Bệnh nghề nghiệp: Không nên xem thường!

03/12/2018 | 07:03 AM

 | 

Thực tế những năm qua cho thấy, công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nguy cơ đe dọa tính mạng, sức khỏe người lao động và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực. Chính vì vậy, chủ doanh nghiệp, người lao động không nên xem thường vấn đề này.

 

Chỉ làm để… đối phó

Thông tư số 14/2013/TT-BYT hướng dẫn khám sức khỏe của Bộ Y tế, ban hành ngày 6-5-2013 quy định, các cơ quan, doanh nghiệp phải có trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất 1 lần/năm và 6 tháng/lần đối với các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Thế nhưng, dường như đây chỉ là hoạt động mang tính chất hợp thức hóa thủ tục với các cơ quan chức năng.

05.8.2018. BNN, khong nen xem thuong.jpg 
  Người lao động được khám sức khỏe miễn phí tại Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường.

Trên thực tế, có tình trạng doanh nghiệp thuê cơ sở y tế bên ngoài tổ chức khám sức khỏe cho công nhân với giá rẻ để giảm chi phí. Đơn cử, một gói khám sức khỏe tổng thể, gồm: Khám mắt, tai - mũi - họng, đường máu, siêu âm, chụp X-quang có chi phí hơn 300.000 đồng/người. Với một doanh nghiệp có khoảng từ 200 đến 300 lao động, mỗi năm, nếu “quên” khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, chủ doanh nghiệp đã “tiết kiệm” được hàng chục triệu đồng.

Bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, năm 2017, số lao động được khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế theo quy định mới đạt gần 2,2 triệu lượt người. Kết quả khám bệnh cho thấy, người lao động đạt sức khỏe loại I chỉ chiếm 24,1%; loại II và III chiếm 68,4%, còn lại là loại IV và V. Người lao động ở nước ta đã mắc 30/34 loại bệnh nghề nghiệp, phổ biến là điếc, tiếp đến là hen phế quản, bụi phổi silic, nhiễm độc nicotin… Sức khỏe của người lao động ở mức cảnh báo nhưng các cơ sở sử dụng lao động chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc này. Bằng chứng là, năm 2017, cả nước chỉ có 20,4% trong tổng số hơn 61.000 cơ sở lao động thực hiện báo cáo về môi trường và sức khỏe người lao động có lập hồ sơ vệ sinh lao động; chỉ có hơn 5.400 cơ sở sản xuất triển khai quan trắc môi trường lao động.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, năm 2017 có hơn 3.800 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được phát hiện, trong đó có tới 73% là bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn. PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, tiếng ồn không chỉ gây điếc mà còn gây ra nhiều bệnh khác như: Tim mạch, cao huyết áp, thần kinh… Thế nhưng, có đến 80% doanh nghiệp không có giải pháp kiểm soát tiếng ồn.

Tại Hà Nội, trong năm 2017, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã gửi hơn 5.700 kiến nghị với người sử dụng lao động quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện làm việc, phòng tránh các nguy cơ rủi ro, mất an toàn lao động và bảo đảm các chế độ chính sách về an toàn, vệ sinh cho người lao động. Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho rằng, việc tuân thủ pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp chưa nghiêm. Người lao động được tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động có tăng so với trước nhưng vẫn còn cách xa so với tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động.

Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm

Không chỉ chủ doanh nghiệp mà ngay cả người lao động cũng thờ ơ đối với sức khỏe của chính bản thân. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, làm việc trong môi trường thiếu an toàn, bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, các hóa chất độc hại… dần dần sẽ bào mòn sức khỏe của người lao động. Thế nhưng, người lao động lại rất mù mờ về vấn đề này hoặc nếu được yêu cầu khám bệnh lại sợ phát hiện có bệnh sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập. Vì vậy, họ không có kiến nghị gì khi chủ doanh nghiệp không làm tròn nhiệm vụ phòng, chống bệnh nghề nghiệp, làm mất đi quyền lợi chính đáng của mình.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), sự thờ ơ trong việc chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Thêm vào đó, mạng lưới y tế lao động xã hội đang thiếu và yếu; công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp không tuân thủ các quy định còn chưa nghiêm...

Trong Kế hoạch số 129/KH-UBND chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020 vừa được ban hành, UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu, trên 70% doanh nghiệp lớn và 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp phải được thực hiện quan trắc môi trường lao động. 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có yếu tố nguy hại đến sức khỏe được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp. 100% người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp hoặc các bệnh liên quan đến nghề nghiệp. Đặc biệt, thành phố sẽ siết chặt việc thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm giảm tối đa thiệt thòi cho người lao động.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cả nước có hơn 54 triệu lao động, trong đó có 22 triệu người (chiếm khoảng 40%) có hợp đồng lao động, còn lại 60% lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, tự kiếm việc làm, không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội. Điều đáng nói, trong số gần 50% lao động làm việc theo hợp đồng chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chưa được khám sức khỏe định kỳ.