QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ PHÊ DUYỆT

19/06/2008 | 05:00 AM

 | 

Ngày 28/4/2008, Quyết định số 17/QĐ-BYT được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt về Chương trình hành động phòng,

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ PHÊ DUYỆT

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TẠI CỘNG ĐỒNG ĐẾN NĂM 2010

 

Ngày 28/4/2008, Quyết định số 17/QĐ-BYT được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt về Chương trình hành động phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng đến năm 2010. Quyết định này là căn cứ pháp lý quan trọng để thúc đẩy và duy trì bền vững những hoạt động, kết quả triển khai Chính sách quốc gia Phòng chống tai nạn thương tích năm 2002-2010 trong ngành y tế. Thời gian thực hiện chương trình hành động từ năm 2007-2010 trên phạm vi toàn quốc.

Mục tiêu chung của chương trình hành động là: “Nâng cao năng lực phòng, chống tai nạn, thương tích nhằm giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích trong cộng đồng”. Theo đó, năm mục tiêu cụ thể là:

-Trên 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích;

-Trên 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hệ thống giám sát tai nạn, thương tích;

-30% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thiết lập mạng lưới cấp cứu và vận chuyển cấp cứu tai nạn, thương tích, cơ sở y tế các tuyến được trang bị theo quy định của Bộ Y tế;

-30% các cán bộ làm công tác phòng chống tai nạn, thương tích tại các tuyến được đào tạo và đào tạo lại về kiến thức và kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích;

-Trên 50% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai các mô hình an toàn tại cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu trên, 05 nhóm nội dung hoạt động được xây dựng bao gồm:

a)Tổ chức các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng về phòng, chống tai nạn, thương tích trên phạm vi 64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b)Xây dựng hệ thống giám sát tai nạn, thương tích;

c)Xây dựng mạng lưới và nâng cao năng lực sơ cứu, cấp cứu của các tuyến;

d)Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng chống tai nạn thương tích các tuyến;

e)Triển khai các mô hình an toàn tại cộng đồng.

Về tổ chức thực hiện, Cục Y tế dự phòng và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc tổ chức triển khai chương trình, như xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích ngắn hạn, dài hạn của ngành; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch, tuyên truyền hàng năm; rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng biểu mẫu, nâng cao chất lượng ghi chép thống kê, báo cáo thương tích tại cơ sở y tế theo quy định; xây dựng các mô hình an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích tại cộng đồng...

Ngoài ra, Quyết định cũng đề cập rõ trách nhiệm cụ thể của các đơn vị như Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Vụ Kế hoạch – Tài chính, các vụ viện thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các cấp trong tổ chức, chỉ đạo và triển khai chương trình. Đối với Sở Y tế các tỉnh và thành phố, bên cạnh việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch họat động, củng cố hệ thống báo cáo và giám sát tai nạn thương tích, cần tiến hành khám sức khỏe định kỳ và tổ chức tập huấn kiến thức, kĩ năng phòng chống tai nạn thương tích cho cán bộ cơ quan, xí nghiệp, trường hợp, đồng thời lồng ghép tiêu chuẩn kiểm tra sức khỏe đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông cơ giới.

Đối với trách nhiệm Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, cần thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn với sự tham gia của các ban ngành địa phương, chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động và phân bổ kinh phí thực hiện tại địa phương.