Tại sao nữ giới dễ nhiễm rối loạn cơ xương khớp? Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ họ?

18/08/2022 | 14:49 PM

 | 

 

Rối loạn cơ xương khớp (MSDs) có thể ảnh hưởng đến mọi thành phần người lao động, nhưng nữ giới nằm trong số những đối tượng đặc biệt tiếp xúc với một số yếu tố thể chất, tâm lý xã hội và tổ chức liên quan đến công việc gắn liền với rủi ro phát triển rối loạn cơ xương khớp. Tuy nhiên, có thể tiến hành nhiều hoạt động cải thiện điều kiện lao động cho phụ nữ bằng cách xem xét vấn đề giới trong các chính sách và chiến lược phòng ngừa an toàn và vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Tại sao phụ nữ đặc biệt dễ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ rối loạn cơ xương khớp?

Theo Khảo sát Điều kiện Làm việc Châu Âu (EWCS) năm 2015, thì 60% lao động nữ ở châu lục này được báo cáo mắc một hoặc nhiều triệu chứng rối loạn cơ xương khớp. Một tỷ lệ cao phụ nữ làm các công việc liên quan như ngồi lâu (62%), sử dụng máy tính (62%) và cử động tay hoặc cánh tay lặp đi lặp lại (62%) trong ít nhất một phần tư thời gian làm việc của họ - tất cả các yếu tố liên quan làm tăng nguy cơ phát triển rối loạn cơ xương khớp.

Ngoài ra, phụ nữ thường làm những công việc dễ tiếp xúc với các rủi ro kết hợp giữa thể chất, tâm lý xã hội và tổ chức, điều này có thể dẫn đến tỷ lệ mắc rối loạn cơ xương khớp cao hơn và các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Điều này đặc biệt đúng đối với các ngành trong đó phụ nữ phải tiếp xúc với bên thứ 3 (khách hàng, bệnh nhân, học sinh) như một phần công việc của họ. Ví dụ như chăm sóc sức khỏe và giáo dục, công tác xã hội, kinh doanh thương mại, các dịch vụ y tế và thực phẩm, dịch vụ dọn dẹp vệ sinh và các ngành thuộc lĩnh vực thứ 3 như bất động sản, du lịch, làm đẹp… và khu vực công. Ở hầu hết các ngành này, phụ nữ đặc biệt tiếp xúc với một số yếu tố rủi ro về tổ chức và tâm lý xã hội có thể dẫn đến rối loạn cơ xương khớp bao gồm:

* Phân biệt đối xử, bắt nạt, quấy rối và lạm dụng bằng lời nói;

* Thiếu cơ hội nghề nghiệp, chênh lệch về tiền lương;

* Xung đột trong công việc và cuộc sống, đặc biệt là đối với những người nội trợ;

* Ưu thế quan điểm của nam giới về bệnh nghề nghiệp và các vấn đề ATVSLĐ, bao gồm cả công tác phòng ngừa;

* Căng thẳng liên quan đến công việc và nhu cầu cảm xúc.

Lực lượng lao động đa dạng cần các giải pháp đa dạng

Lao động nữ tiếp xúc với các yếu tố rủi ro rối loạn cơ xương khớp gia tăng do thiết bị làm việc, dụng cụ và phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE) được thiết kế theo truyền thống dành cho kích thước và hình dạng cơ thể nam giới. Nếu phương tiện, trang thiết bị làm việc không đúng thiết kế hoặc được lắp đặt sai có thể dẫn đến tư thế làm việc không tốt, làm tăng nguy cơ mắc rối loạn cơ xương khớp.

Một cách hiệu quả để giải quyết vấn đề này là sử dụng đánh giá rủi ro nhạy cảm đa dạng có tính đến giới tính và được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của người lao động thực hiện nhiệm vụ hoặc vai trò. Thiết bị làm việc và tổ chức công việc phải luôn phù hợp với nhu cầu của người lao động, chứ không phải ngược lại.

Đào tạo và nâng cao nhận thức cũng hết sức cần thiết để cải thiện công tác an toàn tại nơi làm việc và sức khỏe cho phụ nữ. Tại Thụy Điển, Cơ quan Môi trường Lao động Thụy Điển (SWEA - Arbetsmiljöverket) đã đưa ra sáng kiến ​​nhằm giảm thiểu rủi ro cho phụ nữ khi mắc rối loạn cơ xương khớp. Theo sáng kiến ​​này, thanh tra lao động đã được đào tạo về lồng ghép vấn đề về giới vào thực tiễn hàng ngày của họ. Thanh tra các ngành nghề và nơi làm việc mục tiêu, tại đó nữ giới chiếm ưu thế và thanh tra bắt đầu thảo luận với người sử dụng lao động khi các biện pháp phòng ngừa rủi ro được phát hiện thấy không phù hợp. Mặc dù thành công, nhưng cũng cần thay đổi ở cấp độ chính trị để lồng ghép vấn đề về giới trong hoạch định chính sách và để phụ nữ tham gia vào quá trình ra quyết định.

Nơi làm việc lành mạnh cho tất cả mọi người

Việc tính đến giới tính là chìa khóa để tạo ra nơi làm việc lành mạnh và có hiệu quả, cũng như giảm mức độ phơi nhiễm thường xuyên có thể phòng ngừa của phụ nữ với các yếu tố nguy cơ rối loạn cơ xương khớp. Đảm bảo một nơi làm việc lành mạnh cho mọi người lao động cũng là một yêu cầu pháp lý, được quy định trong Chỉ thị Khung về ATVSLĐ của Liên minh Châu Âu, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh công việc cho phù hợp với từng cá nhân./.

Theo: Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động