Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp (Quyết định 167/BYT-QĐ)

19/08/2022 | 15:39 PM

 | 

Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp là tình trạng bệnh lý xảy ra do tác động, ảnh hưởng của nicotin đối với người tiếp xúc trong quá trình lao động gây nên các rối loạn bệnh lý đặc trưng. Đặc điểm của bệnh biểu hiện chính là suy nhược thần kinh; hội chứng dạ dày; mạch, huyết áp hạ; viêm màng tiếp hợp, thị lực giảm.

Nicotin là chất lỏng sánh như dầu, không màu và có mùi, tiếp xúc với không khí chuyển mầu nâu sẫm và có mùi rất mạnh đặc biệt. Nicotin là một chất rất độc, có thể gây nhiễm độc nghiêm trọng và gây tử vong, hấp thụ vào cơ thể qua đường tiêu hóa, hô hấp và da. Nicotin có trong thuốc lá với tỷ lệ thay đổi từ 0,05 – 8%, thường là 2 – 3%.

Bệnh nhiễm độc nicotin đã được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù ở nước ta từ năm 1997.

Những công việc, ngành nghề chính có nguy cơ mắc bệnh

Mọi công việc phải thao tác, tiếp xúc, hít thở hơi, bụi thuốc lá, nicotin như:

  • Các công việc trồng, tỉa, chăm bón, thu, hái, vận chuyển, đóng kiện lá, cọng thuốc lá, thuốc lào.

  • Các công việc trong quá trình sản xuất thuốc lá như tước cọng, sấy, sàng, cuốn điếu, đóng bao…

  • Dùng nicotin làm hóa chất trừ sâu, pha loãng phun lên rau quả, cây trồng.

  • Dùng nicotin làm thuốc chữa một số bệnh ký sinh trùng ngoài da cho súc vật.

Triệu chứng lâm sàng

+ Nhiễm độc cấp tính:

  • Mặt xanh tái, suy yếu, đi lại khó khăn, đau trước ngực, nhức đầu dữ dội, rối loạn thị giác, tim đập nhanh, đồng tử dần giãn to.

  • Cảm giác cháy bỏng ở thực quản, dạ dày, buồn nôn, chóng mặt, ứa nước bọt, run tay, tiêu chảy, đau bụng. Ở thể nặng có thể trụy tim mạch, gây tử vong.

+ Nhiễm độc nghề nghiệp:

  • Thường gặp ở NLĐ tiếp xúc với thuốc lá có nồng độ nicotin cao trong quá trình lao động, sản xuất mà điều kiện vệ sinh kém.

  • Đối với da và niêm mạc: Niêm mạc mũi, họng bị kích thích, khô, viêm kết mạc, viêm miệng. Các vị trí da hở có biểu hiện viêm da dị ứng, các móng tiếp xúc với công việc bị nứt gẫy, tụt móng.

  • Đối với tim mạch: Nicotin gây cơn đau ngoại tâm thu, có thể gây viêm, vữa động mạch, nhồi máu cơ tim.

  • Thần kinh: Nhức đầu, mất ngủ, thần kinh thị giác,thính giác có thể bị tổn thương gây điếc và giảm thị lực.

  • Hô hấp:  Nicotin gây viêm niêm mạc hô hấp, gây khó thở, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang giống như các bệnh do bụi thực vật.

Tiêu chuẩn chẩn đoán:

+ Yếu tố tiếp xúc:

Người được chẩn đoán là nhiễm độc nicotin nghề nghiệp phải là người tiếp xúc với nicotin và bụi thuốc lá có nồng độ vượt quá nồng độ tối đa cho phép .

+ Dấu hiệu lâm sàng:

  • Da, niêm mạc: Niêm mạc có biểu hiện kích thích, viêm da dị ứng.

  • Tim mạch: Cơn đau tim ngoại tâm thu, biến đổi huyết áp.

  • Thần kinh: Nhức đầu, khó ngủ, trí nhớ giảm sút, run tay, chuột rút.

  • Tiêu hóa: Đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy, đau thượng vị.

  • Hô hấp: Giảm thông khí phổi, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang.

+ Dấu hiệu cận lâm sàng:

Xét nghiệm nicotin nước tiểu:

  • Người không hút thuốc lá: 0,3mg/l

  • Người hút thuốc lá :         1,2mg/l.

Điều trị

Đối với các trường hợp nhiễm độc cấp như pha chế nước chắt thuốc lá hay nicotin cần cấp cứu thật nhanh.

  • Nếu nhiễm độc đường tiêu hóa: gây nôn, rửa dạ dày với dung dịch Pecmanganat kali 0,1% hay dung dịch axit tanic 0,5%.

  • Nếu nhiễm độc đường hô hấp đưa ngay nạn nhân ra khỏi vùng ô nhiễm, làm hô hấp nhân tạo, thở ôxy.

Nhiễm độc mạn tính: không  có thuốc đặc hiệu, chủ yếu chữa các triệu chứng và nâng cao thể trạng chung.

Dự phòng

  • Lắp đặt hệ thống thông gió và hút hơi khí độc chung và tại chỗ.

  • Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt: Sử dụng trang bị bảo hộ lao động thường xuyên, hiệu quả; tắm giặt sau ca làm việc.

  • Khám tuyển, không nhận những người mẫn cảm với thuốc lá và  nicotin.

  • Tổ chức khám sức khỏe định kỳ để sắp xếp công việc phù hợp và tổ chức theo dõi điều trị những trường hợp bị thấm nhiễm.

  • Định kỳ đo kiểm nồng độ nicotin trong không khí nơi làm việc để có các giải pháp kịp thời (Nồng độ tối đa cho phép: 0,5mg/m3).