​Nâng cao kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh

07/08/2018 | 06:03 AM

 | 


Nhằm phòng tránh, giảm nhẹ khả năng bị tổn thương cho học sinh, thời gian qua, nhiều đơn vị trường học đã chủ động triển khai chương trình dạy học có lồng ghép, tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hoạt động ngoại khóa. Các đơn vị chức năng, chuyên môn nghiệp vụ cũng tích cực tham gia hỗ trợ, nhờ vậy chất lượng công tác giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích trong trường học ngày càng hiệu quả.



Chương trình giáo dục kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích trong nhà trường được các lực lượng có chuyên môn đảm nhiệm.

Trang bị kỹ năng toàn diện cho học sinh

Để cán bộ, giáo viên, học sinh có được những kỹ năng phòng tránh, xử lý trước các tình huống tai nạn rủi ro, thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều nội dung giáo dục, trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích. Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, năm học này, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh các tai nạn thương tích cho học sinh kể cả trong dịp hè. Trong đó, chú trọng giáo dục đạo đức và thể chất, kỹ năng xử lý tình huống, phòng tránh tai nạn thông qua việc tổ chức chương trình như học kỳ trong quân đội, bơi lội, vận động.

Thời gian qua, đồng loạt các trường học trên địa bàn TP Tam Kỳ tổ chức diễn tập, tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhằm trang bị các kỹ năng cơ bản PCCC cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh để cứu mình và người khác, bảo vệ tài sản khi có sự cố cháy xảy ra. Giáo viên, học sinh tham gia diễn tập với các tình huống giả định cháy ở phòng thiết bị của thư viện, ở phòng học, ở bếp bán trú và được cán bộ phụ trách (thuộc lực lượng CS PCCC) hướng dẫn quy trình cứu chữa một vụ cháy, cách thoát nạn, thực hành sử dụng bình, vòi chữa cháy, tổ chức cứu người bị nạn trong đám cháy.

"Công tác diễn tập, tập huấn nghiệp vụ PCCC ở trường học không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng PCCC cho cán bộ, giáo viên, nhân viên bảo vệ trường học, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, mà còn là dịp để các nhà trường tự kiểm tra rà soát kế hoạch, củng cố nhân lực, bổ sung phương tiện và xây dựng các phương án PCCC tại đơn vị mình; phát huy thật tốt trách nhiệm của Đội PCCC cơ sở, nhất là người đứng đầu và nhân viên bảo vệ trường học", ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ cho hay.

Nhân rộng các hoạt động giáo dục kỹ năng 

Trước nguy cơ tai nạn đuối nước, nhất là vào dịp học sinh nghỉ hè, ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cũng tích cực phối hợp Nhà văn hóa thiếu nhi tạo điều kiện cho các trường học trên địa bàn tổ chức dạy bơi, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước cho học sinh. Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Nhà văn hóa thiếu nhi TP Tam Kỳ - cho biết: Qua gần 2 năm thực hiện chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020, ngành GD-ĐT và Nhà văn hóa thiếu nhi TP Tam Kỳ đã phối hợp với các trường học tổ chức được 5 khóa học bơi với hơn 1.000 học sinh được phổ cập bơi. Đối với những trường có hồ bơi, nhà trường tự tổ chức phổ cập bơi cho học sinh. Riêng những trường học không có hồ bơi, Nhà văn hóa thiếu nhi đã tăng cường công tác phối hợp để thực hiện phổ cập, hiện nay đã thực hiện phổ cập bơi hoàn thành tại 5 điểm trường. Việc phổ cập bơi đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ các trường cũng như phụ huynh và học sinh. Thời gian tới, để công tác phổ cập bơi được triển khai đồng bộ trên địa bàn, Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với ngành GD-ĐT, các trường học tăng cường thực hiện tuyên truyền, tiến hành phổ cập bơi cho tất cả học sinh.

Cùng với công tác phổ cập bơi, thời gian qua, các trường học trên địa bàn TP Hội An, H. Đại Lộc, TX Điện Bàn còn thường xuyên tổ chức giáo dục trang bị kỹ năng sơ cấp cứu, thoát hiểm cho học sinh khi xảy ra các sự cố, tai nạn thương tích. Theo lãnh đạo phòng GD-ĐT các địa phương, những chương trình giáo dục này được thực hiện một cách linh hoạt, hiệu quả, tùy thuộc vào từng bậc học, lứa tuổi học sinh. Tham gia chương trình này, giáo viên, học sinh được cung cấp các thông tin, kỹ năng sơ cấp cứu và thoát hiểm trong các tình huống xảy ra sự cố nguy hiểm như tai nạn giao thông, điện giật, bỏng, xì khí gas, cháy, đuối nước… cùng các kỹ thuật định vị nạn nhân, cầm máu, hô hấp nhân tạo, kỹ năng băng bó vết thương, xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống như bong gân, gãy xương, hóc thức ăn - dị vật, đột qụy…

"Việc ứng phó với các trường hợp khẩn cấp thiên tai như sóng thần, lụt, bão lũ hay các tai nạn thương tích, rủi ro trong cuộc sống đang ngày càng trở nên quan trọng. Chính vì vậy, làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục, trang bị các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thời gian qua, bên cạnh tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, các cơ sở giáo dục ở Quảng Nam còn tổ chức các chương trình giáo dục, trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, kỹ năng sơ cấp cứu, thoát hiểm cho học sinh khi xảy ra các sự cố. Để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động này, Sở GD-ĐT còn chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị chức năng, chuyên môn tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, đặc biệt là giáo viên tổng phụ trách đội, bí thư đoàn trường, giáo viên thể dục. Đây là đội ngũ cốt cán, là những hạt nhân trong công tác giáo dục, trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, tai nạn rủi ro trong nhà trường và là những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng xã hội", ông Hà Thanh Quốc chia sẻ.