Long An: Cảnh báo số lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam gia tăng

03/08/2022 | 11:06 AM

 | 

 

Trong 02 ngày (01-02/8/2022), Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã tổ chức đưa đoàn phóng viên đi thực tế tại Long An nhằm tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng như huy động sự ủng hộ của người dân trong triển khai các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Đoàn công tác do Ths. BS. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn công tác có các phóng viên đến từ 15 cơ quan báo chí Trung ương.

Ths.BS Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An chia sẻ về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Long An

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An cho biết, tính đến ngày 30/6/2022, toàn tỉnh phát hiện 4.880 người nhiễm HIV (trong đó 1.578 người tử vong), số bệnh nhân còn sống đang quản lý tại cộng đồng là 3.889 (trong đó ngoại tỉnh là 620 người). Hiện địa phương có 3.003 người được đang được điều trị thuốc kháng ARV.

Dịch HIV tập trung cao ở Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP Tân An. Đây là các huyện và thành phố trọng điểm, tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, có đường quốc lộ liên tỉnh… Không chỉ HIV/AIDS, đây cũng là tâm điểm của dịch COVID-19, sốt xuất huyết…

Số ca lây nhiễm HIV trong những năm gần đây ở Long An chủ yếu là qua đường tình dục. Tỉ lệ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn năm 2018 là 63,7%; năm 2019 là 79,2%, và năm 2021 tăng lên tới 94,7%.

Đáng lưu ý, số người nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có chiều hướng gia tăng, năm 2018 số người nhiễm trong nhóm MSM là 16,2% thì năm 2021 tăng đến 69,9%. Riêng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, số người nhiễm HIV trong MSM được phát hiện là 67,9%.

Ths.BS Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An cho biết, nguyên nhân những năm gần đây địa phương phát hiện ra lây nhiễm HIV tăng cao trong nhóm MSM là do nhóm này hạn chế công khai danh tính, rất khó tiếp cận vì do lo sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Họ đã không lộ diện nên khó phát hiện ra bệnh. Nhưng những năm gần đây, nhờ được một số dự án tài trợ, hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tập trung vào nhóm này như dự án EPIC (dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam) do PEPFA (Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS), dự án Quỹ toàn cầu, nên số người nhiễm HIV trong nhóm MSM đã cởi mở trong việc công khai danh tính nhờ được nâng cao kiến thức, nhờ thực hiện các hoạt động, biện pháp can thiệp giảm hại…

Tại Long An, dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) được triển khai từ năm 2018 đã hỗ trợ nguồn lực cho một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Cụ thể, hiện Long An có 07 Phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC), trong đó có 04 cơ sở thuộc dự án EPIC; 08 cơ sở điều trị PrEP (Pre-Exposure Prophylaxis –điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV) thì trong đó có 6 cơ sở được dự án tài trợ, ngoài ra dự án còn hỗ trợ điều trị lao, viêm gan C, cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV tại VCT (phòng khám, tư vấn và xét nghiệm tự nguyện, là một loạt các xét nghiệm để tìm ra bạn có HIV dương tính hay âm tính), hoạt động tiếp cận cộng đồng và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone…

ThS. Nguyễn Thanh Sơn, Phó Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết thêm: một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện các mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện) trong phòng, chống HIV/AIDS cơ bản đến tháng 6/2022, ngành Y tế Long An đạt được các chỉ tiêu đã đặt ra, điển hình là chỉ tiêu PrEP và chỉ tiêu K=K đạt được theo tiến độ của dự án. Tính đến tháng 6/2022, số bệnh nhân hiện đang điều trị là 781 người.

Bệnh nhân đến nhận thuốc ARV theo định kỳ 3 tháng 1 lần tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng nói chung và nhóm MSM nói riêng, ngành Y tế Long An cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông bằng cách hướng đến tìm những đồng đẳng viên phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đồng thời hướng dẫn các MSM sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục. Khi biết mình có nguy cơ nhiễm bệnh, hãy mạnh dạn đến các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV  là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm đối tượng chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV cao. "Nếu tuân thủ điều trị, PrEP làm giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên đến trên 90%, đường tiêm chích ma tuý là 70%”, Nguyễn Thanh Sơn cho biết thêm.

Về quá trình thực hiện dự án EPIC, Long An có nhiều thuận lợi do kế hoạch dự án hàng năm được xây dựng bám sát vào nhu cầu tình hình thực tế của tỉnh; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực; trang thiết bị; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật; triển khai nhiều mô hình/sáng kiến mới: PNS, SNS, cung cấp test tự xét nghiệm, đáp ứng y tế công cộng, trang web tự xét nghiệm…; chính sách chi trả các hoạt động theo hiệu suất điều trị HIV, tìm ca… Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn về một số gói mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, trang thiết bị triển khai chậm; một số ít các hoạt động mới chưa được hướng dẫn cụ thể về chứng từ thanh quyết toán; chính sách về tài chính của dự án thay đổi hàng năm; thiếu nhân sự. Long An đề xuất dự án EPIC tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong thời gian tới để tỉnh có thể mở rộng đối tượng hưởng lợi, hỗ trợ cho những người chưa thuộc đối tượng trong dự án nhằm tăng hiệu quả hoạt động điều trị HIV và giảm thiểu số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh./.

Dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) là dự án hợp tác giữa Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) và Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), Bộ Y tế Việt Nam trong khuôn khổ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR).

 

Mục tiêu chung của dự án là hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm đạt được mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư nói chung dưới 0.3%; Đạt được mục tiêu 90-90-90 và hướng tới cơ bản chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Long An là một trong 6 tỉnh, thành phố được dự án hỗ trợ để đạt mục tiêu 90-90-95. Các địa phương còn lại gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.

 


Thăm dò ý kiến