Giảm tai nạn thương tích ở trẻ: Cần hành động cụ thể

17/10/2018 | 11:58 AM

 | 


Đánh giá việc triển khai Quyết định 234 Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Hồng Lan cho biết, công tác phòng, chống tai nạn thương tích vẫn còn gặp nhiều thách thức. Vẫn còn nhiều trẻ em bị mắc và tử vong do tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước và tai nạn giao thông.

Nhiều thách thức

Theo Bộ LĐTBXH, sau 2 năm triển khai Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em giai đoạn 2016-2020 các bộ, ngành, đoàn thể đã ban hành kế hoạch triển khai quyết định và quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí để triển khai hoạt động. Đặc biệt nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đã được các cơ quan Trung ương ban hành, yêu cầu các địa phương thường xuyên thực hiện, cũng như khi có các vấn đề đột xuất xảy ra trong năm như phòng ngừa đuối nước khi học sinh nghỉ hè, khi mùa mưa bão lũ. Cùng với đó, các địa phương đã triển khai tích cực công tác truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Tính đến tháng 6/2017, toàn quốc đã xây dựng được trên 1.600 mô hình tự quản bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và phòng, chống TNTT, đuối nước trẻ em. Riêng 4 tổ chức (Swim Vietnam, Hue Help, Water Safety Vietnam, Swim For Life) đã dạy bơi cho 45.460 trẻ em, giáo dục kiến thức an toàn dưới nước cho 109.500 trẻ em và đào tạo gần 2.400 giáo viên dạy an toàn dưới nước cho học sinh.

Cả nước có 699 bể bơi kiên cố, trong đó 59 bể bơi tiêu chuẩn. Các tỉnh, thành phố đã đầu tư xây dựng, lắp ghép các loại hình bể bơi đơn giản, trong đó có 179 bể bơi thông minh, 5.881 điểm ao hồ, sông ngòi được cải tạo để dạy bơi cho trẻ em, khắc phục tình trạng thiếu bể bơi, thực trạng đuối nước trên các địa bàn. Cùng với đó, tất cả các tỉnh, thành phố đã triển khai chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước. Nhiều địa phương đạt hiệu quả cao như Đà Nẵng, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Hà Nội...

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, công tác phòng, chống tai nạn thương tích vẫn còn gặp nhiều thách thức. Nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội còn hạn chế, môi trường xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em, vẫn còn nhiều trẻ em bị mắc và tử vong do tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước và tai nạn giao thông, vẫn còn nhiều trẻ em chưa biết bơi, chưa biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhiều địa phương còn thiếu giáo viên dạy bơi, thiếu bể bơi. Trong khi đó cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em còn thiếu và hạn chế. Nguồn kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em còn thiếu, chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác của các ngành, địa phương.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Thống kê của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế ) cũng cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi từ 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 43%), tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trên toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Cứ 100.000 trẻ sẽ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới.

Từ những con số trên cho thấy, để phấn đấu đến hết năm 2020 giảm 6% tỷ lệ trẻ em bị đuối nước so với năm 2015 mà Quyết định 234 đặt ra không dễ. Tại Hội thảo tổng kết 2 năm thực hiện Quyết định 234 do Bộ LĐTBXH tổ chức mới đây, ý kiến nhiều đại biểu cho rằng trong thời gian qua dù công tác truyền thông, giáo dục và vận động xã hội đã đóng vai trò quan trọng, góp phần thay đổi từ nhận thức đến hành vi song để hạn chế TNTT trẻ em cần các hành động cụ thể. Trong đó phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các cơ sở để đáp ứng nhu cầu học bơi, luyện tập cho các cháu.

Cùng với đó là ban hành các chính sách ưu tiên dạy bơi đối với thanh thiếu niên, trẻ em và miễn, giảm học phí đối với các em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hưởng chính sách trợ cấp xã hội thường xuyên, trẻ ở biên giới, hải đảo... Thực tế phân tích từ những nơi thường để xảy ra TNTT trẻ em cho thấy, vấn đề gốc rễ của thực trạng này là do các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa thật sự coi trọng việc phòng ngừa TNTT cho trẻ em, để cho môi trường sống và môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTT. Bên cạnh đó phải kể đến việc thiếu quan tâm tới các em từ chính người thân trong gia đình.   ​