Quảng trị: Tăng cường phòng chống tai nạn thương tích trong mùa hè

02/09/2018 | 07:03 AM

 | 

Mùa hè là quãng thời gian mà các em học sinh được vui chơi thỏa thích sau một năm học. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm khiến các bậc phụ huynh phải lo lắng đối với sự an toàn của con em mình, bởi nguy cơ các vụ tai nạn thương tích, nhất là đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu.


Tai nạn thương tích là vấn đề sức khỏe cộng đồng ngày càng có chiều hướng gia tăng, phát triển trên phạm vi toàn cầu và đáng lo ngại cho con người. Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có hơn 380 vụ tai nạn thương tích ở trẻ dưới 14 tuổi, trong đó có 9 vụ tai nạn đuối nước khiến 4 trẻ em tử vong thương tâm. Bên cạnh đó, một vấn đề đáng lo ngại nữa đang được đặt ra là những trường hợp bị tai nạn thương tích mặc dù không dẫn đến tử vong, nhưng phải điều trị, chăm sóc lâu dài và đây chính là gánh nặng khổng lồ mà hệ thống y tế cũng như các gia đình, cộng đồng và xã hội đang phải gánh chịu. Vì vậy việc nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về tai nạn thương tích là một việc làm hết sức cấp bách, thiết thực để góp phần hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong.

Truyền thông phòng chống TNTT tại cộng đồng

Thời gian qua, công tác phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ trên địa bàn tỉnh ta nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn còn phải đối mặt với không ít thách thức, bởi nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn luôn rình rập và xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu do các em đang ở lứa tuổi rất hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và khả năng bảo vệ bản thân chưa được hình thành. Tùy theo từng độ tuổi, nguy cơ tai nạn cũng khác nhau. Đôi khi, chính căn nhà trong mỗi gia đình lại là một môi trường không an toàn cho trẻ vì có quá nhiều đồ đạc, vật dụng cá nhân, vật nhọn, đồ điện, phích nước nên chỉ cần người lớn sơ suất, không để ý thì trẻ có thể bị điện giật, bỏng, tai nạn giao thông…

Trong khi đó, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tích ở trẻ thời gian qua hầu hết là do cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn lơ là, tâm lý chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng và sự quan tâm giám sát để trẻ tự do tìm đến sông, suối, ao hồ đùa nghịch, tắm mà không có sự giám sát của người lớn; các sân chơi, điểm sinh hoạt hè an toàn cho trẻ thiếu thốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Hơn nữa, Quảng Trị là tỉnh có bờ biển trải dài với nhiều bãi tắm, hệ thống sông ngòi, ao hồ chằng chịt, nhiều nơi nước sâu nguy hiểm nhưng chưa có biển báo, rào chắn; một số đơn vị thi công các công trình còn bất cẩn, thiếu trách nhiệm khi không làm hàng rào, biển cảnh báo gần khu vực hố sâu nguy hiểm nên đã để xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý, thậm chí dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho trẻ sau này.

Xác định vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong mùa hè. Vì vậy, thời gian qua ngành Y tế đã tăng cường đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước cho trẻ em; Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể tổ chức các lớp tập bơi; Tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn đuối nước cho học sinh và người dân; Thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các gia đình, bậc phụ huynh quan tâm, giám sát con em mình, cũng như tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để đặt biển cảnh báo và có biện pháp chủ động phòng ngừa; Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình tiêu biểu như cộng đồng an toàn, trường học an toàn, ngôi nhà an toàn nhằm mục đích giảm thiểu đến mức thấp nhất các nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ em. Song song với đó, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn cũng triển khai nhiều hoạt động hè, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh nhằm thu hút đông đảo các em tham gia, đồng thời lắp đặt các biển báo nguy hiểm, xây dựng tường rào tại các trường học, cải tạo hệ thống điện trong các hộ gia đình.

Có thể nói, tai nạn thương tích luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào đối với trẻ em. Bởi vậy đòi hỏi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường nhằm xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Mặt khác, cần tạo ra sân chơi an toàn, cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh để cảnh giác, quan tâm đến con em mình nhiều hơn, qua đó góp phần hạn chế xảy ra những vụ việc đau lòng đối với trẻ em như thời gian qua.​