Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ở Quảng Bình nhìn từ phòng chống đuối nước

30/08/2018 | 00:15 AM

 | 

 
 

             Thời gian vừa qua, mưa bão càn quét suốt từ Bắc tới Nam, nhưng thiệt hại nặng nề nhất vẫn là dải đất miền Trung nghèo khó, trong đó có Quảng Bình. Phòng chống tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ em, đặc biệt là phòng chống đuối nước luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh Quảng Bình, địa phương thường xuyên gặp bão lũ.

Là một tỉnh nằm ở phía Bắc Trung Bộ với gần 120km bờ biển, có hệ thống sông suối khá lớn với mật độ 0,8-1,1km/km2, thời gian qua tại Quảng Bình, TNTT trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là tai nạn đuối nước, đây cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu cho trẻ em. Từ tháng 1/2016 đến 12/2017, trên địa bàn tỉnh có 63 trẻ tử vong do TNTT, trong đó có đến 51 trẻ tử vong do đuối nước (năm 2016 có 29/35 trẻ và năm 2017 là 22/28 trẻ).

Nguyên nhân trẻ bị đuối nước

            Ngày 11/3/2017, em Trần Đức Hiếu sinh năm 2012 ở thôn Ông Chinh, Hóa Tiến, Minh Hóa đi ngang ao bị rơi xuống tử vong. Ngày 1/11/2017, tại Trường Mầm non Quảng Thọ, phường Quảng Thọ, huyện Bố Trạch, em Lê Văn Thanh Tùng sinh năm 2015 bị trượt chân ngã xuống hồ nước trước cổng trường dẫn đến tử vong…

            Những ca tử vong trên cho thấy đuối nước có thể xảy ra ở bất cứ gia đình nào. Chỉ một sơ suất, bất cẩn của người lớn, bài học có thể sẽ là tính mạng của một đứa trẻ.  

            Ở Quảng Bình, tình trạng tử vong do đuối nước ở trẻ em chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn, nơi có nhiều sông suối, ao hồ như huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Lệ Thủy… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trẻ em đuối nước trên địa bàn là do trình độ nhận thức, hiểu biết của gia đình và cộng đồng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em còn thấp; do thiếu sự quan tâm, giám sát trẻ của gia đình; do trẻ không biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; do môi trường nơi trẻ sinh sống không an toàn, nhiều nơi có ao, hồ, sông suối… nguy hiểm nhưng lại không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm; công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống TNTT đuối nước trẻ em của tỉnh đã được tiến hành nhưng chưa thường xuyên, liên tục; một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhà trường chưa quan tâm đúng mức về công tác phòng chống đuối nước trẻ em.

Truyền thông về phòng chống TNTT, tai nạn đuối nước ở trẻ em

30.8.2018. PCTNTT Quang Binh.jpg 
 
 

Dự án Swim For Life đã xây dựng các hồ bơi mini và dạy bơi miễn phí cho trẻ em Quảng Bình.  

            Hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT, đuối nước trẻ em cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng tại tỉnh Quảng Bình đã được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau như: 

            Tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, như báo địa phương, đài phát thanh, truyền hình, website… In tờ rơi, tờ gấp, xây dựng pano, áp phích…

            Lồng ghép nội dung phòng, chống TNTT, đuối nước trẻ em vào các cuộc họp, tập huấn, buổi sinh hoạt của các ngành, các cấp, các hội nghị, các cuộc giao ban liên quan đến trẻ em để tuyên truyền. 

            Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống TNTT, đuối nước trẻ em cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ cấp huyện, thị xã, thành phố đến thôn, bản, tổ dân phố; tập huấn cho phụ huynh và trẻ em về phòng, chống TNTT trẻ em… nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành cũng như người dân về cách phòng, chống TNTT, đuối nước cho trẻ em, trong đó đặc biệt quan tâm đến các vùng có địa hình nhiều sông, suối, ao, hồ…

            Tổ chức tuyên truyền về xây dựng tiêu chí Ngôi nhà an toàn theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, đặc biệt ở các vùng trọng điểm, vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số. Hướng dẫn các gia đình biết cách làm cho Ngôi nhà của mình an toàn hơn cho con em mình.

            Rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời; tổ chức cho trẻ em học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Phối hợp với các ngành, địa phương trong phòng chống TNTT và đuối nước cho trẻ em

            Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình chủ trì, phối hợp và hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch 584/KH-UBND và phối hợp với các ngành triển khai các chương trình, dự án liên quan đến phòng chống TNTT trẻ em, đặc biệt là phòng chống đuối nước, thực hiện kiểm tra, giám sát, thu thập thông tin số liệu về TNTT trẻ em tại địa phương trong hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em của Bộ LĐTBXH.

            Sở LĐTBXH tổ chức, hướng dẫn cho các địa phương đăng ký và thực hiện mô hình Xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em; xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng chống TNTT trẻ em; phối hợp với ngành y tế triển khai Cộng đồng an toàn phòng, chống TNTT trẻ em nhằm loại bỏ nguy cơ gây TNTT, gây đuối nước ở trẻ em, nâng cao nhận thức cho mọi người dân, cộng đồng về phòng chống đuối nước trẻ em, đảm bảo sự an toàn của trẻ tại cộng đồng. 

            Sở phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động về phòng, chống đuối nước cho trẻ em: tổ chức các lớp dạy bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; đặt biển báo nguy hiểm, làm rào chắn tại các địa điểm, khu vực thường xuyên xảy ra đuối nước và có nguy cơ xảy ra đuối nước; hỗ trợ thuyền đưa đón các em qua sông, cấp phát áo phao, cặp phao cho trẻ em ở các vùng có tham gia giao thông đường thủy…

            Phối hợp với Sở GD-ĐT tuyên truyền về xây dựng Trường học an toàn phòng chống TNTT trong nhà trường. Tuyên truyền giáo dục học sinh về kỹ năng phòng chống TNTT, đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, xây dựng trường học an toàn, thân thiện.

            Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng thí điểm, nhân rộng mô hình An toàn giao thông cho trẻ em tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS. Tổ chức hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông, việc sơ cứu, cấp cứu… cho học sinh; tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân; hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị an toàn khi tham gia giao thông đường thủy cho trẻ em, cấp phát mũ bảo hiểm, áo phao cho trẻ em.

            Sở GD-ĐT phối hợp với Dự án bơi an toàn cho trẻ em (Swim for life) thuộc Tổ chức nhân đạo Gold West triển khai các hoạt động dạy bơi an toàn cho trẻ, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy bơi cho trẻ em, tổ chức “Ngày hội truyền thông bơi an toàn và phòng chống đuối nước cho trẻ em”… 

            Với các biện pháp trên, hy vọng trong thời gian tới công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em ở Quảng Bình sẽ chuyển biến tích cực, tình trạng đuối nước của trẻ em sẽ giãm đáng kể…