Những công việc có nguy cơ cao nhiễm độc thủy ngân

08/09/2019 | 21:44 PM

 | 

Từ năm 1976, Việt Nam công nhận nhiễm độc thủy ngân là bệnh nghề nghiệp được đền bù

 

Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp là tình trạng bệnh lý xảy ra do tác động, ảnh hưởng của hơi thủy ngân hoặc các hợp chất thủy ngân vô cơ lên cơ thể người tiếp xúc trong quá trình lao động, gây nên các rối loạn bệnh lý đặc trưng.

Thủy ngân (Hg) là một kim loại duy nhất ở thể lỏng trong điều kiện nhiệt độ và áp lực bình thường. Thủy ngân rất di động, màu trắng bạc, lóng lánh. Nhiệt độ nóng chảy là âm 40 độ C, độ sôi là 360 độ C, tỷ trọng là 13,6.

Theo Bộ Y tế, những người làm công việc dưới đây có nguy cơ cao bị nhiễm độc thủy ngân:

- Chưng cất, thu hồi thủy ngân.

- Chế tạo sửa chữa các loại nhiệt kế, áp kế, bơm có thủy ngân...

- Sử dụng thủy ngân hoặc các hợp chất thủy ngân trong các cấu trúc điện, chủ yếu như: dùng bơm có thủy ngân chế tạo đèn thắp sáng, đèn vô tuyến, bóng X-quang; chế tạo, sửa chữa các đèn có hơi thủy ngân, máy chỉnh lưu dòng điện; chế tạo và sử dụng ngồi nổ bằng fuminat Hg.

- Kỹ nghệ đồ sứ, in hình, làm hoa nhân tạo...

- Xử lý bảo quản hạt giống và xử lý đất bằng Hg và các hợp chất Hg hữu cơ.

- Chế biến da bằng sử dụng muối Hg như tẩy da bằng nitrat natri acid Hg, ép lông...

- Mạ vàng, mạ thiếc, mạ đồng, tráng gương bằng Hg và muối Hg.

Dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân

Trong bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp. các triệu chứng nổi bật thuộc về tiêu hóa và thần kinh.

- Triệu chứng tiêu hóa xuất hiện trước như viêm loét lợi, niêm mạc, miệng, viêm họng.

- Triệu chứng thần kinh biểu hiện rõ hơn, điển hình hơn như: run cố ý (giống như ở người bị bệnh xơ cứng nhiều vùng, nhiều vị trí); bệnh parkinson (biểu hiện run khi nghỉ và giảm chức năng vận động).

- Triệu chứng về mắt: trong nhiễm độc thủy ngân mạn tính, phần trước thủy tinh thể có thể biến màu do các hạt thủy ngân nhỏ động, đối xứng hai mắt, tuy nhiên thị lực không bị ảnh hường. Hoặc có thể biểu hiện thu hẹp thị trường và thủy tinh thể đục màu ngọc bích.

- Các rối loạn khác: viêm loét da, mống; trong nhiễm độc thủy tinh mạn tính nặng có thể gặp sảy thai, cơ thể suy nhược, thiếu máu.

Chẩn đoán bệnh nhiễm độc thủy ngân

Ngoài yếu tố nghề nghiệp, triệu chứng bệnh thì bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm khác gồm:

- Viêm loét lợi, miệng.

- Răng xám đen hoặc đường viền thủy ngân.

- Hàm lượng thủy ngân trong nước tiểu từ 0,1 - 0,8 mg/24 giờ.

- Số lượng hồng cầu giảm, lympho bào và bạch cầu ái toan tăng.

Người lao động làm việc trong môi trường có tiếp xúc với thủy ngân, phải được khám tuyển cẩn thận. Những người không được tuyển dụng gồm phụ nữ, người kém sức khỏe, dưới 18 tuổi, những người mắc các bệnh thần kinh, tiêu hóa, gan, thận, cường tuyến giáp, người nghiện rượu.

Làm việc trong môi trường tiếp xúc với thủy ngân thời gian 6 tháng phải được khám định kỳ, nếu phát hiện có các biểu hiện viêm loét miệng, run… phải xét nghiệm Hg niệu, nếu có biểu hiện nhiễm độc phải ngừng tiếp xúc, tổ chức điều trị và chuyển công việc.

Định kỳ đo môi trường xác định nồng độ thủy ngân trong không khí, để có các giải pháp phù hợp.