Hội thảo đánh giá thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020

15/09/2018 | 06:48 AM

 | 

 
 

Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và người chưa thành niên. Vấn nạn này hàng ngày đã cướp đi mạng sống của nhiều trẻ em cũng như để lại hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sự sống còn, phát triển của trẻ em.

Chính vì vậy, công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em luôn được sự quan tâm của Chính phủ, của các cấp, các ngành. Luật trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Ngày 5/2/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình đã thể hiện sự liên kết của các ngành nhằm tăng cường nỗ lực chung để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong đó có phòng, chống đuối nước trẻ em.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đến thời điểm này, cả nước đã kết thúc 2 năm thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị bước sang năm thứ 3 thực hiện Quyết định.

Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã có nhiều thành công trong công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, như: triển khai tích cực công tác truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên toàn quốc. Việc triển khai tốt đã tác động tích cực đến sự quan tâm nhận thức của xã hội đối với việc phòng, chống tai nạn thương tích giảm tử vong cho trẻ em.

Nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đã được các cơ quan Trung ương ban hành, yêu cầu các địa phương thường xuyên thực hiện, cũng như khi có các vấn đề đột xuất xảy trong năm như phòng ngừa đuối nước khi học sinh nghỉ hè, khi mùa mưa bão lũ.

16.9.2018. Hoi thao.gif 
 
 

Ký kết Kế hoạch liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em từ nay đến năm 2020

Đặc biệt, các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định và quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí để triển khai hoạt động. Các mục tiêu của Quyết định bước đầu đạt được, tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích đã có chiều hướng giảm.

Việc xây dựng môi trường an toàn tại gia đình, trường học, cộng đồng tiếp tục được các Bộ ngành chỉ đạo triển khai; việc dạy bơi và dạy kỹ năng an toàn cho trẻ được triển khai tại nhiều địa phương với sự than gia của cộng đồng và các tổ chức quốc tế; tăng cường các cuộc kiểm tra, giám sát liên ngành về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, kịp thời động viên thăm hỏi và hỗ trợ trẻ và gia đình khi có tai nạn xảy ra.

Cả nước đã tạo được sự phối hợp liên ngành chặt chẽ trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác phòng, chống tai nạn thương tích vẫn còn gặp nhiều thách thức. Nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội còn hạn chế, môi trường xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em, vẫn còn nhiều trẻ em bị mắc và tử vong do tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước và tai nạn giao thông, vẫn còn nhiều trẻ em chưa biết bơi, chưa biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhiều địa phương còn thiếu giáo viên dạy bơi, thiếu bể bơi.

Môi trường vẫn còn tiểm ẩn các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em nhiều nơi nguy hiểm không có biển báo, không có chỉ dẫn, không có biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em. Thiếu ý thức chấp hành các quy định an toàn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Việc sử dụng các trang thiết bị an toàn còn hạn chế như các thiết bị báo cháy, ghế ngồi dành riêng cho trẻ nhỏ, sử dụng mũ bảo hiểm khi đi xe máy, sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.

Cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em còn thiếu và hạn chế. Nguồn kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em còn thiếu, chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác của các ngành, địa phương.

Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, trong giai đoạn tới đây, Bộ LĐ – TBXH sẽ cùng tổ chức Y tế thế giới và UNICEF tiếp tục xây dựng một mạng lưới phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Vì vậy, “tại Hội thảo này, tôi mong muốn chúng ta sẽ chia sẽ kinh nghiệm triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích của các Bộ ngành, địa phương các tổ chức quốc tế. Chúng ta sẽ cùng nhau đưa ra các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, thách thức trong việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; thảo luận việc tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và phòng, chống đuối nước trẻ em”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Cũng tại Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết Kế hoạch liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em từ nay đến năm 2020 giữa các Bộ, ngành liên quan.