NGHỊ ĐỊNH SỐ 144/2013/NĐ-CP QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ BẢO TRỢ, CỨU TRỢ XÃ HỘI VÀ BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM

02/06/2014 | 05:00 AM

 | 

Ngày 29/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm. Ngoài phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải thực hiện các hình thức xử phạt bổ sung và có các biện pháp khắc phục hậu quả đã gây ra.

Đối với những vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội, mức phạt cụ thể như sau: mức phạt tối đa cho vi phạm về hồ sơ hưởng chính sách bảo trợ, cứu trợ xã hội là 3 triệu đồng; Vi phạm về trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội về hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội, mức phạt tối đa là 10 triệu đồng; Vi phạm quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ chi trả trợ cấp bị phạt tối đa là 5 triệu đồng; Vi phạm quy định về quản lý tiền, hàng cứu trợ bị phạt tối đa là 10 triệu đồng; Các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật, cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật, cản trở quyền nuôi con của người khuyết tật bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng; Hành vi xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khuyết tật; xâm hại tài sản, quyền và lợi ích của người khuyết tật bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng; Phạt từ 10 - 15 triệu đồng nếu lợi dụng người khuyết tật, tổ chức khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Nghị định cũng quy định mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm khác đối với người khuyết tật như: vi phạm quy định về hỗ trợ hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông dành cho người khuyết tật; vi phạm quy định về xác định mức độ khuyết tật; vi phạm quy định về tham gia giao thông của người khuyết tật, người cao tuổi; vi phạm quy định trách nhiệm về lao động, việc làm của người sử dụng lao động đối với người khuyết tật…

Đối với những vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Nghị định quy định mức phạt cụ thể như sau: Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng nếu thu tiền khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi trái quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em theo quy định hoặc trong trường hợp cấp cứu; bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ nhà đi lang thang dưới mọi hình thức. Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng nếu cha, mẹ, người giám hộ ép buộc trẻ em đi lang thang kiếm sống, lợi dụng trẻ em để trục lợi. Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi đưa hình ảnh của trẻ em vào sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung khiêu dâm, bạo lực, kinh dị. Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng nếu xâm hại thân thể, gây tổn hại sức khỏe đối với trẻ em; tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.

Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt đối với các hành vi khác như: vi phạm quy định về cấm cản trở quyền học tập của trẻ em; vi phạm quy định về cấm lăng nhục, chửi mắng, bắt làm những việc có tính chất xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em; vi phạm quy định về không đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh, giao thông vận tải dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ em…

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng được quy định cụ thể trong Nghị định này.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013 thay thế Nghị định số 91/2011/NĐ-CP, ngày 17/10/2010 của Chính phủ.

Thông tin chi tiết về Nghị định xin mời truy cập trang Phòng chống tai nạn thương tích trên Website của Bộ Y tế: http//moh.gov.vn