TRIỂN KHAI MÔ HÌNH CHĂM SÓC CHẤN THƯƠNG

19/06/2008 | 05:00 AM

 | 

Ngày 27/3/2008, tại Nha Trang, tổ chức phi chính phủ Counterpart International (Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo công bố Dự án “Tăng cường Chăm sóc Chấn thương trước Nhập viện (CSCTTNV), Khánh Hoà, 2008-2010”

TRIỂN KHAI MÔ HÌNH CHĂM SÓC CHẤN THƯƠNG

TRƯỚC NHẬP VIỆN TOÀN DIỆN TẠI KHÁNH HOÀ

Ngày 27/3/2008, tại Nha Trang, tổ chức phi chính phủ Counterpart International (Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo công bố Dự án “Tăng cường Chăm sóc Chấn thương trước Nhập viện (CSCTTNV), Khánh Hoà, 2008-2010”. Theo các số liệu điều tra, thống kê về tai nạn thương tích (TNTT), hàng ngày tại Việt Nam có hơn mười nghìn thương tích cần phải điều trị về y tế. Trong khi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCTNTT một cách hiệu quả, việc đầu tư cải thiện hệ thống cấp cứu và điều trị chấn thương, đặc biệt là cấp cứu chấn thương trước nhập viện cũng là một ưu tiên quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Với điều kiện nguồn lực hạn chế ở các nước đang phát triển như Việt Nam, đầu tư vào hệ thống CSCTTNV là một giải pháp hợp lý về mặt chi phí, đồng thời hiệu quả trong việc giảm tử vong và biến chứng cũng như gánh nặng điều trị cho bệnh nhân chấn thương.

Được sự tài trợ của tổ chức Atlantic Philanthropies (AP), mô hình CSCTTNV toàn diện tại Khánh Hoà sẽ được Counterpart International tổ chức thực hiện tại Khánh Hoà từ tháng 4/2008 đến tháng 6/2010. Mô hình sẽ được triển khai được xây dựng theo mô hình CSCTNNV đa tầng (tiered) theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới trong Hướng dẫn về các Hệ thống CSCTTNV (Pre-hopsital Trauma Care – PHTC- Guidelines) xuất bản năm 2005. Theo đó, hệ thống CSCTTNV được tổ chức theo mô hình “tam giác”, gồm nhiều ‘tầng” , tương ứng với các cấp độ chăm sóc khác nhau.

Tầng thấp nhất: Sơ cấp cứu (First responder care) - được tạo thành bởi các sơ cứu viên, là tất cả các thành viên trong cộng đồng có hiểu biết và kiến thức để có thể gọi cấp cứu, bảo vệ hiện trường cũng như thực hiện các bước sơ cấp cứu ban đầu với người bị thương tích.

Tầng giữa: CSCTTNV cơ bản (Basic PHTC) - được thực hiện bởi các nhân viên y tế cơ sở cũng như các nhóm cộng đồng được đào tạo kỹ lưỡng và có thể tham gia SCC một cách thuần thục (VD: Tình nguyện viên chữ thập đỏ).

Tầng cao nhất: CSCTTNV chuyên sâu (Advanced PHTC) - được thực hiện bởi hệ thống cấp cứu 115 hoặc các phòng cấp cứu.

Việc tổ chức hệ thống CSCTTNV theo mô hình “tam giác”, “đa tầng” như trên góp phần giảm chi phí đầu tư quá lớn vào hệ thống chăm sóc chuyên sâu, trong khi vẫn đảm bảongười bị thương tích được tiếp cận và trợ giúp một cách sớm nhất. Một trong những yếu tố tiên quyết đảm bảo thành công của mô hình này là sự có mặt của một hệ thống điều hành cấp cứu tập trung, có khả năng huy động sự tham gia của các “tầng” trong hệ thống. Cụ thể, Dự án Tăng cường CSCTTNV do Counterpart thực hiện tại Khánh Hoà sẽ tập trung vào:

Tăng cường mạng lưới SCC tại cộng đồng: hỗ trợ nâng cao năng lực đào tạo SCC cho Hội chữ thập đỏ tỉnh; đào tạo SCC và tuyên truyền PCTNTT cho các nhóm cộng đồng mục tiêu (giáo viên, hướng dẫn viên du lịch, cứu hộ, xe ôm, tài xế taxi, vv) và thử nghiệm các mô hình vận chuyển cấp cứu tại cộng đồng như “Đội xe ôm an toàn” và “Đội taxi An toàn”.

Tăng cường CSCTTNV cơ bản: hỗ trợ nâng cao năng lực đào tạo CSCTNTNV cơ bản cho Trường trung học y tế tỉnh, đào tạo CSCTNTNV cho cán bộ y tế xã/phòng khám khu vực, trang bị và vận hành các chốt cấp cứu CSCTTNV gắn với các trạm y tế xã dọc các tuyến quốc lộ/điểm nóng TNTT.

Tăng cường CSCTTNV chuyên sâu: thành lập Trung tâm điều hành cấp cứu và đưa vào sử dụng số điện thoại 115 trên quy mô toàn tỉnh, tăng cường năng lực vận chuyển cấp cứu qua việc thành lập 2 trạm vệ tinh cấp cứu tại Cam Ranh và Ninh Hoà và tăng cường đào tạo cấp cứu chấn thương và trang bị cho các đơn vị tham gia hệ thống cấp cứu.

Dự án Tăng cường CSCTTNV tại Khánh Hoà là sự tiếp nối các nỗ lực của Counterpart nhằm tăng cường hệ thống cấp cứu y tế tại Việt Nam trong gần một thập kỷ qua. Từ năm 2001 đến nay, Counterpart đã hỗ trợ gần 3 triệu đô la Mỹ tiền mặt và hơn 2 triệu đô la đóng góp bằng trang thiết bị y tế để góp phần cải thiện đáng kế năng lực cấp cứu y tế của Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Khánh Hoà. Hy vọng Dự án Tăng cường CSCTTNV tại Khánh Hoà, 2008-2010 sẽ kế thừa được các kết quả và kinh nghiệm thực hiện dự án của Counterpart và xây dựng được một mô hình CSCTTVN toàn diện, hiệu quả về mặt chi phí và có khả năng nhân rộng tới các tỉnh, thành khác tại Việt Nam.

CN. Nguyễn Hoài Thu

Tổ chức Counterpart International