Bến Tre: Tìm giải pháp cho an toàn trường học

12/08/2018 | 06:22 AM

 | 


Xây dựng môi trường an toàn trong trường học và giáo dục; trang bị cho học sinh các kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân là điều được các trường đặc biệt coi trọng và đau đầu tìm giải pháp, nhất là sau những sự việc xảy ra gần đây.

Giải pháp từ nhà trường

Nhận định đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ em là việc làm cấp thiết, nhiều cán bộ quản l‎ý cơ sở giáo dục không phủ nhận đâu đó còn tồn tại những yếu tố gây mất an toàn trong môi trường học đường.

Dẫn đến tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do từ tình hình tệ nạn xã hội phức tạp, luôn rình rập học đường, sẵn sàng tìm mọi cách để lôi kéo học sinh tham gia; việc xây dựng môi trường xã hội văn hóa, lành mạnh chưa thật sự hiệu quả; tác động mặt trái của những dịch vụ, sản phẩm văn hóa, CNTT khó ngăn chặn; phẩm chất, lối sống, giao tiếp, ứng xử của một số người lớn chưa gương mẫu, chuẩn mực.

Bên cạnh đó là sự thiếu sự quan tâm trong giáo dục, quản lý của gia đình đối với con cái. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội dù được quan tâm nhưng chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả; đặc biệt, chưa phát huy được vai trò của cha mẹ học sinh trong phát hiện, phối hợp với nhà trường để quản lý, giáo dục, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Chia sẻ giải pháp, cô Nguyễn Thị Tuyết Giang - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ, thành phố Bến Tre - cho rằng, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn trong trường học. Giáo dục học sinh nâng cao nhận thức về xây dựng trường học an toàn, rèn học sinh ý thức thực hiện tốt nội quy trường lớp, phòng chống các tai nạn thương tích. Giáo dục học sinh thực hiện tốt ATGT, tăng cường vận động và phối hợp tổ chức cho học sinh học bơi để phòng chống đuối nước.

Giáo viên chủ nhiệm phải quan tâm đến học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh, tính cách của từng đối tượng học sinh. Các thầy cô tuyệt đối không vi phạm đạo đức nhà giáo, phải luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Bên cạnh tổ chức các buổi ngoại khóa nhằm rèn kỹ năng sống, ý thức cho học sinh, trang bị đầy đủ các phương tiện y tế, phòng chống cháy nổ trong trường, thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm, nhà trường cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các hành vi bạo lực, xâm hại đối với học sinh.

“Ở Trường tiểu học Phú Thọ, ngoài các giải pháp trên, các thầy cô giáo cũng thường xuyên nhắc nhở học sinh giờ chơi không được đùa giỡn thái quá; yêu cầu các em nâng cao tinh thần giúp đỡ bạn khi bạn bị té ngã, thương tích, bị bệnh” – cô Nguyễn Thị Tuyết Giang chia sẻ thêm.

Tại Trường THCS Mỹ Hóa (Bến Tre), nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh đã được triển khai, như lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong chương trình giáo dục; chú trọng các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích đuối nước, cháy nổ, bạo lực học đường, an toàn giao thông…

Theo Phó hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Thanh Nguyên, để có môi trường giáo dục an toàn, Bộ GD&ĐT cần biên soạn chương trình giáo dục với kiến thức về bảo vệ trẻ em từ tiểu học tới THPT có các kỹ năng phù hợp lứa tuổi, để giúp các em hiểu và chủ động bảo vệ mình. Đảm bảo trẻ em từ mẫu giáo tới THPT được giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi, từ đó có thể chủ động bảo vệ mình và có ứng xử phù hợp trong tình huống bị quấy rối hay xâm hại.

Nhà trường cần có tư vấn thường xuyên của các chuyên gia hoạt động chuyên sâu về giới, tình dục, bảo vệ trẻ em và bạo lực học đường; đồng thời nhất thiết phải quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường các biện pháp nhằm phòng tránh tối đa các biểu hiện tiêu cực liên quan đến hành vi bạo hành, quấy rối, xâm hại, …

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền để học sinh hiểu và biết tự bảo vệ bản thân, phát hiện và kịp thời báo với người lớn để được hỗ trợ, giúp đỡ; phát huy tốt vai trò của bảo vệ trường học nhằm ngăn ngừa tối đa bạo lực học đường, quấy rối,…; chú trọng tăng cường các giải pháp trong công tác xây dựng trường học an toàn; thường xuyên quan tâm đền cảnh quan nhà trường.

Nhà trường cũng cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc quản lý, theo dõi, hỗ trợ học sinh, trang bị kỹ năng cho các em tốt hơn; phối hợp với chính quyền địa phương, công an, các ban ngành,….làm tốt tuyên truyền, vận động, xử lý kịp thời thời các hành vi không đúng…

Phát huy vai trò của học sinh trong ngăn chặn, tố giác tội phạm

Theo ông Nguyễn Văn Huấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - an toàn trong trường học là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Sở GD&ĐT đặc biệt quan tâm trong chỉ đạo các trường học thực hiện.

Với sự quan tâm trong chỉ đạo của Sở, các phòng GD&ĐT và việc tập trung triển khai của các trường học đối với việc đảm bảo an toàn trong trường học, nhìn chung, trong thời gian qua, an toàn trong các trường học trên địa bàn tỉnh được đảm bảo.

Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn cho học sinh như nói trên vẫn chưa đạt kết quả tuyệt đối như mong muốn, biểu hiện qua tình trạng vẫn còn một số vụ bạo lực học đường đánh nhau gây thương tích trong học sinh; còn một số học sinh sử dụng trái phép chất ma túy, chất gây nghiện; còn một số học sinh bị tai nạn đuối nước, đặc biệt trên địa bàn nông thôn có nhiều sông, rạch.

Chia sẻ các giải pháp thực hiện triển khai đảm bảo an toàn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Huấn cho biết, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường học phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể, các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn để triển khai quyết liệt biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả bạo lực học đường; xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh trong và ngoài nhà trường; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với gia đình học sinh để cùng quản lý, giáo dục, đảm bảo an toàn cho học sinh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp học sinh có dấu hiệu vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật, học sinh có nguy cơ mất an toàn…

Trong nhà trường, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh qua các hoạt động giáo dục chính khóa, ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh trong việc “nói không với hành vi bạo lực và tệ nạn xã hội”; phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tiếp tục tăng cường các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cần thiết cho học sinh, hướng dẫn cho các em biết cách giải quyết, ứng phó với các tình huống xấu khi gặp phải. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh với đặc thù tự nhiên là địa hình sông, nước, nên phải tăng cường trang bị cho học sinh kỹ năng phòng chống đuối nước qua triển khai tốt Đề án của UBND tỉnh về công tác phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, chú trọng công tác giáo dục với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt; tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, Đoàn, Đội, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, nhân viên của nhà trường với việc quản lý, giáo dục học sinh trong công tác đảm bảo an toàn trong trường học, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phòng ngừa bạo lực học đường; xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm, nhưng cũng có tình có lý để các em có cơ hội sửa sai và dần dần khắc phục khuyết điểm; đặc biệt xử lý nghiêm, công khai các trường hợp giáo viên, nhân viên nhà trường có hành vi bạo lực, xâm hại đối với học sinh.

“Phòng tránh bạo lực, quấy rối,… là trách nhiệm chung của tất cả các ban, ngành, đoàn thể chứ không chỉ là trách nhiệm riêng của nhà trường và đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt và mạnh mẽ, thực hiện một cách đồng bộ”​