Thông tin y tế 4 – 06/02/2020

06/02/2020 | 10:35 AM

 | 

1. Thêm 2 trường hợp dương tính với nCoV

Hai bệnh nhân tiếp theo dương tính với chủng virus corona đến từ Vĩnh Phúc. Cả hai bệnh nhân này đều có chung tiền sử dịch tễ, là mẹ ruột và em gái bệnh nhân N.T.D, một trong 7 người Việt Nam được cử sang Trung Quốc tập huấn tại Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và khi trở về Việt Nam bệnh nhân N.T.D đã được xác định dương tính với nCoV.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, vừa có thêm 2 ca bệnh vừa được xét nghiệm dương tính với vi rút nCoV, đưa tổng số ca bệnh dương tính với nCoV ở Việt Nam lên 12 người.

Hai bệnh nhân đều là người trong một gia đình với bệnh nhân N.T.D đã được xác định dương tính với nCoV trước đó. Đó là bệnh nhân P., nữ, 49 tuổi, làm ruộng, hiện đang ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; là mẹ đẻ của bệnh nhân N.T.D , từ ngày 03/02/2020, bệnh nhân P. xuất hiện triệu chứng ho.

Bệnh nhân dương tính thứ 12 của Việt Nam tên là N..D, nữ, 16 tuổi, là học sinh, hiện đang ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; là em gái ruột của bệnh nhân N.T.D. Bệnh nhân N..D chỉ xuất hiện triệu chứng ho nhẹ, mệt mỏi.

Cả hai bệnh nhân này đều có chung tiền sử dịch tễ là người trong một gia đình với bệnh nhân N.T.D, một trong 7 người Việt Nam khác được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, cùng trở về Việt Nam ngày 17/01/2020.

Cả hai bệnh nhân này là đối tượng tiếp xúc gần với bệnh nhân N.T.D, do vậy đã được cơ quan y tế và chính quyền địa phương đưa vào diện đối tượng cần giám sát chặt chẽ, theo dõi sức khoẻ tại gia đình và cộng đồng.

Hiện hai bệnh nhân đang phối hợp rất tốt cơ quan y tế sở thực hiện các biện pháp xử lý dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Ngày 4/2/2020, qua  giám sát và theo dõi sức khoẻ người tiếp xúc gần, cơ quan y tế địa phương phát hiện hai trường hợp này xuất hiện các triệu chứng ho, mệt mỏi. Cả hai  đã được đưa vào cơ sở y tế để cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm. Hiện tại, sức khoẻ của hai bệnh nhân ổn định.

Kết quả xét nghiệm tại Khoa Virut, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho thấy, mẫu bệnh phẩm của hai bệnh nhân này dương tính với virus  nCoV bằng kỹ thuật Realtime RT – PCR. (06/2/2020, 480 từ)

2. Bắc Ninh sẵn sàng đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh nCoV

Trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV, ngành y tế Bắc Ninh đã tổ chức triển khai kế hoạch đáp ứng với dịch bệnh nCoV với 4 cấp độ nhằm mục tiêu giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp do nCoV đầu tiên, xử lý kịp thời không để dịch bùng phát, lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh gây ra.

Xây dựng kịch bản đáp ứng với từng cấp độ của dịch

Theo đó, các hoạt động truyền thông cập nhật và cung cấp thông tin, kiến thức cho người dân để chủ động phòng tránh, phối hợp quản lý các tin đồn về tình hình dịch bệnh ngăn chặn kịp thời các thông tin phóng đại, thông tin sai, không chính xác gây hoang mang cho cộng đồng đã được thực hiện, đồng thời thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra chuyên môn theo từng cấp độ: Khi chưa ghi nhận ca bệnh nghi mắc trên địa bàn; khi xuất hiện dưới 10 ca bệnh nghi mắc nCoV; khi xuất hiện trên 10 đến 100 ca bệnh nghi mắc nCoV vào cơ sở y tế khám, khi xuất hiện trên 100 ca bệnh nghi mắc nCoV vào cơ sở y tế khám hoặc có ít nhất 1 ca bệnh được chẩn đoán dương tính với nCoV, có khả năng lây lan trên cộng đồng và tương ứng với từng cấp độ là các hoạt động cụ thể về công tác dự phòng, điều trị, công tác hậu cần…

Ngành y tế giao cho các đơn vị liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ để tổ chức thực hiện, trong đó tập trung giám sát nCoV tại tất cả các tuyến, điều tra phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông; giám sát, lấy mẫu gửi xét nghiệm tất cả những ca nghi nCoV trong giai đoạn dịch chưa lan rộng trong cộng đồng; thành lập 02 đội phản ứng nhanh sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có dịch xảy ra; tổ chức các lớp tập huấn giám sát và dự trù đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư chuyên dụng để phục vụ công tác phòng chống dịch cũng như phòng hộ cá nhân cho cán bộ trực tiếp tham gia phòng chống dịch; sẵn sàng cơ sở vật chất, khu cách ly, thuốc, thiết bị, vật tư, hóa chất, nhân lực… để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh, triển khai công tác thu dung, cách ly, điều trị đảm bảo không lây nhiễm chéo và hạn chế thấp nhất tử vong.

Kiểm soát, cách ly chặt chẽ với người nhập cảnh đến/đi qua Trung Quốc

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở Y tế đã phối hợp Công an tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV, đặc biệt tăng cường quản lý sức khỏe người nước ngoài đang cư trú và làm việc trên địa bàn tỉnh; thực hiện việc cách ly phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh đến hoặc đi qua 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Các trường hợp nghi nhiễm nCoV lập tức đưa vào cách ly tại các cơ sở y tế, đối với những người nhập cảnh đến hoặc đi qua các tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc phải được coi như trường hợp mắc bệnh và tiến hành khoanh vùng cách ly ngay tại cơ sở do UBND tỉnh quy định tại trường Quân sự tỉnh Bắc Ninh, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh.

Đối với các trường hợp khác, Sở Y tế  Bắc Ninh yêu cầu thực hiện cách ly tại nhà hoặc cơ sở dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, kiên quyết không để các trường hợp này ra khỏi nhà hoặc cơ sở lưu trú và tiếp xúc với người xung quanh. Đối với những người sống trong gia đình, làm việc trong các cơ sở lưu trú có người bị cách ly, thực hiện các biện pháp phòng bệnh, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bị cách ly và với bên ngoài.

Thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, các biện pháp tiêu độc, khử trùng tại các gia đình, cán bộ có tiếp xúc gián tiếp, trực tiếp và các cơ sở lưu trú nơi có người bị cách ly. Lập danh sách toàn bộ những người đã tiếp xúc người bị cách ly, với người trong gia đình, người làm việc trong cơ sở lưu trú có người bị cách ly để theo dõi, giám sát chặt chẽ về sức khỏe. Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan rà soát, lập danh sách tất cả những trường hợp nhập cảnh và thực hiện cách ly các trường hợp nhập cảnh; bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đảm bảo các điều kiện thiết yếu để tiếp nhận cách ly đối với trường hợp đến từ hoặc đi qua các tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong vòng 14 ngày.

Sở Y tế cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn rà soát các trường hợp nhập cảnh từ Trung Quốc, huy động các nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo phục vụ việc cách ly.

“Thành lập 14 Đội cơ động phản ứng nhanh: Ngành y tế tỉnh đã thành lập 14 Đội cơ động phản ứng nhanh trong tỉnh, gồm 91 thành viên tại các điểm sau: Bệnh viện đa khoa tỉnh (2 đội); Đội Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Phổi và Trung tâm Y tế 8 huyện, thị xã, thành phố. Mỗi đội gồm 6 đến 9 thành viên được trang bị xe, trang thiết bị cấp cứu cần thiết để bảo hộ, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế; được tập huấn đầy đủ về phương án cấp cứu, cách ly, bảo đảm an toàn khi vận chuyển người bệnh, tổ chức thường trực chống dịch nCoV 24/24 giờ.” (06/2/2020, 1125 từ)

3. Mỗi dược sĩ, nhà thuốc hãy là điểm tư vấn phòng chống dịch

Khẩu trang y tế! Khẩu trang y tế là những từ ám ảnh đối với các chủ nhà thuốc và công ty kinh doanh vật tư thiết bị y tế trong những ngày qua. Nguồn cung ứng hạn chế, nhu cầu của người dân tăng đột biến, đứng trước khó khăn này, nhiều dược sĩ chủ nhà thuốc ngoài việc phát miễn phí khẩu trang y tế còn là "cứ điểm" truyền thông cho người dân phòng chống dịch. Ghi nhận của PV báo Sức khỏe & Đời sống.

Đại diện Công ty cổ phần Traphaco: Cam kết bán đúng giá các sản phẩm phòng chống dịch

Traphaco luôn mang tới những sản phẩm chất lượng tốt, chung tay phòng chống dịch bệnh và bảo vệ người dân trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).

Trước tình hình nhu cầu phòng bệnh của người dân tăng cao đột biến, nhiều mặt hàng khan hiếm và đẩy giá cao, CTCP Traphaco cam kết bán đúng giá bộ ba sản phẩm phòng dịch vệ sinh mắt mũi - sát khuẩn miệng họng - tăng sức đề sáng; nâng công suất dây chuyền nhà máy sản xuất lên tối đa vì mục tiêu phòng chống dịch bệnh của quốc gia.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Công ty CP Thiết bị vật tư y tế và dược phẩm Nghệ An: Đồng hành với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch

Trước Tết Nguyên đán khi chưa xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, công ty chúng tôi chỉ nhập về một số lượng mặt hàng khẩu trang, cloramin B, cồn khô sát khuẩn… để cung ứng cho các bệnh viện, TTYT trên địa bàn tỉnh. Ngay ngày đi làm đầu tiên sau nghỉ Tết, chúng tôi đã liên hệ với các đơn vị cung ứng khẩu trang để đặt hàng, tuy nhiên do nguyên vật liệu để sản xuất khan hiếm nên các đơn vị sản xuất cũng không thể cung ứng được.

Với mục tiêu không để thiếu các mặt hàng trong công tác phòng, chống dịch, công ty chúng tôi đã phải mua khẩu trang từ các đơn vị khác ở Hà Nội với giá cao để kịp thời cung ứng cho các đơn vị y tế.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và Sở Y tế về việc không được tăng giá bán mặt hàng khẩu trang và vật tư phòng, chống dịch nên công ty chúng tôi vẫn cung ứng cho các đơn vị bằng giá đã trúng thầu là 573 đồng/cái khẩu trang, mặc dù giá mua ở các đơn vị hơn 1.000 đồng /cái.

Hiện nay, mặt hàng cồn rửa tay khô và cloramin B tại công ty vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu cho các đơn vị khi có dịch xẩy ra trên địa bàn. Còn mặt hàng khẩu trang y tế, từ ngày 30/1/2020 đến nay, công ty chúng tôi đã cung ứng 20 ngàn chiếc khẩu trang và các vật tư y tế cho các bệnh viện lớn trên địa bàn phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Công ty đã cử cán bộ trực tiếp vào Tổng Công ty CP Y tế DANAMECO ở Đà Nẵng, đơn vị cung ứng thường xuyên cho công ty chúng tôi để lấy hàng khẩu trang y tế.

Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc kiếm tiền bất chính khi lợi dụng thời điểm dịch bệnh để nâng giá bán khẩu trang y tế và các vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới nCoV. Vì trong thời điểm cả nước, cả hệ thống chính trị cũng như ngành y tế Việt Nam nói chung và y tế các địa phương nói riêng với tinh thần khẩn trương, "gồng mình chống dịch như chống giặc", các y bác sĩ luôn sẵn sàng đương đầu với các khó khăn, thách thức, hiểm nguy để cứu người bệnh, đẩy lùi dịch bệnh. Việc nâng giá bán các mặt hàng này là trái với đạo lý.

Trong thời gian tới công ty chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức, có thể phải mua giá cao, chấp nhận tạm thời có phần thiệt thòi về mình để đảm bảo có đủ vật tư y tế cho phòng chống dịch.

Nhà thuốc Thiên An, Nha Trang, Khánh Hòa: Đồng hành cùng ngành y tế chống dịch

Dược sĩ Trần Thị Minh Nhựt (33 tuổi), chủ cửa hàng thuốc Thiên An (40 Trường Sa, TP Nha Trang, Khánh Hòa) chia sẻ: Là dược sĩ, khi biết có dịch đã hăng hái áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đồng thời hướng dẫn tận tình cho người xung quanh.

Là tiệm thuốc mở cửa trong khu vực đông đúc của TP Nha Trang, Khánh Hòa (gần trường, chợ, khu dân cư đông đúc) nên ngay khi xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV ở Việt Nam, dược sĩ Nhựt đã tiên phong trong việc cam kết bán đúng giá các mặt hàng sát khẩu, khẩu trang y tế phục vụ cho phòng, chống dịch. Đặc biệt, dược sĩ Nhựt còn cùng chồng tặng miễn phí gần 10.000 khẩu trang y tế cho người dân.

Dược sĩ Nhựt bộc bạch: Mình không dốc sức giúp nhiều được thì giúp trong khả năng có thể. Từ trước Tết Canh Tý gia đình chị đã có kế hoạch thực hiện công việc này, nhằm giúp người dân thấy được những lợi ích thiết thực không chỉ bảo vệ sức khỏe cho mình mà còn cho cộng đồng khi mang khẩu trang. Chồng chị Nhựt là anh Lê Hữu Đoàn cũng là dược sĩ, người dân nên hiểu rõ về lợi ích của việc mang khẩu trang trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt hiện nay cộng đồng đang lo ngại tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV gây ra. Vậy nên là dược sĩ, là chủ các tiệm thuốc thì phải bán đúng giá, còn dốc sức để tặng miễn phí thì tùy tâm mỗi người với cộng đồng.

DS Lê Văn Thành, Chủ nhà thuốc 369 Đội Cấn, Hà Nội: Mỗi chủ nhà thuốc hãy là người tư vấn phòng bệnh cho người dân

Hiện nay, nguồn hàng về khẩu trang y tế không có, nếu có thì giá rất cao, chẳng lẽ nhập hàng giá cao về bán lỗ?! Nhà sản xuất không còn hàng tồn kho để đưa ra thị trường.

Các bạn hãy hình dung, mở cửa hàng ra là có người dân vào hỏi mua khẩu trang y tế. Có những buổi bán hàng, hàng trăm người vào chỉ hỏi đúng một câu: Còn khẩu trang y tế bán không?

Trước tình hình đó, tôi và một số anh em dược sĩ chủ nhà thuốc bàn với nhau là thôi mình không nhập được hàng về bán thì mình tranh thủ tư vấn lại cho người dân. Khẩu trang y tế không phải là phương tiện duy nhất phòng tránh dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.

Nhưng có người nán lại cùng trao đổi, thảo luận, có người quay đi ngay, buông một câu: Nhà bao việc, lắm chuyện!!! Chúng tôi rất mong muốn có thêm nhiều nguồn hàng, dù đã chủ động tìm nhiều nguồn nhưng không được một hộp nào. (06/2/2020, 1265 từ)

4. Bác sĩ tương lai cần có kiến thức đúng về dịch nCoV để hành động đúng

Những thông tin mới nhất, mang tính khoa học, chính xác và toàn diện về dịch bệnh nCoV đã được các chuyên gia của WHO, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Viện Vệ sinh dịch tễ TW… cung cấp cho các thầy, cô và sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội hôm qua.

Theo GS.TS Tạ Thành Văn- Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, với vai trò là cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành y tế, với đặc thù riêng của sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội là học tập tại các cơ sở y tế, tiếp xúc thường xuyên với người bệnh, do đó sinh viên y cần phải có kiến thức, thái độ, kỹ năng đúng để có thể tự bảo vệ bản thân, có khả năng giải thích, hướng dẫn cách phòng tránh cho người bệnh và cộng đồng đồng thời chung tay cùng ngành y tế nước nhà phòng chống dịch.

Với sự hỗ trợ của WHO tại Việt Nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Viện Vệ sinh dịch TW, hôm qua Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức buổi truyền thông Phòng chống dịch bệnh do nCoV gây ra với mục tiêu cung cấp các thông tin chính xác và đầy đủ về dịch bệnh nCoV gây ra, tác hại, cách phòng ngừa cho cán bộ, học viên và sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, để từ đó hành động đúng trong phòng, chống lây nhiễm cho cá nhân và cho cộng đồng.

Buổi truyền thông dù diễn ra cuối giờ chiều nhưng ngoài sự tham gia của hàng trăm cán bộ, giảng viên học viên, sinh viên tại Hội trường lớn còn được truyền trực tiếp đến 2 giảng đường khác của Trường Đại học Y tại Hà Nội và phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa.

GS.TS. Tạ Thành Văn cho biết thêm, ngay khi có thông tin về bệnh nhân nhiễm nCoV đầu tiên ở Việt Nam, một số trường đại học cho sinh viên kéo dài kỳ nghỉ Tết thêm 1 tuần, nhưng Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội đã quyết định sinh viên của Trường vẫn đi học bình thường.

“Vì đặc thù của sinh viên Đại học Y là học tập tại các cơ sở y tế, tiếp xúc thường xuyên với người bệnh, nên phải có kiến thức, thái độ, kỹ năng đúng để tự bảo vệ bản thân, có khả năng giải thích, hướng dẫn cách phòng tránh cho người bệnh và cộng đồng, đồng thời chung tay cùng ngành y tế phòng, chống dịch”- GS.TS Tạ Thành Văn bày tỏ.

Hiệu trưởng Trường Đại học Y cũng chia sẻ, ngày nay, bệnh tật không phải là vấn đề của riêng một quốc gia nào nữa. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thông mạng phát triển vượt trội so với phương tiện truyền thông truyền thống, trong khi các biện pháp kiểm duyệt, sàng lọc chưa hiệu quả, khiến cộng đồng rất khó phân biệt thông tin thật - giả, đúng - sai.

Chính vì vậy, Ban giám hiệu nhà trường muốn mỗi học viên, sinh viên và cán bộ viên chức Trường Đại học Y Hà Nội, khi đã được trang bị những hiểu biết, kiến thức đúng đắn về bệnh dịch này, sẽ không chỉ là những nhà chuyên môn, mà còn là những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng, để phổ biến sâu rộng những thông tin và những biện pháp chuyên môn chuẩn mực, nhằm đối phó với bệnh dịch.

“Thày và trò Trường Đại học Y Hà Nội khẳng định trách nhiệm với cộng đồng, với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân, luôn sẵn sàng khi nhân dân và ngành y tế cần” – GS.TS Tạ Thành Văn khẳng định

Tại buổi truyền thông, BS. Satoko Otsu - Trưởng nhóm Đáp ứng sự kiện Y tế công cộng khẩn cấp, Văn phòng WHO tại Việt Nam đã thông tin về tình hình dịch do nCoV cùng những khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế Việt Nam trong dự phòng lây nhiễm.

Nhấn manh trước tại đây, BS. Satoko Otsu thẳng thắng, đây là lúc chúng ta đối diện với thực tế chứ không phải để sợ hãi. Là lúc chúng ta phải dựa vào các bằng chứng khoa học chứ không phải tin đồn

Đại diện WHO tại Việt Nam cũng đánh giá cao việc tăng cường giám sát, chẩn đoán các ca bệnh và thấy rõ sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, sự đoàn kết của các ban ngành song hành cùng Bộ Y tế để đối phó với dịch.

TS. Phạm Quang Thái – Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ TW thông tin, chưa bao giờ hệ thống chính trị của Việt Nam minh bạch thông tin như dịch nCoV. Lần đầu tiên các xét nghiệm được công bố ngay lập tức. Việt Nam hiện có 10 người mắc nCoV, nhưng chưa có ca tử vong. Chỉ có một người đàn ông Trung Quốc lớn tuổi bị nặng, còn lại đều bệnh nhẹ.

TS. Thái cho biết thêm, chỉ trong 1 ngày, đường dây nóng của Bộ Y tế có hơn18.000 cuộc gọi, trong đó rất nhiều người hỏi về tình hình mắc nCoV và muốn xét nghiệm thì ở đâu. Nhưng hiện chưa có xét nghiệm dịch vụ, chỉ có người đi từ vùng dịch về được xét nghiệm tại các Viện.

Truyền thông tại đây, PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Trưởng bộ môn vi sinh Trường Đại học Y Hà Nội khẳng định, các bệnh viện của Việt Nam đều chuẩn bị sẵn sàng để điều trị khi có bệnh nhân mắc nCoV. Tới đây sẽ mở rộng số bệnh viện được xét nghiệm.

“Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có 1.000 giường, có các phòng áp lực âm cố định và lưu động, để cách ly người bệnh. Các bệnh viện khác không có phòng áp lực âm, sử dụng khu vực cách ly vẫn hiệu quả”- PGS.TS Nguyễn Vũ Trung nói.(05/2/2020, 1067 từ)

5. Phòng nCOV dựa trên cơ sở khoa học, không phải theo tin đồn

Cộng đồng đang “sôi sục” vì khẩu trang. Nhà nhà đi tìm khẩu trang, người người đi săn lùng khẩu trang. Một nhóm đầu cơ, tích trữ khẩu trang để trục lợi… Vậy chúng ta phòng bệnh chỉ bằng khẩu trang liệu đã đủ? Chúng ta sử dụng khẩu trang đã đúng cách để phòng bệnh hay chỉ mang khẩu trang để tạo “niềm tin”? Xin được bàn thêm về việc phòng ngừa 2019-nCoV sao cho hợp lý.

Vi rút 2019-nCoV phát tán và lây truyền thế nào?

Các báo cáo khoa học đã công bố cho biết nCoV phát tán chủ yếu từ người bệnh (người đang mắc viêm hô hấp do 2019-nCoV) ra ngoài qua các “giọt bắn” (thuật ngữ chuyên môn là droplets). Đây là các giọt nước bọt, chất tiết đường hô hấp có kích thước từ 5micron mét (µm) trở lên văng bắn ra ngoài khi người bệnh ho, hắt hơi, khạc đờm ...Kích thước của những “giọt bắn” này được gọi là lớn, vì vậy chúng không  bay lơ lửng trong không khí được mà chỉ văng bắn ra từ người bệnh trong một khoảng cách từ 1-2m. Trong khoảng cách này nếu “giọt bắn” xâm nhập được vào người khác thông qua việc hít phải, hay qua niêm mạc mắt…thì có thể gây bệnh. Chuyên môn gọi là “Lây truyền qua giọt bắn”. Với “giọt bắn” thì chỉ cần khẩu trang y tế thông thường – nếu được sử dụng đúng (chứ chưa cần khẩu trang có độ lọc cao) là đã có thể ngăn chặn được sự phát tán hoặc sự xâm nhập của vi rút. Lưu ý tiếp theo, các “giọt bắn” có chứa vi rút khi văng bắn ra từ người bệnh, có thể tồn tại trên các bề mặt như bàn tay của người bệnh và các bề mặt khác có nhiều tiếp xúc, đụng chạm  như mặt bàn, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn thang máy… vi rút có thể tồn tại trên các bề mặt hàng giờ, thậm chí một vài ngày nếu có điều kiện thích hợp. Có một số nghiên cứu thông báo đã tìm thấy vật liệu di truyền của vi rút trong các dịch bài tiết của cơ thể. Như vậy khả năng vi rút tồn tại trên các bề mặt càng nhiều. Khi người khác đụng chạm vào các bề măt này (chủ yếu thông qua bàn tay), rồi lại hít phải, hay dụi mắt… là tạo điều kiện để vi rút xâm nhập vào cơ thể. Phương thức này được gọi là “Lây truyền qua tiếp xúc”. Trong một số ít trường hợp tại bệnh viện người bệnh được làm các thủ thuật như hút nội khí quản, mở khí quản, bóp bóng, lấy bệnh phẩm đường hô hấp … làm văng bắn ra các giọt nhỏ, có kích thước dưới 5 micron mét. Giọt này có thể lơ lửng trong không khí, nên được gọi là “Lây truyền qua không khí”. Trong trường hợp này thì mới cần các dụng cụ bảo vệ hô hấp đặc biệt, như khẩu trang có độ lọc cao. Cơ chế phát tán và phương thức lây truyền của vi rút là cơ sở khoa học để phòng ngừa chứ không phải tin đồn.

Phòng ngừa 2019-nCoV như thế nào cho đúng

Trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm cộng đồng:  Phòng bệnh không phải chỉ phòng người khác lây cho mình. Điều này không đúng và không hiệu quả. Phải luôn biết rằng phòng bệnh là việc hai chiều, từ bản thân phát tán ra cộng đồng và người khác lây truyền cho mình. Vì vậy những người trong vòng 14 ngày qua có đến, ở trong vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bệnh, người có thể,  người nghi ngở mắc bệnh cần có trách nhiệm thông báo với chính quyền và cơ quan y tế. Đồng thời có ý thức tự cách ly, theo dõi trong vòng 14 ngày. Khi có các dấu hiệu như sốt, ho, hắt hơi, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Mọi người có trách nhiệm phát hiện, chia sẻ, động viên người có phơi nhiễm cách ly và khai báo. Trong thời gian đang có dịch không nên đến vùng có dịch (trừ yêu cầu đặc biệt).

Xây dựng lối sống, sinh hoạt hướng đến văn minh: Các hành động như khạc nhổ, thải bỏ chất bài tiết bừa bãi hay xả rác (trong đó có cả khẩu trang đã sử dụng) không đúng nơi quy định… làm tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh, cần phải được chấn chỉnh. Mọi cá nhân có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh không chỉ ở nhà mà cả ở nơi công cộng và phương tiện công cộng.

Vệ sinh tay: Vệ sinh tay đúng bằng nước và xà phòng hoặc cồn có hóa chất sát khuẩn trước khi đưa tay lên miệng, dụi mắt hoặc bắt tay; sau khi tiếp xúc, đụng chạm với các bề mặt, sau khi tiếp xúc với các dịch bài tiết.

Vệ sinh hô hấp: sử dụng khăn giấy che mũi, miệng khi ho, hắt hơi  rồi bỏ vào thùng rác và rửa tay. Hoặc dùng mặt trong cánh tay để che miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay.

Sử dụng khẩu trang y tế: sử dụng khẩu trang y tế khi bản thân có triệu chứng của viêm đường hô hấp; khi tiếp xúc gần trong vòng 2m với người bệnh/người có thể/ người nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp; ở nơi đông người mà không rõ trong đó có người có triệu trứng viêm đường hô hấp mà lại không đeo khẩu trang (trong một nhóm mà đã biết chắc không có ai có triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc có người có ho, hắt hơi nhưng đã mang khẩu trang đúng thì những người còn lại cũng không cần mang khẩu trang). Mang khẩu trang phải che kín, khít mũi và miệng. Khi tháo bỏ khẩu trang, không được chạm tay vào hai mặt của khẩu trang, cầm vào hai dây đeo và bỏ vào thùng rác.  Khẩu trang chỉ sử dụng một lần, không sử dụng lại.

Tiêm chủng đúng, đủ theo lich, đảm bảo đủ dinh dưỡng, uống đủ nước và thường xuyên rèn luyện thể lực: Các đối tượng  trong diện khuyến cáo cần tiêm chủng vắc xin như trẻ nhỏ, người cao tuổi cần tuân thủ việc tiêm vắc xin đúng, đủ theo lịch. Ăn đúng, ăn đủ, ăn phù hợp dưỡng chất, uống đủ nước kèm theo thường xuyên rèn luyên và nâng cao thể lực là cách để có thể trạng khỏe mạnh, đủ sức đê kháng chống chọi với dịch bệnh.

Phòng bệnh dựa theo chứng cứ khoa học, trong đó  trách nhiệm của mỗi cá nhân đóng vai trò quan trọng, có như vậy mới huy động được sức mạnh tổng hợp đối phó với dịch bệnh, chứ không thể phòng bệnh theo tin đồn. (05/2/2020, 1203 từ)

6. Thái Bình: Đang giám sát 30 người đến từ vùng dịch

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đã và đang tiến hành kiểm soát, giám sát chặt chẽ 30 người nước ngoài đến từ vùng dịch.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình đã tổ chức khám, tư vấn và cấp phát tài liệu hướng dẫn thực hiện quy trình giám sát, cách ly phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) bằng song ngữ (tiếng Việt Nam và tiếng Trung Quốc) cho gần 30 trường hợp người Trung Quốc đang lao động và làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Hiện tại sức khỏe của tất cả những trường hợp này đều ổn định, không có biểu hiện bệnh.

Sở Y tế Thái Bình đã kịp thời yêu cầu các công ty, doanh nghiệp dành khu vực riêng biệt để thực hiện biện pháp cách ly y tế, theo dõi sức khỏe 14 ngày đối với công dân Việt Nam về từ vùng dịch về ăn Tết. Trường hợp nghi ngờ phải thực hiện ngay xét nghiệm sàng lọc vàcách ly, điều trị kịp thời khi phát hiện bệnh nhân nhiễm bệnh nhằm đảm bảo cho mọi công tác phòng, chống dịch bệnhviêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona đạt hiệu quả cao, không để dịch xảy ra. (05/2/2020, 235 từ)

7. Quảng Bình: 4 trường hợp cách ly đều có kết quả xét nghiệm âm tính

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, chiều tối ngày 5/2, đã có kết quả xét nghiệm virus Corona đối với 4 trường hợp đang cách ly điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.

Theo ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết, theo kết quả từ Viện Pasteur Nha Trang, các mẫu bệnh phẩm của 4 bệnh nhân gửi vào từ Quảng Bình đều âm tính với virus Corona chủng mới.

Kết quả trên đã được gửi về Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình vào chiều tối ngày 5/2/2020.

Trước đó, ngày 3.2 Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Bình đã lấy mẫu xét nghiệm 4 trường hợp gửi viện Paster Nha Trang để xét nghiệm virus Corona.

4 trường hợp trên được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới với các triệu chứng của bệnh viêm phổi.

Các bệnh nhân đều là người Quảng Bình trong đó có 3 người ở huyện Bố Trạch, 1 người ở TP. Đồng Hới. Hiện tại sức khỏe ổn định, có trường hợp đã qua 14 ngày.

Theo điều tra dịch tễ, trong 4 trường hợp trên có 1 người về từ Trung Quốc, 1 người về từ Hoa Kỳ, nhưng có quá cảnh tại Hồng Kông. Hai người còn lại có tiếp xúc với những người nói trên. (05/2/2020, 262 từ)

8. Nghệ An: Tập huấn phòng chống nCoV

Ngày 5/2/2020, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức tập huấn hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị, truyền thông phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).

Đến dự lớp tập huấn có BSCKII Nguyễn Xuân Hồng - Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An và hơn 100 lãnh đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, TTYT các huyện, thành phố, thị xã, y, bác sĩ thuộc Đội phản ứng nhanh và bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

Tại lớp tập huấn, học viên được cập nhật kiến thức về: Tình hình bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của nCoV; Hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh và truyền thông phòng, chống dịch nCoV; Đảm bảo an toàn sinh học trong lấy máu, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm.

Các biện pháp phòng hộ cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh viêm  cấp do chủng mới của nCoV... Sau khi được trang bị về lý thuyết, các học viên được hướng dẫn thực tế về cách sử dụng đồ bảo hộ cá nhân cho cán bộ y tế; đi thực tế xem công tác cách ly bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm tại Trung tâm nhiệt đới- Bệnh viện hữu nghị đa khoa tỉnh và Trung tâm kiểm soát bệnh tật;

Qua lớp tập huấn, giúp các học viên cập nhật những kiến thức cơ bản trong phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của nCoV, đồng thời, chủ động phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh, xử lý kịp thời không để dịch lây lan trên diện rộng, nếu khi có dịch hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong…

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với nCoV. (05/2/2020, 336 từ)

9. Diễn tập phản ứng nhanh trước ca nhiễm nCoV

Trưa 5/2, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) đã tổ chức buổi diễn tập với 2 tình huống khẩn cấp liên quan đến bệnh do nCoV gây ra.

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, mục đích của việc diễn tập nhằm giúp các nhân viên y tế có thể ứng phó xử trí một cách nhanh nhất nếu phát hiện ca bệnh. Tổng cộng có 6 khoa phòng trực tiếp tham gia quy trình, bao gồm khoa Cấp cứu, Nhiễm, Hồi sức tích cực - chống độc, Hô hấp, Phòng khám A, Phòng khám B.

Theo PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, dù là diễn tập nhưng mọi quy trình, vật dụng, trang thiết bị y tế đều phải được chuẩn bị đầy đủ giống như đối phó với ca nhiễm thật sự.

Quy trình phản ứng khẩn cấp và khu vực cách ly đã được tổ chức nhằm dự phòng các tính huống có bệnh nhân nhiễm nCoV được phát hiện. Tình huống diễn tập thứ nhất khi ê kíp trực cấp cứu nhận được cuộc gọi thông báo có bệnh nhân trở về từ cuộc họp ở Quảng Châu cách đây 2 ngày, nghi nhiễm bệnh, cần cấp cứu ngoại viện.

Theo quy trình, trong thời gian dưới 10 phút, đội phản ứng nhanh phải thay xong trang phục, đem đầy đủ dụng cụ lên xe cấp cứu để xuất phát. Kết quả diễn tập vượt ngoài mong đợi khi chỉ chưa đến 5 phút sau cuộc gọi báo động, xe cấp cứu đã chuyển bánh.

Tình huống thứ 2 là một bệnh nhân sốt, ho, mệt mỏi, có yếu tố dịch tễ nhập khoa cấp cứu. Tại khu vực phân loại bệnh, bệnh nhân được đưa vào buồng cách ly tạm thời, hỏi thông tin, khám, được lấy 2 mẫu dịch hầu họng, kiểm tra phổi ban đầu, sau đó được vận chuyển bằng băng ca theo luồng đi quy định đến khoa Nhiễm để cách ly.

Nhân viên khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ đi ngay phía sau để phun hóa chất diệt khuẩn. Lối đi quy định chủ yếu qua những hành lang vắng người.

Trường hợp có nhiều ca bệnh cần nhập viện, bệnh viện sẽ huy động thêm 2 đội phản ứng khẩn cấp, 3 đội phòng chống thảm họa và các kíp trực ứng phó từ các khoa phòng khác. Nhân viên y tế được chọn tham gia các đội phản ứng nhanh và quy trình tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm virus Corona là người không có bệnh mãn tính, không có thai và không nuôi con nhỏ. (05/2/2020, 459 từ)

10. Rút kinh nghiệm chuyên môn trong điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV ở các bệnh viện

Để kịp thời, khẩn trương rút kinh nghiệm chuyên môn trong điều trị bệnh nhân nhiễm 2019 – nCoV trong cả nước, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị 3 Bệnh viện Chợ Rẫy, Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa sao chép toàn bộ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân gửi về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh để tổng hợp, tổ chức cuộc họp Hội đồng chuyên môn hoàn thiện hướng dẫn chẩn đoán và điều trị dịch nCoV.

Ngày 5/2, Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi 3 bệnh viện điều trị thành công 3 bệnh nhân nhiễm nCoV gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hoà đề nghị phối hợp rút kinh nghiệm chuyên môn trong điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV trong cả nước.

Công văn nêu rõ, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về phòng, chống dịch nCoV, trong thời gian qua Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Y tế Ngành đã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện, chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẵn sàng ứng phó, tiếp nhận, thu dung, cách ly, điều trị và quản lý người nghi nhiễm và bệnh nhân nhiễm nCoV.

Trong những ngày qua, tại Việt Nam đã điều trị khỏi, thành công 3 bệnh nhân nhiễm nCoV tại 3 Bệnh viện: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh rất hoan nghênh và chúc mừng 3 Bệnh viện đã tổ chức tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị khỏi cho bệnh nhân nhiễm nCoV.

 

Để kịp thời, khẩn trương rút kinh nghiệm chuyên môn trong điều trị bệnh nhân nhiễm 2019 – nCoV trong cả nước, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị 3 Bệnh viện trên copy toàn bộ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân và các ý kiến nhận xét, góp ý, kiến nghị của bệnh viện về chuyên môn gửi về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh  để tổng hợp, tổ chức cuộc họp Hội đồng chuyên môn hoàn thiện hướng dẫn chẩn đoán và điều trị dịch bệnh nCoV.

Đồng thời chuẩn bị cho tập huấn trực tuyến toàn quốc về công tác thu dung, tiếp nhận, cách ly, chẩn đoán, quản lý, điều trị dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay, đúng với kế hoạch, kịch bản phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế. (05/2/2020, 469 từ)

11. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Vĩnh Phúc cần giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ mắc nCoV

Trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV, sáng ngày 5/2, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã về Vĩnh Phúc làm việc về công tác phòng chống dịch nCoV trên địa bàn. Vĩnh Phúc hiện là một trong 3 địa phương đã công bố dịch nCoV trên địa bàn.

Trước khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan tại trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cùng Đoàn công tác đã đến BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra về công tác thu dung, cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, những người đã tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với nCoV.

Theo đó,Thứ trưởng và Đoàn công tác đã đi kiểm tra lại phòng khám dành riêng cho bệnh nhân nghi ngờ nCoV và khu cách ly đặc biệt đang theo dõi những người đã tiếp xúc gần với các bệnh nhân dương tính với nCoV.

Ngay tại khu khám bệnh cách ly, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã yêu cầu BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân khi đến thăm khám bệnh nói chung về phòng chống dịch bệnh.

Tại khu khám bệnh cách ly cũng cần tính đến phương án mở rộng kịp thời khi có tình huống gia tăng bệnh nhân nghi ngờ đến khám. Đồng thời cần trang bị tấm che để cách ly hẳn khu khám bệnh này với khu khám bệnh chung. BVĐK tỉnh cũng cần quan tâm lưu ý đến vấn đề khử khuẩn, làm sạch bề mặt và trang thiết bị tại khu khám cách ly này.

Thứ trưởng cũng quan tâm đến năng lực xét nghiệm của BVĐK tỉnh có khả năng xét nghiệm dương tính về nCoV hay không? Lãnh đạo BVĐK tỉnh cho biết Khoa Vi sinh của BV đã được trang bị các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, có khả năng xét nghiệm phát hiện ca bệnh dương tính với nCoV.

Tiếp đó, tại khu cách ly đặc biệt, trò chuyện với các trường hợp đã tiếp xúc gần với các bệnh nhân dương tính, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã động viên người dân yên tâm, mong muốn người dân chịu khó cố gắng để cách ly theo dõi sức khoẻ. Bên cạnh đó, cần theo dõi sức khoẻ của cả những người ở nhà, nếu có biểu hiện ho, sốt... thì cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay. Thứ trưởng cũng yêu cầu BVĐK tỉnh quan tâm, theo dõi và giám sát chặt các trường hợp này.

Sẽ thành lập bệnh viện dã chiến khi cần thiết

Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế, bà Hoàng Thị Thuý Lan- Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc cho biết ngay sau khi có thông tin về dịch nCoV, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng Ban Chỉ đạo, đồng thời tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp chủ động nhằm ngăn chặn, khống chế và dập dịch. Đến nay, dịch vẫn được kiểm soát tốt trên địa bàn.

"Quan điểm của tỉnh là kiên quyết quyết chiến với dịch nCoV để hạn chế thấp nhất tình trạng dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng"- bà Hoàng Thị Thuý Lan nói.

Đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận tổng số trường hợp  dương tính với nCoV là 5 trường hợp, trong đó 4 trường hợp theo dõi, điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TW và 1 trường hợp theo dõi tại TTYT huyện Bình Xuyên.

Trên địa bàn tỉnh đã và đang giám sát tổng số 138 người, trong đó 120 người tiếp xúc gần, 18 trường hợp được xác định có nguy cơ cao. Tỉnh đã gửi 97 mẫu xét nghiệm, trong đó 15 mẫu âm tính, 2 mẫu dương tính

Báo cáo tại buổi làm việc , ông Vũ Việt Văn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc đã xử lý hai trường hợp trên địa bàn tung tin giả trên mạng xã hội về dịch nCoV

Hiện nay tỉnh đã có phương án lập bệnh viên dã chiến trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, quy mô trên 200 bệnh nhân. Bệnh viện này sẽ phối hợp quân dân y.

Cũng theo thông tin của ông Vũ Việt Văn, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu cơ quan chức năng thống kê và theo dõi danh sách các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh tiếp đón khách lưu trú là người nước ngoài, đặc biệt là những người đến từ vùng dịch để  giám sát chặt chẽ.

“Trong ngày hôm nay BVĐK tỉnh sẽ thành lập thêm các đội chống dịch nhanh cơ động để hỗ trợ tuyến dưới. Chúng tôi cũng xác định có thể tỉnh có thêm bệnh nhân  dương tính và huyện Bình Xuyên có thể là nơi có nhiều trường nhất, do đó tỉnh đã quyết định chọn Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hoà (huyện Bình Xuyên) với quy mô 50 giường bệnh để có thể điều trị khi đông bệnh nhân của khu vựa này.

Lúc đó sẽ điều động bác sĩ, nhân lực và trang thiết bị từ BVĐK tỉnh và các cơ sở y tế khác về nếu cần”- ông Nguyễn Thanh Hải- Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết thêm thông tin tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Vĩnh  Phúc cũng cho hay, công tác hậu cần phục vụ hoạt động phòng, chống dịch bệnh hiện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc do thiếu vật tư, hóa chất, trang thiết bị bảo hộ phục vụ công tác khử khuẩn và phòng lây nhiễm chéo... Do dó, tỉnh đề nghị hỗ trợ về giám sát, theo dõi bệnh nhân, điều trị... về vấn đề cách ly và trang thiết bị chống dịch.

Phải giám sát chặt, xử lý ca bệnh nghi ngờ như là bệnh nhân thật

Tại buổi làm việc, ông Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ từ thực tế phòng chống dịch, đề nghị tỉnh cần giám sát chặt chẽ trong cộng đồng, nắm bắt tình hình chặt chẽ để quản lý chặt nguồn lây, ngăn chặn lây lan trong cộng đồng.

Do vậy, ông Dương đề nghị, tỉnh Vĩnh Phúc cần tiêp tục yêu cầu những trường hợp nghi ngờ đã tiếp xúc gần với người bệnh cần có trách nhiệm cách ly. Bên cạnh đó, ngành y tế địa phương cũng cần theo dõi, giám sát chặt chẽ để khoanh vùng kịp thời ca bệnh, tránh bỏ sót. Tại các ổ dịch hiện nay, y tế tuyến huyện phải cử người “cắm chốt” để theo dõi giám sát nắm bắt tình hình và có những báo cáo để chỉ đạo kịp thời.

Về vấn đề điều trị, ông Cao Hưng Thái- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị tỉnh cần rà soát lại ngay hệ thống máy thở trên địa bàn tránh tình trạng khi cần nhưng máy không sử dụng được; bên cạnh đó cần kiểm tra, rà soát lại vấn đề chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, công tác cách ly để tránh lây lan.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao việc tỉnh Vĩnh Phúc đã lên phương án lập bệnh viện dã chiến, lập bản đồ dịch tễ để sẵn sàng ứng phó trong tình huống dịch bùng phát, lây lan.

“Đối với vấn đề cách ly những trường hợp công dân nước ta trở về từ Trung Quốc hoặc công dân nước bạn, chúng ta cách ly nhưng làm sao để người dân vẫn cảm giác thoải mái, sinh hoạt bình thường”

Về vấn đề giám sát cách ly tại cộng đồng, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần lập rõ họ tên, địa chỉ cụ thể, số điện thoại của từng cá nhân. Yêu cầu các cá nhân hàng ngày phải chủ động báo cáo về tình hình sức khoẻ cho y tế địa phương. Tuy nhiên nếu người dân không chủ động báo cáo thì y tế cơ sở cũng cần chủ động liên lạc để nắm bắt kịp thời tình hình sức khoẻ, trong trường hợp nếu có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế ngay.

“Chúng ta cần có biểu đồ theo dõi sức khoẻ các trường hợp này trong vòng 14 ngày để kịp thời có những ứng phó khi cần thiết, cách ly ngay khi có biểu hiện, triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu.

Riêng đối với khu vực 8 người trở về từ vùng dịch và đã có bệnh nhân dương tính, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cần khoanh vùng khử khuẩn, các phương tiện ra vào phải khử khuẩn, tuyên truyền cho người dân về vệ sinh phòng chống dịch bệnh. Mỗi trung tâm y tế huyện có bệnh nhân cử cán bộ y tế xuống xã để hỗ trợ y tế xã trong giám sát, phòng chống dịch. (05/2/2020, 1583 từ)

12. Kinh nghiệm từ việc chữa khỏi bệnh nhân nhiễm nCoV ở Thanh Hóa

Lần đầu tiên một bệnh viện tuyến tỉnh của Việt Nam chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân dương tính với nCoV là tin vui cho các bệnh viện của nước ta. Điều đó chứng minh năng lực điều trị và khả năng đáp ứng tốt các ca bệnh ở tuyến dưới. TTƯT. BS CKII Lê Văn Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã có những chia sẻ kinh nghiệm về trường hợp này.

PV: Đầu tiên, xin chúc mừng ông và tập thể thầy thuốc của bệnh viện về ca chữa bệnh thành công cho trường hợp nữ bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Giờ phút này, cảm xúc của ông ra sao?

BSCKII Lê Văn Sỹ: Trước hết, tôi cảm nhận thấy sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và Bộ Y tế về phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Tôi cũng trân trọng cảm ơn sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh, UBND tỉnh, Sở Y tế Thanh Hóa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn đồng hành với bệnh viện chúng tôi. Và hơn nữa, xin cảm ơn tập thể các thầy thuốc của Khoa Bệnh nhiệt đới của bệnh viện cùng toàn thể viên chức bệnh viện đã đồng lòng, tận tâm, tận lực vì sức khỏe của nhân dân.

Tôi nghĩ rằng, mỗi một bệnh nhân được bình an ra viện đó là niềm vui của tất cả thầy thuốc chúng tôi. Nhưng với riêng trường hợp của chị Tr. ở huyện Yên Định là trường hợp rất đặc biệt, bởi lẽ đây là ca nhiễm bệnh nCoV đầu tiên ở Thanh Hóa và cũng là người Việt Nam đầu tiên nước ta được chữa khỏi bệnh, điều này cho thấy năng lực chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới như tuyến tỉnh của chúng tôi là hoàn toàn có thể chữa khỏi căn bệnh này. Điều này giúp ích rất lớn cho phương án đáp ứng với các cấp độ bệnh dịch nhất là khi dịch bệnh lan rộng và diễn biến phức tạp như kịch bản của Bộ Y tế.

PV: Trong thời gian 10 ngày điều trị cho chị Tr. quá trình diễn biến bệnh tật của chị Tr. như thế nào, thưa ông?

BSCKII Lê Văn Sỹ: Như các bạn đều biết, chị Tr. cùng với 8 công nhân của Công ty Nihonplas của Nhật Bản được cử tham gia khóa đào tạo nâng cao trình độ tại quận Đông Tây Hồ, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc khoảng 2 tháng trước. Ngày 17/01/2020, bệnh nhân trở về Việt Nam bằng đường hàng không qua Cảng hành không quốc tế Nội Bài, sau đó được đón bằng xe của Công ty di chuyển về trụ sở Công ty tại xã Thiện Kế, huyện Bình Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 23/01/2020 bệnh nhân bắt xe ra Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) và di chuyển bằng xe khách về nhà tại xã Định Hòa, Yên Định, Thanh Hóa.

Đến 22h00 cùng ngày, bệnh nhân có biểu hiện viêm long đường hô hấp, sốt, ho, tức ngực. Đến 13h00 ngày 24/1/2020, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định khám, sau đó được chuyển tuyến điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Tình trạng bệnh nhân khi nhập viện tại Khoa Bệnh nhiệt đới của chúng tôi: Trong tình trạng tỉnh táo, sốt cao, nhiệt độ 39,2°C, ho nhiều, tức ngực, khó thở nhẹ, mạch 100 lần/phút, huyết áp 120/70 mmHg, ngay khi nhập viện bệnh nhân đã được đưa vào khu điều trị cách ly theo đúng quy định và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế của Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trực tiếp thăm khám, điều trị bệnh nhân.

Ngay khi tiếp nhận thông tin từ  Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định, chúng tôi đã khởi động khẩn cấp các khâu về chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị và bố trí khu vực điều trị cách ly thuận lợi cho việc thăm khám và điều trị cho bệnh nhân tại khoa Bệnh nhiệt đới.

Bệnh viện đã báo cáo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để phối hợp lấy mẫu bệnh phẩm gửi ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm chẩn đoán xác định, đồng thời thực hiện các biện pháp giám sát, dự phòng lây nhiễm cho tất cả nhân viên y tế tham gia phục vụ bệnh nhân. Các bác sĩ, điều dưỡng tham gia điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân hàng ngày thăm khám, bám sát tình hình diễn biến bệnh của bệnh nhân để phát hiện sớm tất cả những biến chứng có thể xảy ra để kịp thời xử lý hiệu quả.

Sau 4 ngày được chăm sóc, điều trị tích cực theo phác đồ điều trị và hướng dẫn của Bộ Y tế, đến chiều ngày 28/01/2020 (mùng 4 Tết Canh Tý) bệnh nhân đã hết sốt, không khó thở, giảm ho, các chỉ số sinh tồn đều trong giới hạn bình thường. Đến chiều ngày 30/01/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông báo kết quả xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với chủng mới của virus corona (nCoV). Sáng ngày 31/01/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm virus corona lần 2 và đến chiều ngày 02/02/2020 có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Bệnh nhân được ra viện vào sáng 3/2/2020, toàn bộ chi phí điều trị cho người bệnh đều được chúng tôi miễn giảm.

PV: Được biết hiện nay, bệnh viện đang tiếp tục giám sát, cách ly cho 4 bệnh nhân nghi ngờ khác, sức khỏe của họ hiện nay ra sao?

BSCKII Lê Văn Sỹ: Ngoài trường hợp chị Tr. đã được ra viện, có 3 bệnh nhân khác đã được cho ra viện (trong đó có 1 trường hợp âm tính với nCoV, 2 trường hợp dương tính với cúm A H1); Các bệnh nhân này đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh. Đến thời điểm này chúng tôi còn theo dõi điều trị 1 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV.

PV: Thưa ông, có được thành công như thời gian qua, hẳn bệnh viện đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý?

BSCKII Lê Văn Sỹ: Kinh nghiệm được rút ra của chúng tôi là chủ động chuẩn bị sớm phương án phòng chống dịch một cách toàn diện cả về cở sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, cũng như nguồn nhân lực phục vụ phòng chống dịch. Bên cạnh đó, chúng tôi được sự động viên, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành y tế Thanh Hóa và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời của Bộ Y tế cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành khi có yêu cầu.

Cho nên ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh diễn biến phức tạp ở quốc gia lân cận, có khả năng lây lan về nước, bệnh viện đã lập phương án và thường xuyên nắm bắt thông tin cập nhật về dịch bệnh; khi có ca bệnh trong nước và ca bệnh nghi ngờ xuất hiện trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế.

Từ chiều 24/1/2020 (tức 30 tết Canh Tý), chúng tôi  đã tổ chức tập huấn về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (nCoV) của Bộ Y tế cho tất cả cán bộ y tế Khoa Bệnh nhiệt đới để kịp thời đáp ứng chẩn đoán, điều trị với những ca bệnh nghi ngờ đầu tiên nhập viện.

Ngay sau khi có kết quả ca bệnh dương tính với nCoV đang cách ly điều trị tại bệnh viện vào ngày 30/1/2020, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch nCoV của bệnh viện đã tổ chức họp khẩn và ban hành phương án đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do  nCoV nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, hạn chế mức thấp nhất sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh.

Ban chỉ đạo đã xây dựng kịch bản với các phương án đáp ứng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa theo 4 cấp độ dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, thuốc men, hóa chất, trang thiết bị y tế, nhân lực, công tác hậu cần đảm bảo việc thu dung, cách ly điều trị, quản lý ca bệnh tại bệnh viện theo nguyên tắc 4 tại chỗ; thành lập các Đội cơ động phản ứng nhanh, Đội cấp cứu ngoại viện hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở y tế trong tỉnh khi có yêu cầu.

Đến chiều 31/1/2020, chúng tôi tiếp tục tổ chức tập huấn cho tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do nCoV gây ra. Bệnh viện luôn trong trạng thái sẵn sàng đáp ứng với các tình huống xảy ra. (05/2/2020, 1639 từ)

13. Nỗ lực đảm bảo cung ứng vật tư y tế phòng chống dịch nCoV cho các bệnh viện

Chiều ngày 4/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng các Vụ/Cục liên quan của Bộ Y tế và đoàn liên ngành gồm Tổng Cục Quản lý thị trường- Bộ công thương; văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia... đã đến làm việc với một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội để nắm bắt công tác sản xuất, nhập khẩu, cung ứng vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch nCoV (dung dịch rửa tay, máy thở...)

Báo cáo với Thứ trưởng và Đoàn công tác liên ngành, lãnh đạo công ty Vietmedical cho biết, hiện có 9 sản phẩm với 3 dòng mặt hàng, trong đó hiện còn 36.00 chai dung dịch rửa tay loại 500ml dùng trong bệnh viện; 4.000 chai dung tích 1000ml và 2.000 can nước lau sàn nhà loại 5000ml.

Chủ trương của công ty không bán ra bên ngoài, chỉ cung ứng cho các bệnh viện theo các hợp đồng thầu, tuy nhiên hiện nay hàng đang khan hiếm và nhu cầu của bệnh viện tăng nên việc cung ứng gặp khó khăn. Do vậy công ty phải cung ứng nhỏ giọt, thậm chí còn phải chia nhỏ can 5 lít thành các chai 500ml

Đại diện công ty cũng cho biết, dự kiến tuần tới có hai container hàng nước rửa tay về Việt Nam để đảm bảo cung ứng cho các bệnh viện tối thiểu dùng đến khi tháng 3/2020 có thêm nhiều container về đường biển.

“Khi đó hàng sẽ đầy đủ đáp ứng cho mọi nhu cầu bình thường của các bệnh viện đã trúng thầu”- đại diện công ty khẳng định

Về máy thở, công ty cho biết, hiện đang dự trữ 50 cái máy thở tại khoa, nhưng từ khi dịch bùng phát và diễn biến phức tạp, đơn hàng các bệnh viện đặt tăng khoảng 300 cái.

“Trong tháng 2/2020, sẽ có thêm 150 máy thở được công ty nhập về, và đến tháng 3/2020 sẽ về thêm khoảng 150 máy nữa”- đại diện công ty cho biết

Tại buổi làm việc, công ty cũng đề xuất những đơn vị mua sản phẩm nước rửa tay nhập khẩu cần quản lý chặt chẽ hơn nữa những sản phẩm này. Đồng thời, hiện doanh nghiệp đang cố gắng tìm nguồn mới để kịp thời cung ứng cho các bệnh viện phòng chống dịch. Do đó, mong muốn đẩy nhanh tiến độ cấp phép nhập khẩu.

Tại buổi làm việc, qua khảo sát thực tế và nghe báo cáo của công ty, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, số lượng 22 bệnh viện TW gửi về bộ nhu cầu máy thở trong trường hợp bệnh nhân tăng nhiều, dịch lan rộng cũng tương đương với số máy thở công ty báo cáo.

Một mặt đề nghị công ty đẩy nhanh tiến độ đàm phán nhập hàng về kịp thời để phục vụ nhu cầu chống dịch của các bệnh viện. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết, nếu trong trường hợp hàng chưa về kịp và bệnh viện nào có nhiều bệnh nhân mà thiếu máy thở thì Bộ Y tế sẽ điều phối giữa các bệnh viện ở các tuyến để phục vụ nhu cầu điều trị.

Cũng theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, nước rửa tay như công ty báo cáo chủ yếu dùng trong bệnh viện và dùng khi đi trên đường không có nước và xà phòng rửa tay, chứ rửa tay bằng xà phòng dưới nước là tốt nhất. Tuy nhiên, công ty cũng cần nhanh chóng đàm phán, vận chuyển về để kịp thời cung ứng cho các bệnh viện.

Tiếp đó, Đoàn kiểm tra đã đến làm việc và kiểm tra thực tiễn công tác sản xuất xà phòng trung tính và dung dịch cồn rửa tay tại Công ty cổ phần hỗ trợ và phát triển dịch vụ y tế Việt Nam

Báo cáo của công ty cho biết, từ ngày mùng 6 Tết đến nay, công ty đã tăng ca để kịp thời sản xuất đủ nhu cầu xà phòng trung tính và dung dịch rửa tay cho các bệnh viện đã trúng thầu.

Thông thường một ca có 4 công nhân, tuy nhiên, hiện nay mỗi ca đã tăng lên thành 8-12 công nhân làm các quy trình để hoàn thiện sản phẩm. Quan điểm của công ty là ưu tiên cung cấp hàng trúng thầu cho bệnh viện, tuy nhiên giá bán lẻ các sản phẩm của công ty với người tiêu dùng không thay đổi.

Hiện mặt hàng xà phòng trung tính là 80.000 đồng/ chai dung tích 1000ml,; 126.000đ/ chai dung dịch cồn khử khuẩn tay dung tích 1000 ml, loại 500ml thì 70.000 đ/ chai. Hiện nay để phục vụ chống dịch nhiều nhà trường đã đặt hàng chai dung dịch cồn khử khuẩn tay dung tích 100ml

Bình thường mỗi ngày công ty sản xuất khoảng 2.700 chai xà phòng, tuy nhiên do nhu cầu hiện gia tăng nên đã tăng ca và sản xuất tăng khoảng gấp 1,5 lần;  mỗi ngày sản xuất trên 3000 chai dung dịch rửa tay dung tích 100ml;

Khó khăn của công ty là nếu cứ sản xuất với tiến độ gấp từ 1,5- 2 lần bình thường như hiện nay thì nguồn nguyên liệu hiện còn phục vụ sản xuất chỉ khoảng 10-15 ngày nữa. Hiện công ty cũng đang nỗ lực tìm nguồn nguyên liệu.

Đánh giá cao việc cả doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất vật tư y tế, trang thiết bị phòng chống dịch không điều chỉnh giá trong khi nhu cầu tăng đột biến. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng nhấn mạnh trong trường hợp nhập khẩu quá cao, doanh nghiệp tính toán để báo cáo xin ý kiến cơ quan chức năng để điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo cung ứng hàng phục vụ phòng chống dịch.

Chia sẻ khó khăn về nguồn nguyên liệu và nguồn hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp, xong Thứ trưởng cũng yêu cầu doanh nghiệp cần tăng cường biện pháp nhập nguồn hàng, nguồn nguyên liệu về về để cung ứng phục vụ công tác phòng chống dịch cho các bệnh viện và nhu cầu của người dân.

Về đề xuất hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép sản phẩm nhập khẩu mới, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói: “Quan điểm của chúng tôi là tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nhập khẩu trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch. (04/2/2020, 1121 từ)

14. Phát hiện ca nhiễm nCoV thứ 10 tại Việt Nam

Bệnh nhân P.T.B. (nữ, 42 tuổi, công nhân, tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) là ca thứ 10 nhiễm nCoV vừa được phát hiện tại Việt Nam. Trước đó, bệnh nhân B. có tiếp xúc gần với một người khác đã được xác định dương tính với nCoV.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 30/01/2020, ngay sau khi nhận được kết quả ca bệnh đầu tiên dương tính với 2019-nCoV của tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã triển khai ngay các biện pháp xử lý dịch theo quy định của Bộ Y tế trong đó bao gồm việc lập danh sách theo dõi những người tiếp xúc gần, rà soát, xác định những người có liên quan dịch tễ với ca bệnh.

Qua việc rà soát phát hiện bà P.T.B. là một trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh xác định nhiễm nCoV là N.T.D. Bằng sự chủ động trong giám sát và phòng chống dịch, dưới sự vận động và hướng dẫn của Y tế địa phương bệnh nhân B. đã được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để khám và cách ly cũng như lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xét nghiệm.

 

Hiện tại bệnh nhân B đang được điều trị cách ly tại khu cách ly Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên và đang trong tình trạng ổn định.

Tiền sử dịch tễ cho thấy: Bệnh nhân có đến nhà bệnh nhân N.T.D chơi trong dịp tết âm lịch và là một trong những người có trong danh sách tiếp xúc gần với ca bệnh N.T.D. do Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Vĩnh Phúc giám sát. Trong các ngày 22/01/2020 và 28/01/2020 bệnh nhân này đến nhà bệnh nhân N.T.D. chơi chúc tết.

Ngày 31/01/2020 bệnh nhân có triệu chứng khởi phát sốt và đến khám và được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên.

Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với virus nCoV bằng kỹ thuật: Realtime RT – PCR tại Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Như vậy đến thời điểm này, Việt Nam đã có 10 ca dương tính với nCoV, trong đó có 3 trường hợp đã điều trị khỏi và được ra viện. (04/2/2020, 410 từ)

15. Niềm vui ngày xuất viện của bệnh nhân nhiễm nCoV tại BV Chợ Rẫy

9h05' sáng nay 4/2, bệnh nhân Li Zichao, sinh năm 1992 được rời phòng cách ly sau 19 ngày nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) do nhiễm nCoV.

Li Zichao cùng với bố mình, ông Li Ding là hai bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam bị phát hiện nhiễm nCoV. Hiện sức khỏe của Li Zichao đã hoàn toàn bình phục, 4 lần xét nghiệm gần đây cho thấy bệnh nhân này đã không còn mang virus. Người bệnh không còn khả năng lây lan bệnh cho người xung quanh.

Bệnh nhân Li Zichao gửi lời cảm ơn đến bệnh viện đã tận tình cứu chữa cho cả hai cha con. “Tôi rất vui và hạnh phúc khi được các bác sĩ tận tâm điều trị và chia sẻ, quan tâm về tinh thần. Các bạn thật tuyệt vời". Do bệnh nhân có mong muốn được ở lại chăm sóc cha, ông Li Ding vẫn còn đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy do vẫn còn dương tính với nCoV nên bệnh viện đã bố trị một phòng cho bệnh nhân này lưu trú.

Trong thời khắc đến đón nhận công dân khỏi bệnh, đại diện sứ quán Trung Quốc đã gửi lời cảm ơn đến ngành y tế Việt Nam, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã nỗ lực cứu chữa cho hai bệnh nhân người Trung Quốc và hy vọng hai nước tiếp tục có những hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong việc giám sát và điều trị bệnh nhân nCoV.

Về phía Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh khen ngợi các cá nhân, tập thể Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành công trong việc điều trị bệnh nhân bước đầu đạt được kết quả tốt. Cục trưởng cũng khen ngợi tính nhân văn trong cách đối xử với người bệnh, đáp ứng nguyện vọng tình cảm của bệnh nhân người nước ngoài.(04/2/2020, 354 từ)

16. CDC Quảng Ninh: Đủ điều kiện và năng lực thực hiện xét nghiệm ban đầu nCoV

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (CDC Quảng Ninh) cùng với CDC Hà Nội, CDC Đà Nẵng và Bệnh viện Trung ương Huế là những phòng xét nghiệm đủ điều kiện và năng lực thực hiện các xét nghiệm ban đầu nCoV.

 Trước đó, ngày 03/02/2020, Bộ Y tế đã có công văn Khẩn về việc triển khai các hoạt động xét nghiệm kịp thời và chính xác nhằm đảm bảo công tác giám sát, phòng chống dịch nCoV hiệu quả trong tình hình hiện nay

Theo đó Bộ Y tế đã đề nghị các Viện đầu ngành ra soát chuẩn hoá quy trình xét nghiệm nCoV dựa trên các bộ mồi đặc hiệu hiện hành và tổ chức tập huấn cho các đơn vị đủ điều kiện và năng lực thực hiện xét nghiệm khẳng định nCoV. Ngoài ra còn đề nghị các Viện đầu ngành thực hiện chia sẻ các sinh phẩm xét nghiệm nCoV cho các đơn vị đủ điều kiện thực hiện các xét nghiệm khẳng định nCoV trong các trường hợp cần thiết.

Công văn cũng khẳng định phòng xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh là một trong các phòng xét nghiệm đủ điều kiện và năng lực thực hiện các xét nghiệm ban đầu nCoV cùng với CDC Hà Nội, CDC Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế…

Bác sỹ Ninh Văn Chủ- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong thời gian tới, Viện Vệ sinh dịch tễ sẽ đánh giá năng lực xét nghiệm để khẳng định phòng xét nghiệm của CDC Quảng Ninh đủ khả năng chứng nhận xét nghiệm nCoV.  Khi đó CDC Quảng Ninh sẽ  giảm bớt áp lực cho các phòng xét nghiệm tuyến TW, giảm chi phí và thời gian nhận kết quả xét nghiệm ban đầu nCoV, đáp ứng tốt hiệu quả công tác giám sát, phòng chống nCoV tại Quảng Ninh.

Trước mắt, bước đầu phòng xét nghiệm của CDC Quảng Ninh sẽ xét nghiệm sàng lọc các trường hợp nghi ngờ, nếu có kết quả dương tính sẽ chuyển tiếp lên viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm khẳng định lần cuối.

Trong một diễn biến liên quang, sáng nay, BS. Ninh Văn Chủ cũng cho biết, hiện Quảng Ninh đang giám sát cách ly 20 người nghi nhiễm nCoV, kết quả xét nghiệm sáng nay của Viện Vệ sinh dịch tễ khẳng định đã có 12 trường hợp âm tính với nCoV và 8 trường hợp đang chờ kết quả. Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh chưa ghi nhận ca dương tính với nCoV.

Được biết, là đơn vị "tuyến đầu" trong phòng chống dịch, Quảng Ninh đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó các tình huống. Trong đó, tỉnh đã thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 500 giường tại Trung tâm y tế Tp. Móng Cái, đồng thời xây dựng các phòng cách ly tạm thời tại cửa khẩu Móng Cái... để phòng, chống dịch nCoV hiệu quả. 


Thăm dò ý kiến