Cà Mau: Phòng tránh bệnh nghề nghiệp

13/07/2018 | 01:19 AM

 | 


Kết quả quan trắc môi trường lao động hằng năm của trung tâm y tế huyện, thành phố gửi về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất trong tỉnh còn tồn tại nhiều yếu tố nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người lao động.

Trong năm 2017, số mẫu quan trắc môi trường lao động được thực hiện là 1.665 mẫu, trong đó, số mẫu không đạt tiêu chuẩn cho phép là 42, chiếm khoảng 2%. Một số yếu tố có hại thường gặp trong 5 năm trở lại đây bao gồm: khí hậu, tiếng ồn, ánh sáng và điện từ trường… Các yếu tố có hại phát sinh do điều kiện, môi trường lao động mới đem lại như: yếu tố ergonomy, tác nhân sinh, các vi khuẩn vi-rút, nấm mốc, các dung môi và nhiều loại hoá chất khác...

13.7.2018. Phong tranh.jpg


Công nhân lao động rất cần được bảo vệ sức khoẻ để phòng tránh bệnh nghề nghiệp.

Bác sĩ Lê Ngọc Định, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Những năm gần đây, chính sách hội nhập và thu hút đầu tư kéo theo sự phát triển, sự gia tăng nhanh chóng số lượng các dự án và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã làm gia tăng các nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động cả về phạm vi, tính chất và mức độ tác động. Người lao động làm việc phải chịu nhiều tác nhân bên ngoài tác động trong một thời gian dài, do đó, vấn đề mắc các bệnh nghề nghiệp là không tránh khỏi”.

Hiện nay, danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH đã có 34 bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2016, cả nước mới có 26/34 bệnh nghề nghiệp được khám và phát hiện (số liệu từ Cục Quản lý môi trường y tế năm 2017). Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 100.000 người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và trên 5.000 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được phát hiện (5%), số người lao động được giám định chỉ chiếm khoảng 10% tổng số mắc.

Tích luỹ số trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm đến hết năm 2016 là 28.906 trường hợp. 3 trường hợp bệnh nghề nghiệp có số mắc cao nhất là: bệnh bụi phổi silic (72,18%), bệnh điếc nghề nghiệp (17,84%) và bệnh da nghề nghiệp (2,18%). Khai khoáng, vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất và sử dụng hoá chất là các ngành nghề có tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp cao nhất.

“Phòng khám bệnh nghề nghiệp tại Trung tâm Y tế dự phòng được thành lập từ năm 2000, trong nhiều năm qua, chúng ta khám giám định chưa phát hiện trường hợp người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp để được hưởng bảo hiểm. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở y tế tham gia khám sức khoẻ định kỳ phát hiện rất ít người lao động mắc bệnh nghề nghiệp để giới thiệu đến trung tâm giám định và lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp cho người lao động”, Bác sĩ Lê Ngọc Định cho biết thêm.

Làm công nhân 8 năm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ hải sản Minh Phú, chị Lưu Hồng Nhung, 46 tuổi, chia sẻ: “Chế độ đảm bảo sức khoẻ cho người lao động ở công ty luôn được quan tâm, công nhân được khám bệnh định kỳ 2 lần/năm. Tuy nhiên, làm việc thời gian dài, tiếp xúc với môi trường có nhiều ánh sáng điện, máy lạnh, mùi hải sản đông lạnh, chắc sau này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sức khoẻ. Biết vậy nhưng cũng phải làm việc kiếm sống". 

Do chủ quan, lơ là, thiếu sự quan tâm cần thiết nên chính người lao động, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn xem nhẹ bệnh nghề nghiệp./.