TIN BÀI VỀ ĐƯỜNG DÂY NÓNG ĐĂNG TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ Y TẾ Ngày 11-20/8/2017

20/08/2017 | 14:16 PM

 | 


 

1. Các bác sỹ làm việc không kể thời gian để điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã phải làm việc với cường độ lớn, thời gian dài để điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết đang ngày càng tăng ở Hà Nội. Trong suốt 2 tuần vừa qua, các cán bộ bệnh viện đã làm việc cả thứ 7, chủ nhật, từ 7h đến 17h hàng ngày. Nhiều cán bộ y tế phải đến tối muộn mới được về nhà… Sức khỏe của các cán bộ y tế cũng ảnh hưởng nghiêm trọng do phải trực thường xuyên theo dõi bệnh nhân. Thậm chí có cán bộ y tế bị ngã xe, gãy ngón chân cũng vẫn phải đi làm vì thiếu người. Hiện nay khu vực phòng khám là nơi vất vả nhất do số lượng bệnh nhân đông, các bác sỹ không chỉ làm công tác khám chữa bệnh mà còn phải phải kiên trì giải thích vì nhiều bệnh nhân bức xúc không được nằm viện. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại Hà Nội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến TW, đặc biệt là BV bệnh nhiệt đới Trung ương nơi khám và điều trị.  Số bệnh nhân SXHD của Hà Nội khá đông nên phải tăng cường lọc bệnh, mở rộng đơn vị điều trị ban ngày, kê thêm giường bệnh. Xem xét điều chuyển những bệnh nhân không mắc SXH điều trị tại cơ sở 2 tại Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện đầy đủ về thuốc, dịch truyền… để điều trị cho bệnh nhân SXHD. PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng đề nghị Bệnh viện Nhiệt đới TW tăng cường chỉ đạo chuyên môn cho các bệnh viện và tư vấn cho người bệnh qua số điện thoại đường dây nóng bệnh viện; chỉ đạo các bệnh viện vệ tinh theo dõi sát những bệnh nhân bị SXHD trên nền một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường…để hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. 

 

2. Các bác sỹ Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai tích cực cứu chữa cho một phụ vừa được thụ thai trong ống nghiệm bị mắc sốt xuất huyết: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, Sản phụ Nông Thị H. (sinh năm 1990, Cao Bằng) đang được các bác sĩ tại Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai hội chẩn đa khoa với sản khoa, nội tiết để điều trị tích cực khi sản phụ này vừa làm thụ tinh ống nghiệm IVF được 20 ngày thì mắc sốt xuất huyết (SXH). Theo TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, sản phụ H. hiện đang đang chữa hiếm muộn tại Viện Nam học và vừa được cấy phôi 20 ngày. Sản phụ thấy sốt cao kéo dài nên đã nhập viện. Tại đây, kết quả xét nghiệm công thức máu cho thấy sản phụ dương tính với SXH. “Đây là sản phụ rất khó khăn trong việc có thai, chữa vô sinh thời gian dài mới cấy phôi thành công lại mắc SXH nên gia đình rất lo lắng. Bản thân bệnh cảnh của bệnh nhân về lâm sàng SXH nặng, sốt cao liên tục trong ba ngày đầu, chưa có biểu hiện chảy máu. Bệnh nhân nhập viện ngày 2-8, tiểu cầu có chỉ số 151, sau đó, có hôm tiểu cầu xuống thấp còn 59. Với nguy cơ này, khả năng không giữ được phôi là rất lớn” – TS Cường cho biết. Để tích cực cứu chữa cho sản phụ, các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm đã phối hợp với bên sản khoa cho siêu âm, khám, đánh giá những khả năng nguy cơ có thể xảy ra. Bệnh nhân được theo dõi công thức máu hàng ngày. Đến hôm nay, sau tám ngày nằm viện, tiểu cầu của bệnh nhân đã lên 76, biểu hiện cô đặc máu, ra huyết, nguy cơ sảy thai chưa xảy ra. “Bệnh nhân được điều trị tích cực trong tám ngày qua nên bệnh cảnh đã giảm đi, SXH cũng giảm. Tôi tin bệnh nhân sẽ giữ được thai an toàn” – bác sĩ Cường nói. Vất vả chăm vợ suốt một tuần qua gần như không ngủ, chồng chị N. cho biết, gia đình chị sinh sống tại Cao Bằng và ngay khi biết vợ SXH đã phải nhập viện để theo dõi. Những ngày qua, chị N. rất mệt mỏi, không ăn uống được gì. Mặc dù đã trải qua giai đoạn nguy hiểm của SXH và không còn sốt, nhưng chị N. cho biết mình vẫn đau bụng nhiều và lo lắng những thuốc men điều trị SXH sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Trấn an tinh thần chị N., bác sĩ Cường cho biết “Các bà bầu, dù làm IVF khi có thai giai đoạn sớm sẽ không cần quá lo lắng nếu mắc SXH. Những sản phụ này khi đến cơ sở y tế chuyên môn sẽ được khám, tư vấn, theo dõi kịp thời. Khi được kiểm tra sản khoa, siêu âm thấy thai bình thường thì không quá suy nghĩ là sinh con có thể ảnh hưởng. Hiện chúng tôi chưa thấy biểu hiện dị dạng bào thai với những sản phụ mắc SXH giai đoạn đầu”. Tại khoa, các sản phụ mắc SXH có chế độ theo dõi riêng về xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu, theo dõi toàn trạng các dấu hiệu đau bụng, ra huyết. Đồng thời, có sự phối hợp hội chẩn bác sĩ sản khoa về tim thai, biến đổi của thai. Khi sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ, sẽ được sản khoa đỡ đẻ kịp thời. “Chúng tôi chuẩn bị sẵn thuốc men, vật dụng sẵn sàng cho cuộc đẻ bình thường và đối phó với biến chứng có thể gặp như chảy máu, chuẩn bị tiểu cầu để truyền, chuẩn bị dung dịch cao phân tử nếu cô đặc máu. Vì thế, SXH nguy hiểm nhưng nếu được theo dõi sát thì sau này sẽ không có biến chứng gì” – bác sĩ Cường khẳng định.

 

3. Năm y bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh kịp thời hiến máu cứu sản phụ qua cơn nguy kịch: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 10/8, 5 y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh vừa kịp thời hiến máu cứu sống sản phụ Nguyễn Thị Ph. (29 tuổi, ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Trước đó, sản phụ Ph. được gia đình chuyển nhập viện vào Khoa Điều trị theo yêu cầu ngày 9-8, với chẩn đoán thai đủ tháng chuyển sinh con thứ 2... Qua theo dõi tại bệnh viện, ngày 10-8, sản phụ Ph. xuất hiện đau bụng cơn, ra dịch hồng âm đạo, được chuyển lên Khoa Gây mê hồi sức phẫu thuật cấp cứu. Trong quá trình mổ lấy ra một thai nhi trai, cân nặng 3,2kg, do nhau tiền đạo trung tâm cài răng lược xuyên bàng quang nên sản phụ Ph. xuất hiện máu chảy dữ dội, kíp phẫu thuật đã phải tiến hành thắt động mạch chậu trong cầm máu tạm thời cho sản phụ. Do nguồn máu dự trữ cùng nhóm trong kho bị hết, trước tình huống cấp bách, lãnh đạo BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi các cán bộ, nhân viên trong ngân hàng máu sống có cùng nhóm máu với sản phụ Ph. hiến máu để cấp cứu, điều trị. Ngay sau đó, 5 cán bộ, nhân viên gồm hộ sinh Nguyễn Vĩnh Lộc (Khoa sản), kỹ thuật viên Nguyễn Quyết và Nguyễn Thị Long (Khoa phục hồi chức năng), đặc biệt hai kỹ thuật viên Trần Thị Dung và Dương Văn Đồng (Khoa phẫu thuật gây mê hồi sức) là những người đang trực tiếp tham gia phục vụ phẫu thuật cấp cứu đã tình nguyện hiến máu để truyền cho sản phụ. Hiện tại, sau hơn 4 giờ phẫu thuật, truyền 5 đơn vị máu, sản phụ Ph. đã qua khỏi cơn nguy kịch và đang được theo dõi, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực. Còn bé trai, con của sản phụ Ph. khỏe mạnh, đang được theo dõi, chăm sóc tại Khoa Điều trị theo yêu cầu. Kỹ thuật viên Trần Thị Dung (một trong những người đã tham gia hiến máu) cho biết: “Là người trực tiếp phục vụ kíp phẫu thuật cho sản phụ Ph., cũng là người mẹ, người phụ nữ được chứng kiến giây phút sinh tử của bệnh nhân do mất máu cấp, trong lúc kho máu lại hết máu cùng nhóm, kíp phẫu thuật, gây mê rất căng thẳng, nhưng bản thân tôi và mọi người quên hết cả mệt nhọc, sẵn sàng cho đi những giọt máu của mình, chỉ mong sao sản phụ được cứu sống an toàn”.

 

4. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cứu sống nam thanh niên bị trâu húc rác khí quản: Thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam vừa cứu sống một bệnh nhân người dân tộc Ca Dong bị trâu húc rách khí quản. Theo bác sĩ Trần Giám - Trưởng khoa Tai- Mũi-Họng (Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam), vào khoảng 16 giờ ngày 1/8, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Trung Văn Xanh (20 tuổi, ở thôn 3, xã Trà Giáp, H.Bắc Trà My, Quảng Nam), nhập viện trong tình trạng vết thương chảy máu nhiều, cổ to bành, tràn khí dưới da vùng cổ, khạc ra máu và khó thở cấp độ 2. Ngay sau đó, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành mở khí quản, mở 1 ống vết thương lên đến hạ họng, cầm máu, khâu khí quản. Sau 3 giờ tiến hành cấp cứu, ca phẫu thuật thành công và bệnh nhân đã được cứu sống. Theo người nhà bệnh nhân, trong lúc đứng chơi phía trước cửa nhà mình, anh Xanh bất ngờ bị con trâu của hàng xóm lao vào dùng sừng húc vào cổ xuyên thủng lên hạ họng bên phải, rách khí quản. "Vì bị rách khí quản nên bệnh nhân được cho ăn qua đường ống thông với dạ dày, thở qua lỗ mở khí quản. Sau gần 2 tuần hiện sức khỏe nạn nhân đã ổn định và có thể xuất viện vào chiều ngày 14/8”, BS Giám cho  biết.

 

5. Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh kiểm điểm các nhân viên y tế liên quan đến vụ trử sơ sinh tử vong tại Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Tịnh: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 14/8, Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh đã gửi báo cáo Sở Y tế Quảng Ngãi về trường hợp trẻ sơ sinh tử vong tại bệnh viện này, Sở Y tế Quảng Ngãi đã yêu cầu kiểm điểm các y bác sỹ liên quan. Theo báo cáo, vào chiều ngày 1-8, phòng khám Sản thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh tiếp nhận và khám cho sản phụ Đinh Thị Tuyết Ng., (xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Khi khám,  thai được  39 tuần. Bác sĩ khám chỉ định siêu âm thai, kết quả siêu âm thai thuận đã trưởng thành. Sản phụ được bác sĩ khám giải thích và tư vấn: Hiện tại thai bình thường khi nào đau bụng thì đến bệnh viện. Lúc 4 giờ 00 phút, ngày 2-8, sản phụ Ngân đau bụng và được người nhà chuyển vào Khoa phụ sản Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh. Lúc này, tại Khoa có 2 nữ hộ sinh và bác sĩ trực theo hệ. Đến khoảng 4 giờ 5 phút, sản phụ Ngân mót rặn, chuyển dạ sinh. Đến 4 giờ 30 phút, tầng sinh môn giãn căng, chỉ định cắt tầng sinh môn cho đầu ra, 1 bé trai, dây rốn quấn cổ nhiều vòng bầm tím, sau khi kẹp cắt tháo dây rốn phát hiện dây rốn quấn 4 vòng, thai sổ ra ngoài. Lúc này, phản xạ trẻ sơ sinh không có, nhịp thở không, nhịp tim 60 lần/phút rời rạc. Ngay sau đó, các y bác sĩ lập tức hồi sức liên tục, đến 4 giờ 55 phút, trẻ sơ sinh tử vong với chẩn đoán: Ngạt không hồi phục do dây rốn quấn quanh cổ nhiều vòng. BS Lê Văn Phương cho biết: “Ngay sau khi xảy ra, Sở Y tế đã ra văn bản chỉ đạo kiểm điểm, khiển trách, rút kinh nghiệm đối với trường hợp trẻ sơ sinh tử vong. Đề nghị Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh làm rõ nguyên nhân có báo cáo gửi trước ngày 15-8. Đồng thời, trực tiếp đến thăm sản phụ”. Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh đã có báo cáo kiểm điểm, kiểm thảo tử vong. Về kiểm điểm quá trình điều trị và chăm sóc, qua nghe kíp trực và các cán bộ liên quan tường thuật kết hợp xem xét hồ sơ bệnh án, Hội đồng chuyên môn của bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh nhận thấy kíp trực đã làm hết tinh thần trách nhiệm và năng lực. Tuy nhiên trong quá trình thăm khám, chỉ định cận lâm sàng trước sinh chưa đủ (chưa kịp siêu âm thai trước sinh vì cổ tử cung đã mở hết) nên chưa tiên lượng được nguy cơ có thể xảy ra trong cuộc chuyển dạ. Bác sĩ siêu âm không phát hiện được dây rốn quấn cổ có thể do tư thế thai nhi nằm trong lòng tử cung. Hội đồng chuyên môn kiểm thảo tử vong xác định trẻ ngạt rất nặng do dây rốn quấn cổ nhiều vòng.

 

6. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á phẫu thuật xuyên đêm cứu bé gái bị tai nạn giao thông nguy kịch: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 12/8, sau 5 ngày được mổ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, bé gái H.T.K.T. (14 tuổi, ngụ tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã hoàn toàn thoát nguy kịch. Trước đó vào đêm ngày 7/8/2017, bé được người nhà đưa tới Bệnh Viện Đa Khoa Xuyên Á (BVXA) trong tình trạng chấn thương vùng đầu nguy kịch do TNGT. Tính mạng em đã được bảo toàn sau ca phẫu thuật khẩn cấp ngay trong đêm: mở sọ, giải áp do máu tụ dưới màng cứng. Các bác sĩ cho biết, em T. được sơ cứu tại BV địa phương, sau đó được chuyển ngay tới BVXA. Qua thăm khám, các bác sỹ thấy cơ thể bệnh nhân có xây sát vùng đầu mặt, nhưng lơ mơ, chóng mặt, đi đứng loạng choạng.Ê kíp trực tại khoa Cấp Cứu thăm khám kỹ lưỡng và nhanh chóng hội chẩn cùng các bác sĩ Khoa Ngoại Thần Kinh. Sau khi có các kết quả cận lâm sàng và chụp CT Scanner 160 lát, các bác sĩ thống nhất kết luận bệnh nhân bị máu tụ ngoài màng cứng hố thái dương phải, chèn ép mô não. Tình trạng em cần được phẫu thuật cấp cứu, được xếp vào một trong những bệnh cảnh nguy hiểm trong chấn thương sọ não.Nếu không được phẫu thuật kịp thời có thể dẫn đến chèn ép não, hôn mê, thậm chí tử vong. Bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ ngay lập tức,  ê kíp các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên khoa Ngoại Thần Kinh trực tiếp thực hiện phẫu thuật. Dưới sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại, các bác sĩ tiến hành mở sọ giải áp lấy máu tụ, sau đó đặt lại nắp sọ đồng thời đặt ống dẫn lưu. Qua kiểm tra sức khoẻ vào sáng ngày 12-8, các bác sĩ cho biết, tình trạng bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định, tỉnh táo, điểm kiểm tra glasrow đạt 15 điểm, không có tình trạng yếu liệt. Các bác sĩ cũng cho biết, tình trạng máu tụ dưới màng cứng sau TNGT thường dễ bỏ sót nếu không được theo dõi. Những người bị máu tụ ngoài màng cứng/dưới màng cứng thường có các triệu chứng tăng dần như: đau đầu, nôn hoặc buồn nôn, yếu nửa người, yếu hai chi dưới, rối loạn vận động, rối loạn thị giác, rối loạn thính giác, nói khó khăn,... hay nặng hơn là hôn mê. Do đó, trong trường hợp bệnh nhân có những dấu hiệu như trên sau chấn thương đầu, người nhà nên lập tức đưa người bệnh đến những cơ sở y tế có chuyên khoa Ngoại Thần Kinh và có những phương tiện máy móc hiện đại như MRI, CT -Scan có khả năng tìm chính xác nguyên nhân từ đó chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

 

7. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa nối thành công cổ tay bị đứt lìa cho một nam thanh niên: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, nhờ sự tận tình, tích cực của các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, một nam thanh niên đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa phẫu thuật nối lại thành công cổ tay bị đứt lìa. Ngày 15/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - Bỏng của bệnh viện vừa nối thành công cổ tay trái của một nam thanh niên bị đứt lìa. Theo đó, lúc 23h ngày 13/8, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân L.K.D (20 tuổi, trú thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) trong tình trạng cổ tay bị đứt lìa. Sau 6 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã nối thành công bàn tay cho bệnh nhân. Trước đó, các bác sĩ của bệnh viện cũng đã nối thành công cánh tay bị đứt lìa cho một nam bệnh nhân ở huyện Vạn Ninh và nối cổ chân cho một bệnh nhân ở huyện Khánh Sơn bị tai nạn khi đang làm việc.

 

8. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Sơn Tây cứu sống sản phụ mang thai 37 tuần bị sốt xuất huyết: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội) vừa cứu sống một sản phụ 29 tuổi mang thai tuần thứ 37 bị sốt xuất huyết. Các bác sĩ tiên lượng, nếu không phẫu thuật mổ lấy thai kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng. Đại diện bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết, sản phụ Trần Thị Minh, 29 tuổi ở Thuận Trại, Phú Đông, Ba Vì (Hà Nội) được chuyển lên từ bệnh viện Đa khoa Ba Vì, đang mang thai 37 tuần và ở trong tình trạng chuyển dạ, giảm tiểu cầu, bị sốt xuất huyết. Được biết, đây là lần sinh thứ hai của sản phụ Minh. Khi nhập viện, bệnh nhân có cơn co tử cung tần số 3, cổ tử cung đã mở hết, ối vỡ trọn, có vết mổ đẻ cũ, toàn thân xuất hiện nhiều nốt xuất huyết, xét nghiệm máu tiểu cầu giảm nặng - 20G/l, hồng cầu 5T/L, huyết sắc tố 165g/l, Hematocrit 4,83l/l, bạch cầu 7,32G/l. Các bác sĩ tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất nặng, đe dọa đến tính mạng sản phụ và thai nhi. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, trực tiếp là  Ths.BS Hoàng Ngọc Minh, Phó Giám đốc bệnh viện, Trưởng khối Ngoại Sản, các khoa liên quan đã hội chẩn và chỉ định mổ lấy thai cấp cứu và đưa ra các phương án cấp cứu khi cần thiết. Sau khi lấy thai thấy huyết ra nhiều, huyết động không ổn định, đe dọa đến tính mạng sản phụ, BS. Kiều Thanh Vân, Trưởng khoa Phụ sản, Trưởng kíp phẫu thuật xin ý kiến BS. Hoàng Ngọc Minh và hội chẩn với BS. Đào văn Cường, Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Trưởng kíp Gây mê hồi sức và chỉ định cắt tử cung bán phần. Sản phụ được hồi sức tích cực, truyền dịch, máu và các chế phẩm của máu với tổng số là 15 đơn vị. Ca mổ đã diễn ra thành công, đảm bảo an toàn cho sản phụ và con. Con gái sản phụ nặng 2.700 gram, các chỉ số hoàn toàn bình thường. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, tiếp tục được theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại phòng hậu phẫu của bệnh viện. Ngay sau phẫu thuật, BS. Nguyễn Đình Đính, Giám đốc bệnh viện đã thăm khám cho sản phụ và đã trao đổi với lãnh đạo trung tâm Y tế Sơn Tây, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để thống nhất về xét nghiệm xác định sốt xuất huyết dengue. Theo đó, kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân Minh dương tính với sốt xuất huyết dengue, Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo các khoa liên quan hội chẩn để có chỉ định điều trị, chăm sóc đảm bảo an toàn sau mổ lấy thai cũng như điều trị sốt xuất huyết dengue. Hiện tại, sản phụ đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, các chỉ số sinh tồn, chỉ số xét nghiệm ổn định, chiều 15/8, sản phụ và con gái  được xuất viện sau 6 ngày điều trị. Thông tin về Đường Dây nóng Bộ Y tế trước khi vợ xuất viện, chồng sản phụ Trần Thị Minh xúc động nói: “Vợ tôi thêm một lần được tái sinh, nhờ bác sĩ phẫu thuật kịp thời, gia đình tôi đã đón thêm thành viên mới trong ngập tràn hạnh phúc”.

 

9. Các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn phẫu thuật thành công bệnh nhân bị ung thư gan tái phát: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 15/8, các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa phẫu thuật nội soi điều trị thành công trường hợp ung thư gan tái phát. Bệnh nhân là ông  H.N.V., (68 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận), có tiền sử mắc bệnh viêm gan siêu vi B kèm xơ gan mức độ nhẹ (Child A). Tháng 9-2016, ông V.,được chẩn đoán Ung thư gan, với khối u có kích thước 7x8 cm ở gan phải, các bác sĩ Đơn vị U gan của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tổ chức hội chẩn, chỉ định làm thủ thuật TACE điều trị cho ông V. Sau thủ thuật TACE, ông V., được hẹn tái khám sau 2 tháng để theo dõi, chụp MSCT cho thấy khối u ngấm thuốc tốt, không có dấu hiệu tiến triển bệnh. Sau đó, ông V., được hẹn tái khám mỗi 3 tháng, đến tháng 5-2017, trên hình ảnh MSCT, ngoài khối u gan đã được điều trị, phát hiện thêm một khối u mới bên gan trái, kích thước 5x7 cm, các bác sĩ hội chẩn, nhận thấy vị trí u thuận lợi cho việc phẫu thuật nội soi cắt bỏ u. Sau gần 2 giờ phẫu thuật, các Bác sĩ đã cắt bỏ khối u thành công bằng phẫu thuật nội soi. Sau phẫu thuật 2 tháng, bệnh nhân được kiểm tra MSCT, không phát hiện tái phát u mới.  Theo TS.BS Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, người thực hiện phẫu thuật, phẫu thuật nội soi cắt gan là phẫu thuật khó, khi thực hiện thành công đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, với các vết mổ trên thành bụng nhỏ nên ít đau sau mổ hơn, thời gian hồi phục sớm hơn phẫu thuật mở bụng cắt gan. Ngoài ra, để được điều trị hiệu quả thì bệnh nhân cần được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm bằng cách tầm soát ung thư gan ở những đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao như những người bị xơ gan, viêm gan siêu vi B, C,… Đặc biệt, những người đã được phát hiện ung thư gan cần phải tuân thủ chế độ theo dõi của bác sĩ để phát hiện những trường hợp tái phát ung thư sớm. 

 

10. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị kịp thời cứu sống người bệnh nhồi máu động mạch mạc treo tràng trên hiếm gặp: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, Bệnh viện đa khoa Quảng Trị mới cứu sống một bệnh nhân 57 tuổi nhờ can thiệp thông động mạch mạc treo tràng trên. Sau 5 ngày được can thiệp thông động mạch mạc treo tràng trên tại Đơn nguyên Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, ông Đặng Quang Tuấn- 57 tuổi, ở phường 1, thành phố Đông Hà vui mừng nói: “Lúc khởi bệnh, tôi đau bụng dữ dội, đau tới vã mồ hôi rồi ngất xỉu. Tỉnh dậy sau phẫu thuật thì tôi không còn đau nữa… Rất may là tôi được đội ngũ thầy thuốc trẻ và giỏi chuyên môn của Bệnh viện nhanh chóng khám tìm ra bệnh và phẫu thuật tốt”. Đột ngột đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn, đau vùng chậu lúc 17 giờ ngày 10/8/2017, ông Đặng Quang Tuấn vào viện và được kíp trực của bác sỹ Phùng Hưng tiến hành khám cùng với thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết, trong đó có chụp cắt lớp vi tính tầng trên ổ bụng có khảo sát mạch các tạng như gan, tụy, lách và mạch khối u. Về tiền sử bệnh lý, ông Tuấn không rõ mình có mắc bệnh tim mạch. Phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh bóc tách huyết khối trong lòng động mạch mạc treo tràng trên từ đoạn gốc, huyết khối tắc hoàn toàn đoạn xa giúp các bác sỹ khoa Nội Tim mạch-lão học của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đưa ra chẩn đoán ông Tuấn bị huyết khối gây tắc động mạch mạc treo tràng trên. Bước hội chẩn tiếp theo giữa các bác sỹ đã đi tới kết luận nhồi máu động mạch mạc treo tràng trên do bóc tách và huyết khối, bóc tách dài xuống các nhánh bên, hẹp lòng từ trên xuống dưới từ 30% đến 80%, nhiều huyết khối gây tắc hoàn toàn một số nhánh bên. Xác định hướng điều trị là chụp và nong động mạch mạc treo số hóa xóa nền, truyền tiêu sợi huyết Alteplase trực tiếp động mạch mạc treo tràng trên, bác sỹ Phùng Hưng cùng bác sỹ Nguyễn Hữu Đức đã tiến hành thông động mạch mạc treo tràng trên bằng máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền (Digital Subtraction Angiography-DSA). Thủ thuật thông động mạch mạc treo tràng trên cứu sống ông Đặng Quang Tuấn được bác sỹ Phùng Hưng và bác sỹ Nguyễn Hữu Đức cùng các cộng sự là bác sỹ gây mê, kỹ thuật viên X-quang, điều dưỡng dụng cụ tiến hành theo trình tự: Gây tê tại chỗ, chọc dò và đặt sheath 6F vào động mạch cánh tay trái theo phương pháp Seldinger. Luồn Yashiro catheter 5F + Radifocus guidewire 0.035’’ vào động mạch mạc treo tràng trên, ghi hình chẩn đoán qua các thì mạch máu phát hiện bóc tách từ đoạn gốc đến đoạn xa, hẹp lòng nặng, dòng chảy bên trong yếu, tắc một số nhánh bên do huyết khối. Dùng wire Ashahi qua chỗ bóc tách và nong bằng bóng Purlsan 6.0 và đặt microcatheter truyền chậm R-TPA 5ml hỗn hợp/giờ trong 6 giờ. Chụp kiểm tra thấy dòng nhánh động mạch thông khá tốt.Kết thúc thủ thuật. Sau can thiệp, người bệnh được theo dõi hội chứng sau thuyên tắc cũng như theo dõi mạch, thân nhiệt và huyết áp mỗi 60 phút trong 6 giờ đầu đồng thời theo dõi chỗ chọc dò động mạch đùi (P), bất động chân (P) 24 giờ và tháo băng ép sau 24 giờ. Thông qua Đường Dây nóng Bộ Y tế, Bà Lê Thị Hồng- vợ của ông Đặng Quang Tuấn cảm ơn sự tận tâm của các bác sỹ bệnh việni: “Chồng tôi được vào viện cấp cứu sớm và nhờ Bệnh viện có hệ thống máy móc hiện đại cùng đội ngũ y, bác sỹ có thái độ làm việc rất kịp thời và sự nhiệt tình nên đã qua khỏi nguy kịch. Ca can thiệp trị bệnh về mạch máu của chồng tôi được tiến hành từ 8 giờ rưỡi tối hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau nhưng y, bác sỹ nào trong kíp phẫu thuật cũng vui vẻ bước vào ngày làm việc mới. Tại khoa Nội Tim mạch-lão học, các y, bác sỹ chăm sóc chồng tôi ngày đêm, liên tục hỏi thăm và động viên người vừa được họ cứu sống”.

 

11. Các bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An cứu sống bệnh nhân bị vỡ túi giả phình động mạch chủ hiếm gặp trong y khoa: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 17/8, các bác sỹ bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vừa cứu sống bệnh nhân Vi Ngọc Hình (47 tuổi), trú tại Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An bị vỡ túi giả phình động mạch hiếm gặp. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện về nhà. Trước đó, vào đầu tháng 7, ông Vi Ngọc Hình xuất hiện những cơn đau bụng quằn quại, sốt cao gần 40 độ; đồng thời, do không ăn không ngủ nên bệnh nhân bị sụt cân và suy kiệt sức khỏe. Dù ông Hình đã điều trị tại cơ sở y tế tuyến huyện nhưng bệnh tình không đỡ, vì thế vào ngày 31/7, bệnh nhân được chuyển tuyến tới bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Qua thăm khám, các bác sỹ phát hiện vùng hố chậu trái của bệnh nhân có khối phình đập theo nhịp tim; đồng thời, hình ảnh siêu âm và chụp phim cắt lớp vi tính xác định động mạch chậu gốc trái có vị trí vỡ vào khoang sau phúc mạc, tạo thành túi giả phình kích thước 38 x 40mm. Từ đó, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trực khuẩn Gram âm Burkholderia Pseudomallei (bệnh Whitmore).Trực khuẩn tấn công khối phình động mạch chủ gây nhiễm trùng, từ đó gây thủng mạch và tạo nên túi giả phình động mạch chủ chậu trái. Đây là căn bệnh rất hiếm gặp trong y khoa, tiên lượng bệnh nhân rất nặng. Ngay sau đó, các chuyên ngành Ngoại lồng ngực, Gây mê hồi sức, Xét nghiệm, Dược lâm sàng hội chẩn và quyết định phẫu thuật cứu bệnh nhân. Ngày 4/8, bệnh nhân bước vào ca đại phẫu. Ngay trước khi lên bàn phẫu thuật theo kế hoạch thì bệnh nhân bị vỡ bục khối giả phình, vì vậy, ông Hình được chuyển phẫu thuật cấp cứu tối khẩn để bảo toàn mạng sống. Ca mổ thành công, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ tại khoa Hồi sức ngoại khoa trước khi chuyển về điều trị tại khoa Ngoại lồng ngực. Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Văn Chung, Phó khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An, cho biết, trong suốt ca mổ, 3 lít máu và chế phẩm máu đã được truyền bù cho bệnh nhân. Ca mổ diễn ra có nhiều sự thay đổi, khiến các bác sỹ phải vất vả.Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và trình độ, ca mổ đã diễn ra thành công. “Sau ca mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định, ăn uống được; tuy nhiên, mặc dù được ra viện nhưng ông Hình vẫn phải tiếp tục dùng thuốc chống đông và theo dõi chặt chẽ”, bác sỹ Chung chia sẻ thêm.

 

12. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ: cấp cứu thành công ca u nhầy nhĩ trái: theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 12/8/2017, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận trường hợp em Nguyễn Hoàng Khang, sinh năm 1997, ở Phong Điền, Cần Thơ vào viện trong tình trạng sức khỏe rất yếu hay bị ngất. Trước khi nhập viện 10 ngày em Khang mệt, khó thở khi nằm, uống thuốc không giảm sau đó đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khám và được các bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị. Tiền sử đã hai lần em ngất, một lần cách đây 5 tháng, một lần cách nhập viện 1 tuần. Kết quả CT Scan 64 lát cắt ngực có cản quangcho thấy có u nhầy tim, kích thước khoảng 6 cm x 5 cm. Các bác sĩ chẩn đoán: U nhầy nhĩ trái – Hở van hai lá trung bình – Hở van ba lá nặng – Tăng áp phổi trung bình. Tiên lượng: rất nặng. Sau khi hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Chợ Rẫy, lãnh đạo và ê kíp trực phân khoa Phẫu thuật tim Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã phẫu thuật cấp cứu bóc tách u nhầy, sửa - đặt vòng van hai lá, sửa van ba lá cho bệnh nhân lúc 21 giờ 25 ngày 12/08/2017. Tình trạng bệnh nhân sau mổ tỉnh, tiếp xúc được, đau nhẹ vết mổ, tim đều tần số 72 lần/phút, được chăm sóc nội khoa tại khu vô trùng của phòng phẫu thuật tim, dự kiến chuyển khoa Nội Tim mạch theo dõi và điều trị.

 

13. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đặt thành tông stent môn vị cho cụ ông 102 tuổi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, cuối tháng 07 vừa qua, BV Đa Khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tiếp nhận bệnh nhân N.V.Đ (102 tuổi, đến từ Gò Quao, Kiên Giang). Bệnh nhân bị nôn ói nhiều lần trong ngày suốt hơn 1 tháng qua, ăn uống kém dẫn dến cơ thể suy kiệt, xanh xao và giảm hơn 10 kg, ông đã nhập viện kiểm tra. Ông được nội soi dạ dày và chụp MSCT bụng, kết luận ông bị hẹp môn vị do ung thư xâm lấn. Môn vị là một cơ thắt nối dạ dày với tá tràng nên khi bị hẹp môn vị, thức ăn sẽ bị ứ đọng lại ở dạ dày, không xuống được tá tràng để tiếp tục quá trình tiêu hóa bình thường. Theo BS-CKI Phạm Hữu Dũng - Phó khoa Tiêu Hóa BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long: Hẹp môn vị do u xâm lấn lý tưởng nhất là cắt dạ dày để điều trị triệt để, nhưng vì lý do nào đó bệnh nhân không thể điều trị triệt để được thì sẽ chọn cách điều trị tạm thời như: Phẫu thuật nối vị tràng (tạo đường thông cho thức ăn từ dạ dày xuống ruột) hoặc nội soi đặt stent môn vị - đặt một ống thông bằng kim loại qua chỗ hẹp để thông từ dạ dày xuống tá tràng qua đó giúp thức ăn có thể dễ dàng đi qua chỗ hẹp. Do tuổi cao sức yếu, nên phương pháp nội soi đặt stent môn vị là phương pháp tối ưu được lựa chọn cho bệnh nhân này. Phương pháp được thực hiện trong thời gian khoảng 20 phút và bệnh nhân có thể xuất viện sau 24 giờ. Sau khi đặt stent thành công, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe tốt, có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. Nội soi đặt stent môn vị là phương pháp nhẹ nhàng, thời gian thực hiện ngắn, phục hồi sức khỏe nhanh và xuất viện sớm, bệnh nhân không phải chịu đựng cuộc phẫu thuật, tiết kiệm được thời gian và chi phí điều trị.

 

14. Các bác sỹ Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới cứu sống cả mẹ và con phụ nữ mang thai trong ổ bụng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 18/8, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) vừa hoàn thành ca mổ cứu sống cả mẹ và con sản phụ Hồ Thị Ngoài, 30 tuổi, người dân tộc Vân Kiều ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) có thai trong ổ bụng. Bác sỹ Phan Xuân Khôi - trưởng khoa phụ sản Bệnh viện VN - Cuba Đồng Hới, phụ trách kíp mổ cấp cứu - cho biết bệnh nhân Ngoài nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, huyết áp tăng mạnh, nguy cơ tắc ruột… và hỏng thai rất cao. Qua thăm khám cho thấy thai có độ tuổi 26 tuần nằm ngay trong ổ bụng nên rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Vì vậy các bác sỹ đã mổ cấp cứu mẹ, đồng thời bắt con, và đã đưa được cháu bé nặng khoảng 1kg ra an toàn khỏi ổ bụng. Khi mổ cho thấy bào thai đã dính vào một số bộ phận trong ổ bụng, mẹ bị dính ruột nặng và chảy máu rất nhiều. Theo bác sỹ Khôi, hiện tượng có thai trong ổ bụng (thai lạc chỗ) là rất hiếm gặp và nguy hiểm, chiếm khoảng 1% tất cả trường hợp thai lạc chỗ và xảy ra khoảng 1/10.000 trường hợp sinh. Khi bị đau bụng, nhiều thai phụ do không được mổ cấp cứu kịp thời nên đã tử vong và mất luôn con. Việc cứu được cả thai nhi trong trường hợp này là rất may mắn.

 

15. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện 3 ca phẫu thuật đầy cam go để cứu sống bé trai bị chấn thương nặng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 18/8, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đã thực hiện thành công 3 ca phẫu thuật khó để giành lại sự sống cho bệnh nhi 5 tuổi. Bé N.T.P. (5 tuổi, ngụ Bình Thuận) ngày 25.6 chồm người qua lan can tầng lầu (từ dưới đất lên đến lầu này khoảng 7m) và té đập cổ vào hàng rào sắt trước nhà, bị chảy máu ồ ạt. Bé được sơ cứu tại bệnh viện ở Bình Thuận rồi được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhi bị tổn thương khí quản, thực quản đoạn cổ nghiêm trọng, hôn mê, tụt huyết áp, phải bóp bóng qua nội khí quản. Bệnh viện Nhi đồng 2 đã mời các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy sang hội chẩn cho bé ngay trong đêm, sau đó chuyển bé qua Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhi được phẫu thuật lần đầu vào ngày 26.6 để khâu vết rách ở khí quản và thực quản, đồng thời mở khí quản thở máy. Tuy giữ được mạng sống nhưng bé hôn mê, sốt, chảy dịch đục vùng cổ. Bé được chăm sóc đặc biệt và trải qua quá trình hồi sức khá gian nan. Đến ngày 3.7, bé lại tiếp tục lên bàn mổ lần hai. Các bác sĩ đã làm sạch ổ nhiễm trùng rất lớn ở vùng cổ của bé, cắt lọc khâu lại vết rách thực quản thành trước, lớp niêm mạc thành sau, khâu khí quản, mở khí quản ra da, mở hỗng tràng nuôi ăn. Đặc biệt các bác sĩ đã đặt hệ thống tưới rửa liên tục vùng cổ, giúp khống chế nhiễm trùng cho bệnh nhi. Sau khi được mổ lần hai, bé bắt đầu tỉnh, tự thở qua mở khí quản. Khi tình trạng bệnh nhi dần phục hồi, các bác sĩ tiếp tục thực hiện mổ lần ba vào ngày 19.7, khâu tăng cường lớp thanh cơ thành sau thực quản. Ngày 1.8, khi tình trạng ổn định, bé được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, sau đó, qua CT scan thấy bệnh nhi còn rò ít thực quản, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục được mời qua Bệnh viện Nhi đồng 2 hội chẩn. Kiểm tra thấy đường rò còn rất nhỏ, phó giáo sư - bác sĩ Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy, quyết định cho bệnh nhi ngồi dậy... uống nước. “Đây là tình huống phải đấu trí. Cháu bé đang nằm dây nhợ xung quanh, nếu không quyết định cho uống nước thì sẽ không biết phải nằm lệ thuộc vào máy móc đến bao giờ”, bác sĩ Vĩnh đánh giá. Đội ngũ cấp cứu sẵn sàng xung quanh để xử trí kịp thời nếu chẳng may xảy ra tình huống xấu. Ly nước đầu tiên bé sặc. Bác sĩ vẫn kiên trì cho uống tiếp. Đến ly thứ hai, bé uống được bình thường. Bệnh nhi sau đó được hướng dẫn đi lại, tập vật lý trị liệu. Hiện tại, bé vẫn duy trì uống nước và sữa qua miệng, thức ăn được bơm trực tiếp qua hỗng tràng. Bệnh nhi hôm nay đã được xuất viện. Một tuần sau khi xuất viện, bệnh nhi sẽ được tái khám để kiểm tra thực quản và có thể cho ăn hoàn toàn đường miệng. Bác sĩ Vĩnh cho biết, 3-6 tháng sau, bé sẽ phải được phẫu thuật lần thứ tư để nối lại khí quản, nhằm thở bình thường qua mũi miệng. “Gia đình không dám nghĩ bé có thể còn sống được như hôm nay. Các y bác sĩ đã sinh ra cháu lần hai”, mẹ bệnh nhân xúc động chia sẻ với Đường Dây nòng Bộ Y tế. Phó giáo sư - bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đánh giá: Đây là một trong những trường hợp mà sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa hai bệnh viện đã giúp cháu bé chiến thắng được tử thần, hồi phục trở về với cuộc sống.

 

16. Các bác sỹ Bệnh viện Bệnh viện Quốc tế Vinh phẫu thuật thành công bệnh lạ nguy hiểm ở trẻ: Theo thông tin từ Đường Dây nóng bộ y tế, các bác sỹ Bệnh viện Quốc tế Vinh vừa phẫu thuật thành công ca bệnh vòng thắt bẩm sinh cho một bệnh nhi 4 tháng tuổi. Bé Nguyễn T. A, 4 tháng tuổi, được gia đình đưa tới Bệnh viện Quốc tế Vinh khám, trong tình trạng có 2 vòng thắt cẳng tay, 1 cẳng chân, 1 ở ngón tay và kèm theo dị tật bàn chân khoèo, thừa ngón chân phải. Qua thăm khám, bệnh nhân được xác định mắc hội chứng vòng thắt bẩm sinh. Mặc dù là căn bệnh hiếm gặp, nguy cơ để lại dị tật ở trẻ rất cao, nếu không được phẫu thuật sớm trẻ có thể bị teo chân tay do thiếu máu nuôi dưỡng; thậm chí là hoại tử tay, chân. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này để có hướng xử lý, điều trị kịp thời cho con. Một số phụ huynh còn nhầm tưởng con mình có nhiều ngấn sâu ở tay, chân do bụ bẫm. Theo BSCK I Trần Văn Thuyên, Bệnh viện Quốc tế Vinh, vòng thắt bẩm sinh là hội chứng hiếm gặp với tỷ lệ mắc là 1/1.200 - 1/1.500 trẻ. Bệnh xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi, khi những dây màng ối (Amniotic Band Syndrome - ABS) quấn vào các bộ phận của thai nhi khiến phần cơ thể đó không lưu thông máu. Thậm chí, nếu dây màng ối siết chặt hoàn toàn có thể dẫn tới cụt chi, dị tật tay chân như dính ngón, khèo chân. Nếu dây chằng màng ối bám vào khu vực đầu, mặt hoặc cổ có thể dẫn tới các dị tật như sứt môi, hở hàm ếch… Nguy hiểm hơn, nếu dây chằng này bám vào dây rốn hoặc thân mình có thể gây thai lưu. Đối với trường hợp bé T.A sẽ được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật sớm để giải phóng các vòng thắt, tránh hoại tử chi vì thiếu máu nuôi. Đây là một loại phẫu thuật khó vì bé còn quá nhỏ, vòng siết chặt các cấu trúc quan trọng là xương  gân, mạch máu và đòi hỏi bác sĩ hết sức cẩn thận. Chỉ một thao tác thiếu chính xác, bác sỹ có thể cắt trúng cấu trúc xung quanh của bé gây thương tổn về sau. Các bác sỹ đã tiến hành những bước đầu tiên là phẫu thuật lấy vòng thắt, tiếp theo phải giải phóng những tổ chức mô xơ sợi dày bao quanh và siết chặt cấu trúc mạch máu thần kinh gân và cơ ở vị trí vòng thắt. Vòng thắt ở tay, chân của cháu Nguyễn T.A đã được phẫu thuật và trở về trạng thái bình thường. Riêng dị tật bàn chân khoèo, thừa ngón chân phải do ảnh hưởng của vòng thắt sẽ được các bác sỹ tiến hành phẫu thuật sau. Sau mổ, tay bé thoát khỏi vòng siết chặt, các mạch máu  nuôi lưu thông tốt, vết mổ khô. Và quá trình điều trị này thực hiện chia làm 2 thì cách nhau 3 - 6 tháng sẽ hoàn thiện. Hiện tại, y học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của hội chứng vòng thắt ở trẻ. Một số giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra: Thứ nhất, có sự bất thường trong mầm bào thai, tạo nên các dây dính trong quá trình phát triển gây co thắt các bộ phận của thai nhi. Thứ hai, liên quan đến vỡ ối. Khi vỡ tự phát của màng ối xảy ra sẽ tách các mô từ màng ối trong tạo ra nhiều sợi nhỏ, mỏng. Những sợi này có thể vướng vào tay, chân và gây ra hiện tượng vòng thắt. Giả thuyết thứ ba đề cập đến sự chấn thương trong tử cung khi chọc ối hoặc phẫu thuật thai nhi. Một chấn thương trong tử cung có thể dẫn đến xuất huyết, tạo các dây dính quấn vào các chi của thai nhi gây nên hiện tượng vòng thắt. Bác sỹ CKI Trần Văn Thuyên lưu ý, cha mẹ cần phân biệt rõ tay chân con có ngấn là do bụ bẫm hoặc do vòng thắt gây ra để sớm điều trị; tránh nguy cơ xấu đối với sức khỏe trẻ. Tay chân trẻ bụ bẫm có các vòng ngấn ở da rất nông và không giáp vòng. Trong khi vòng thắt rất sâu và thắt chặt hết chu vi của chân hoặc tay. Hội chứng này không mang tính di truyền và không có cách phòng ngừa. Tuy nhiên, hội chứng vòng thắt bẩm sinh có thể phát hiện trước sinh qua siêu âm 3D và 4D. Những phụ nữ mang thai nào rơi vào trường hợp này cần phải đi khám thai theo dõi thường xuyên, đồng thời gia đình cũng cần có những kế hoạch điều trị sớm cho việc điều trị dị tật cho con sau này.

 

17. Các bác xy Bệnh viện Xuyên Á thành phố Hồ Chí Minh cứu sống bệnh nhân 77 tuổi bị nhồi máu cơ tim: Thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 19/8, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (BVXA) -TP. HCM vừa cứu sống bệnh nhân 77 tuổi bị nhồi máu cơ tim. Cụ bà L.H.T. (77 tuổi, ngụ tại Củ Chi) nhập viện với triệu chứng đau bụng, tụt huyết áp; người nhà khi đưa vào BVXA với ý nghĩ cho rằng cụ chỉ bị bệnh tiêu hoá! Song, qua các xét nghiệm các bác sĩ đã tìm ra bệnh nhồi máu cơ tim cấp, cứu sống kịp thời bệnh nhân. Đêm ngày 18/8, khi cụ bà L.H.T được người nhà đưa vào BVXA với triệu chứng: au bụng, ói mửa, chân tay lạnh, tụt huyết áp. Người nhà cho hay, triệu chứng bệnh kéo dài từ trưa cùng ngày, tới chiều tối, tình trạng đau bụng nôn mửa, mệt mỏi của bà T. càng lúc càng nặng. Tới khuya thì cụ bà đã đau bụng dữ dội, ói nhiều, mệt lả người. Gia đình hốt hoảng đưa đến BVXA để cấp cứu. Tại Khoa Cấp Cứu, kết quả điện tim với dấu hiệu bất thường đã được các bác sĩ chú ý ngay. Khoa Cấp cứu đã mời các bác sĩ Khoa Can Thiệp Tim Mạch nhanh chóng hội chẩn và xác định bệnh nhân bị "nhồi máu cơ tim vùng sau dưới", có biến chứng rối loạn nhịp chậm và block nhĩ thất. Bệnh nhân đã được chụp mạch vành, can thiệp cấp cứu với sự hỗ trợ của hệ thống máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền (DSA). Tại đây, bệnh nhân cũng được đặt máy tạo nhịp tạm thời qua đường tĩnh mạch nhằm giúp cho nhịp tim được ổn định và nhằm nâng huyết áp. Trong quá trình can thiệp, hình ảnh chụp cận mạch vành cho thấy, bệnh nhân bị hẹp nặng mạch vành bên trái và tắc hoàn toàn động mạch vành bên phải tại vị trí xuất phát. Ê kip các bác sĩ đã nhanh chóng  tiến hành nong động mạch vành và mở thông động mạch vành ở vị trí tắc, khôi phục dòng chảy bình thường.

Ngay sau can thiệp, điện tim đã cải thiện, nhịp tim bệnh nhân trở về nhịp xoang bình thường và huyết áp ổn định. Chiều 19/8, bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định.Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, ở những gia đình đang chăm sóc người già, người bệnh lớn tuổi và đặc biệt là kèm theo bệnh lý tim mạch khi có những biểu hiện đau bụng thì phải hết sức cảnh giác. Nên đến khám tại các bệnh viện lớn có đầy đủ chuyên khoa và trang thiết bị hiện đại, nhằm phát hiện và can thiệp kịp thời nhồi máu cơ tim nếu có. Những bệnh cảnh như trường hợp cụ bà L.H.T trên đây được coi là một trong những dấu hiệu điển hình của "nhồi máu cơ tim vùng sau dưới", có thể gây ra biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp chậm mà nhiều người chủ quan là bệnh lý đường tiêu hóa. Việc xử lý can thiệp​

Thăm dò ý kiến