Đuối nước ở trẻ em: Những nỗi đau khôn nguôi

25/08/2018 | 00:11 AM

 | 


Trong giai đoạn 2015-2017, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tử vong do đuối nước ở trẻ em của nước ta cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một con số đáng buồn, để lại những nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và xã hội.

Tỷ lệ đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao nhất khu vực

Theo Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và người chưa thành niên do tai nạn thương tích tại Việt Nam. Chỉ một phút bất cẩn, chỉ là sự thiếu kiến thức, kỹ năng, thiếu ý thức, đuối nước có thể cướp đi sinh mạng của các em, để lại những nỗi đau khôn nguôi cho bao gia đình, cho xã hội sau này.

Đuối nước đã âm thầm cướp đi sinh mạng của 360 nghìn người mỗi năm trên toàn thế giới. 90% trong số này xảy ra ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Một nửa số trường hợp xảy ra ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Còn ở Việt Nam, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2015-2017, vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tử vong do đuối nước ở trẻ em ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Điều này ảnh hưởng đến quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền sống còn của trẻ.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nhận thức hạn chế của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Môi trường chung quanh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống đuối nước trẻ em. Hệ thống pháp lý liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện. Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, thể hiện sự liên kết của các ngành nhằm tăng cường nỗ lực chung để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em, với mục tiêu giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em, dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và tạo một môi trường an toàn cho trẻ em.

Với các nỗ lực của Việt Nam, tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm so với giai đoạn trước, tuy nhiên vẫn ở mức cao và vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em.

Vượt qua những thách thức

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nêu rõ, vẫn còn nhiều thách thức đối với Việt Nam để có thể hoàn thành mục tiêu của Chính phủ vào năm 2020. Đó là nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về loại tai nạn thương tích này với trẻ em chưa cải thiện nhiều. Môi trường xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Nhiều địa phương còn thiếu cơ sở vật chất và hướng dẫn viên dạy bơi,đặc biệt là các vùng nghèo, vùng miền núi khó khăn.

Nhằm giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan triển khai có hiệu quả Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và các biện pháp giám sát trẻ, trông trẻ tại gia đình, cộng đồng cũng sẽ được triển khai. Cơ quan này cũng phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức liên quan xây dựng mạng lưới phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Ngay trong năm nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg, WHO, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) triển khai Chương trình hợp tác về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam. Quy mô hợp tác sẽ bao gồm hai chương trình can thiệp. Thứ nhất, hỗ trợ các biện pháp bảo đảm trông giữ trẻ an toàn đặc biệt là trẻ dưới nămtuổi tại gia đình, cộng đồng. Thứ hai, dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ sáu tới 15 tuổi.

* Với ngân sách 2,4 triệu USD cho hai năm đầu tiên, hợp tác về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương và cộng đồng tại tám tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hoá, Đác Lắc, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Chương trình cũng sẽ mang lại lợi ích trong công tác phòng, chống đuối nước ở Việt Nam qua cải thiện năng lực của các đối tác quốc gia.​