Thực hiện bình đẳng giới để giải quyết tận gốc mất cân bằng giới tính khi sinh

29/08/2018 | 00:35 AM

 | 

Nếu không có giải pháp cụ thể thì chúng ta sẽ mãi loanh quanh, luẩn quẩn trong câu chuyện “trọng nam khinh nữ”.


Thực tế, phụ nữ luôn bị coi là thứ hai, đứng sau nam giới. Đến bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới và người dân nhận thức được rằng, đẻ con gái cũng tốt như đẻ con trai, lúc ấy có lẽ tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) mới được giải quyết”, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhấn mạnh.

Bất bình đẳng giới vẫn diễn ra phổ biến

Theo Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người. Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các hoạt động của gia đình, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng như quyền quyết định số con, khoảng cách sinh, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái…Tuy nhiên, hiện nay, bất bình đẳng giới vẫn đang diễn ra từ gia đình đến cộng đồng và được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng MCBGTKS.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội – người đã có nhiều năm nghiên cứu về bình đẳng giới cho biết: Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc coi việc lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh là một trong những dạng bạo lực giới rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều cặp vợ chồng vẫn tìm mọi cách để đẻ con trai cho bằng được và vấn đề nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn đang tiếp tục xảy ra.

Bằng chứng cụ thể, đến hết năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn ở mức 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái. Có những nơi tỷ số giới tính khi sinh rất cao, lên đến trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Thậm chí có những xã, số bé trai sinh ra gấp đôi so với số bé gái. Điều này dẫn đến rất nhiều hệ lụy đáng tiếc về sau.

Hiện tại, dù Chính phủ, các cơ quan, ban ngành đã có những chương trình, dự án, hoạt động truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân cũng như việc cấm và sẽ xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tổ chức thông báo giới tính của thai nhi trong quá trình khám thai, tuy nhiên, thực trạng MCBGTKS vẫn đang có xu hướng gia tăng. Lý giải về điều này, TS Khuất Thu Hồng cho rằng: “Chúng ta vẫn còn rất nhiều vướng mắc trong việc giải quyết tình trạng MCBGTKS, vướng trong nhận thức, quan niệm của người dân và cả trong luật pháp quy định về vấn đề này”.

Theo TS Khuất Thu Hồng, vướng trong quan niệm, nhận thức biểu hiện ở chỗ, nhiều gia đình luôn nghĩ: “Chỉ có con trai mới là người được thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường”; “Phải có con trai mới là người thành đạt”; “Con gái là con người ta”... Chính những quan niệm như vậy đã “thôi thúc” nhiều gia đình phải cố đẻ con trai cho bằng được. Bên cạnh đó, luật pháp, chính sách an sinh xã hội của nước ta vẫn còn dựa rất nhiều trên những thực hành truyền thống như bố mẹ già phải sống với con trai cả. Mặt khác, những hỗ trợ cho người già vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc họ phải sống phụ thuộc vào con trai. Một vấn đề nữa, việc xử phạt những cá nhân, đơn vị tiết lộ giới tính thai nhi cũng còn nan giải, bởi lẽ, họ có rất nhiều cách “lách luật” để thông báo “ngầm” về giới tính thai nhi mà cơ quan chức năng rất khó có thể kiểm tra và xử phạt.

Trao quyền, vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái

TS Khuất Thu Hồng cho biết: “Mỗi cá nhân chưa ý thức được rằng, hành động lựa chọn giới tính thai nhi của mình sẽ tạo nên những hiểm họa cho cả quốc gia, dân tộc lớn như thế nào. Chính điều này khiến câu chuyện về vài triệu đàn ông không có khả năng tìm bạn đời, rồi câu chuyện về bạo lực tình dục, mại dâm sẽ trở nên ngày càng khó đối phó hơn trong một xã hội thừa ra một lượng nam giới trong độ tuổi sinh đẻ lớn đến như vậy”.

Trên thực tế, những câu chuyện về việc phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam bị bắt cóc, bị bán sang Trung Quốc chính là những cảnh báo nhãn tiền về hệ lụy của tình trạng MCBGTKS. Bên cạnh đó, những vụ bạo lực trong mỗi gia đình liên quan đến việc phải đẻ con trai vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại nhiều nơi trên khắp cả nước. Theo đó, nhiều ông chồng suốt ngày chửi bới, mỉa mai, đánh đập vợ về việc không sinh được con trai. Rồi những người vợ phải chịu muôn vàn áp lực từ phía chồng cũng như gia đình nhà chồng, nào là áp lực khiến cho người vợ phải đồng ý cho người chồng đi “tìm kiếm” con trai chỗ này, chỗ kia; áp lực khiến người phụ nữ phải bỏ đi để cho anh chồng đi lấy người vợ khác cho đến việc phải chịu đựng để chồng ngang nhiên đi cặp bồ để có con trai.

Trong đó, việc gây sức ép để người vợ phải mang thai rồi phá thai hết lần này đến lần khác cho đến khi nào đẻ được con trai thì thôi là một trong những dạng bạo lực gia đình khủng khiếp nhất. Điều này làm tổn hại rất lớn đến sức khỏe cả về thể chất, tinh thần lẫn tâm lý, tình cảm của người phụ nữ ở thực tại cũng như cuộc sống sau này. Tuy nhiên, theo TS Khuất Thu Hồng, hiện nay, những điều như vậy lại chưa được đề cập nhiều. “Nghĩ đến tương lai, chúng ta phải bắt đầu nói đến những câu chuyện ấy một cách mạnh mẽ hơn nữa. Từ báo chí, các tổ chức xã hội cho đến các cơ quan chức năng khi tuyên truyền, bàn luận về vấn đề MCBGTKS, cần đề cập sâu hơn về những hệ lụy mà người phụ nữ phải gánh chịu ở thực tại cũng như ở tương lai sắp tới”, TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Để nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, TS Khuất Thu Hồng cho rằng, các cơ quan, tổ chức, ban ngành cần quyết liệt hơn nữa trong việc thay đổi nhận thức của người dân, làm cho họ hiểu con gái cũng có thể thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động của xã hội nhiều hơn để các gia đình thấy được đẻ con gái cũng vẻ vang, tuyệt vời như đẻ con trai, thậm chí còn hơn đẻ con trai. Ngoài ra, cần xây dựng các chương trình truyền thông, khung pháp lý thực sự đi sâu vào cuộc sống của người dân. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi khá toàn diện chứ không phải là thay đổi một lĩnh vực. Đây không phải là chuyện của cá nhân mà của cả cộng đồng.

Cũng theo TS Khuất Thu Hồng, chính Trung Quốc đã và đang phải trả một cái giá rất đắt bằng việc nam giới nước này rất khó có thể tìm được bạn đời để kết hôn. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân nước này vẫn ưa thích và muốn đẻ con trai. Nói như thế để thấy rằng, công cuộc thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ” là một thách thức rất lớn, không thể thực hiện trong ngày một ngày hai được. Đối với Việt Nam cũng vậy, nếu chúng ta không chịu đầu tư tâm trí, công sức, tiền bạc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thay đổi nhận thức của người dân để đẩy lùi tình trạng MCBGTKS sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chính chúng ta sẽ đi vào “vết xe đổ” của Trung Quốc khi con cái của chúng ta rơi vào tình trạng không thể tìm được người bạn đời của mình.

Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu quan điểm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, phấn đấu đến năm 2030, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức dưới 109 bé trai/100 bé gái, nhất là đối với những vùng có tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức cao.


Thăm dò ý kiến