Ảnh hưởng của hơi khói hàn tới sức khỏe người lao động

27/08/2018 | 07:20 AM

 | 


 Tùy theo từng loại công nghệ hàn mà thành phần trong hơi khói hàn sẽ khác nhau



Những yếu tố ảnh hưởng đến sự tiếp xúc với hơi khí hàn của người lao động:

  • Loại quy trình hàn
  • Kim loại cơ bản và kim loại phụ được sử dụng
  • Thành phần que hàn
  • Khu vực hàn (không gian kín hay thoáng khí)
  • Xưởng hàn có sử đụng các thiết bị thông gió hay không

Tác động tới sức khoẻ người lao động khi hít phải khí hàn

  • Tiếp xúc với khói, hơi và khí hàn gây các triệu chứng cấp tính như kích ứng mắt, mũi họng, chóng mặt, buồn nôn. Người lao động khi gặp phải các triệu chứng trên cần rời khỏi xưởng ngay lập tức, di chuyển ra nơi thoáng khí và tìm đến phòng y tế để có hướng xử trí thích hợp.
  • Tiếp xúc kéo dài với khói hàn có thể gây ra tổn thương đường hô hấp và các bệnh khác như ung thư phổi, ung thư thanh quản và các bệnh đường tiết niệu khác.
  • Khói hàn có thể gây sốt hơi kim loại, loét dạ dày, tổn thương thận và hệ thống thần kinh. Tiếp xúc kéo dài với Mangan có thể gây ra các triệu chứng giống bệnh Parkinson. Cadmium trong khói hàn có thể gây tử vong trong thời gian ngắn.
  • Các loại khí Heli, Argon và Cacbon dioxit còn có thể gây ngưng thở. Đặc biệt là khi xưởng hàn bị giới hạn trong không gian kín, khí Carbon monoxit hình thành có thể gây tử vong cho người lao động.
  • Ngoài ra trong quá trình hàn, Crom kim loại được chuyển đổi sang trạng thái Cr(VI). Crom là thành phần của thép không gỉ, hợp kim không màu, kim loại mạ Crom và là thành phần của một số vật liệu hàn. Khí Cr(VI) rất độc và có thể làm tổn thương mắt, da, mũi, họng, phổi và là nguyên nhân gây ung thư. Giới hạn tiếp xúc cho phép của Cr(VI) (PEL) theo OSHA là 5 μg /m3.

Cần làm gì để người lao động hạn chế tiếp xúc với hơi khói hàn?

  • Không hàn tại các địa điểm gần chất tẩy dầu mỡ, sơn hoặc hóa chất độc hại. Nhiệt độ cao và tia hồ quang có thể làm bay hơi hóa chất gây kích ứng và độc hại cho người lao động.
  • Cần làm sạch các kim loại được mạ trên bề mặt như kẽm, chì, cadmium. Ngoài ra nên loại bỏ lượng dung môi và sơn trên bề mặt kim loại trước khi hàn
  • Sử dụng chất độn và điện cực hàn ít gây độc hại
  • Mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay, sử dụng kính hàn, sử dụng khẩu trang, bán mặt nạ phù hợp trong quá trình hàn
  • Sử dụng hệ thống thông gió cục bộ để đảm bảo không khí trong khu vực hàn được lưu thông tốt. Thợ hàn cần chọn khu vực làm việc thích hợp, cách biệt với các khu vực xung quanh để hạn chế tiếp xúc cho công nhân ở các khu vực làm việc khác.
  • Làm sạch và bảo dưỡng hệ thống thông gió định kì.

Dự phòng khám sức khỏe cho người lao động

  • Người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi tuyển dụng và phải bố trí công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động.
  •  Trong suốt quá trình làm việc tại cơ sở lao động, doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kì cho người lao động (đối với người lao động bình thường ít nhất 1 lần trong năm và với người làm việc nặng nhọc, độc hại ít nhất 6 tháng 1 lần).
  • Người lao động phải được điều trị, điều dưỡng chu đáo khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp..
  • Người sử dụng lao động phải chịu chi phí cho việc kiểm tra, khám sức khỏe nói trên.​