Gương sáng ngành Y tế Đồng Nai: Nữ bác sĩ gần dân

21/10/2015 | 00:58 AM

 | 

Vừng vàng về chuyên môn, gần gũi, tận tâm với người bệnh… là những lời nhận xét của đồng nghiệp và người dân khi nói về BS.CKI Phạm Thị Bảy, Trưởng Trạm Y tế xã Sông Thao (huyện Trảng Bom).

Kiên trì bám địa bàn

Năm 1985 tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Đồng Nai, chị Phạm Thị Bảy về làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom. Năm 1991 chị chuyển về trạm Y tế xã Bàu Hàm và được làm trưởng trạm năm 1996. Đến năm 2002 xã Bàu Hàm chia tách thành 2 xã là Sông Thao và Bàu Hàm, chị về công tác tại Trạm Y tế xã Sông Thao cho đến nay. 

 

BS Phạm Thị Bảy đang tư vấn cho bệnh nhân bị tiểu đường.

Chị Bảy kể, mới đầu về Trạm Y tế xã Bàu Hàm, chị gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở của trạm là ngôi nhà cấp 4 tạm bợ, các trang thiết bị máy móc hầu như không có, toàn bộ nhân viên chỉ có 4 người. Bàu Hàm lại là xã đặc biệt khó khăn và có đến 80% dân tộc thiểu số như, tày, nùng, hoa sinh sống, kiến thức về cách chăm sóc sức khỏe của người dân nơi đây rất lạc hậu. Họ quan niệm phải sinh đông con để có người làm nông, có nhiều gia đình sinh ít nhất cũng 4 đến 5 người con. Mỗi khi ốm đau họ toàn nhờ và tin tưởng theo cách chữa bệnh của các thầy lang hay tự pha chế các loại lá hái được ở trong rừng. Giao thông đi lại trong xã vô cùng vất vả, đường sá gập ghềnh, trơn lầy, mùa mưa phải đi bộ. Vào năm 1994, trời mưa tầm tã, chị Bảy cùng đồng nghiệp lội mưa xách được thùng vắc xin tới nhà dân để tiêm ngừa cho trẻ nhưng lại bị từ chối, thậm chí có gia đình còn đưa trẻ đi trốn vì lý do rất đơn giản, đó là sợ trẻ tiêm xong bị sốt. Do người dân không nắm rõ khi tiêm cho trẻ xong sẽ có những phản ứng như sốt nên không chịu cho nhân viên y tế tiêm. “Cháu tôi đang khỏe mạnh thế này, tiêm vào để cháu tôi ốm nằm ra đó à. Các cô về đi, gia đình tôi không tiêm đâu”, chị Bảy nhớ lại. 

 

BS Phạm Thị Bảy được Sở Y tế khen thưởng tại Hội nghị điển hình tiên tiến ngành y tế lần thứ IV.

Những điều đó luôn làm chị Bảy trăn trở và muốn làm thay đổi nhận thức người dân nơi đây. Chị nghĩ khâu tuyên truyền là quan trọng nhất. Chị lên kế hoạch phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và hội phụ nữ xã tuyên truyền lồng ghép thông qua các buổi họp để người dân nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, chị thấy cách làm này vẫn chưa hiệu quả, người dân nghe xong rồi… quên. Chị lại nhờ đến sự trợ giúp của các trưởng ấp là người dân tộc thiểu số để tiếp cận trực tiếp với người dân. Lúc thì chị đến tận nhà dân làm quen, chuyện trò, lúc thì theo các hộ gia đình vào rẫy phụ giúp. Qua những lần như thế, chị dễ dàng tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật đúng cách. Giờ đây, người dân đã tự giác tìm đến trạm y tế hoặc nhà riêng chị Bảy để được khám, tư vấn mỗi khi đau ốm. Bà Trần Thị Lai, 65 tuổi, ở ấp Thuận Trường cho biết, trước đây không chỉ riêng gia đình bà mà mọi người trong ấp mỗi khi bị đau, ốm đều nhờ thầy lang hoặc tự hái thuốc nam để chữa bệnh. Có nhiều người bệnh không khỏi mà ngày càng trở nặng. Bây giờ nhờ bác sĩ Bảy thường xuyên tuyên truyền, tư vấn mà bà đã biết đến trạm y tế để khám và điều trị khi có bệnh, không để lâu bệnh nặng khó chữa. “Mới đầu người dân còn e ngại nhưng dần dần họ cũng chủ động tìm đến trạm hoặc nhà riêng để được tư vấn cách chăm sóc sức khỏe cũng như sử dụng các biện pháp tránh thai. Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp… ở xa không đến trạm được thì gọi điện nhờ tư vấn về cách ăn uống, phòng ngừa và phương pháp điều trị…”, chị Bảy vui vẻ nói.   

Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn 

Trong những lần thăm khám cho người bệnh, có những trường hợp nặng ngoài khả năng của mình, chị Bảy đành phải tư vấn để bệnh nhân lên tuyến trên điều trị. Nhiều lần chứng kiến bệnh nhân nghèo, điều kiện đi lại rất khó khăn phải đi điều trị nơi khác chị rất đồng cảm với người bệnh, nhưng đồng thời cũng tự trách bản thân mình không đủ chuyên môn để giữ bệnh nhân ở lại. Điều đó đã thôi thúc chị học lên đại học để nâng cao tay nghề và năm 2000, chị thi đậu bác sĩ đa khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh). Sau khi hoàn thành khóa học chị được phân về làm Phó Phòng y tế huyện Trảng Bom, nhưng vì muốn tiếp tục về nơi mình từng gắn bó nên chị lại xin chuyển về Trạm Y tế xã Sông Thao để tiếp tục phục vụ người dân. Đến năm 2012, chị theo học khóa y học dự phòng của Đại học Y dược Huế tổ chức tại Đồng Nai. Thông qua khóa học này, chị có thể nắm và hiểu cách phòng chống dịch bệnh để tuyên truyền đến bà con biết cách phòng tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, mỗi khi có đợt tập huấn ở địa phương hay ở tuyến tỉnh chị đều nhiệt tình tham gia để tích lũy thêm kinh nghiệm.  

Ngoài việc thăm khám ở trạm, chị Bảy còn tranh thủ đến tận nhà những bệnh nhân nặng, già yếu để tư vấn, khám chữa bệnh cho họ. Bà Nguyễn Thị Như, 60 tuổi, ấp Thuận Trường bị tăng huyết áp đã gần 3 năm nay chia sẻ: “Tôi lên trạm khám không chỉ được bác sĩ Bảy tư vấn, dặn dò chu đáo mà hàng tuần bác sĩ Bảy còn ghé qua nhà để đo huyết áp và kiểm tra sức khỏe cho tôi. Nhờ có bác sĩ Bảy thường xuyên đến thăm khám, hướng dẫn cách ăn uống nên bệnh tình của tôi cũng thuyên giảm nhiều”. “Nhìn những bệnh nhân do mình điều trị dần dần hồi phục sức khỏe, sống vui khỏe bên gia đình, con cháu thì mọi việc vất vả hay mệt nhọc đều tan biến, bản thân tôi cũng thấy vui vì người bệnh tin tưởng vào mình”, chị Bảy tâm sự. Không chỉ nhiệt tình với công việc, tận tâm với người bệnh mà đối với đồng nghiệp chị Bảy luôn quan tâm giúp đỡ. Y sĩ Tô Văn Trường, nhân viên trạm cho biết: “Chị Bảy luôn tạo mọi điều kiện để nhân viên phát huy sáng tạo trong công việc. Nhân viên nào làm sai thì chị nhẹ nhàng chỉ ra những sai sót đó để sửa chữa và khắc phục kịp thời. Làm việc cùng với chị Bảy chúng tôi học hỏi được rất nhiều, từ chuyên môn đến cuộc sống hàng ngày, bởi sự giản dị và hòa đồng của một người lãnh đạo như chị”. 

30 năm gắn bó với nghề, chị Bảy luôn hoàn thành mọi chỉ tiêu được giao. Nhiều năm liền chị được Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế khen thưởng, đặc biệt chị là một trong 10 bác sĩ danh dự của ngành Y tế Đồng Nai tham dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội vừa qua. 


Thăm dò ý kiến