Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Thái Bình: Đơn vị chủ động “Vượt khó” vươn lên đạt chuẩn quốc gia TTYTDP đầu tiên

22/10/2015 | 07:31 AM

 | 

Những năm trước đây Trung tâm YTDP Thái Bình cũng nằm trong hoàn cảnh chung như đa số các Trung tâm YTDP khác trong cả nước:

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực không đáp ứng yeu cầu; các hoạt động chỉ đơn thuần với nhiệm vụ chính là phòng chống dịch bệnh và thường bị động theo những diễn biến tự nhiên của bệnh dịch; các hoạt động khác thực hiện theo các chương trình dự án từ trung ương hỗ trợ. Về xét nghiệm chủ yếu là lấy mẫu bệnh phẩm về bệnh dịch và gửi đi tuyến trên; tại tỉnh  chỉ thực hiện được một số kỹ thuật xét nghiệm đơn giản. Kinh phí tổ chức hoạt động chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước cấp và hỗ trợ của các chương trình dự án, không có nguồn thu tự chủ.

Những năm 2000, trước sự đổi mới mạnh mẽ của đất nước nhưng trong điều kiện Thái Bình một tỉnh nông nghiệp, kinh tế chưa phát triển, ngân sách phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ trung ương nên sự đầu tư cho YTDP rất hạn chế. Vậy làm sao để duy trì, phát triển, thi đua đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao luôn là câu hỏi lớn với Trung tâm YTDP Thái Bình; những trăn trở đó đã thôi thúc các lãnh đạo, cán bộ viên chức đơn vị tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đưa Trung tâm vươn lên.

* Điểm mốc đầu tiên phải kể đến là năm 2003, Trung tâm đã sớm tham mưu để Ủy ban nhân dân tỉnh có QĐ số 378/2003/UBND về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức; theo đó Trung tâm hoạt động tương đối toàn diện bao gồm phòng chống bệnh dịch, bệnh không lây nhiễm (KLN), kết hợp lồng ghép trong chăm sóc sức khỏe cho người dân ở cộng đồng và tổ chức các dịch vụ YTDP như khám, tư vấn, điều trị bệnh dự phòng một số bệnh Đái tháo đường, bướu cổ, dinh dưỡng (thời điểm này trên toàn quốc chưa có hoạt động này). Tuy nhiên những năm đầu các hoạt động mới là sơ khai và kết quả chưa rõ nét.

* Điểm nhấn quan trọng là khi Bộ Y tế ban hành các QĐ về Chuẩn QG YTDP: QĐ số 4696/QĐ-BYT/2008; QĐ số:633/QĐ-BYT/2010 và chọn TTYTDP một số tỉnh, thành phố để đầu tư làm điểm (Thái Bình không nằm trong số này). Tuy vậy qua tìm tòi TYTDP Thái Bình đã chủ động lập ngay Đề án trình SYT, UBND tỉnh phê duyệt, báo cáo Bộ Y tế và triển khai thực hiện (đến nay tỉnh đã đầu tư 40 tỷ đồng). Trung tâm trở thành tỉnh duy nhất ngoài tỉnh điểm đạt Chuẩn QG sớm nhất của cả nước lần 1 năm 2011 (cùng Yên Bái, Thái Nguyên) và liên tục duy trì, phát triển đạt Chuẩn lần 2 năm 2014. Sự bứt phá của Thái Bình đã được Bộ Y tế ghi nhận có tác dụng thúc đẩy tiến độ đạt Chuẩn quốc gia TTYTDP tỉnh của cả nước (đến nay có hơn 20 tỉnh đạt được).

Từ đây TTYTDP Thái Bình đã cho thấy năng lực của đơn vị được nâng lên rõ rệt:

Cơ sở vật chất được đảm bảo, có nhà Trung tâm kỹ thuật cao tầng, gần 3000 m2 diện tích sàn phục vụ cho labo xét nghiệm hiện đại và triển khai các dịch vụ YTDP. Các máy, trang thiết bị đáp ứng cho phát triển chuyên môn cơ bản và chuyên sâu; có các máy hiện đại phục vụ xét nghiệm về chẩn đoán nguyên nhân của bệnh dịch, chẩn đoán bệnh không lây nhiễm, bệnh nội tiết; xét nghiệm nước, thực phẩm vv (máy miễn dịch, PCR, RT-PCR; hệ thống máy sinh hóa, huyết học tự động; máy quang phổ hấp thụ nguyên tử AAS, máy sắc ký HPLC, vv). Nhân lực được đảm bảo với 70% có trình độ đại học trở lên, 35% có trình độ sau đại học và 33 bác sĩ; đào cán bộ được thực hiện theo chuyên môn và vị trí việc làm.

Trong những năm qua Trung tâm liên tục tăng cường, tìm tòi đề xuất triển khai, phát triển các hoạt động mới, các kỹ thuật mới mang tính sáng tạo và bền vững để chủ động trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân, tiêu biểu như:

1. Trung tâm đã đi đầu, làm đầu mối trong gắn kết các đơn vị từ tuyến tỉnh để chỉ đạo tuyến trước kể cả các Trung tâm Y tế, bệnh viện tuyến huyện cũng như tuyến xã và cộng đồng. Vì vậy Thái Bình đã thống nhất, lồng ghép được hoạt động của các đơn vị, các tuyến trong toàn hệ thống và Sở Y tế có giao ban, đánh giá hàng tháng.

2. Công tác phòng chống dịch bệnh luôn đạt được mục tiêu chủ động giám sát, kiểm soát, phòng chống có hiệu quả các dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra và tham gia trong hệ thống giám sát quốc gia về cúm, tả, tay chân miệng. Năm 2015 đã đề xuất với các nhà khoa học hàng đầu của Viện VSDTTW, Viện SKNN&MT...đã và đang thí điểm triển khai mô hình mới “Phòng chống dịch dựa vào cộng đồng” tại 2 xã của huyện Quỳnh Phụ (cốt lõi là sự trợ giúp kỹ thuật của các nhà khoa học, thu hút xã hội hóa, chính quyền địa phương và cộng đồng tham gia, gắn kết với xây dựng nông thôn mới để cộng đồng chủ động PCD).

3. Công tác TCMR được thực hiện thường xuyên với kết quả cao; tỷ lệ TC đủ mũi trẻ em đạt trên 99%; nhất là tỷ lệ tiêm vắc xin VGB liều sơ sinh trước 24 giờ đạt trên 80% (cả nước 50%).  Năm 2015 tổ chức thi TCMR giỏi từ tuyến (xã, huyện, tỉnh) vào tháng 9,10; cuộc thi nhằm tăng cường kỹ năng thực hành TC cho cán bộ, tuyên truyền thu hút sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo và nhân dân.

4. Tham mưu với tỉnh tập trung chỉ đạo tăng tỷ lệ nhà tiêu HVS, đến nay có 70% hộ gia đình có nhà tiêu tự hoại; 95 % hộ gia đình có nước sạch; duy trì tổng vệ sinh môi trường hàng tháng.

5. Công tác y tế trường học đã được triển khai ở 100% trường học; hàng năm khám sức khỏe định kỳ cho trên 99% học sinh tiểu học, THCS; xây dựng mô hình trường học nâng cao sức khỏe ở 4 cấp. Từ kết quả trên đã góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn cho sức khỏe học sinh, thúc đẩy học sinh tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao năng lực cho màng lưới YTTH.

6. Trong công tác YTLĐ, PC BNN đã xây dựng mô hình khám quản lý toàn diện sức khỏe NLĐ, kết hợp với đo, đánh giá môi trường lao động trong các doanh nghiệp (hiện nay nhiều tỉnh đang rất khó khăn trong thực nhiệm vụ này); tới đây sẽ phát triển hoạt động này trong khối các cơ quan. Hoạt động trên đã góp phần chăm sóc sức khỏe người lao động và hỗ trợ nâng cao năng lực màng lưới y tế trong các doanh nghiệp.

7. Đơn vị đi đầu trong phát triển labo xét nghiệm, coi đó là 1 mũi nhọn phát triển kỹ thuật YTDP; đơn vị đã liên tục củng cố, phát triển, nâng cao năng lực, chất lượng xét nghiệm theo hướng toàn diện và chuyên sâu đạt chuẩn ISO: Năm 2012, labo xét nghiệm hóa lý đạt chuẩn ISO 17025 cho các xét nghiệm phục vụ trong sinh hoạt và sản xuất kể cả xét nghiệm các mẫu về thực phẩm, xác định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng vv. Phát triển xét nghiệm vi sinh, hóa sinh kỹ thuật cao như kỹ thuật sinh học phân tử, elisa, miễn dịch, chẩn đoán bệnh dịch (cúm A/H5N1, H1N1…; sởi, rubella, tay chân miệng vv); xét nghiệm hooc môn tuyến giáp, tuyến sinh dục; các yếu tố tiền ung thư vv; xúc tiến làm ISO 15189 (dự kiến hoàn thành năm 2016). Ứng dụng phần mềm trong quản lý xét nghiệm; thực hiện tốt nội, ngoại kiểm và tham gia thử nghiệm liên phòng. Trung tâm tham gia trong kiểm soát nhiễm khuẩn của các cơ sở y tế điều trị (giám sát, đánh giá vô trùng phòng kỹ thuật, hỗ trợ làm an toàn sinh học cho các labo khác).

8. Nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ YTDP, đào tạo theo nhu cầu, yêu cầu, vị trí việc làm cả kiến thức, kỹ năng về YTDP và điều trị; điều này tạo nên sự tự tin, sự phối hợp tốt hơn trong thực thi nhiệm vụ. Trung tâm tham gia trong đào tạo nhân lực cho ngành như là cơ sở thực hành và tham gia giảng dạy cho sinh viên Trường Đại học Y Dược và Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình.

9. Đặc biệt đã thành công về việc xây dựng, triển khai mô hình chuỗi dịch vụ YTDP lồng ghép để chủ động tạo ra nguồn lực cho YTDP hoạt động:Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của đơn vị được giao cùng sự nghiên cứu các chủ trương, chính sách về xã hội hóa công tác y tế (Nghị định số 43/2006/NĐ-CP; Thông tư số 15/2007/TT-BYT; NQ93/CP về xã hội hóa y tế; NĐ 16/2015 về tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập). Sở Y tế Thái Bình đinh hướng phát triển YTDP toàn diện, đồng bộ, gắn kết giữa YTDP và điều trị trong một chỉnh thể thống nhất mà không phải là sự tách rời nhưng không chồng chéo, chen lấn chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, các tuyến. Theo đó, Trung tâm YTDP tổ chức phòng khám chữa bệnh dự phòng theo phân cấp kỹ thuật. Các đơn vị YTDP là đầu mối ở các tuyến để triển khai, thu nhận, xử lý, báo cáo thông tin về PC BKLN bao gồm cả từ các bệnh viện. Người bệnh, người có nguy cơ được phát hiện BKLN từ cộng đồng và tuyến y tế cơ sở, giới thiệu khám tại các cơ sở có điều trị (các BVĐK; các BV, Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh). Số lượt khách hàng khám, xét nghiệm, điều trị dự phòng tăng từ trên 10.000 lượt (năm 2011) lên trên 70.000 lượt (năm 2014).

Thành công ở đây là: Cán bộ YTDP các tuyến đã thực sự làm chủ các kỹ thuật YTDP, kể cả kỹ thuật cao giúp chỉ đạo tuyến tốt hơn. Trung tâm YTDP là điểm giám sát tích cực về bệnh KLN và bệnh dịch. Người dân được hưởng các dịch vụ y tế về YTDP nhất là các kỹ thuật cao, được dự phòng sớm các bệnh tật (tiểu đường, Basedow, chẩn đoán tiền ung thư ..) mà không phải đi tuyến trên. Người bệnh được giới thiệu vào nhập điều trị tại bệnh viện khi cần hoặc hướng dẫn trở lại cộng đồng khi chưa cần nằm viện; góp phần làm giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện và giảm chi phí, thuận tiện cho người dân. Mô hình phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước giúp đơn vị tận dụng nguồn lực “Tăng việc, không tăng người”, tự chủ một phần kinh phí để hoạt động, đầu tư trở lại để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, giảm chi ngân sách nhà nước, chăm sóc và cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, tạo hứng khởi thu hút nhân lực làm YTDP.

* Bài học từ triển khai thực hiện các hoạt động thi đua sáng tạo tìm tòi tìm, tạo ra nguồn lực cho phát triển YTDP là:

1. YTDP có được sự thấu hiểu của các nhà lãnh đạo Đảng, chính quyền từ tỉnh đến các sở, ngành từ đó có sự chỉ đạo, đầu tư mạnh mẽ; sự lãnh đạo, chỉ đạo được cụ thể bằng các nghị quyết, các quyết định và cơ chế chính sách cụ thể, thực thi.

2. Trong hoạt động YTDP phải lôi kéo được sự tham gia thực sự của các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và tổ chức xã hội; đồng thời người dân nhận thấy dự phòng, chăm sóc sức khỏe là quyền lợi và nghĩa vụ của chính mình, cho mình, cho mọi người để tự giác tham gia.

3. Đội ngũ cán bộ phải có đủ năng lực, trình độ, tâm huyết, am hiểu điều kiện và các vấn đề sức khỏe của địa phương từ đó tham mưu trúng các giải pháp cho hoạt động hiệu quả.

4. Luôn nắm bắt, tìm tòi cái mới ngay từ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành, địa phương để vận dụng phát triển hoạt động YTDP theo hướng sáng tạo, đổi mới, hiện đại.

5. Đơn vị thường xuyên bám sát các phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng các mô hình mới trong hoạt động YTDP. Xây dựng và tạo ra phong trào thi đua trong đơn vị kể cả về chuyên môn hay văn hóa, thẻ thao để thu hút, động viên, khích lệ tinh thần CBVC từ đó họ lao động sáng tạo, khoa học. Có động viên, khen thưởng kịp thời hay cả là kỷ luật khi CBVC có vi phạm.

6. Luôn chia sẻ, học tập những kinh nghiệm, mô hình hay của các đơn vị bạn để vận dụng vào hoạt động thực tiễn của đơn vị.

7. Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đẻ thu hút người có năng lực, tâm huyết với YTDP; đào tạo theo chuyên ngành, theo yêu cầu và nhu cầu thực tiễn nhất là các vấn đề mới. Việc đào tạo không chỉ về lĩnh chuyên ngành YTDP mà cả những nội dung cần thiết về điều trị liên quan.

Từ sự nỗ lực thi đua phấn đấu của TTYTDP Thái Bình và thành công của đơn vị đầu tiên đạt Chuẩn quốc gia và sáng tạo các mô hình hoạt động; Trung tâm đã được Bộ Y tế cho nghiên cứu thực địa, tổ chức Hội nghị chia sẻ, rút kinh nghiệm tại tỉnh vào tháng 10/2014; Bộ Y tế cũng đã ban hành mới Thông tư số 51/2014/TT-BYT ngày 29/12/2014 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTYTDP tỉnh, thành phố thay thế Quyết định 05/2006/QĐ-BYT ngày 17/1/2006. Trung tâm YTDP đã có được sự chú ý, ghi nhận, quan tâm, giúp đỡ của Bộ Y tế, các nhà lãnh đạo của tỉnh, Sở Y tế, các ngành và nhân dân trong tỉnh. Đơn vị cũng luôn nhận được bằng khen, cờ thi đua của Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi thiết nghĩ đó cũng là góp phần thiết thực vào hoạt động thi đua yêu nước của ngành Y tế vì sự “Đổi mới – Năng động – Sáng tạo – Hiệu quả vì sức khỏe nhân dân”.​


Thăm dò ý kiến