Thông tin y tế 22 - 24/9/2020

24/09/2020 | 09:34 AM

 | 

1. Kế hoạch mới xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19

Đây là căn cứ để các đơn vị xây dựng kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19 tại địa phương, đơn vị và tổ chức thực hiện.

Ngày 21/9, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4042/QĐ-BYT về việc phê duyệt Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19.

Quyết định này thay thế Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22/4/2020 của Bộ Y tế về Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19.

Kế hoạch xét nghiệm COVID-19 nhằm mục tiêu chung phát hiện kịp thời các trường hợp mắc COVID-19 để thực hiện giám sát, cách ly, điều trị, đánh giá cho ra viện và nghiên cứu.

Theo đó, kế hoạch phân loại đối tượng xét nghiệm theo ưu tiên. Nhóm 1: Xét nghiệm cho các đối tượng này trong trong mọi trường hợp. Nhóm 2: Xét nghiệm cho các đối tượng này khi có nhiều nguồn lực hơn và đã báo đảm đầy đủ cho các trường hợp thuộc nhóm 1. Nhóm 3: Xét nghiệm khi có đủ nguồn lực và đã bảo đảm cho các đối tượng thuộc nhóm 1 và 2.

Việc lựa chọn đối tượng cần được xét nghiệm, phương pháp, kỹ thuật và sinh phẩm xét nghiệm là căn cứ vào các yếu tố dịch tễ và lâm sàng, cần xem xét đánh giá tính khả thi trước khi thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng có mức độ ưu tiên thấp hơn.

Sinh phẩm xét nghiệm theo kế hoạch là các sinh phẩm xét nghiệm đã được Bộ Y tế cho phép hoặc Tổ chức Y tế thế giới hoặc CDC Hoa Kỳ thẩm định và khuyến cáo; sử dụng sinh phẩm xét nghiệm bằng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật chất di truyền (ARN) hoặc kháng nguyên của virus để khẳng định nhiễm SARS- CoV-2.

Sinh phẩm xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên có độ nhạy cao có thể được sử dụng để sàng lọc tại các điểm xét nghiệm lưu động hoặc cơ sở xét nghiệm cố định.

Sinh phẩm xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không được sử dụng để sàng lọc, xác định ca nhiễm SARS-CoV-2 mà để điều tra, đánh giá, theo dõi hiệu quả của các biện pháp điều trị, các biện pháp phòng, chống dịch đã thực hiện, đánh giá tình hình dịch tễ miễn dịch cộng đồng.

Nội dung hoạt động của kế hoạch được phân thành nhiều giai đoạn: giai đoạn có ca bệnh xâm nhập, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú, chưa lây lan rộng trong cộng đồng; giai đoạn bệnh lây lan rộng trong cộng đồng; giai đoạn chỉ phát hiện ca mắc từ nước ngoài về, không có ca mắc trong cộng đồng... Mỗi giai đoạn được chia thành các nhóm đối tượng ưu tiên khác nhau và chỉ định kỹ thuật xét nghiệm phù hợp.

Kế hoạch cũng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 thực hiện báo cáo hoạt động xét nghiệm theo quy định.

Các đơn vị sản xuất, cung cấp sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 chịu trách nhiệm báo cáo năng lực sản xuất, tình hình cung ứng và việc bảo đảm chất lượng sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành; thay thế Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22/4/2020 của Bộ Y tế về kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19...

Theo kế hoạch, tính đến ngày 13/9, cả nước có 137 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, trong đó ngành y tế có 118 phòng, các ngành khác có 19 phòng với công suất xét nghiệm tối đa là hơn 51.125 mẫu/ngày.

Có 75 trong 137 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định COVID-19 với công suất xét nghiệm tối đa là hơn 40.550 mẫu/ngày.

Cũng tính đến 13/9, cả nước đã xét nghiệm Realtime RT- PCR được hơn 1 triệu mẫu, trong đó đã xác định 1.063 trường hợp mắc COVID- 19.

Tỷ lệ phát hiện dương tính với virus là khoảng 0,1% cho thấy việc sử dụng nguồn lực hợp lý hơn bằng cách lấy mẫu xét nghiệm có trọng điểm là rất quan trọng trong bối cảnh đang thiếu sinh phẩm trên toàn cầu. (22.9.2020, 781)

2. Sau bão, lũ, không chủ quan với dịch

Sau khi bão lũ đi qua, đây là thời điểm dễ bùng phát các loại dịch bệnh, nhất là dịch Sốt xuất huyết (SXH). Để khống chế, không để dịch bệnh lan rộng, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyến địa phương.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Con Cuông (Nghệ An), ngày 27/8 trên địa bàn huyện bắt đầu xuất hiện bệnh nhân mắc SXH đầu tiên, đến ngày 22/9, đã có 20 bệnh nhân mắc SXH, các ca bệnh tập trung ở khối 2, khối 3, khối 6 thị trấn Con Cuông.

Trong đó có 4 ca được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Nam (ĐKKVTN), Nghệ An; 02 ca có diễn biến nặng phải chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An để điều trị. 16 ca đã được điều trị khỏi bệnh .

Bác sĩ Lô Anh Tuấn, Phó Giám đốc TTYT huyện Con Cuông cho biết: “Ngay sau khi có bệnh nhân mắc SXH, TTYT đã phối hợp với UBND thị trấn đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng bệnh SXH; khuyến cáo, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom các vật dụng có thể chứa nước, không để muỗi sinh sản… đồng thời TTYT triển khai giám sát ca bệnh, thực hiện phun hóa chất diệt muỗi những nơi trọng điểm, khu vực có bệnh nhân mắc SXH”.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An) do TS Nguyễn Văn Định, Giám đốc làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế công tác Phòng, chống SXH tại khối 2, khối 3, khối 6; công tác thu dung điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện ĐKKVTN. Trong quá trình kiểm tra, giám sát cho thấy các chỉ số véc tơ vượt mức cảnh báo dịch.

TS Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An cho hay: “Từ trước đến nay, trên địa bàn huyện Con Cuông chưa từng xuất hiện dịch bệnh SXH, nên chưa có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh này, vì vậy nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Chúng tôi đã yêu cầu TTYT huyện nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; tiến hành phun thuốc diệt muỗi, hoá chất khử khuẩn môi trường tại các ổ dịch, sẵn sàng các phương án ứng phó.

Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt, nâng cao hơn nữa tinh thần chống dịch, thường xuyên giám sát, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức nhận thức về phòng, chống bệnh SXH cho người dân bằng việc tổ chức các chiến dịch tổng dọn vệ sinh môi trường các khu vực dân cư, loại bỏ các dụng cụ, thiết bị tích trữ nước lâu ngày không có nắp, vì đây là nơi sinh sản của muỗi, thực hiện tốt khẩu hiệu “Không có bọ gậy, loăng quăng, không có SXH”.

Có thể nói, sau khi bão lũ đi qua, đây là thời điểm dễ bùng phát các loại dịch bệnh, nhất là dịch SXH. Đặc biệt tại những địa phương chưa từng xẩy ra dịch bệnh này.

Để kịp thời khống chế dịch bệnh, không để dịch lan rộng ra cộng đồng, ngoài những nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, của của cấp ủy, chính quyền địa phương về cả nhân lực, vật lực và sự hợp tác tích cực của người dân trong công tác phòng, chống dịch. (23.9.2020, 632)

3. Thúc đẩy phục hồi KT-XH nhưng không chủ quan với dịch bệnh

guy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW cần nghiêm túc, trách nhiệm, thường xuyên triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là quản lý chặt chẽ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các trường hợp nhập cảnh, nhất là khi mở lại một số đường bay thương mại quốc tế, đồng thời tập trung chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ nhằm sớm phục hồi, phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới.

Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.

Tính đến 9h00 ngày 23/9/2020, theo thống kê của worldometers.info:

*Thế giới 31.764.479 người mắc ; 974.582 người tử vong, 23.371.783 người khỏi bệnh

215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

* Việt Nam đứng thứ 165/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

Việt Nam có 691/1068 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc liên quan đến Đà Nẵng tính tính từ 25/7 dến nay: 551 ca;

- Số ca tử vong: 35 ca

- Số ca điều trị khỏi: 980 ca

* Về chỉ đạo điều hành:

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ TT-TT, Bộ Y tế cùng các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế); tăng cường truyền thông về các biện pháp dự phòng các bệnh truyền nhiễm, tránh tình trạng dịch chồng dịch.

Để thực hiện mục tiêu kép: vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, dần hình thành thói quen, nếp sống phù hợp trong tình hình mới để giữ an toàn cho bản thân và xã hội.

* Về công tác điều trị, xét nghiệm:

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Có 23 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Các bệnh nhân này sau khi khỏi bệnh sẽ tiếp tục theo dõi sức khoẻ và cách ly y tế tại nhà theo quy định. Như vậy, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 980 bệnh nhân COVID-19/1.068 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 11 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 2 ca, số ca âm tính lần 3 là 12 ca. Cho biết đến thời điểm này chúng ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Hiện nay, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát. Tuy nhiên tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu. Đã có tình trạng người dân lơ là thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người…(23/9/2020, 655)

4. Bệnh viện Thống Nhất nhận Tiêu chuẩn vàng trong điều trị đột quỵ

Chiều 23/9, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM đã được trao chứng nhận Tiêu chuẩn vàng trong điều trị đột quỵ.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ, 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc tàn phế nặng nề. Với những nguy cơ đó, bệnh đột quỵ dẫn đến gánh nặng lớn cho gia đình, xã hội nếu không được điều trị sớm và điều trị đúng cách.

Tại Bệnh viện Thống Nhất, trong những năm qua, bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, cử nhiều bác sĩ đào đi tạo tại nước ngoài, xây dựng mối đoàn kết phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan trong bệnh viện dưới sự điều phối chung của người phụ trách. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp tốt với các đơn vị bạn, đơn vị tuyến dưới trong việc thông tin tiếp nhận ca bệnh đột quỵ. Do đó, việc tiếp nhận bệnh nhân, xử lý cấp cứu, chẩn đoán và điều trị được thực hiện kịp thời, thời gian ngày càng được rút ngắn, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị phục hồi tốt trong khung giờ vàng ngày càng được nâng lên.

PGS.TS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất nhận chứng nhận Tiêu chuẩn vàng trong điều trị đột quỵ

Thống kê tại bệnh viện, có 7,4-7,9% bệnh nhân nhồi máu não được điều trị tái thông mạch máu não bị tắc nghẽn, phần lớn bệnh nhân được can thiệp đã hồi phục tốt về chức năng, tự đi lại sinh hoạt gần bình thường đến bình thường đánh giá bằng thang điểm Rankin.

PGS.TS Lê Đình Thanh nhấn mạnh: “Chứng nhận Tiêu chuẩn vàng của Tổ chức Đột quỵ thế giới trao tặng cho BV Thống Nhất là thành quả của sự nỗ lực rất lớn trong thời gian qua. Với những tiến bộ hiện nay, Khoa Nội thần kinh đã được giao làm đầu mối để phấn đấu đạt tiêu chuẩn Kim cương trong năm 2021”. (23.9.2020, 409)

5. Nhiều “điểm sáng” trong công tác thực hiện BHYT học sinh, sinh viên

Theo quy định, học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, đây là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm để thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, góp phần đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân để mọi người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Với riêng HSSV, việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc.

Bước tiến trong nhận thức của cha mẹ học sinh về BHYT HSSV

Tại tỉnh Đồng Tháp, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT của năm học sau cao hơn các năm học trước do nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân quan trọng là do nhận thức của phụ huynh HS trên địa bàn về lợi ích của việc tham gia BHYT HSSV đã nâng lên rõ rệt. Đồng thời, công tác xã hội hóa BHYT cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn đang được các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai.

Là trường đạt tỷ lệ 100% học sinh có thẻ BHYT trong cả 2 năm học vừa qua, ông Nguyễn Đức Điền - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Khải, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp cho biết: “Đầu năm học, nhà trường đều phối hợp với Hội phụ huynh đẩy mạnh tuyên truyền về quyền lợi, ý nghĩa của việc tham gia BHYT tới tất cả HS và cha mẹ HS trong toàn trường. Đối với những em có hoàn cảnh quá khó khăn, nhà trường và Hội phụ huynh vận động các mạnh thường quân hỗ trợ toàn bộ chi phí mua thẻ BHYT, đối với những em ít khó khăn hơn thì hỗ trợ 50% phí mua thẻ...”.

Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Chúng tôi cố gắng để nắm bắt hoàn cảnh khó khăn của các em HS để kịp thời hỗ trợ, đảm bảo cho các em được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Hiện nay, ngân sách nhà nước hỗ trợ phí đóng thẻ BHYT cho học sinh là 30%, còn ngân sách của địa phương hỗ trợ thêm 10%, do đó các em chỉ phải đóng 60% mức đóng”.

Yên Bái: Phấn đấu đạt 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2020-2021

Năm học 2019-2020, toàn tỉnh Yên Bái có 154.816/160.545 HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 97%; trong đó, nhiều địa phương đạt kết quả cao như: TP Yên Bái đạt 99,2%, huyện Trạm Tấu: 99,5%, huyện Mù Cang Chải: 98,4%, huyện Trấn Yên, huyện Yên Bình, huyện Lục Yên: 97,1%... Tuy nhiên, hiện tỉnh còn 3% số HSSV chưa tham gia BHYT (khoảng 5.000 em)...

Trong năm học 2020-2021, công tác BHYT HSSV tiếp tục nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh. Trước thềm năm học mới, ngày 01/9/2020, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2620/UBNS-VX chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các huyện, thị đẩy mạnh triển khai thực hiện BHYT HSSV để phấn đấu đạt 100% HSSV trên địa bàn tham gia BHYT. Theo đó, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho BHXH tỉnh; Sở GD&ĐT; Sở Y tế; Sở LĐTB&XH; Sở TT&TT; Sở Tài chính; Tỉnh Đoàn thanh niên; Các trường Cao đẳng, chuyên nghiệp; UBND các huyện, thị xã, TP đẩy mạnh truyền thông chính sách BHYT HSSV, thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh BHYT…

Trường THPT Phạm Thái Bường (tỉnh Trà Vinh): “Điểm sáng” trong công tác thực hiện BHYT HSSV

Năm học 2019-2020, tỉnh Trà Vinh có 318/318 trường với 168.428 HS tham gia BHYT, đạt 93,4% tổng số HS và tăng 2.116 em so với trong năm học 2018-2019. Nhiều trường liên tiếp giữ vững thành tích đạt tỷ lệ tuyệt đối số HS tham gia BHYT qua các năm học, trong đó Trường THPT Phạm Thái Bường (TP Trà Vinh) là một đơn vị điển hình…

Bà Châu Hạnh Thùy - Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Thái Bường đánh giá, một trong những giải pháp then chốt chính để nhà trường vận động được 100% HS tham gia BHYT chính là sự quyết tâm và đồng thuận cao của các giáo viên và cha mẹ HS trong trường. Do đó, ở cả 2 năm học vừa qua, Trường Phạm Thái Bường đều đạt kết quả tốt với 100% HS tham gia BHYT với 1.392 em năm học 2018-2019 và 1.322 em năm học 2019-2020.

Hiện tại, Trường THPT Phạm Thái Bường đã trang bị phòng y tế và bố trí 01 cán bộ y tế chuyên trách trực tiếp chăm sóc, sơ cứu cho HS. Từ nguồn kinh phí được cấp cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhà trường đã trang bị đầy đủ các vật dụng thiết yếu cho Phòng y tế gồm: tủ thuốc; các thuốc thông dụng; dụng cụ y tế như máy đo huyết áp, bông băng, bông gạt… để kịp thời sơ cứu, chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Phát huy những thành tích đạt được, năm học 2020-2021, Trường THPT Phạm Thái Bường tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền ý nghĩa, mục đích nhân văn của chính sách BHYT, quyết tâm phấn đấu tiếp tục đạt 100% HS tham gia BHYT. (24.9.2020, 942)

6. Bệnh nhi nặng không còn phải chuyển viện đến TP.HCM

Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM được giao làm Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cho 25 tỉnh thành phố từ Bình Định đến Cà Mau, những trường hợp bệnh nhi nặng không còn phải chuyển viện.

68 điểm cầu được Bệnh viện Nhi Đồng 1 hỗ trợ từ xa

Ngày 24/9, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã khai trương Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth Center). Đã có 68 điểm cầu từ 25 tỉnh/thành phố từ Bình Định đến mũi Cà Mau đã đăng ký tham gia đề án (là tuyến dưới) với Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Mục tiêu chính của đề án là năng cao năng lực chẩn đoán và điều trị cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cả hệ thống y tế nhà nước và tư nhân thông qua các hoạt động: Hội chẩn từ xa (các trường hợp khó, cấp cứu); Huấn luyện, đào tạo trực tuyến cho cán bộ y tế tuyến trước; Tư vấn chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị, phòng, chống dịch; Sinh hoạt chuyên môn – bình bệnh án định kỳ…

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho hay: “Từ thực tế trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vừa qua, các chương trình đào tạo, hỗ trợ từ xa đã đạt nhiều hiệu quả quan trọng. Với sự triển khai Đề án Hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, qua các hoạt động cụ thể, trách nhiệm của bệnh viện là hỗ trợ các bệnh viện sản nhi tuyến tỉnh và huyện hội chẩn những ca khó, phức tạp giảm số trường hợp chuyển viện không cần thiết, chuyển viện không an toàn, tăng niềm tin và hài lòng của người dân vào hệ thống y tế cơ sở, giảm quá tải ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối. Song song với các hoạt động hỗ trợ, bệnh viện hướng đến thực hiện những chương trình huấn luyện, đào tạo kỹ năng, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện sản nhi tuyến dưới”.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng cho biết thêm, để vận hành hệ thống có hiệu quả, bệnh viện đã lên các kế hoạch bảo trì hệ thống, xây dựng cơ chế hỗ trợ cho đồng nghiệp, đặc biệt là những đồng nghiệp tham gia hội chẩn vào những khung thời gian ngoài giờ hành chính. Để hoạt động hỗ trợ đạt hiệu quả cao, các đơn vị tuyến dưới cần được trang bị thêm camera di động để tiếp cận gần hơn với người bệnh, thông qua màn hình các hình ảnh, thông số được dẫn truyền rõ ràng, giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn.

Hội chẩn cho 2 bệnh nhi phức tạp

Cũng trong ngày 24/9, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã kết nối với các điểm cầu để hỗ trợ hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh cho 2 trường hợp bệnh nhi có bệnh cảnh phức tạp.

Tại điểm cầu Bệnh viện Sản nhi An Giang, BS.CK2 Tôn Quang Chánh - Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh nhi nam 18 ngày tuổi là con thứ 4 của sản phụ Nguyễn Thị Xuân M. (ngụ An Giang) được đưa đến bệnh viện Sản nhi An Giang lúc 13h 45 phút ngày 31/8 do tình trạng sau sinh khó yếu, thở mệt. Trước đó, bệnh nhi được mổ bắt thai vì suy thai, mẹ mang thai 38 tuần. Sản phụ có tiền căn bị đái tháo đường. Ngay sau khi nhập viện, bệnh đã được nhập Khoa ICU, được can thiệp hỗ trợ đường thở, điều trị kháng sinh.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhi được xác định có tình trạng viêm phổi hít, nhiễm khuẩn huyết. Các bác sĩ đã nghiên cứu và tích cực điều trị cho bệnh nhi bằng các biện pháp, tình trạng bệnh nhi đã dần ổn định dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới. Thông qua trường hợp này, các bác sĩ mong muốn góp ý từ các bác sĩ tuyến trên.

Tại điểm cầu trung tâm là Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam - Cố vấn chuyên môn cấp cao của bệnh viện đánh giá cao những nỗ lực và các biện pháp mà bác sĩ tuyến dưới đã điều trị cho bệnh nhi. Tổng kết các góp ý từ các bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam lưu ý bác sĩ tuyến dưới nên thận trọng lựa chọn kháng sinh, điều trị dinh dưỡng nâng cao thể trạng cho bệnh nhi, nên chỉ định cho bệnh nhi tái khám lại sau 1 tháng xuất viện để đánh giá lại tình trạng.

Trường hợp thứ 2 là một bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định. Bác sĩ Phạm Quang Dũng - Trưởng khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa Bình Định cho biết, bệnh nhi nữ 4 tháng tuổi được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới trong tình trạng ho, khò khè, thở mệt, được chẩn đoán Viêm phổi nặng trên thể trạng bệnh nhi mắc Hội chứng Down, tim bẩm sinh. Ở tuyến dưới, bệnh nhi được điều trị thở oxy, truyền dịch, kháng sinh nhưng không thuyên giảm.

Từ ngày 6/8 (bệnh nhi nhập viện) đến nay, các bác sĩ đã điều trị tích cực bằng nhiều biện pháp, tình trạng của bệnh nhi có cải thiện từng ngày. Tuy nhiên, điều đặc biệt là kết quả siêu âm, phát hiện bệnh nhi có thông liên nhĩ thứ phát đường kính khoảng 6mm, đối với tình trạng này các bác sĩ đang băn khoăn có nên đóng lỗ liên thông nhĩ hay không?

Dựa trên các kết quả chụp chiếu, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã yêu cầu các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bình Định zoom camera đến gần với bệnh nhi để tiếp cận rõ hơn với các thông số trên máy thở. Theo Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam, đối với trường hợp bệnh nhi này vấn đề chính hiện nay là điều trị viêm phổi, đặc biệt cần thận trọng khi sử dụng thuốc cao áp phổi bởi nguy cơ dẫn đến suy tim nặng hơn, sau khi điều trị viêm phổi ổn cần được đánh giá lại tình trạng tim bẩm sinh. Các bác sĩ cũng không nên bỏ sót yếu tố suy giảm miễn dịch. Đới với lỗ thông liên nhĩ đường kính 6mm không lớn, không nhất thiết phải phẫu thuật để đóng, cần tăng lược khí lên phổi, điều chỉnh lại kháng sinh phù hợp.

“Khi bệnh nhân ổn định về hô hấp, nhiễm khuẩn nên được hội chẩn thêm về tình trạng tim bẩm sinh. Khi thực hiện hội chẩn từ xa các bác sĩ tuyến dưới nên quay lại video siêu âm tại chỗ và truyền sóng hình ảnh đến trung tâm, việc này sẽ giúp các bác sĩ tuyến trên chẩn đoán chính xác hơn, đưa ra được phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhi”- Theo Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam nhấn mạnh. (24.9.2020, 1227)

7. Cảnh báo 4 nhóm nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại Việt Nam

Chiều 24/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay. Tại cuộc họp các chuyên gia cảnh báo 4 nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 ở nước ta

Có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc COVID-19

Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca bệnh ghi nhận trên toàn thế giới đã vượt mốc 32 triệu người. Một số nước đã phải tái áp dụng lệnh phong toả để phòng, chống dịch.

Ở trong nước, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên, tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu như vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người.

TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trong thời gian tới Việt Nam có thể ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ trường hợp nhập cảnh, đặc biệt khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.

Ban Chỉ đạo nhận định tình hình trên thế giới cho thấy dịch bệnh ở nhiều nước đã bùng phát trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát, cách ly xã hội.

Công tác phòng, chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi mùa đông sắp đến, điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, lây lan.

Tâm lý trong xã hội lại bắt đầu xuất hiện có sự chủ quan, lơ là sau khoảng 3 tuần chúng ta không ghi nhận ca nhiễm mới.

Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Y tế khuyến cáo tiếp tục thực hiện các giải pháp như: Chỉ đạo các địa phương xây dựng các phương án tổ chức cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19 và cách ly theo dõi sức khỏe phù hợp đối với nhóm đối tượng nhập cảnh khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, cộng đồng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K: Khẩu trang-khử khuẩn-khoảng cách-không tụ tập-khai báo y tế.

Các kịch bản, phương án ứng phó thường xuyên được cập nhật, sẵn sàng; phù hợp, hiệu quả với tình huống dịch bệnh; phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, nhà máy xí nghiệp…; tăng cường khám bệnh, chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị tuyến dưới khám bệnh, chữa bệnh.

Cùng với đó, Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh, vắc-xin trong nước; chủ động tiếp cận nguồn vắc-xin phòng COVID-19 trên thế giới; tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, tổ chức thực hiện cách ly theo hướng dẫn của ngành Y tế...

Theo một số chuyên gia, hiện nay Việt Nam tiềm ẩn 4 nguồn có nguy cơ lây nhiễm lớn nhất: Đối tượng nhập cảnh trái phép, đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng; một số mặt hàng nhập khẩu được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước có dịch bệnh.

Trong đó, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định nguy cơ lây nhiễm lớn nhất từ đối tượng nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giám sát y tế.

Các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia đã phân tích, rút ra bài học một số bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch thời gian qua. Đặc biệt bài học tại Đà Nẵng, khi để dịch bệnh lây lan những khoa điều trị bệnh nhân nặng trong bệnh viện. Ngay các bệnh viện cũng không thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch nên sau 2 tuần mới phát hiện ra. Chúng ta không được để bài học ở Đà Nẵng trở thành vô nghĩa.

Quản lý, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh

Thời gian tới, chúng ta vẫn phải tiếp tục ngăn chặn người nhập cảnh trái phép qua biên giới. Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ biên giới, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các đường dây đưa người nhập cảnh trái phép.

Ban Chỉ đạo đặc biệt nhấn mạnh công tác quản lý, giám sát đối tượng nhập cảnh hợp pháp, trong bối cảnh chúng ta mở lại các đường bay thương mại quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng các hướng dẫn, quy trình đã có nhưng nhưng việc phân công thực hiện còn lỏng lẻo.

“Việc đón người từ sân bay về đến khách sạn, nơi cách ly thì ai làm gì, ai điều hành vẫn chưa rõ. Tôi cho rằng lực lượng trực tiếp triển khai hoạt động cách ly không ai khác là nhân lực của chính cơ sở cách ly, cùng với lực lượng y tế, công an dưới sự điều hành trực tiếp của chính quyền địa phương. Chúng ta phải phân công trách nhiệm rất rõ ràng, đầy đủ”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nói.

Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ cho rằng vấn đề quản lý, giám sát, cách ly người nhập cảnh hợp pháp đang nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị quy trách nhiệm cụ thể đối với từng bộ ngành, địa phương trong phòng, chống dịch, không nói chung chung. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm quản lý, cách ly, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch không chỉ đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài,… mà cả những đoàn khách nước ngoài của các bộ, ngành Trung ương.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với các nhà mạng tích hợp thêm tính năng cho ứng dụng khai báo y tế bắt buộc để người nhập cảnh phải cập nhật tình hình sức khoẻ hàng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế.

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh bên cạnh những biện pháp mang tính khuyến nghị, chúng ta cần có các quy định mang tính bắt buộc trong thực hiện phòng, chống dịch, có biện pháp xử phạt người vi phạm.

Cập nhật bệnh viện an toàn lên bản đồ chống dịch

Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế rà soát ngay các hướng dẫn, quy trình phòng, chống dịch bệnh, chuyển thành danh sách các công việc (check-list) chi tiết nhất có thể, dễ hiểu, dễ làm đến tận từng cơ sở.

Trước mắt, tất cả giám đốc bệnh viện phải kiểm tra định kỳ việc thực hiện các công việc phòng, chống dịch, báo cáo trực tuyến, cập nhật lên bản đồ chống dịch. Bộ Y tế chỉ khuyến nghị người dân chỉ nên đến khám, chữa bệnh tại những bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn, thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Tương tự, Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ GD&ĐT phát động trong tất cả các trường học thực hiện định kỳ các công việc phòng, chống dịch, hiệu trưởng báo cáo hàng ngày, hàng tuần để đảm bảo trường học an toàn, lớp học an toàn, từ đó lan toả ra cộng đồng, trong các công sở, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh… Qua đó góp phần nâng cao ý thức phòng, chống dịch của từng người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế phải chỉ đạo các bệnh viện đẩy mạnh hoạt động đăng ký khám bệnh qua mạng cho người dân để các cơ sở y tế có sự chuẩn bị trước, trừ những trường hợp cấp cứu; rà soát, siết lại việc thực hiện phân luồng khám, chữa bệnh trong bệnh viện; hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp xét nghiệm khi nghi nhiễm COVID-19 trong bệnh viện. (24.9.2020, 1470)

 

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến