Phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 Thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội

11/09/2015 | 06:44 AM

 | 

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, giai đoạn 2010 - 2015, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn tỉnh đã sôi nổi hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do tỉnh phát động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở  địa phương.
Ngành giáo dục - đào tạo duy trì phong trào thi đua
Ngành giáo dục - đào tạo duy trì phong trào thi đua "dạy tốt - học tốt". Trong ảnh: Giờ thực hành hóa học của cô và trò trường THPT Trần Nguyên Hãn. Ảnh: P.V

Những tấm gương điển hình tiêu biểu

Gần 20 năm gắn bó với Bệnh viện Bà Rịa, hầu như ngày nào, BS Nguyễn Phương Nam, Trưởng Khoa Chấn thương – Chỉnh hình (CT - CH) cũng làm việc không ngơi tay, bởi số lượng bệnh nhân cần điều trị luôn vượt quá số giường bệnh quy định. Những năm BS Nam mới về nhận công tác, Bệnh viện Bà Rịa thiếu thốn đủ đường, dụng cụ mổ, phương tiện gây mê, hồi sức khi ấy đều không đáp ứng được yêu cầu. Thế mà chỉ với BS Nam và một kỹ thuật viên, Khoa CT - CH vẫn thực hiện thành công gần 400 ca mổ/năm. Đến nay, bệnh viện đã được xây mới, cơ sở vật chất được trang bị hiện đại, nhân lực được đáp ứng, đã tạo điều kiện để tập thể Khoa CT - CH do BS Nam phụ trách làm tốt hơn công việc cứu, chữa người bệnh. Trung bình mỗi ngày, BS Nam cùng cộng sự thực hiện khoảng 10 ca mổ. Nhiều đêm không đến phiên trực nhưng nếu có bệnh nhân gặp chấn thương nguy hiểm như tổn thương mạch máu, đứt chi, gãy xương hoặc khung chậu thì chỉ cần gọi là BS Nam sẵn sàng có mặt. Tình thương và trách nhiệm đối với bệnh nhân đã mang lại nhiều thành công đột phá trong quá trình điều trị của BS Nam. Thành công trong việc nối cánh tay hay cẳng chân bị đứt lìa khỏi cơ thể cho nhiều bệnh nhân của BS Nam và các cộng sự đã góp phần xây dựng thương hiệu của tập thể Khoa CT - CH. Không chỉ thế, BS Nam còn nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến “Khâu nối gân bằng kỹ thuật nút khóa”, đoạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Khoa học của ngành y tế tỉnh năm 2012; sáng kiến “Garrote hơi tự chế” đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Khoa học tỉnh BR-VT năm 2012-2013.

Ông Lâm Đức Thống, hội viên Hội Nông dân xã Long Tân, huyện Đất Đỏ nhiều năm liền được công nhận là nông dân giỏi cấp tỉnh. Xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ông Thống đã không ngừng học hỏi, tập trung phát triển kinh tế và trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”. Với quyết tâm vượt khó để vươn lên, ông Thống đã tự tìm tòi phương thức sản xuất thích hợp, chọn vật nuôi đúng hướng để từng bước phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Từ nghề trồng lúa bao đời, ông Thống đã mạnh dạn chuyển sang trồng sen lấy ngó. Có vốn nhờ trồng sen, lại được học tập kinh nghiệm từ các mô hình nuôi cá nước ngọt, ông Thống đầu tư đào ao nuôi cá lăng đuôi đỏ, cá thác lác và cá chép 3 dòng. Để lấy ngắn nuôi dài, ông còn nuôi thêm cá trê và cá tra. Từ tiền lãi nhờ nuôi cá, ông Thống trồng thêm 1,5ha cao su, nuôi 10 con bò sinh sản và 50 con heo. Ông Thống cho biết, với thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm, hiện gia đình ông đã chủ động được việc đầu tư tái sản xuất như sắm được 2 máy gặt đập liên hợp, 1 ô tô tải chuyên chở thức ăn chăn nuôi...

Thi đua là yếu tố góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của giá trị sản xuất công nghiệp. Trong ảnh: Công nhân Công ty Đông Phương (Vũng Tàu) trong giờ sản xuất. Ảnh: V.T
Thi đua là yếu tố góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của giá trị sản xuất công nghiệp. Trong ảnh: Công nhân Công ty Đông Phương (Vũng Tàu) trong giờ sản xuất. Ảnh: V.T

Chị Phan Thị Phúc, Bí thư Đoàn xã Kim Long (huyện Châu Đức) là cán bộ Đoàn tiêu biểu của tỉnh. Chị đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng từ tỉnh đến Trung ương, đặc biệt là giải thưởng Lý Tự Trọng tuyên dương cán bộ Đoàn xuất sắc và giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên làm kinh tế giỏi. Hơn 10 năm gắn bó với công tác Đoàn địa phương, sự năng nổ, nhiệt tình của chị Phan Thị Phúc đã góp phần đưa phong trào Đoàn xã Kim Long ngày càng lớn mạnh, nhiều năm liền giữ vững lá cờ đầu về công tác Đoàn khối xã, thị trấn của tỉnh. Một trong những kết quả nổi bật nhất của Đoàn xã Kim Long là thành lập được các CLB đội nhóm cùng sở thích, nghề nghiệp, thu hút đông đảo thanh niên đến với tổ chức Đoàn, trong đó 2 CLB chủ lực là CLB Kỹ năng và CLB Thanh niên Kim Long. Không chỉ tạo điều kiện cho thanh niên đến với tổ chức Đoàn thông qua các mô hình thực tiễn, chị Phúc còn không ngừng nỗ lực làm giàu từ bàn tay, khối óc và sự sáng tạo của mình. Năm 2008, nhận thấy thị trường dịch vụ hoa tươi trên địa bàn huyện Châu Đức có nhiều tiềm năng, chị Phúc lên TP.HCM học lớp trang trí mỹ thuật chuyên ngành hoa tươi. Cuối năm 2009, từ 10 triệu đồng vốn ban đầu, dịch vụ hoa tươi Hạnh Phúc chính thức hoạt động. Trải qua 6 năm qua, dịch vụ hoa tươi Hạnh Phúc giờ đã trở thành địa chỉ hút khách nhất nhì huyện Châu Đức, mang lại thu nhập cho gia đình chị Phúc trên 300 triệu đồng, đồng thời giải quyết việc làm cho 12 thanh niên với thu nhập từ 2,5-5 triệu đồng/tháng.

Lực lượng vũ trang thi đua quyết thắng, tích cực huấn luyện nâng cao khả năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: T.L
Lực lượng vũ trang thi đua quyết thắng, tích cực huấn luyện nâng cao khả năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: T.L

Các phong trào thi đua rộng khắp

Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng TĐ-KT tỉnh nói: “Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng khắp trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, Mặt trận và các đoàn thể toàn tỉnh đã chủ động phát động, tổ chức phong trào thi đua, đề ra các nội dung thi đua thiết thực, hiệu quả, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao”.

Nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp là các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Nông dân đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”...  đã huy động có hiệu quả các tiềm năng về vốn, lao động, đất đai, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất kinh doanh, giúp cho hàng nghìn hộ nông dân vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Một số huyện hình thành nên các vùng chăn nuôi tập trung, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi sang những loại có giá trị cao, xuất hiện nhiều mô hình cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế. Trong phong trào thi đua “BR-VT cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, tỉnh đã có 6 xã đạt 19/19 tiêu chí và đang phấn đấu đến cuối năm 2015 có thêm 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Các phong trào thi đua tiêu biểu của ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ là “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”... đã được phát động liên tục trong các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Thực hiện các phong trào này, các sở, ngành, địa phương tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư mở rộng sản xuất; các DN phát huy sáng kiến, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Điển hình, với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong 5 năm, đã có 18.486 kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật được áp dụng, làm lợi 38,4 tỷ đồng. Nhờ phát động các phong trào thi đua, nhiều công trình đã hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, tiêu biểu như: hồ chứa nước sông Ray; Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh; cầu Gò Găng; Bệnh viện đa khoa Bà Rịa...

Trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hộ nông dân đã phát triển quy mô chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại. Ảnh: K.B
Trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hộ nông dân đã phát triển quy mô chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại. Ảnh: K.B

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, chất lượng ngành GD-ĐT đang được nâng lên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, thi đậu các trường đại học, cao đẳng hàng năm đều tăng. Với hệ thống 5 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và 34 cơ sở đào tạo nghề đã từng bước đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Thi đua thực hiện phong trào “Nâng cao y đức”, ngành Y tế tỉnh trong 5 năm qua đã có những bước tiến đáng kể. Các chỉ tiêu về mức giảm sinh, số bác sĩ/vạn dân, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đều đạt và vượt kế hoạch; có 697 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân hoạt động khá hiệu quả bằng hình thức xã hội hóa. Hàng năm, các cơ sở y tế đã khám, chữa bệnh cho trên 2 triệu lượt người. Có 49/82 xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã…

Điểm đáng chú ý trong thời gian qua, các phong trào thi đua luôn được các cơ quan, địa phương gắn với phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ phong trào thi đua, các cấp, các ngành, địa phương đã đưa ra nhiều kế hoạch, biện pháp khả thi, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh.


Thăm dò ý kiến