĩ Zhu cùng kíp mổ nhanh chóng bắt tay vào việc, không kịp ăn uống. "Lần phẫu thuật này rủi ro rất lớn vì trước đó ông đã bị mổ một lần", bác sĩ nói. May mắn, sức khỏe của bệnh nhân đang dần hồi phục. 

Sau ca mổ cho ông LIi, bác sĩ Zhu nhanh chóng được đồng nghiệp đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt để tiêm thuốc giảm đau và siêu âm bụng. "Lúc phẫu thuật cho bệnh nhân, tôi không nghĩ nhiều, chỉ cảm thấy sự an toàn của bệnh nhân khi lên bàn mổ là quan trọng nhất", Zhu nói.  (410)

24.  Một con số đáng kính nể: hơn 70.000 người Nhật đại thọ 100 tuổi

Cụ thể, số cụ ông, cụ bà chạm mốc 100 tuổi trở lên hiện hơn 71.000 người. Trong đó có 8.463 cụ ông và 62.700 cụ bà. Các cụ bà chiếm tới 88% trong số những người sống thọ trăm tuổi.

Lần đầu tiên trong lịch sử, số người thọ từ 100 tuổi trở lên ở Nhật vượt mốc 70.000. Số liệu do Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội Nhật công bố trước ngày Tôn kính người già (16-9) năm nay.

Theo Hãng tin Sputnik (Nga), Ngày tôn kính người già là ngày thứ hai thứ ba trong tháng 9 hằng năm ở Nhật, năm nay rơi vào 16-9.

Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi Nhật Bản ngày 13-9 thông báo số người Nhật từng kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của họ lần đầu tiên đã vượt mốc 70.000.

Theo một nghiên cứu công bố năm ngoái trên tạp chí British Medical Journal, phụ nữ Nhật Bản có tuổi thọ trung bình cao nhất, 87,2 năm. Trong khi tuổi thọ trung bình của nam giới Nhật thấp hơn ở Thụy Sĩ và Úc, 81,01 năm.

Số liệu mới nhất cũng cho thấy số người thọ trăm tuổi ở Nhật đã tăng thêm 1.453 người theo năm.

Theo Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản, có thực tế này bởi "những tiến bộ trong công nghệ y học và nỗ lực cải thiện sức khỏe" nói chung.

Chính phủ Nhật Bản cam kết "hỗ trợ những người lớn tuổi để ngay cả khi họ đã đạt tới độ tuổi rất già vẫn có thể sống khỏe mạnh, viên mãn".

Trong 49 năm qua, tuổi thọ của người Nhật vẫn được cập nhật hằng năm. Năm 1963 khi nghiên cứu về số người thượng thọ bắt đầu thực hiện mới chỉ có 153 người thọ trăm tuổi ở Nhật.

Chỉ trong vòng 30 năm số người thọ trăm tuổi ở đây đã tăng gấp 23 lần.

Báo Guardian dẫn nhận định của các chuyên gia sức khỏe cho rằng sở dĩ người Nhật ngày càng sống thọ là vì họ thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, chú ý chăm sóc sức khỏe tổng quát và trong số những người sống thọ trăm tuổi, nhiều người có chế độ ăn ít chất béo. (407)

25.  Sử dụng thuốc kháng sinh có thể khiến nguy cơ mắc các bệnh về tim tăng gấp đôi

Gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra sự liên quan giữa việc dùng một số loại thuốc kháng sinh phổ biến có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim, đặc biệt là hở van tim.

Một loại thuốc kháng sinh phổ biến có thể làm nguy cơ mắc bệnh tim nghiêm trọng tăng gấp đôi. Các nhà nghiên cứu phát hiện bệnh nhân sử dụng fluoroquinolones có nguy cơ tái phát động mạch chủ và van hai lá cao hơn, có thể dẫn đến suy tim.

Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị tất cả mọi thứ, từ nhiễm trùng ngực đến nhiễm trùng đường tiết niệu. Ciprofloxacin là loại được kê toa nhiều nhất trong số này, ngoài ra còn có levofloxacin, moxifloxacin và norfloxacin.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia (UBC) đã xem xét 125.020 bệnh nhân dùng kháng sinh trong năm ngoái. Một số đã được kê toa fluoroquinolone trong khi những người khác đã dùng amoxicillin hoặc azithromycin - các loại kháng sinh khác. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện 12.505 trường hợp bị hở van tim, có thể ảnh hưởng đến việc tuần hoàn máu khắp cơ thể. Họ tìm thấy những người đang sử dụng fluoroquinolone có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 lần so với những người dùng amoxicillin.

Trong khi đó, bệnh nhân dùng fluoroquinolone có nguy cơ cao hơn 1,8 lần so với những người sử dụng azithromycin. Những người đã sử dụng fluoroquinolone trong vòng 60 ngày qua có nguy cơ bị rò rỉ van tim cao gấp 1,5 lần so với người dùng amoxicillin.

Tác giả chính, Tiến sĩ Mahyar Etminan cho rằng, fluoroquinolone đã được kê đơn nhiều quá mức do sự thuận tiện của nó. Phó giáo sư nhãn khoa và khoa học thị giác tại UBC cho biết, nhiều bác sĩ có thể đã cho bệnh bệnh nhân về nhà cùng với yêu cầu dùng một viên thuốc mỗi ngày một lần. 

Loại kháng sinh này rất tiện lợi, nhưng đối với phần lớn các trường hợp, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng liên quan đến cộng đồng, chúng không thực sự cần thiết. Việc kê đơn không phù hợp có thể gây ra cả kháng kháng sinh cũng như các vấn đề nghiêm trọng về tim.

Các nhà nghiên cứu hy vọng nghiên cứu của họ giúp thông báo cho công chúng và các bác sĩ rằng nếu bệnh nhân có vấn đề về tim, mà không phát hiện ra nguyên nhân nào khác, kháng sinh fluoroquinolone có thể là nguyên nhân chính.

Những phát hiện được công bố trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ. Các số liệu cho thấy hơn 675.000 viên fluoroquinolone đã được phân phối bởi các bác sĩ gia đình, phòng khám tư nhân ở Anh và trong các bệnh viện.

Nhưng đã có tuyên bố rằng các loại thuốc được cho là an toàn có thể gây tác dụng phụ, chẳng hạn như đứt gân, các vấn đề về khớp và đau dây thần kinh.

Cơn đau có thể do fluoroquinolones tác động lên ty thể - sức mạnh trong các tế bào chịu trách nhiệm giải phóng năng lượng - các tác dụng phụ được cảm nhận trên khắp cơ thể, đôi khi là vĩnh viễn. Từ năm 1990 đến 2018, đã có gần 11.000 phản ứng bất lợi và 107 trường hợp tử vong được báo cáo ở Anh về ciprofloxacin. (610)

26.  Tỷ lệ béo phì 'tăng dựng đứng' ở Mỹ trong 50 năm qua

Báo cáo vừa công bố cho thấy khủng hoảng béo phì ở Mỹ ngày càng trầm trọng với gần 1/3 dân số đang trong tình trạng thừa cân.

Hãng Sputnik ngày 13.9 dẫn báo cáo của tổ chức Trust for America’s Health (Mỹ) cho thấy tỷ lệ béo phì trung bình ở người Mỹ trưởng thành là 31%, với tình trạng ngày càng nghiêm trọng tại nhiều tiểu bang.

Báo cáo dựa trên dữ liệu của Hệ thống Giám sát yếu tố hành vi nguy cơ thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ cho thấy 9 tiểu bang có tỷ lệ béo phì trên 35% trong năm 2018, trong khi không tiểu bang nào vượt tỷ lệ này vào năm 2012.

Các bang West Virginia và Mississippi đứng đầu danh sách với tỷ lệ lên đến 39,5%, tiếp theo là Arkansas (37,1%), Louisiana (36,8%), Kentucky (36,6%), Alabama (36,2%), Iowa (35,3%), North Dakota (35,1%) và Missouri (35%).

Bang Colorado có tỷ lệ béo phì thấp nhất với tỷ lệ 23%. Nghiên cứu cũng nhận thấy tình trạng béo phì tăng đáng kể tại 33 bang trong giai đoạn 2013-2018.

“Dữ liệu mới nhất cho thấy tình trạng khủng hoảng béo phì trên cả nước ngày càng xấu đi. Trong gần 50 năm tỷ lệ béo phì tăng dựng đứng, chúng ta chưa tìm được các chương trình phối hợp có thể ngăn chặn thảm họa này”, theo giám đốc điều hành John Auerbach của Trust for America’s Health.

Ông cho rằng sự thay đổi các điều kiện kinh tế, xã hội khiến người dân ngày càng ít ăn các thực phẩm tốt cho sức khỏe cũng như không tập thể dục đủ. Béo phì dễ dẫn đến các bệnh tiểu đường, cao huyết áp và tim mạch cũng như đau khớp.

Nghiên cứu cũng cho thấy 47% người Mỹ gốc La tinh béo phì, so với 46,8% người da đen, 37,9% người da trắng và 12,7% người gốc Á. (345)

27.  10 cảnh báo lo ngại về an toàn người bệnh

Thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hơn 1 triệu người bệnh tử vong hàng năm là do biến chứng của phẫu thuật.

Nhân dịp lần đầu tiên phát động chiến dịch “Ngày an toàn người bệnh thế giới ngày 17/9/2019”, WHO công bố 10 con số về các tai biến và sự cố trong chăm sóc sức khoẻ. Đồng thời, WHO cảnh báo thực trạng đáng lo ngại về an toàn người bệnh trên phạm vi toàn cầu.

Trong báo cáo tháng 8/2019, WHO đã cập nhật tình hình tai biến y khoa và cảnh báo tình hình tai biến y khoa đã trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng trên phạm vi toàn thế giới. Nếu như nguy cơ tử vong khi đi máy bay là 1/3.000.000 thì nguy cơ tử vong do các sự cố trong chăm sóc y tế là 1/300. 

Dưới đây là 10 thông tin cảnh báo thực trạng đáng lo ngại về an toàn người bệnh trên phạm vi toàn thế giới (theo “10 facts on patient safety” - August 2019, WHO):

1. Cứ 10 người bệnh thì có 1 người bị sự cố trong quá trình chăm sóc tại bệnh viện

Ở các nước có thu nhập cao, cứ 10 người bệnh thì có 1 bệnh nhân bị sự cố y khoa trong thời gian được chăm sóc tại bệnh viện. Tai biến xảy ra do các sự cố y khoa khác nhau, trong đó khoảng 50% có thể phòng ngừa được.

Một nghiên cứu ở 26 bệnh viện tại 8 nước có thu nhập thấp và trung bình, cho thấy tỷ lệ sự cố y khoa khoảng 8%, trong đó có đến 83% các trường hợp là có thể phòng ngừa được, và khoảng 30% có liên quan đến người bệnh bị tử vong.

2. Sự cố y khoa do chăm sóc không an toàn có thể là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên phạm vi toàn cầu

Bằng chứng gần đây cho thấy: trong số 134 triệu sự cố y khoa xảy ra mỗi năm do chăm sóc không an toàn tại các bệnh viện ở các nước thu nhập thấp và trung bình (LMIC: low- and middle-income countries), đã dẫn đến 2,6 triệu trường hợp tử vong. Một nghiên cứu khác đã ước tính có khoảng 2/3 sự cố y khoa do chăm sóc không an toàn xảy ra tại các nước LMIC.

3. Tần suất sự cố y khoa trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu và điều trị ngoại trú là 4/10 Đảm bảo an toàn trong cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ là vô cùng quan trọng trên tất cả các cấp độ, bao gồm cả chăm sóc ban đầu và ngoại trú (nhất là cấp cứu). Trên phạm vi toàn cầu, có đến 4/10 bệnh nhân bị sự cố trong khi được chăm sóc ở những nơi này, trong đó có đến 80% sự cố là có thể phòng ngừa được.

Các lỗi thường gặp liên quan đến chẩn đoán, kê đơn và sử dụng thuốc. Sự cố xảy ra trong chăm sóc ban đầu và ngoại trú thường dẫn đến nhập viện. Tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), loại sự cố này chiếm hơn 6% tổng số ngày nằm viện và hơn 7 triệu lượt nhập viện mỗi năm.

4. Cứ mỗi 7 đôla Canada (CAD) chi phí điều trị thì có ít nhất 1 đôla được dành để điều trị các tổn hại do sự cố y khoa xảy ra tại bệnh viện

Bằng chứng gần đây cho thấy 15% tổng chi phí cho hoạt động của bệnh viện tại các nước thuộc Tổ chức OECD là dành cho các sự cố y khoa, các sự cố nặng nề nhất bao gồm huyết khối tĩnh mạch, loét do tỳ đè và nhiễm trùng. Ước tính tổng chi phí do sự cố ở các quốc gia này lên tới hàng nghìn tỷ USD Mỹ mỗi năm.

5. Đầu tư cho an toàn cho người bệnh có thể tiết kiệm tài chính đáng kể

Đầu tư cho việc cải thiện an toàn người bệnh có thể tiết kiệm tài chính đáng kể và quan trọng hơn là kết quả chăm sóc sẽ tốt hơn, là do chi phí phòng ngừa thường thấp hơn nhiều so với chi phí điều trị các tai biến. Chỉ riêng tại Mỹ, tập trung cho các hoạt động cải tiến an toàn người bệnh dẫn đến khoản tiết kiệm ước tính khoảng 28 tỷ USD tại các bệnh viện giai đoạn từ năm 2010 đến 2015.

Chìa khóa để chăm sóc an toàn hơn là sự tham gia của người bệnh. Nếu thực hiện tốt, việc thu hút người bệnh cùng tham gia không phải là hoạt động tốn nhiều chi phí, và có thể giảm 15% thiệt hại do sự cố y khoa, tiết kiệm hàng tỷ USD mỗi năm.

6. Thực hành sử dụng thuốc không an toàn và lỗi do sử dụng thuốc gây tác hại cho hàng triệu người bệnh và tiêu tốn chi phí hàng tỷ USD mỗi năm

Sai sót về sử dụng thuốc không an toàn như liều lượng không đúng, hướng dẫn không rõ ràng, sử dụng chữ viết tắt trong kê đơn và đơn thuốc không phù hợp là những nguyên nhân hàng đầu gây nguy hiểm cho người bệnh và hoàn toàn có thể phòng tránh được. Trên toàn cầu, tiêu tốn chi phí liên quan đến lỗi sử dụng thuốc ước tính là 42 tỷ USD mỗi năm, chưa bao gồm tiền lương, năng suất lao động giảm hoặc chi phí cho chăm sóc sức khỏe do tai biến.

Chi phí này chiếm 1% chi tiêu toàn cầu cho y tế. Lỗi do sử dụng thuốc có thể xảy ra do hệ thống cung ứng và sử dụng thuốc còn yếu, và/hoặc do yếu tố con người như mệt mỏi, điều kiện làm việc kém hoặc thiếu nhân viên đến các công việc kê đơn, lưu trữ, chuẩn bị, pha chế, quản lý và theo dõi. Bất kỳ một hoặc sự kết hợp nào trong số này có thể dẫn đến tổn hại nghiêm trọng cho người bệnh, gây tàn phế và thậm chí tử vong.

7. Chẩn đoán không chính xác hoặc chậm trễ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến hàng triệu người bệnh

Lỗi chẩn đoán, là sự thất bại trong việc xác định bản chất của bệnh một cách chính xác và kịp thời, xảy ra ở khoảng 5% bệnh nhân tại Mỹ. Khoảng một nửa trong số các lỗi này có khả năng gây ra tác hại nghiêm trọng. Một nghiên cứu về các phòng khám chăm sóc ban đầu tại Malaysia cho thấy các lỗi chẩn đoán chiếm 3,6%. Tại Mỹ, nghiên cứu khám nghiệm tử thi cho thấy các lỗi chẩn đoán chiếm khoảng 10% trường hợp tử vong.

Nghiên cứu hồi cứu hồ sơ bệnh án cho thấy lỗi chẩn đoán chiếm 6 - 17% trong các sự cố nguy hại. Bằng chứng từ các quốc gia thu nhập thấp và trung bình còn hạn chế, tuy nhiên, ước tính tỷ lệ này sẽ còn cao hơn.

8. Trong 100 người bệnh nhập viện thì có 10 người bị nhiễm trùng bệnh viện

Cứ 100 bệnh nhân nhập viện thì có 7 người ở các nước thu nhập cao và 10 người ở các nước thu nhập thấp và trung bình sẽ mắc một hoặc nhiều bệnh nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Hàng trăm triệu bệnh nhân trên toàn thế giới bị nhiễm trùng bệnh viện hàng năm. (1329)

28.  Công bố vaccine chống sốt rét đầu tiên trên thế giới

Vaccine chống sốt rét đầu tiên của thế giới đã ra mắt tại Kenya từ ngày 13/9.

Vaccine chống sốt rét sẽ được bổ sung vào chương trình tiêm chủng của Kenya và dự kiến 300.000 trẻ em sẽ được tiêm loại vaccine này trong 3 năm tới.

Tờ Guardian (Anh) cho biết mỗi năm thế giới có tới 400.000 người chết vì sốt rét, trong số đó chủ yếu là trẻ em ở châu Phi.

Kenya là quốc gia thứ 3 tại châu Phi, sau Ghana và Malawi, thực thi chương trình vaccine sốt rét. Cả Ghana và Malawi đã khởi động chương trình này từ tháng 4 nhưng Kenya là quốc gia đầu tiên công bố việc đưa vaccine chống sốt rét vào chương trình tiêm chủng.

Đài BBC (Anh) dẫn thông báo của Bộ Y tế Kenya cho biết vaccine chống sốt rét sẽ được phổ biến tại Homa Bay, Kisumu, Migori, Siaya, Busia, Bungoma, Vihiga và Kakamega.

Bộ Y tế Kenya đồng thời khẳng định rằng để được bảo vệ đầy đủ, trẻ em cần được tiêm 4 liều vaccine chống sốt rét và duy trì thói quen ngủ trong màn hàng đêm.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế Kenya đã rất quyết liệt trong phòng chống sốt rét qua việc cung cấp màn, phun thuốc diệt muỗi và phát thuốc chống sốt rét đặc biệt dành cho phụ nữ có thai. (247)

29.  Mỹ tăng cường giám sát thuốc lá điện tử

Thống đốc bang New Jersey của Mỹ vừa thành lập một nhóm đặc nhiệm nhằm tìm kiếm các biện pháp giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nước này sau khi hàng trăm bệnh nhân mắc các bệnh về phổi và một số trường hợp tử vong vì loại thuốc lá này được ghi nhận.

Theo Reuters, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy trong một cuộc họp báo ngày 12/9 đã ra mắt một đội đặc nhiệm do Sở Y tế bang đứng đầu nhằm tìm ra các biện pháp hạn chế thuốc lá điện tử. “Tính đến thời điểm này, không có thuốc lá điện tử an toàn. Sự thay thế an toàn duy nhất cho việc hút thuốc lá là không hút thuốc”, ông Murphy nói. Theo Thống đốc Murphy, nhóm đặc nhiệm nói trên sẽ công bố các khuyến nghị trong vòng 3 tuần tới và New Jersey có thể sẽ trở thành bang mới nhất ở Mỹ áp dụng các hạn chế đối với thuốc lá điện tử.

Động thái của giới chức bang New Jersey diễn ra sau khi Chính phủ Mỹ hôm 11/9 vừa qua tuyên bố sẽ sớm ban lệnh cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử nhằm ngăn chặn vấn nạn sử dụng các sản phẩm này ở giới trẻ. Trong một phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump lý giải rằng, trên cương vị là phụ huynh của một cậu con trai tuổi thiếu niên, ông và Đệ nhất phu nhân Melania Trump cảm thấy lo lắng về việc bùng phát của bệnh phổi nghiêm trọng ở nước này. Theo Bộ Y tế Mỹ, trong vòng 30 ngày sau khi được ban hành, văn bản hướng dẫn về việc cấm thuốc lá diện tử sẽ chính thức có hiệu lực. Khi đó, tất cả các sản phẩm thuốc lá điện tử sử dụng tinh dầu tạo hương thơm sẽ bị cấm bán trên thị trường Mỹ.

Thống đốc New York Andrew Cuomo hôm đầu tuần cũng đã đề xuất cấm thuốc lá điện tử có mùi thơm. Trước đó, hôm 4/9, Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer thông báo các công ty sẽ bị cấm bán các sản phẩm dùng cho thuốc lá điện tử như tinh dầu vị kẹo có chứa nicotine khiến thanh thiếu niên gây nghiện. Ngoài ra, các hãng sản xuất cũng bị cấm quảng cáo dẫn tới thông tin sai lệch khiến người dùng tin rằng những sản phẩm này an toàn so với thuốc lá truyền thống. Hồi tháng 6 vừa qua, San Francisco đã trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ đưa ra lệnh cấm bán và sản xuất thuốc lá điện tử từ năm 2020. Thành phố Richmond ở bang Virginia sau đó cũng đã đưa ra lệnh cấm tương tự. 

Những động thái vội vã của giới chức Mỹ được triển khai trong bối cảnh Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) cho biết đã có ít nhất 6 người tử vong và hơn 450 trường hợp bị nghi là nạn nhân của dịch bệnh bí ẩn liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử ở Mỹ. Tổng số các bang phát hiện có bệnh ở Mỹ lên 36 bang và quần đảo Virgin. Trong đó, tại New Jersey đã có 3 trường hợp được xác nhận mắc bệnh và 19 trường hợp đang được điều tra. Các nhóm vận động cho những người hút thuốc lá điện tử cho rằng việc mắc bệnh là do người sử dụng hút phải thuốc “rởm”. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết các xét nghiệm và thử nghiệm đến nay chưa cho thấy rõ bệnh là do thành phần nào của thuốc lá điện tử. Do vậy, giới chức y tế Mỹ đã kêu gọi người tiêu dùng tránh hoàn toàn việc sử dụng loại thuốc này.Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar trong thông báo ngày 11/9 cho hay, có tới 5 triệu trẻ em ở Mỹ cho biết đã sử dụng thuốc lá điện tử trong năm nay, tăng 20,8% so với năm ngoái. Trong đó, khoảng 1 tháng qua, hơn 1/4 học sinh phổ thông trung học tại Mỹ đã hút loại thuốc lá này. (750)

30.  Bệnh nhân ung thư được hóa trị liệu không còn bị rụng tóc

Để ngăn chặn tình trạng rụng tóc ở những bệnh nhân ung thư trải qua hóa trị liệu, các nhà khoa học Anh đề xuất xử lý nang lông bằng chất ức chế CDK4/6 và taxanes. Taxanes được sử dụng để điều trị các loại ung thư khác nhau, gồm cả ung thư vú và phổi. Các chất ức chế tạm thời ngăn chặn sinh sản tế bào mà không gây tác động độc hại bổ sung tới nang lông.

Theo The Daily Mail, hóa trị liệu thường dẫn đến rụng tóc ở bệnh nhân ung thư. Nhưng các nhà khoa học ở Đại học Manchester đã tìm được cách ngăn ngừa tình trạng hói đầu. Họ đề xuất điều trị nang lông bằng một loại thuốc đặc biệt - chất ức chế CDK4/6 làm giảm độ nhạy cảm của nang lông (hair follicles) với taxanes, tác nhân hóa trị liệu gây rụng tóc vĩnh viễn.

Chất ức chế CDK4/6 ngăn chặn sự sinh sôi nảy nở của các tế bào ở đáy nang. Được biết hóa trị liệu tấn công chính vào các tế bào tăng sinh mạnh - dấu hiệu đặc trưng của bệnh ung thư. Tóc là tế bào phân chia nhanh thứ hai, đó là lý do tại sao nhiều loại thuốc hóa học gây ra rụng tóc. Cho đến nay, để giảm nguy cơ rụng tóc, y học đề xuất sử dụng mũ làm mát bề mặt đầu. Bằng cách hạ thấp nhiệt độ, người ta tin rằng các tác nhân hóa trị liệu sẽ không tác động đến tóc. Tuy nhiên, chúng không phù hợp hoặc hiệu quả đối với tất cả các bệnh ung thư và đòi hỏi bệnh nhân phải nằm viện lâu hơn.

Các thử nghiệm đã chứng minh rằng phương pháp mới do các nhà khoa học Anh đề xuất mang tính vạn năng. Các nhà khoa học xử lý nang lông bằng chất ức chế CDK4/6 và taxanes. Taxanes được sử dụng để điều trị các loại ung thư khác nhau, gồm cả ung thư vú và phổi. Các chất ức chế tạm thời ngăn chặn sinh sản tế bào mà không gây tác động độc hại bổ sung tới nang lông.

Công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí EMBO Polar Medicine, tiến sĩ Talveen Purba hy vọng nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ dẫn đến các phương pháp điều trị làm chậm hoặc hoàn toàn khắc phục chứng rụng tóc của bệnh nhân được hóa trị liệu cũng như có thể tăng cường hiệu quả của các phương pháp điều trị hiện tại, như mũ mát da đầu.

Theo thống kê của Tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh, một nửa số người sinh sau năm 1960 ở Anh sẽ bị ung thư. Còn theo Viện Ung thư quốc gia Mỹ, chỉ riêng ở Mỹ vào năm ngoái đã có khoảng 1,7 triệu trường hợp mới được chẩn đoán mắc bệnh. Trong khi đó, có đến 8% bệnh nhân có thể từ chối hóa trị do lo ngại bị rụng tóc. (530)

31.  Kroger thu hồi sản phẩm cá trước lo ngại ngô độc scombroid

Người dùng đang được cảnh báo về hải sản đã bị hỏng và có nguy cơ gây ngộ độc. Cơ quan quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thông báo về một cuộc thu hồi đối với cá thu vây vàng tại các cửa hàng bán lẻ của Kroger trên nhiều bang.

Vào ngày 04/09, FDA ghi nhận nhiều vụ việc ngộ độc scomboid tại ba cửa hàng Kroger khác nhau ở Ohio. Ngày tiếp theo, Kroger đồng ý thu hồi tất cả các mặt hàng cá thu vây vàng tại các cửa hàng của mình. Những bang bị ảnh hưởng bởi cuộc thu hồi này gồm Georgia, North Carolina, South Carolina, Alabama, Kentucky, Indiana, Virginia, West Virginia, Michigan, Missouri, Tennessee và Mississippi.

Theo khuyến cáo, tất cả mặt hàng cá thu vây vàng có ngày sản xuất từ 29/08 đến 14/09 của Kroger được bán ở những bang này nên bị bỏ đi.

Ngộ độ scomboid xảy ra sau khi ăn cá ôi thiu, có thể gây ra những triệu chứng tương tự dị ứng như da đỏ ửng, phát ban trên mặt và toàn thân, đổ mồ hôi, tiêu chảy và chuột rút bụng. Đáng sợ là, không thể nhận ra để đề phòng ngộ độc scomboid chỉ qua mùi cá ôi thiu hoặc vị cá quá tệ.

Nguyên nhân của ngộ độc scomboid là do cá không được đông lạnh đúng cách trong khoảng thời gian từ khi đánh bắt đến lúc nó được chế biến. Vi khuẩn trên bề mặt thịt cá giải phóng histamine, một chất chịu trách nhiệm cho những triệu chứng của dị ứng sau khi ăn cá. Các triệu chứng xảy ra nhanh chóng, thường là trong vòng 15 phút đến vài tiếng sau khi tiêu hóa hết cá. Chất chống histamine được dùng để tiêu trừ các triệu chứng.

Đa số mọi người đều hồi phục sau khi ngộ độc nhanh mà không cần điều trị, trong khi số khác gặp các triệu chứng nghiêm trọng thì hô hấp có thể khó khăn hơn và cần được điều trị bởi chất chống histamine trong phòng cấp cứu.

Trang web của Kroger tuyên bố, người tiêu dùng có thể trả lại sản phẩm bị ôi thiu cho cửa hàng để được hoàn tiền

Thăm dò ý kiến