Cao Bằng: Quan tâm phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em

15/09/2018 | 06:53 AM

 | 


Trước tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT) diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, gia đình và cộng đồng về các biện pháp phòng, chống TNTT cho trẻ em.

18.9.2018. Cao Bang.jpg
Tỉnh đoàn Thanh niên dạy bơi và cách phòng chống đuối nước cho trẻ em xã Phù Ngọc (Hà Quảng).

Nhiều người dân ở Thành phố vẫn còn bàng hoàng khi đầu tháng 7 vừa qua nghe tin hai em học sinh P.L.A, sinh năm 2005, tại phường Sông Hiến; P.Đ.G.H, sinh năm 2005, tại phường Hợp Giang cùng nhóm bạn rủ nhau lên khu vực sông Bằng Giang đoạn qua xóm Bó Mạ, xã Hưng Đạo (Thành phố) chơi, trong lúc rửa tay 2 em bị trượt chân ngã xuống sông, đuối nước tử vong. Bên cạnh tai nạn do đuối nước, trẻ em còn bị TNTT từ nhiều nguyên nhân như tai nạn giao thông, bỏng, trèo cây, bị động vật cắn… 

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có hơn 50 trẻ em nhập viện vì các TNTT, chủ yếu là bị ngã hay tai nạn giao thông. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có hơn 93.000 trẻ em dưới 16 tuổi. Năm 2017 có 1.758 trẻ em bị TNTT, tăng 971 trẻ so với năm 2016; số trẻ em bị tử vong là 15 trẻ, tăng 4 trẻ so với cùng kỳ. 6 tháng năm 2018, có 680 trẻ bị TNTT, có 4 trẻ tử vong, trong đó 3 trẻ tử vong do đuối nước. Nhận thức được tầm quan trọng của việc quan tâm phòng tránh TNTT cho trẻ, trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể liên quan bằng nhiều hình thức tổ chức, mô hình, cách làm nhằm nâng cao trách nhiệm và đảm bảo sự an toàn cho trẻ. 

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tô Phương Chi cho biết: Từ năm 2017 đến nay, nhiều huyện đã làm được bể bơi di động, bể bơi lắp ghép đặt tại các trường học, nhà văn hóa xã. Tỉnh đoàn chỉ đạo đoàn cơ sở tập trung chú trọng làm các bể bơi lắp ghép vì chi phí rẻ, chủ yếu tận dụng các nguyên liệu sẵn có như tre, gỗ, bạt… để làm, mỗi bể rộng khoảng hơn 10 - 20 m2 để các em vui chơi. Các huyện, Thành đoàn mỗi năm mở ít nhất một lớp dạy bơi phổ cập cho trẻ em, trung bình 25 - 50 em/lớp.

Những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống TNTT và lồng ghép với thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em hằng năm. Tổ chức tập huấn cho cán bộ, cộng tác viên, cha mẹ, trẻ em về kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích; các phương pháp sơ cứu thông thường khi xảy ra tai nạn, thương tích ở trẻ em; đưa nội dung này vào hoạt động ngoại khóa của các trường học. Hướng dẫn các huyện, Thành phố xây dựng các mô hình: “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”. Đến nay, có 658 trường học đạt tiêu chuẩn Ngôi trường an toàn; 8.434 hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn; 24 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn; 90% trẻ em biết các quy định về an toàn giao thông; 92% trẻ em biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước… 

Để công tác phòng, chống TNTT trẻ em đạt hiệu quả thiết thực hơn, các địa phương trong tỉnh cần tăng cường phối hợp tổ chức truyền thông về công tác phòng, chống TNTT trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở các lớp tập huấn về phòng, chống TNTT trẻ em để nâng cao kiến thức, kĩ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tuyên truyền, giáo dục trực quan qua bảng tin, pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, truyền thanh; thông qua các hoạt động ngoại khóa của trường học, các buổi nói chuyện, tọa đàm, sân khấu hóa để nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của công tác phòng, chống TNTT ở trẻ em.